Tập Cận Bình và Đặng Tiểu Bình (ảnh ghép từ nhiều nguồn).
Vốn dĩ Đặng Tiểu Bình đã nghĩ xong vấn đề người kế nhiệm với tên gọi ‘cách đại tiếp ban’ – chỉ định người kế nhiệm qua các thời kỳ. Mỗi người kế nhiệm sau thời Đặng Tiểu Bình đều phải trải qua thời gian bồi dưỡng, ví như Hồ Cẩm Đào là 10 năm, còn Tập Cận Bình là 5 năm.
Từ đây đến Đại hội 20 chỉ còn khoảng 1 năm, nhưng Tập Cận Bình vẫn chưa chỉ định người kế nhiệm. Nếu bây giờ ông Tập chỉ định cũng không kịp, vì không đủ thời gian giúp người kế nhiệm phát triển đội ngũ.
Và điều gì đến cũng đã đến. Ngày 6/11, tờ ‘Straits Times‘ của Singapore đã đăng bài viết lấy nguồn từ nhân vật ẩn danh trong ĐCSTQ với tiêu đề: ‘Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình đang cân nhắc về hệ thống kế thừa mới để chọn người thừa kế vị’, tổng kết thành 2 điều sau:
Thứ nhất, Tập Cận Bình phế bỏ chế độ kế thừa ‘cách đại tiếp ban’ và ‘thất thăng bát giáng’ (67 tuổi có thể làm tiếp, 68 tuổi phải nghỉ hưu) của Đặng Tiểu Bình, và người kế vị sẽ do ông Tập chứ không phải do các nguyên lão chính trị chỉ định.
Thứ hai, Tập Cận Bình chọn vài người để họ cạnh tranh vị trí với nhau, để xem ai là người thích hợp. Có 5 người được ‘điểm danh’ gồm:
+ Trần Mẫn Nhĩ – Bí thư Thành uỷ Trùng Khánh.
+ Đinh Tiết Tường – Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương.
+ Hồ Xuân Hoa – Phó Thủ tướng Quốc vụ viện.
+ Lý Cường – Bí thư Thành uỷ Thượng Hải.
+ Lý Hy – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đông.
Dưới nhãn quang của một nhà sử học vốn đã thông tỏ lịch sử Trung Hoa, đồng thời là chuyên gia am hiểu chính trường Trung Quốc – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 10/11 đã có nhận định về việc Tập Cận Bình thay đổi ‘chế độ người kế nhiệm’ sẽ dẫn đến việc: lần kế nhiệm tiếp theo sẽ chứa đầy rối ren và âm mưu, thậm chí xảy ra đảo chính.
Từ khái niệm ‘quân quyền Thần thụ’ (quyền vua Trời trao) do đại thần Đổng Trọng Thư đề xuất với Hán Vũ Đế, đến dùng tư tưởng Pháp gia để lý giải logic của ĐCSTQ, cùng với các khung tham chiếu là những câu chuyện lịch sử về tranh đoạt quyền lực, vương vị từ thời Hán Cao Tổ Lưu Bang đến thời Tuỳ – Đường, Giáo sư Chương đã chỉ ra bản chất của ‘tính hợp pháp’ của một chính quyền, từ đó làm rõ luận điểm trên như sau.
Lịch sử ĐCSTQ: Mỗi lần kế nhiệm, ắt có đảo chính
Giáo sư Chương nhìn nhận, việc Tập Cận Bình xác lập chế độ kế nhiệm mới sẽ khiến lần kế nhiệm tiếp theo chứa đầy rối ren và âm mưu, thậm chí phát sinh đảo chính. Vì sao như vậy? Có vài nguyên nhân sau.
Mọi người nhìn vào lịch sử của ĐCSTQ sẽ thấy: Mỗi lần kế nhiệm, ắt có đảo chính. Sau khi Mao Trạch Đông chết, Hoa Quốc Phong kế nhiệm, ngay sau đó đã có đảo chính. Hoa Quốc Phong đã quét dọn ‘Bè lũ bốn tên’ ra khỏi vũ đài. Nhưng vị trí của Hoa Quốc Phong là Chủ tịch đảng cũng không ổn định. Việc Hoa Quốc Phong từ chức không phải là tự nguyện tự mà là một cuộc đảo chính.
Sau đó Hồ Diệu Bang bị phế truất, đây cũng là một cuộc đảo chính vì ĐCSTQ đã không triệu tập một uỷ ban trung ương để bãi nhiệm Hồ Diệu Bang.
Tiếp đó Triệu Tử Dương cũng bị phế truất và Giang Trạch Dân lên nắm quyền, đây cũng là một cuộc đảo chính. Bởi vì lúc đó là xảy ra sự kiện Lục Tứ, Bát đại nguyên lão (1) đã mở một cuộc họp nhưng không thông qua bầu cử theo quy trình dân chủ trong đảng, cũng không thông qua Uỷ ban Trung ương mà trực tiếp phát động đảo chính, cuối cùng phế truất Triệu Tử Dương.
Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền cũng có xảy ra đảo chính. Lúc ấy mọi người tưởng rằng Giang Trạch Dân sẽ đưa 3 chức: Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân uỷ Trung ương nắm giữ từ Đại hội 16 năm 2002 giao cho Hồ Cẩm Đào, nhưng không ngờ Trương Vạn Niên đã ‘rút súng’ yêu cầu Hồ Cẩm Đào phải đồng ý để Giang Trạch Dân làm Chủ tịch Quân uỷ Trung ương thêm 2 năm nữa. Đây vẫn được tính là một cuộc đảo chính.
Sau Hồ Cẩm Đào là đến lượt Tập Cận Bình. Ông Tập lên nắm quyền không lâu thì Bạc Hy Lai đã phát động đảo chính.
Chúng ta thấy rằng, nếu biến động trong chuyển giao quyền lực xảy ra 1, 2 lần thì đây là sự kiện ngẫu nhiên. Nhưng đằng này lại xảy ra ‘n’ lần, mỗi lần kế nhiệm, ắt có đảo chính, không có ngoại lệ, thì đây lại là vấn đề về hệ thống của ĐCSTQ. Nếu không hiểu được vấn đề này, chúng ta sẽ không hiểu được vì sao lần kế nhiệm sau ông Tập sẽ có đảo chính.
Để minh tỏ điều trên, Giáo sư Chương đặt ra giả định rằng: Tập Cận Bình còn có người kế nhiệm, tức là có một người nào đó tiếp quản ĐCSTQ sau ông Tập, thì vấn đề ‘lần kế nhiệm tiếp theo sẽ có đảo chính’ được giải thích như sau.
ĐCSTQ là chính quyền không có tính hợp pháp
ĐCSTQ là gì? Giáo sư Chương nhìn nhận, ĐCSTQ là một tổ chức giống xã hội đen. Khi nhìn với góc độ như vậy, chúng ta biết được rằng, từ cái ngày đầu tiên ĐCSTQ lên nắm quyền, nó đã thiếu mất một thứ rất quan trọng, đó là ‘tính hợp pháp’ của việc chấp chính.
Trong văn hoá truyền thống, quyền lực cao nhất của một quốc gia hoặc người đứng đầu là đến từ Thiên mệnh, ‘quân quyền Thần thụ’ (quyền vua Trời trao), hoặc đến từ nhân dân tức là bầu cử dân chủ. ĐCSTQ giảng ‘Vô Thần luận’, nên nó không tồn tại vấn đề ‘quân quyền Thần thụ’; đồng thời nó cũng là chế độ cực quyền nên cũng không tồn tại vấn đề bầu cử dân chủ. Do đó từ ngày đầu tiên nắm quyền, ĐCSTQ đã không có tính hợp pháp.
Không có tính hợp pháp sẽ mang đến một vấn đề, chính là: bởi vì ai ở đó cũng không hợp pháp, cho nên người ấy không cách nào ngăn được người khác dùng thủ đoạn không hợp pháp để cướp đoạt quyền lực. Người đứng đầu không có tính hợp pháp, người ấy dựa vào điều gì để yêu cầu người khác phải hợp pháp?
Đây là lý do vì sao Bạc Hy Lai muốn đoạt lấy vị trí của Tập Cận Bình, đoạt một cách ‘lý thẳng khí hùng’, không chút e ngại.
Dưới tình huống như vậy, người nào có thể ngồi trên đỉnh quyền lực của ĐCSTQ một cách ổn định, người ấy phải là xấu xa hắc ám nhất, người khác phải sợ người ấy nhất. Đây là phương pháp của trùm xã hội đen. Khi có trùm xã hội đen ở đó thì không ai dám nháo sự hay đánh nhau.
Đối tượng được chọn làm người kế nhiệm lại ẩn chứa… mâu thuẫn trong đó
Nếu Tập Cận Bình đích thân đưa ra người kế nhiệm, ông ấy phải nhìn bao nhiêu người trong Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, ai làm vừa lòng mình, ai nịnh hót mình, sau đó chọn người nịnh hót nhất.
Nhưng người như vậy thông thường không mang chí lớn trong lòng, họ chỉ thích đi cửa sau tạo quan hệ. Những người này thông thường không có năng lực, bởi vì người có năng lực họ lại không thích nịnh hót.
Tập Cận Bình không muốn chọn một người mềm yếu, vừa mới lên nắm quyền, ĐCSTQ lại kết thúc, sau đó mấy vị lãnh đạo tiền nhiệm không khéo lại bị ‘quật mộ quất xác’, thậm chí ông Tập phải đi tù. Do đó Tập Cận Bình phải chọn một người khống chế được cục diện, phải đủ xấu xa, hắc ám như trùm xã hội đen, đồng thời phải biết nịnh hót. Bản thân điều này lại là một loại mâu thuẫn.
Xem thêm:
Phong vân mạn đàm (Kỳ 17): Ngũ Tử Tư đào mộ quất roi, người đánh cá mưu lùi địch mạnh
Vì sao Đặng Tiểu Bình không chọn Lý Bằng – người được mệnh danh là ‘đồ tể’, mà lại chọn Giang Trạch Dân? Tuy Lý Bằng đủ xấu xa và hắc ám, có thể trấn áp sinh viên ở Thiên An Môn, nhưng ông lại không giảo hoạt bằng Giang Trạch Dân. Giang Trạch Dân xấu xa và hắc ám hơn Lý Bằng, ông ta lại còn biết đóng giả, nên ông mới được Đặng Tiểu Bình chọn làm người kế nhiệm.
Sự kiện Lục Tứ năm 1989, Giang Trạch Dân rất biết đóng giả. Ông ta đóng cửa tờ báo dân chủ World Economic Herald, sau đó giam lỏng Vạn Lý – người ủng hộ Triệu Tử Dương, Giang còn tích cực ủng hộ Thảm sát Thiên An Môn… Sau khi biểu hiện như vậy, Đặng Tiểu Bình mới tin tưởng và chọn Giang Trạch Dân làm người kế nhiệm.
Tập Cận Bình muốn chọn người kế nhiệm phải chọn người đủ xấu xa hắc ám, lại còn biết đóng giả và nịnh bợ. Nhưng nếu không có một sự việc xúc tác như Lục Tứ, ông Tập cũng khó có thể thấy được ai mạnh hơn trong số 5 ứng viên đã điểm danh.
Nhưng nếu ứng viên quá mạnh mẽ, Tập Cận Bình sẽ cảm thấy nguy hiểm bởi vì người này có thể đẩy ông Tập xuống chỉ trong một bước.
Nói tóm lại, bản thân việc Tập Cận Bình chọn người kế nhiệm đã tồn tại mâu thuẫn trong đó, nếu người được chọn không đủ xấu xa hắc ám, ông Tập không yên tâm vì người đó không khống chế được cục diện; còn nếu chọn người quá mạnh mẽ sẽ là uy hiếp cực lớn đối với mình. Vậy nên việc chọn được người kế nhiệm là vấn đề đặc biệt nan giải đối với Tập Cận Bình.
Từ tư tưởng Pháp gia thấy được logic của ĐCSTQ
Ở một góc độ khác, Giáo sư Chương đã dùng tư tưởng Pháp gia để giải thích logic của ĐCSTQ như sau.
Pháp gia giảng điều gì? Pháp gia giảng rằng: Hoàng đế không thể tín nhiệm người kế vị. Vì sao? ‘Người được chọn’ sẽ kế vị ngai vàng, người ấy chỉ mong Hoàng đế mất sớm để có thể kế vị. Bởi vì nhỡ đâu đến một ngày, Hoàng đế đổi ý, không còn thích ‘người được chọn’ nữa thì phải làm thế nào, do đó để lâu sẽ ‘đêm dài lắm mộng’.
Năm xưa Hán Cảnh Đế từng chọn Thái tử Lật làm người kế vị, sau đó ông lại muốn lập Lưu Triệt (Hán Vũ Đế sau này) nên đã phế Thái tử Lật. Cuối cùng Thái tử Lật… tự sát. Thái tử Lật biết rằng nếu bản thân mình không để làm Thái tử, thì vận mệnh coi như kết thúc ở đây, không có lối thoát nào khác.
Do đó nếu một người có được sự ưu ái của Tập Cận Bình, thì người kế nhiệm này rất muốn ông Tập nhanh chóng từ chức để tránh ‘đêm dài lắm mộng’. Ngay cả người đó không nghĩ thì ông Tập cũng nghĩ ra điều đó, bởi vì họ đều có một bộ logic/tư tưởng của Pháp gia.
Mọi người nhìn vào lịch sử ĐCSTQ sẽ thấy được điều này. Khi Mao Trạch Đông ghi Lâm Bưu vào Hiến pháp đảng, ngay lập tức Mao đã ghi ngờ Lâm. Bởi vì lúc này Phó Chủ tịch Lâm Bưu đã là người thứ hai trong tâm mắt nhân dân, nếu Mao Trạch Đông xuất hiện vấn đề nằm ngoài dự tính, Phó Chủ tịch Lâm Bưu sẽ đường hoàng bước lên nắm quyền. Như vậy nếu Lâm Bưu muốn lên nắm quyền nhanh chóng, chẳng phải sẽ ông ấy sẽ làm ‘điều gì đó ngoài ý muốn’.
Từ tư tưởng của Pháp gia thấy được logic của ĐCSTQ, đó là khi Lâm Bưu thành nhân vật thứ hai, thì ngay lập tức bị Mao Trạch Đông nghi ngờ.
Tại sao Mao Trạch Đông lại ‘chỉnh đốn’ Chu Ân Lai tàn khốc như vậy? Bởi vì Lâm Bưu đã mất, Chu Ân Lai từ nhân vật thứ ba trở thành nhân vật thứ hai. Khi Lâm Bưu mất, Chu Ân Lai đã khóc lớn vì biết mình đứng quá gần Mao Trạch Đông, và nguy hiểm đang cận kề.
Sau này dưới sự cho phép của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã phê bình Chu Ân Lai. Người khác phê bình Chu Ân Lai thì ông không quan tâm, nhưng hễ Đặng Tiểu Bình nói thì Chu Ân Lai sợ đến mức toát mồ hôi hột. Đặng Tiểu Bình đã nói đúng chỗ sợ của Chu Ân Lai như sau: “Thủ tướng (Chu Ân Lai), vị trí Chủ tịch (của Mao Trạch Đông) thì người khác ‘chỉ ngước nhìn chứ không với tới’, nhưng vị trí ấy thì Thủ tướng ‘vừa có thể nhìn, lại có thể đoạt'”. Lúc đó Chu Ân Lai sợ đến ngây người.
Từ những câu chuyện và phân tích ở trên thấy được logic hành sự của ĐCSTQ. Hễ ai đó là người thứ hai, thì lãnh đạo sẽ nghĩ rằng người này muốn đảo chính.
Khung tham chiếu lịch sử: từ điển cố ‘Trục lộc Trung Nguyên’ đến câu chuyện người kế vị thời Tuỳ – Đường
Dưới góc nhìn của một nhà sử học, Giáo sư Chương nhận định, việc Tập Cận Bình chỉ định vài ứng viên cho vị trí người kế nhiệm giống như đoạn lời Khoái Thông (2) nói với Hán Cao Tổ Lưu Bang: “Tần mất ngôi vị này, thiên hạ sẽ cùng nhau đuổi tranh”, từ đó mới lưu lại câu thành ngữ ‘Trục lộc Trung Nguyên’ (逐鹿中原).
Trục nghĩa là đuổi, Lộc nghĩa là con hưu hoặc ngôi vua, do đó cả câu thành ngữ này nghĩa là: đuổi theo ngai vàng ở Trung Nguyên. Khi quyền lực cao nhất bày ra ở đó, người ta sẽ tranh nhau đoạt, mở ra cục diện ‘trục lộc’ (đuổi theo ngai vàng).
Tập Cận Bình nói rằng sẽ tuyển 1 trong 5 ứng viên, chính là để 5 người họ ‘trục lộc’, khiến 5 người đó đấu tranh lẫn nhau. Do đó, chế độ người kế nhiệm mới mà ông Tập chế định khả năng cao sẽ xuất hiện cục diện như vậy.
Thời Trung Quốc cổ đại, người kế vị là con trai trưởng của vợ cả. Ngay cả đã chỉ định rõ ràng như vậy, thì người khác vẫn còn muốn vọng tưởng. Ví như thời vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân, ông làm Hoàng đế 23 năm (Năm Trinh Quán thứ 23). Tháng 4 năm Trinh Quán thứ 17, Hột Can Thừa Cơ đã mật báo với Lý Thế Dân rằng Thái tử Lý Thừa Càn muốn mưu phản.
Toàn bộ cuộc mưu phản bị Lý Thế Dân bình định. Sau đó vua Đường hỏi mọi người phải xử lý Thái tử Lý Thừa Càn như thế nào? Có người tên là Lai Tế nói với Lý Thế Dân rằng: “Bệ hạ sẽ không mất nhân nghĩa của mình nếu làm một người cha hiền từ. Không nên giết Thái tử, hãy để Thái tử sống đến hết cuộc đời tự nhiên rồi mất”. Lý Thế Dân đã đồng ý.
Lý Thừa Càn đã thành Thái tử rồi tại sao vẫn muốn mưu phản. Năm Trinh Quán thứ 23 là Đường Thái Tông băng hà, Thái tử còn trẻ và thân thể còn khoẻ mạnh, tại sao không chờ thêm 6 năm nữa để làm Hoàng đế mà lại làm chính biến?
Giáo sư Chương giải thích rằng, đáp án nằm ở đoạn lời mà Lý Thừa Càn nói Lý Thế Dân: “Con đã làm Thái tử rồi, nhưng con không còn cách nào khác, bởi vì Nguỵ vương Lý Thái (con trai thứ tư của Lý Thế Dân) cứ nhìn chằm chằm vào vị trí Thái tử của con cả ngày. Con không yên tâm về vị trí của mình nên đành mưu phản”.
Vào thời nhà Tuỳ, Tuỳ Văn Đế phế Dương Dũng lập Dương Quảng. Trong tâm Dương Dũng cũng nghĩ rằng nếu cha mình mất sớm vài năm thì mình đã làm Hoàng đế rồi, nhưng vì Tuỳ Văn Đế mất muộn nên đã phế bỏ vị trí Thái tử của Dương Dũng rồi lập Dương Quảng.
Ngay cả khi đã xác định Thái tử như Lý Thừa Càn mà người khác còn muốn tranh giành, còn nếu không lập người kế vị, có thể sẽ khiến một nhóm người cũng muốn tranh giành.
Tình huống hiện nay chính là như thế, Tập Cận Bình muốn thay đổi chế độ người kế nhiệm, chọn ra vài người sẽ khiến cục diện trở thành ‘trục lộc Trung Nguyên’. Nếu người được chọn người yếu đuối sẽ không khống chế được cục diện, nếu chọn người mạnh mẽ thì uy hiếp chính mình, thêm vào đó người này phải biết nịnh hót… bản thân những điều này đã tự có mâu thuẫn. Nếu không chọn người kế nhiệm, thì một nhóm khác sẽ bồi dưỡng vây cánh. Do đó Tập Cận Bình đang ở trong một tình huống tiến thoái lưỡng nan.
Từ tư tưởng của Pháp gia và những tham chiếu trong lịch sử, Giáo sư Chương suy ra được việc ông Tập thay đổi chế độ người kế nhiệm sẽ kích động một cuộc đảo chính, còn kết quả thật sự sẽ ra sao, chúng ta chỉ có thể chờ xem một thời gian nữa.
Mạn Vũ
Đăng theo ĐKN
Chú thích:
(1) Bát đại nguyên lão: 8 vị nguyên lão của ĐCSTQ gồm: Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Bành Chân, Dương Thượng Côn, Đặng Dĩnh Siêu, Bạc Nhất Ba (cha Bạc Hy Lai) và Vương Chấn.
(2) Khoái Thông: còn gọi là Khoái Triệt. Vì chữ Triệt trùng với tên huý của Hán Vũ Đế – Lưu Triệt nên gọi Khoái Triệt là Khoái Thông.