Vào ngày 18/5, Hội nghị Y tế Thế giới (WHA) đã được tổ chức với hàng ngàn đại diện tập trung tham dự, trong đó hơn 110 quốc gia trên thế giới đã yêu cầu tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán và sự lây lan của đại dịch. Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc, tuyên bố Trung Quốc sẽ viện trợ quốc tế 2 tỷ USD trong vòng hai năm. Sau khi thông tin này xuất hiện đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng Internet, và truyền thông mạng xã hội đại lục lại vội vã xóa các bài bình luận.
Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 73 qua video, ông Tập Cận Bình tuyên bố: Trung Quốc sẽ hỗ trợ quốc tế 2 tỷ USD trong vòng hai năm, "để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế, xã hội”, ngoài ra, cũng sẽ "thiết lập tại Trung Quốc một kho và đầu mối trọng yếu ứng phó khẩn cấp với chủ nghĩa nhân đạo toàn cầu"; "kiến lập một cơ chế hợp tác cho 30 bệnh viện đối tác Trung Quốc - châu Phi", sau khi vaccine được phát triển và đưa vào sử dụng, nó sẽ được sử dụng như một sản phẩm công cộng toàn cầu...
Trong đó, kế hoạch "Trung Quốc sẽ cung cấp 2 tỷ USD viện trợ quốc tế trong hai năm", được người dân Trung Quốc đại lục quan tâm nhất. Sau khi thông tin chính thức trên Weibo của CCTV đưa ra, nhanh chóng xuất hiện hàng chục nghìn bình luận. Nhưng sau đó, chỉ còn lại những bình luận "ủng hộ", còn hàng chục nghìn bình luận khác thì đã biến mất. Trên Weibo chính thức của tờ Nhân dân Nhật báo có hơn 500 bình luận nhưng chỉ hiển thị vài chục bình luận.
Một số cư dân mạng bình luận chỉ trích: "Điều đáng buồn là chính người Trung Quốc lại coi thường căn bệnh này, ông ấy còn viện trợ rất nhiều như thế cho cộng đồng quốc tế. Điều đáng ngại hơn nữa là có một nhóm ‘ngũ mao’ giúp họ hò hét cổ động cho chính sách".
Có người chia sẻ: "Vung ra 2 tỷ USD, hỏi người dân được lợi ích gì?", “Diễn trò thắt lưng buộc bụng người dân thường để lấp đầy đuôi con chim ưng!"
Thông tin cũng khiến cư dân mạng đại lục và Hoa kiều trên Twitter đặt câu hỏi. Ngô Tộ (Wu zou), một học giả ở Mỹ đã bình luận: "Lấy viện trợ thay cho bồi thường? Bồi thường cho những quốc gia bị tổn hại nào? Một danh sách dài?"
Những người khác nghi vấn: "Ông Tập muốn sử dụng tiền mua chuộc để không bị điều tra về nguồn gốc của virus?"
Đảng Cộng sản Trung Quốc che giấu dịch bệnh khiến cho virus lây lan trở thành đại dịch toàn cầu, và hiện nay làn sóng truy cứu trách nhiệm trên toàn thế giới đang dâng cao. Trong cuộc phỏng vấn của tờ Epoch Times, bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhà văn Hoa Kiều ở Canada và là Chủ tịch Mặt trận Dân chủ Trung Quốc toàn cầu, nói rằng sau khi dịch bệnh bùng phát, WHO đã giúp ĐCSTQ che đậy, dẫn đến sự bùng phát đại dịch toàn cầu, khiến hơn 300.000 người thiệt mạng. Bà cho rằng hiện ĐCSTQ đang nghĩ mọi biện pháp có thể để kiểm soát WHO.
"Ông ấy chắc chắn lo lắng rằng nếu WHO không thể che giấu nổi trước sự nghi ngờ của mọi người, trước những lời chỉ trích của ngoại giới và trước việc ngày càng nhiều người yêu cầu truy cứu trách nhiệm, WHO có thể có khả năng cao sẽ tiết lộ các giao dịch giữa ĐCSTQ và họ. Vì vậy, tại thời điểm này, ông Tập Cận Bình có thể nỗ lực hết sức để ổn định WHO".
ĐCSTQ đã vung tiền ra nước ngoài, nhưng trong nước Trung Quốc đang phải đối mặt với tổn thất nghiêm trọng, người dân đang gặp khó khăn mà không được trợ giúp.
Bà Thịnh Tuyết bày tỏ: "Sau khi dịch bệnh bùng phát, người dân Trung Quốc có thể được cho là nhóm nạn nhân trực tiếp nhất, sớm nhất và lớn nhất của đại dịch này. Nhiều người đã bị khốn đốn với kế sinh nhai, rơi vào nghèo đói, cả nền kinh tế cũng lâm vào suy thoái toàn diện. Nhiều xí nghiệp đã ngừng sản xuất và kinh doanh đã đóng cửa. Trong tình huống này, ĐCSTQ không nghĩ làm thế nào để giúp đỡ người dân của mình, mà lại chi ra một số tiền lớn như vậy để ổn định WHO, cách làm này là cực kỳ tà ác".
Bà cũng chỉ trích WHO đã tắc trách trong trận đại dịch và đồng tình với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng tài trợ cho WHO vào thời điểm này, chờ đợi cải cách cấu trúc toàn bộ để xem liệu WHO có thể làm tròn trách nhiệm của mình hay không. Đúng vào thời điểm này, ĐCSTQ vội chi tiền ra, mục đích của họ là biến WHO thành quân cờ chính trị thiết yếu và là đồng minh của họ.
Tuyên bố của Tập Cận Bình bị bác bỏ
Ngày 18/5 là lần đầu tiên sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng khắp thế giới, Hội nghị Y tế Thế giới (WHA) đã được tổ chức dưới hình thức một hội nghị video. Tại cuộc họp, hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới đã yêu cầu tiến hành điều tra độc lập về dịch bệnh, đồng thời mời Đài Loan tham gia WHA.
Chính quyền ĐCSTQ bày tỏ sự phản đối kịch liệt trước các yêu cầu điều tra độc lập. Từ Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ đến Tân Hoa Xã và Thời báo Hoàn cầu, đều tấn công dữ dội trước kêu gọi điều tra độc lập của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo và Úc.
Ngoài những tranh cãi gây ra bởi khoản tiền lớn nêu trên, ông Tập Cận Bình cũng bị cáo buộc nói dối công khai khi phát biểu rằng ‘đã kịp thời thông báo tin tức bệnh dịch cho WHO và các quốc gia liên quan, đã công bố thông tin như trình tự gen virus ngay từ đầu”.
Trong khi thông tin có sẵn công khai cho thấy: Viện Virus Vũ Hán đã biết đến trình tự gen virus vào tối 30/12/2019, và vào ngày 2/1/2020, Viện Virus Vũ Hán đã báo cáo toàn bộ trình tự bộ gen cho Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc kéo dài mãi đến ngày 12/1/2020 mới báo cho WHO. Vốn ban đầu họ còn ngăn không báo thông tin nhưng vì Trương Vĩnh Chấn (Zhang Yongzhen) - phụ trách nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Cộng đồng Thượng Hải, đã ‘tự tiện’ tiết lộ trình tự gen vào ngày 11/1/2020.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Cộng đồng Thượng Hải do Giáo sư Trương Vĩnh Chấn của Học viện Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Phúc Đán đứng đầu đã hoàn thành trình tự gen hoàn chỉnh của virus vào ngày 5/1/2020. Cùng ngày, thông tin đã được báo lên bộ chủ quản của Ủy ban Y tế Quốc gia và Ủy ban Y tế Thượng Hải, cảnh báo rằng virus mới tương tự như SARS, và kiến nghị thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn sự lây lan của dịch, bởi vì mẫu phẩm lấy từ các bệnh nhân cho thấy có các triệu chứng rất nghiêm trọng.
Vào ngày 6/1/2020, nội bộ Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc đã đưa ra phản ứng khẩn cấp cấp 2. Nhưng cho đến ngày 11/1, nhóm nghiên cứu không thấy phản hồi từ chính quyền, vì vậy nhóm đã công bố trình tự gen của virus Corona Vũ Hán đầu tiên trên thế giới tại trang virologic.org.
Một ngày sau, chính phủ Trung Quốc buộc phải thông báo cho WHO. Cùng ngày, phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 của nhóm nghiên cứu Trương Vĩnh Chấn đã bị chính quyền buộc đóng cửa với lý do "chỉnh đốn và cải cách", nhiều lần xin được mở lại nhưng không có hiệu quả.
Việc xét nghiệm virus ở người còn được tiến hành sớm hơn thế. Người trong cuộc tiết lộ trên mạng Internet thông tin rằng: ngay từ ngày 26/12/2019, một nhà nghiên cứu siêu gen ở Quảng Châu đã phát hiện ra sự bất thường của virus này. Ngày hôm sau, trình tự bộ gen "virus mới" hoàn chỉnh đã được chia sẻ với Học viện Y khoa Trung Quốc, và Bệnh viện Trung ương Vũ Hán được thông báo qua điện thoại rằng một loại virus Corona mới được phát hiện, gây lây nhiễm nghiêm trọng (từ người sang người), nhắc nhở cần cách ly bệnh nhân.
Vào ngày 30/12/2019, báo cáo xét nghiệm di truyền của Phòng thí nghiệm y tế Boao Bắc Kinh đã được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Sau khi siêu gen được báo cáo và so sánh, người ta phát hiện hai loại virus này là giống nhau
Sau khi nhìn thấy, Trưởng khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, bác sĩ Ngải Phân (Ao Fen), đã dùng bút đỏ khoanh tròn chữ "SARS coronavirus" và gửi thông tin cho bác sĩ bệnh viện, trở thành người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh. Nhưng sau đó, 8 bác sĩ chia sẻ cảnh báo thông tin này đã bị triệu tập và xử lý, chính quyền ‘kỷ luật’ và cấm không cho họ lên tiếng.
Minh Thanh - Theo NTDVN