Diễn biến tại Afghanistan có thể nói nhanh đến mức không tưởng, khi chỉ mới cách đây 4 ngày, tình báo Mỹ còn tự tin rằng, Kabul có thể thất thủ trong 90 ngày tới. Nhưng hóa ra là chưa đầy 90 giờ. Cũng vậy, cách đây hơn 1 tháng, Joe Biden từng khẳng định rằng, việc Taliban tiếp quản là “rất khó xảy ra”. Nhưng thực tế luôn là câu trả lời phũ phàng nhất.
Khi sự tự tin trở nên thái quá
Ngày 10/8, Tổng thống Joe Biden tuyên bố: "Chúng tôi đã chi hơn 1.000 tỉ USD trong hơn 20 năm. Chúng tôi đã huấn luyện và chu cấp các khí tài hiện đại cho hơn 300.000 binh sĩ Afghanistan. Các lãnh đạo Afghanistan phải đoàn kết. Họ phải chiến đấu cho chính họ, cho đất nước họ".
Thật mỉa mai. Reuters đưa tin rằng Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul, và ông được cho là đang ở Tajikistan.
Một lần nữa lịch sử đã lặp lại, tái hiện một khoảnh khắc Sài Gòn 1975 vào Chủ nhật (15/8) khi Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul của Afghanistan với tốc độ thần tốc.
Nhóm phiến quân này đã tiến vào thủ đô Kabul mà gần như không gặp phải sự kháng cự nào từ lực lượng quân đội của chính phủ được Mỹ trang bị tận răng, và gây ra một khung cảnh hỗn loạn bởi các cuộc không vận hối hả đưa các nhà ngoại giao và thường dân phương Tây rời khỏi Afghanistan.
Quân đội Mỹ đã tiếp quản không phận ở sân bay quốc tế Kabul và ưu tiên bảo vệ sân bay này để sơ tán nhân viên đại sứ quán. Trước đó, Taliban đã nắm quyền kiểm soát căn cứ không quân Bagram và đã phóng thích hàng nghìn tù nhân tại nhà tù chính Pul-e-Charkhi ở Kabul.
Trong khi đó, không khí tại thủ đô Kabul cực kỳ hỗn loạn. Máy bay trực thăng CH-47 Chinook và UH-60 Black Hawk lượn suốt cả ngày để sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ, và một số nước phương Tây khác cũng vội vã điều máy bay đưa nhân viên của mình thoát khỏi Afghanistan.
Bên dưới họ là một thành phố nghẽn tắc và các bùng binh bị kẹt cứng bởi những chiếc xe ô tô chở đầy thường dân Afghanistan cũng đang hướng tới sân bay và tìm mọi cách để được tiếp cận vào bên trong. (Xem video).
Nhiều dân thường lo ngại sự tàn bạo của Taliban đã vội vã rời khỏi đất nước. Họ chờ đợi hàng giờ tại các máy ATM để rút tiền. Những ai chạy khỏi các vùng nông thôn tới thủ đô lánh nạn hiện bị mắc kẹt trong các công viên và khu vực công cộng.
Thời điểm này, Nhà Trắng còn đang mải bận giải quyết sơ tán các nhà ngoại giao từ đại sứ quán Mỹ Kabul đến sân bay, và có lẽ cũng chẳng còn tâm trí nào để cảm nhận rõ rệt rằng, chính quyền Joe Biden đang gieo rắc nỗi nhục trên trường quốc tế. Và đối thủ chính của Mỹ là Trung Quốc, hiện đang rung đùi chờ Mỹ rút lẹ để nhào vô.
Sau khi tiến vào ngoại ô Kabul "từ mọi hướng", Taliban cam kết "không dùng vũ lực" để chiếm thành phố này hay đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen sau đó tuyên bố với đài Al-Jazeera rằng các tay súng của họ đang chờ đợi "một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình... vô điều kiện".
Bất chấp những lời hứa của Taliban về một quá trình chuyển đổi hòa bình, tiếng súng đã nổ ra ở trung tâm Kabul vào rạng sáng 15/8. Các quan chức Mỹ thông báo về tiếng súng gần sân bay ở Kabul ngày 15/8 và kêu gọi dân thường ngừng đổ đến sân bay.
Sau đó, các nhà chức trách tuyên bố đóng cửa sân bay đối với các chuyến bay thương mại, đồng nghĩa với việc một trong những con đường để dân thường khốn khổ thoát khỏi Afghanistan, cuối cùng đã khép lại.
Trump kêu gọi Biden "Từ chức”
Cựu Tổng thống Trump hôm 15/8 cho rằng đã đến lúc Tổng thống Joe Biden phải từ chức vì về cách xử lý thảm hại của chính quyền ông đối với việc rút quân ồ ạt khỏi Afghanistan, cùng với "sự gia tăng khủng khiếp các ca mắc Covid-19, thảm họa biên giới, các chính sách về năng lượng và kinh tế trì trệ".
Tuyên bố có đoạn:
“Đã đến lúc Joe Biden phải từ chức trong sự hổ thẹn vì những gì ông ấy đã để xảy ra với Afghanistan, cùng với sự gia tăng khủng khiếp về COVID, thảm họa Biên giới, việc phá hủy sự độc lập về năng lượng và nền kinh tế đang bị tê liệt của đất nước chúng ta.”
Vài giờ trước khi kêu gọi ông Biden từ chức, ông Trump đã gọi chính sách Afghanistan của chính quyền đương nhiệm và kết quả của chính sách này là một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trước đó 1 ngày, Tổng thống Donald Trump cũng đã chỉ trích Tổng thống Joe Biden khi nói rằng, “Biden lần nào cũng quyết định sai về chính sách đối ngoại” và do đó, Taliban không còn sợ hãi hay tôn trọng nước Mỹ nữa.
Cựu tổng thống đề cập: "Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng của Obama, Robert Gates, cũng nói nhiều như vậy". Ông lưu ý rằng Biden đã “rút quân khỏi Afghanistan thay vì tuân theo kế hoạch mà Chính quyền của chúng tôi để lại cho ông ấy”.
“Kế hoạch bảo vệ người dân và tài sản của chúng ta, và đảm bảo Taliban sẽ không bao giờ mơ đến việc chiếm lấy Đại sứ quán của chúng ta hoặc cung cấp căn cứ cho các cuộc tấn công mới chống lại Mỹ”.
Ngoài ra, ngày 14/8, Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng hòa- Arkansas) cũng kêu gọi chính quyền Biden "tiêu diệt mọi chiến binh Taliban" gần thủ đô Kabul cho đến khi các nhân viên Mỹ được an toàn.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton đưa ra tuyên bố như sau:
“Sự thất bại ở Afghanistan không chỉ là dự đoán, mà nó đã được dự đoán trước. Cuộc rút lui không có kế hoạch của Joe Biden đã khiến nước Mỹ bẽ mặt và có nguy cơ khiến hàng nghìn người Mỹ bị bỏ lại ở Kabul.
Tối thiểu, Tổng thống Biden phải huy động sức mạnh không quân của Mỹ để tiêu diệt mọi chiến binh Taliban ở khu vực lân cận Kabul cho đến khi chúng ta có thể cứu được công dân Mỹ. Bất cứ dùng biện pháp nào nhẹ hơn sẽ càng khẳng định thêm sự bất lực của Joe Biden với thế giới”.
Mới hơn 1 tháng trước, Joe Biden còn bận rộn đổ lỗi cho chính quyền Trump về thảm họa chính sách đối ngoại lớn nhất của Mỹ kể từ sau sự kiện Sài Gòn 1975, và đảm bảo với thế giới rằng việc Taliban tiếp quản Afghanistan là "điều không thể".
Joe Biden nói: "Chúng ta có 300.000 quân Afghanistan được trang bị tốt và một lực lượng không quân chống lại một lực lượng 75.000 quân Taliban”.
Giờ đây, sự sỉ nhục đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây trong con mắt các nhà quan sát và đặc biệt là các đối thủ như Trung Quốc, Iran, Nga..., khó có thể nặng nề hơn. Một khi quá trình sơ tán công dân Mỹ và một số ít nhân viên người Afghanistan may mắn giành được một suất tị nạn kết thúc, Mỹ và các chính phủ phương Tây sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận Taliban trở thành lực lượng nắm quyền.
Vào cuối những năm 1990, chính quyền Taliban chỉ được một số ít quốc gia công nhận, trong đó có Pakistan và Ả rập Xê út. Nhưng vào những ngày trung tuần tháng 8 năm 2021 này, chính quyền Bắc Kinh đã sẵn sàng công nhận Taliban là lực lượng cầm quyền hợp pháp tại Afghanistan, nếu nhóm chiến binh Hồi giáo này tiếp quản được thủ đô Kabul từ tay chính phủ Afghanistan.
Liệu chính quyền Joe Biden và đồng minh có nghe theo Trung Quốc, chấp nhận?
Taliban có đáng tin?
Trong khi một nhóm phiến quân Taliban ngồi uống trà, hút thuốc thư giãn trong dinh thự xa hoa vừa chiếm được mà trước đây thuộc về nguyên soái quân đội Afghanistan Abdul Rashid Dostum - một đồng minh thân cận của Mỹ, thì thường dân nước này cũng như các nhà quan sát trên thế giới đều quan ngại về nhóm khủng bố này
AP cho biết, ngoài việc chiếm thủ đô Kabul, Taliban hiện còn nắm giữ tất cả các cửa khẩu biên giới của Afghanistan. Sự yếu nhược của các lực lượng chính phủ Afghanistan mà Mỹ dày công huấn luyện và hậu thuẫn, đã bộc lộ rõ khi quân đội chính phủ giờ đây ngoan ngoãn giao nộp Căn cứ Không quân Bagram cho Taliban. Điều mỉa mai là, mới chỉ tháng trước, quân đội Mỹ đã bàn giao cho chính phủ Afghanistan tiếp quan căn cứ không quân này sau 20 năm Mỹ đổ tiền để gây dựng.
Nhằm tránh một cuộc di dân ồ ạt, Taliban đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 14/8 nhằm trấn an người Afghanistan và cộng đồng quốc tế. Tuyên bố phủ nhận thông tin rằng, Taliban đã giết tù nhân và buộc các thiếu nữ phải kết hôn với lính Taliban, đồng thời nói thêm rằng nhóm này sẽ tôn trọng tài sản công, trọng dụng các quan chức và sĩ quan quân đội, đồng thời ân xá cho bất kỳ ai từng “giúp quân xâm lược” (Mỹ và đồng minh).
Taliban cũng cho biết họ sẽ tránh chiếm đoạt tài sản tư nhân và tạo ra “một môi trường an toàn và thuận lợi” cho hoạt động kinh doanh. Taliban cũng nói rằng các nước láng giềng nên có sự tin tưởng: "Chúng tôi đảm bảo với tất cả các nước láng giềng rằng chúng tôi sẽ không tạo ra bất kỳ vấn đề nào cho họ".
“Không nên rời khỏi khu vực và đất nước” tuyên bố của Taliban đề cập đến những khu vực mà phiến quân đã chiếm giữ. “Họ sẽ sống một cuộc sống bình thường; quốc gia của chúng ta cần các ngành dịch vụ, và Afghanistan là ngôi nhà chung mà chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng và phục vụ”.
Tuy nhiên các nhà quan sát thế giới đều nghi ngờ các tuyên bố trên. Vì sao?
Bản chất vẫn là khủng bố
Theo Economist, Taliban hứa hẹn là sẽ thể hiện lòng khoan dung với tất cả kẻ thù sau chiến thắng, nhưng rất ít người trong giới tinh hoa trí thức của Afghanistan tin vào điều đó.
Sau khi các chiến binh chiếm được thị trấn Spin Boldak giáp ranh với Pakistan, vốn nằm trong số những địa phương đầu tiên thất thủ vào cuối tháng 7, hàng chục người làm việc cho chính phủ Afghanistan đã bị thảm sát dã man.
Ở Kandahar vào cuối tháng 7, Taliban đã bắt cóc nam diễn viên hài nổi tiếng Nazar Mohammad, tra tấn tàn bạo và sát hại anh. Các báo cáo từ Kandahar cho biết, các lính Taliban có vũ trang đã đi từng nhà để tìm kiếm những người làm việc cho các chính phủ phương Tây.
Nhánh chính trị của Taliban ở Doha (Qatar) tuyên bố rằng họ không còn là những nhà cầm quyền tàn bạo đẫm máu, từng cai trị Afghanistan giai đoạn 1996 – 2001 nữa, khi thế giới đã từng chứng kiến sự cai trị tàn độc của Taliban đối với dân thường bị hành quyết công khai, trong đó phụ nữ Afghanistan bị ném đá đến chết vì tội ngoại tình.
Taliban cũng nhấn mạnh rằng không có quy định nào trong đạo Hồi chống lại việc giáo dục phụ nữ. Tuy nhiên, giữa các tuyên bố từ Qatar và những gì mà các phiến quân Taliban đang thực hiện ở Afghanistan lại là một sự khác biệt rất lớn.
Ở Herat, nơi 60% sinh viên đại học là phụ nữ, họ được cho là đã được yêu cầu trở về nhà. Các nhân viên nữ đã được yêu cầu bàn giao công việc cho những người thân là nam giới. Một chỉ huy Taliban được BBC phỏng vấn đã nói rõ về vấn đề giáo dục trẻ em gái: “Không một bé gái nào đi học trong làng và huyện của chúng tôi… Các trường học như vậy không tồn tại, và chúng tôi cũng sẽ không cho phép điều đó.”
Vì vậy, bất chấp những lời tuyên bố màu mè của Taliban với thế giới, trong những tuần gần đây, hàng nghìn người tị nạn đã tập trung tại các công viên của Kabul. Hàng trăm người đã ùn ùn kéo tới các trung tâm xử lý thị thực, với hy vọng mong manh giành được một chỗ trong các cuộc di tản vào phút chót do Mỹ và liên minh phương Tây tổ chức.
Bởi bản chất Taliban là khủng bố. Mà khủng bố là Tà ác.
VIDEO - Trung Quốc - Taliban: Hành quyết, phân thây nạn nhân trước cú bắt tay vì hòa bình
Xuân Trường
Theo NTDVN