Trong ký ức của người Trung Quốc thời kỳ đáng sợ nhất chính là thời “Cách mạng văn hóa” (CMVH), bất kỳ ai bị gắn cái mác “phản cách mạng” thì dù đúng hay sai cũng chết không yên thân. Nhiều câu chuyện đau lòng, ám ảnh đến cả cuộc đời đã xảy ra trong giai đoạn này.
Trong phong tục truyền thống người Á Đông, người chết là chuyện lớn và phải “Nhập thổ vi an” (phải chôn cất thì mới yên nghỉ). Tang lễ truyền thống có những điều rất nghiêm khắc và quy củ, để người sống thể hiện sự tôn trọng, tưởng nhớ đối với tổ tiên đã khuất. Thế nhưng trong cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, các loại truyền thống văn hóa đã bị phá hủy hầu như không còn gì. Thời đó không có đúng sai, thiện ác, nhà cầm quyền đo lường mọi thứ thông qua đấu tranh giai cấp.
Trong một căn nhà nhỏ ở phía tây thôn Ngô Trang, huyện W (dấu tên), có một chiếc quan tài màu trắng không ai dám sử dụng, đã được cất giữ ở đó nhiều năm. Nhắc đến chiếc quan tài không ai dám dùng này, chúng ta phải bắt đầu từ sự kiện càn quét Hàm Đan, bắt giữ “Quốc Dân Đảng” năm 1968.
Năm đó, ở Hàm Đan phát sinh một sự kiện khiến ai nấy điều run sợ đó là mượn danh nghĩa thanh trừ “Quốc Dân Đảng” để bắt người hàng loạt, lúc đó có câu nói: “Lục thất niên hảo quá, lục bát niên nan ngao” (67 tốt đẹp vừa qua, năm 68 gian nan đến). Vào năm 1968, rất nhiều cán bộ địa phương đã bị giết.
Thời điểm đó ở Vương Trang gần thôn Ngô Trang, có một cán bộ kỳ cựu làm việc trong huyện bị quy thành phản đồ, ông ta bị xử tội công khai và bắt phải sống trong chuồng bò, bị tra tấn ròng rã 2 năm. Trong thời gian đó ông bị đánh bất tỉnh hơn 5 lần.
Một lần, ông bị treo ngược trên một cái cây lớn, đầu cách mặt đất chỉ 2 bước chân, sau đó họ chất nhiều cành khô dưới đầu ông và châm lửa, ngọn lửa bốc lên. Vì người bị trói nên không thể cử động, chỉ biết la hét trong đau đớn, tóc ông bị cháy trụi, mặt và đầu bị bỏng nặng. Những màn tra tấn vô nhân đạo này liên tục tiếp diễn, cuối cùng ông bị dày vò đến gãy chân trái, 8 cái xương sườn cũng bị gãy, mắt phải bị đánh mù. Một hôm nhân lúc người canh gác không để ý ông đã treo cổ tự sát.
Chết cũng chưa yên
Con trai cả của ông là một người nông dân. Biết tin cha mất, anh ta tranh thủ thời gian chạy tới đem thi thể cha về khâm liệm, rồi mua một cỗ quan tài bỏ ông vào chuẩn bị chôn cất. Sau đó người con thứ 2 của ông cũng trở về, người này làm cán bộ trên tỉnh. Nhưng thay vì bày tỏ cảm xúc đau đớn trước sự ra đi đột ngột của cha như bao người bình thường, anh này lớn giọng ra vẻ vì “đại nghĩa diệt thân” nói rằng cha mình đã “sợ tội tự sát.”
Để phô trương lập trường cách mạng và thể hiện sự trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), anh ta quyết tâm cắt đứt quan hệ với cha, thậm chí còn lôi cả xác người cha đã khuất trong quan tài ra, rồi lột sạch quần áo thi thể, sau đó dẫn cả nhà ra trước cửa hô lớn: “Sợ tội tự sát, chết chưa hết tội!” “Sợ tội tự sát chính là tự đoạn tuyệt với đảng, tự đoạn tuyệt với nhân dân, sau khi chết chính là bị khinh thường như đống phân chó!”.
Sau khi người cha già tội nghiệp qua đời, ông còn bị con trai công khai xử tội. Sau đó họ đem thi thể được xem như “đống phân chó” cuốn vào chiếu rơm, rồi đào một cái hố sâu 5 thước chôn vào. Hơn nữa, để chứng tỏ họ không chiếm đất canh tác nên tại vị trí chôn cất cũng không lưu lại chút vết tích gì.
Sau đó không lâu, thôn Lý Trang bên cạnh cũng xảy ra một việc. Thôn này có một người từng đi lính cho Quốc Dân Đảng, bị nhóm đấu tố buộc vào trụ cắm xuống đất, rồi dội xăng lên người sau đó châm lửa đốt, đem người sống thiêu chết, người bị thiêu đến cháy đen như than. Vào thời điểm đó, quan tài không dễ mua, nên gia đình của người bị thiêu chết lấy chiếc quan tài của vị cán bộ kỳ cựu bên trên để mai táng chôn cất.
Không ngờ, ngày thứ 2 sau khi khâm liệm, “nhóm đặc nhiệm” của thôn Lý Trang sau khi nghe tin, lập tức xông vào, buộc người nhà lôi xác người trong quan tài ra, bỏ thi thể vào sọt đựng phân rồi mang đi diễu hành ngoài đường, đồng thời ra lệnh cho gia đình này hô khẩu hiệu: “Đánh bại phần tử XXX phản cách mạng”, “Để XXX mang tiếng xấu muôn đời, vĩnh viễn không thể thoát thân!”
Cuối cùng nhóm người này mới để cho người nhà đào 1 cái hố rồi cuốn “phần tử phản cách mạng” vào chiếu rơm đi chôn. Còn chiếc quan tài kia thì để trước cửa nhà này. “Đội đặc nhiệm” ra lệnh không ai được phép di chuyển chiếc quan tài, nói là để làm “tài liệu sống giảng dạy”, để cho quần chúng cách mạng thấy rằng, bọn “phản cách mạng” chẳng những không có quyền sống, mà chết cũng không có kết cục tốt đẹp.
Vì chôn cất cha mà bị tra tấn chết đi sống lại
Trước đó không lâu, bí thư chi bộ cũ của thôn Ngô Trang cũng bị “nhóm đặc nhiệm“ đánh đập, tra tấn khiến ông lúc giữa đêm phải nhảy vào giếng tự tử.
Con trai của người bí thư này nghe tin ở thôn Lý Trang có 1 cỗ quan tài nên đã suốt đêm chạy đến mua lại với giá cao. Vì để tránh đêm dài lắm mộng, sau khi khâm liệm vào quan tài xong, không đợi trời sáng anh liền đem cha đi chôn ở khu mộ tổ tiên.
Việc này người ngoài không ai biết. 2 ngày sau, “nhóm đặc nhiệm“ của thôn Lý Trang không tìm thấy ông bí thư chi bộ, bọn họ vào nhà ông lục tung lên, thậm chí đục tường đào đất nhưng cũng không tìm thấy. Tìm không thấy người bọn họ liền bắt con trai của ông lại, dùng nghiêm hình bức cung để anh chỉ ra nơi ở của cha mình.
Lúc đầu, anh không dám nói cha mình đã chết và đã được chôn cất, chỉ nói rằng mình không biết, sau đó, bọn họ treo ngược anh lên xà nhà, dùng thanh sắt nung đỏ dí vào tóc, da đầu, chân mày, râu nhưng anh vẫn không nói. Cuối cùng tức giận, nhóm người này cởi quần anh ra rồi dùng thanh sắt nung đỏ dí vào hậu hôn của anh…..
Anh bị dày vò đến chết đi sống lại, nên đành nói ra sự thật. Sau khi nghe, nhóm người tàn ác này cũng không tin, họ áp giải anh đến khu mộ tổ tiên của gia đình anh rồi bắt anh phải đào mộ lên xem thực hư thế nào.
Người con trai tội nghiệp không còn cách nào khác, vừa khóc vừa dùng tay đào đất lên, đào đến tay chảy cả máu, ròng rã một ngày cuối cùng anh cũng đưa được quan tài của cha mình ra.
“Nhóm đặc nhiệm“ cũng chưa tin trong quan tài có xác của ông bí thư chi bộ nên ra lệnh cho anh cùng người nhà mở nắp quan tài rồi lôi xác người nằm trong đó ra ngoài quan sát. Sau khi ông bí thư chi bộ bị phơi xác dưới cái nắng ban ngày ban mặt, nhóm này lập tức tổ chức đại hội quần chúng toàn thôn, vây quanh ông rồi hô vang khẩu hiệu…
Từ đó đến nay, cỗ quan tài này đã chứa 3 người chết, nhưng không người nào có thể được an táng trong đó, vậy nên cũng không ai dám dùng nó nữa. Cỗ quan tài này cũng trở thành chứng tích cho sự tàn bạo của ĐCSTQ trong thời “Đại cách mạng văn hóa.”
Xem thêm:
VIDEO - KẺ THỦ ÁC THẬT SỰ SAU THẢM SÁT THIÊN AN MÔN
Tử Vi (Theo Ren Min Bao)
Đăng theo Tinh Hoa