Tâm thư nhà văn gửi PTT Vũ Đức Đam: Cần thu hồi ngay sách Tiếng Việt lớp 1

Tâm thư nhà văn gửi PTT Vũ Đức Đam: Cần thu hồi ngay sách Tiếng Việt lớp 1

Tâm thư nhà văn gửi PTT Vũ Đức Đam: Cần thu hồi ngay sách Tiếng Việt lớp 1

Tâm thư nhà văn gửi PTT Vũ Đức Đam: Cần thu hồi ngay sách Tiếng Việt lớp 1

Tâm thư nhà văn gửi PTT Vũ Đức Đam: Cần thu hồi ngay sách Tiếng Việt lớp 1
Tâm thư nhà văn gửi PTT Vũ Đức Đam: Cần thu hồi ngay sách Tiếng Việt lớp 1
Chủ nhật, 29-12-2024 19:58, (GMT+07:00)
Tâm thư nhà văn gửi PTT Vũ Đức Đam: Cần thu hồi ngay sách Tiếng Việt lớp 1
13-10-2020 18:36

Mới đây, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã đăng một bức thư đầy tâm huyết gửi đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về những bất cập của sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều, vốn đang gây tranh luận gay gắt thời gian qua.

Bức thư nhanh chóng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dùng mạng với hàng chục ngàn lượt thích và chia sẻ trên Facebook. Nhiều người cho rằng bức thư như “nói hộ lòng dân” và tha thiết mong Phó Thủ tướng lắng nghe ý kiến của nhà văn.  

Bức tâm thư nhà văn Quang Vinh gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều nhận được sự ủng hộ của đông đảo cư dân mạng.

Dưới đây là nguyên văn bức thư:

*****

 

Thân mến gửi anh Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng.

Cám ơn vì anh cho biết đã đọc tất cả những thớt của tôi trên Facebook viết về Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 nhóm Cánh Diều.

Thế hệ tôi và anh, tất cả chúng ta, một thời gian khó, một thời dưới mái trường lợp tranh, với cuốn sách tập đọc lớp 1 được soạn không phải bằng lí luận cải cách, không từ hội đồng giáo sư, không từ dự án, nó được soạn từ những nhà sư phạm, bằng trái tim của những nhà sư phạm để chuyển câu chữ, vần điệu, kiến thức, cảm xúc đến trái tim và trí óc của thế hệ em thơ, trong đó có chúng ta.

Những cuốn sách đầu đời ấy, như tôi và anh và thế hệ chúng ta, cuốn nó lại, nhét vào trong túi quần, cùng với cái bảng đen cầm tay, lon ton tới trường mỗi ngày, phờ phạc vì đói ăn, nhưng ấm áp bên thầy cô, bên con chữ, bên những trang sách với những câu thơ văn Việt, minh hoạ Việt, giản dị nhưng chứa chan tình người. Mỗi ngày học ở lớp chúng ta nghe cô thầy giảng bài như nuốt lấy từng lời, từng dấu chấm, phẩy, từng câu văn, khổ thơ, tựa như được bước vào một thế giới nhiều sức hấp dẫn, mê say, mới lạ. Chúng ta học ở lớp, thuộc ngay ở lớp, không ai dạy thêm và hôm sau lại ăn vội củ khoai, bát cơm nguội để háo hức tới trường.

Tôi và anh và chúng ta, một thế hệ, sau đó nhiều thế hệ nữa, cho tới năm 2000, tất cả được học bằng những trang sách đầu đời như thế, với sự dạy dỗ của thầy cô, để chúng ta biết đọc, biết viết, biết cộng trừ nhân chia, biết yêu mẹ kính cha, biết nhường cơm sẻ áo, biết khoanh tay nhận lỗi, biết yêu thương bà con, làng xóm, biết nâng niu bông hoa dại, biết vỗ về chú mèo, con gà, đàn nghé, chập chững nhưng bền bỉ những bước chân học làm Người.

Các thế hệ chúng ta, từ lớp vỡ lòng, lên lớp 1, 2, cứ thế thành người, cứ thế lớn lên, sống và cống hiến vì Tổ Quốc, xây dựng non sông đất nước cho tới hôm nay, vâng, cho tới hôm nay, anh là Phó Thủ tướng, còn tôi là nhà văn, và tất cả thế hệ chúng ta đều là công dân tốt, công dân có ích, nhiều và nhiều thế hệ như thế.

Vậy thì cải cách để làm gì? Đặc biệt từ những lớp học đầu đời, vốn đã tốt đẹp như thế, yên ả như thế, ấm áp như thế, cùng với đó là những cuốn sách tập đọc, tập viết gần gũi và thân thương như thế, cho nhiều nhiều thế hệ, tại sao lại phải cải cách để thành những bộ sách xa lạ cả về cách thức, cả về ngôn từ, cả về cảm xúc, cả về nội dung. Đó là tôi nói cụ thể ở sách Tiếng Việt 1 của nhóm GS Nguyễn Minh Thuyết, không nói lại những ấu trĩ của nó, những tệ hại của nó, những nội dung tầm thường của nó, những sai sót, những tuỳ tiện, những lỗi dùng từ, mà anh đã đọc, đã biết.

 

Tôi muốn nói rằng, tại sao lại phải mất hàng ngàn tỷ để làm cái việc vô bổ như thế, không chỉ là lãng phí mà còn tai hại, nó chất chứa những ẩn họa qua từng bài học, từng câu, từng chữ, cổ súy bạo lực, bày vẽ cách nói dối, làm hoen ố tư duy non tơ trong trắng của con trẻ, gây hệ luỵ không chỉ về cảm xúc, về nhận thức mà cả phương pháp tiếp thu, phương pháp truyền thụ.

Những lớp cao hơn, từ trung học phổ thông, có thể sẽ có những cải cách, đổi mới, nâng nhận thức, cập nhật văn hoá, kiến thức của thế giới để các em nhận biết rộng hơn, xa hơn, nhưng với các cháu lớp 1, 2, 3 mục tiêu chỉ đơn giản là đọc thông viết thạo, đơn giản chỉ là dạy ứng xử với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, làng xóm… Chỉ những đầu óc ngông cuồng mới ham hố nhồi nhét, như có thể biến tâm hồn trẻ thơ trong trắng của các cháu thành những con robot, thành những cái máy, thành thánh nhân. Họ áp đặt, võ đoán về đối tượng, rồi những nhà biên soạn sách dùng tư duy của mình, sự khoe khoang kiến thức của mình, giương cao vỏ bọc cải cách để thay sách bằng được, gây tổn hại kinh tế, tinh thần, nhận thức cho toàn xã hội. Nghiêm trọng hơn là họ biến một thế hệ thành phương tiện hàng năm cho nhóm gọi là cải cách này kiếm chác, giành giật, chen vai thích cánh giành miếng bánh dự án thay sách, với ngồn ngộn lý luận cao cả nhưng cuối cùng cũng chỉ là xào xáo, copy, đánh bóng ngôn từ hay làm xiếc kiến thức mà thôi, vô bổ và nguy hiểm.

Báo chí, dư luận xã hội từ thầy cô đến học trò, đến người dân, những ý kiến phản đối, phẫn nộ ngày càng tăng, trong khi những nhà soạn sách thì không tiếp thu lại ra sức níu kéo, bảo vệ với sự ngụy biện đến hài hước cái hay, cái tốt cho việc thay sách này.

Không còn sự lựa chọn nào nữa, lúc này, cần phải ĐÌNH CHỈ VÀ THU HỒI ngay lập tức Sách Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều, cần phải thành lập ngay lập tức một Hội đồng kiểm định chất lượng sách vừa qua, một hội đồng tâm sáng, bản lĩnh, và có quyền lực để soi xét, kiểm tra, lấy ý kiến nhân dân, minh bạch một lần cho toàn bộ các sách giáo khoa ở các cấp học.

Hội đồng giám định sách giáo khoa Quốc gia phải từ Chính phủ lập nên, có trách nhiệm, vô tư và khách quan, chứ không phải Bộ giáo dục lại vẫn thường tổ chức thanh tra, kiểm tra những sơ sẩy của chính ngành mình như lâu nay, sau đó thì “tôi rất lấy làm tiếc”, “ tôi thấy đau lòng”…

 

Hàng triệu học sinh tiểu học sau 10 năm, 20 năm nữa trưởng thành nên hàng triệu công dân của đất nước, không thể để một thế hệ như thế quay chong chóng trong sự toan tính ngạo mạn, thực dụng, háo danh của một nhóm người lớn – gọi là Hội đồng biên soạn sách quốc gia, chúng ta phải có trách nhiệm đến cùng.

Trách nhiệm đó, nhân dân đã nói nhiều, phản ánh nhiều, cả trên báo chí và diễn đàn mạng, cuối cùng, nhân dân đang chờ quyết định của Chính phủ, chờ từ anh.

Tôi tin, anh sẽ biết làm gì vào lúc này.

Kết thúc lá thư này, tôi, anh và chúng ta hãy hát ca khúc tuổi thơ mà mọi thế hệ đều nằm lòng, những câu hát yêu thương, ấm áp và chan chứa tình thầy cô của cố nhạc sĩ Hoàng Vân: 

Em yêu trường em, với bao bạn thân
Và cô giáo hiền như yêu quê hương
Cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương.
Nào bàn nào ghế, nào sách nào vở

Nào mực nào bút, nào phấn nào bảng
Cả tiếng chim vui, trên cành cây cao
Cả lá cờ sao trong nắng thu vàng
Yêu sao yêu thế trường của chúng em…

Trân trọng.

Theo Facebook nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Đăng theo Tinh Hoa

 

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP