Trong khi với sức ảnh hưởng của một nghệ sĩ nổi tiếng, một “người của công chúng”, là công dân Mỹ - một nước tự do, lẽ ra em phải đứng về phía lẽ phải, em phải bênh vực những nạn nhân vô tội của một chính quyền tà ác...
Từ cảm giác vinh hạnh, chị đã thấy xấu hổ khi em thể hiện hình ảnh của chị trên màn bạc. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
Bộ phim Mulan do hãng Disney phát hành và diễn viên Lưu Diệc Phi thủ vai chính đang vấp phải làn sóng phản đối của khán giả khắp năm châu. Lý do chính của việc này là vì diễn viên chính Lưu Diệc Phi lên tiếng ủng hộ cảnh sát HongKong đàn áp người biểu tình, cũng như thái độ luồn cúi bợ đỡ của hãng phim đối với chính quyền Trung Quốc.
Nhân sự kiện này, chúng tôi trân trọng gửi tới quý độc giả lá thư giả tưởng của nhân vật chính Hoa Mộc Lan gửi cho diễn viên thủ vai cô: Lưu Diệc Phi.
“Chào em Lưu Diệc Phi,
Chị xin tự giới thiệu, chị là Hoa Mộc Lan, nguyên mẫu ngoài đời của vai diễn mà em đã thể hiện trong bộ phim Mulan. Chị sống ở thời Bắc Ngụy, cũng lâu lắm rồi. Chị mồ côi mẹ từ rất sớm, nhưng cha chị thương chị lắm, người không đi bước nữa mà ở vậy chăm bẵm chị từng miếng ăn, giấc ngủ, lại cho chị học hành đầy đủ cả văn học và võ nghệ. Chị vừa thương yêu vừa kính trọng cha nên khi giặc Nhu Nhiên phía bắc xâm phạm bờ cõi và hết thảy trai tráng bị động viên ra trận, chị đã tình nguyện đóng giả cha để tòng quân. Chị mang một cái mặt nạ bằng da, trên người hầu như không lúc nào rời võ phục, nơi sa trường chị luôn dẫn đầu tả xung hữu đột, chiêu thức cương mãnh, thân pháp mau lẹ không kém gì nam giới; trong quân ngũ chị cũng ít giao du... nên trong bao năm chinh chiến, đến đồng đội cũng không phát hiện ra chị là gái giả trai. Cứ thế, chị lập nhiều chiến công cho đến khi chiến tranh kết thúc và có thể trở về quê phụng dưỡng cha già. Đó cũng là những gì đa số người dân mảnh đất Thần Châu này biết về chị từ hàng trăm năm nay.
Vậy nên, chị vô cùng vinh hạnh khi câu chuyện của mình được Hollywood dựng thành phim, càng vinh hạnh hơn khi được em, “thần tiên tỉ tỉ” thể hiện con người chị, dẫu cho người ta có nói rằng: hãng Disney làm thế cũng chỉ là vì nhắm đến thị trường phòng vé của hơn một tỷ dân Trung Quốc và lợi dụng ký ức thân thương về chị trong lòng dân tộc, tức là cũng chỉ vì lợi danh mà thôi. Nhưng không sao, miễn là họ không tô vẽ gì thái quá, chị cũng chấp nhận.
Nhưng gần đây, tên chị bị người ta nhắc đến quá nhiều với những cảm xúc chẳng mấy tích cực khiến chị cũng chẳng thể nằm yên dưới mồ để an hưởng giấc ngàn thu. Chị đành phải tự đi tìm hiểu nguyên nhân, cuối cùng chị cũng hiểu ra sự thực. Và điều khiến chị bất an, chính là về quan điểm, cách ứng xử của Disney và cả của em nữa. Nó làm chị thấy lẫn lộn không còn phân biệt được đâu là giới hạn của những kỹ thuật ngoại giao với tiêu chuẩn chính nghĩa, thật là chính – tà, thiện – ác bất phân.
Người xem nói rằng: trong phần credit ở cuối phim, Disney đã dành lời cảm ơn đặc biệt đến nhiều cơ quan đoàn thể tại Tân Cương, trong đó bao gồm cả Cục an ninh công cộng ở thành phố Turpan, nơi giam giữ vô số người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo; và cảm ơn cả Ủy ban khu tự trị Tân Cương - cơ quan đại diện cho chính quyền Trung Quốc với chính sách cai trị hà khắc, tàn nhẫn và dối trá thâm hiểm của chính quyền này đối với dân tộc Duy Ngô Nhĩ.
Không rõ họ có biết chính quyền tà ác này đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ vô tội trong các trại tập trung, và đối xử với những người này như nô lệ, như những con vật? Tàn ác không thua gì cách chính quyền Hitler đối xử với người dân Do Thái.
Không rõ họ có biết chính quyền này đang đồng hóa và diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các dân tộc thiểu số khác?
Không rõ họ có biết chính quyền này làm giàu bằng cách cướp đoạt nội tạng, buôn bán xác chết của người tu Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, các tù nhân, và khai thác lao động khổ sai... hay không?
Đến người chết lâu năm như chị còn biết, cớ gì họ lại không biết?
Nếu họ đã biết những việc ấy, mà còn dành lời cảm ơn tới những tổ chức khủng bố tà ác này, thì họ đại diện cho điều gì? Và thông điệp mà họ gửi tới khán giả là gì? Một bộ phim của một hãng phim ca ngợi chính nghĩa lại dành lời cảm tạ cho những kẻ phi nghĩa và tàn ác?
Còn về em – người đẹp họ Lưu.
Người ta hay gọi em là “thần tiên tỉ tỉ” – danh xưng mang đầy ngưỡng mộ của hoàng tử Đoàn Dự nước Đại Lý đặt cho pho tượng ngọc nữ đẹp như thần tiên trong bộ tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung lão nhân gia. Em đẹp lắm và trong sáng vô ngần những khi em xuất hiện trên màn ảnh, vẻ ngoài ấy thật xứng đáng là thần tiên tỉ tỉ lắm. Người ta cứ bảo chị đẹp, nhưng chị thẹn vì nhan sắc chẳng bằng được em. Chị cũng chẳng có vẻ trong sáng ấy. Thì em bảo chinh chiến bao năm, làm bạn với gió bụi biên thùy, tắm máu địch nơi sa trường nóng như thiêu đốt hay có lúc trúng mai phục bị gươm chém kiếm đâm nơi rừng hoang tuyết lạnh... có đẹp mấy cũng phải tàn phai, mà con gái có thì. Chị đâu được như em sung sướng thả mình nơi sa-lông của giới thượng lưu, tắm mình trong hào quang của một minh tinh màn bạc “vua biết mặt chúa biết tên”, đi đến đâu cũng được săn đón chiều chuộng, được tung hô hâm mộ, được hưởng thụ những tiện nghi xa xỉ nhất...
Nhưng hình như em chỉ đẹp và trong sáng trên màn ảnh.
Chị được biết em và một số ngôi sao màn bạc khác như Thành Long, Chân Tử Đan, Phạm Băng Băng... vì lý do gì không rõ hết sức ủng hộ mọi động thái của chính quyền Trung Quốc – mà giờ đây nhân loại coi như một đoàn thể tà ác chống lại loài người. Em chính là người đã lên tiếng ủng hộ đường lưỡi bò một cách mù quáng. Em cũng công khai ủng hộ hành động tàn ác của cảnh sát Hong Kong khi trấn áp người biểu tình, thậm chí em còn ngạo nghễ thách thức cả dư luận nữa. Như là:
“Tôi cũng ủng hộ cảnh sát Hong Kong. Các bạn hãy đánh tôi đi.”
Và
“Thật xấu hổ cho Hong Kong.”
Em dám phát ngôn như vậy vì em là minh tinh màn bạc, em có đám đông fan trung thành, vì em có chính quyền Trung Quốc chống lưng hay vì “em đẹp em có quyền”?
Trong khi với sức ảnh hưởng của một nghệ sĩ nổi tiếng, một “người của công chúng”, là công dân Mỹ - một nước tự do, lẽ ra em phải đứng về phía lẽ phải, em phải bênh vực những nạn nhân vô tội của một chính quyền tà ác. Nếu tốt hơn nữa, em dám vạch ra những điều sai trái của chính quyền ấy cho cả thế giới thấy được, làm vậy em sẽ gián tiếp cứu được những người vô tội, tích được công đức vô lượng. Hoặc vì lý do nào đó không tiện lên tiếng, thì chí ít em cũng đừng ủng hộ chính quyền Trung Quốc chứ?
Có vẻ như cái thị trường hơn một tỷ dân ấy cũng giống như kho vàng của 40 tên cướp trong truyện “Nghìn lẻ một đêm”, khiến em mờ mắt và vội vàng lên tiếng bợ đỡ, thể hiện sự “trung thành cẩn cẩn” với Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một tổ chức bắt cóc tống tiền, chuyên lấy danh nghĩa hơn một tỷ con tin của nó để đi giao dịch kiếm lời, chính là một tổ chức khủng bố đỏ chống lại loài người.
Ở thời chị sống và nói chung là trước khi có ĐCSTQ, những người nghệ sĩ chân chính phải là người có đạo đức, có tiết tháo. Họ giữ mình trong sạch, họ dùng nghệ thuật để cứu vớt linh hồn, họ không khuất phục cường quyền và tất nhiên không bao giờ lên tiếng phụ họa cho cái ác. Không rõ em có biết đến "Trúc Lâm thất hiền" đời Tấn, những nghệ sĩ không đồng tình với những gian trá, hèn hạ của giới quan liêu trong triều đình bèn từ quan bỏ lên rừng trúc, tiêu dao tự tại, uống rượu đàn hát vui vẻ.
Nếu chuyện ấy em cho là xưa quá, thì chị nói về những nghệ sĩ đương đại. Là người trong nghề, chắc em biết Châu Nhuận Phát? Em có biết vì sao anh ấy được người hâm mộ trọng vọng, nể vì? Không chỉ vì cách sống, cách đối nhân xử thế hào hiệp của anh ấy với những người xung quanh, mà còn vì thái độ biểu thị khảng khái, coi nhẹ danh lợi hay thậm chí an nguy của bản thân khi anh bị Bắc Kinh liệt vào “danh sách đen” những nghệ sĩ ủng hộ cuộc phản đối đòi dân chủ ở Hong Kong. “Thế thì kiếm ít tiền hơn thôi”, anh ấy đã nói một cách hờ hững như vậy đấy.
Ngoài Châu Nhuận Phát còn có Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ, Hà Vận Thi... cũng lên tiếng ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong, phản đối sự đàn áp của chính quyền ĐCSTQ thông qua công cụ hắc cảnh Hong Kong.
Thật đúng là bản sắc chính nhân quân tử.
Người nghệ sĩ chân chính, là phải như thế.
Vậy nên từ cảm giác vinh hạnh, chị đã thấy xấu hổ khi em thể hiện hình ảnh của chị trên màn bạc.
Chị nhẽ ra có thể an phận thủ thường và hưởng hạnh phúc êm đềm của một người mẹ, người vợ như bao người mẹ, người vợ bình thường khác... nhưng vì chữ hiếu, vì trách nhiệm của một người dân yêu nước trước họa ngoại xâm, một người học võ có chính khí, chị đã tham gia tòng quân để bảo vệ cha già, bảo vệ bách tính trong thời loạn lạc, và cao hơn cả là bảo vệ chính nghĩa. Có thể xả thân vì chính nghĩa bất kể sống thác đó là tín niệm của chị. Và chị cũng chỉ là một người con gái bình thường nơi thôn quê, chưa từng được hưởng ơn vua lộc nước hơn người, chẳng phải nghệ sĩ nổi tiếng, chẳng có đám đông fan hâm mộ cuồng nhiệt, cũng chẳng phải “thần tiên tỉ tỉ” gì hết.
Người ta cũng nói diễn xuất trên phim của em cứng đơ, biểu cảm mười cảnh như một, thật là một “bình hoa di động”. Nhưng chị thì không nghĩ vậy, bởi bộ mặt mang mặt nạ da của chị khi xưa cũng cứng đơ như thế. Em biểu cảm như thế mới hợp.
Chị chỉ thấy thất vọng khi người trên phim và người ngoài đời khác nhau nhiều quá, và phim cũng khác đời nhiều quá. Điện ảnh đã từng là một “điện đường” thiêng liêng của những người làm nghệ thuật, nơi người ta tôn vinh sự thật, cái thiện, cái đẹp, tức là Chân – Thiện – Mỹ. Vậy mà giờ đây...
Nhưng là một người con của mảnh đất Thần Châu với 5000 năm văn hóa thần truyền, chắc em cũng biết đến đạo lý “nhân quả báo ứng”, đến “trên đầu ba thước có thần linh”, đến chuyện những ác nhân quyền lực hơn em nhiều trong bộ máy chính quyền Trung Quốc đã phải đền tội bằng nhiều hình thức do đàn áp dân chủ và tín ngưỡng. Và chắc em cũng biết rằng ngày nay, ĐCSTQ và chính quyền nước này đang trong cơn hấp hối, bị cả nhân loại nhận mặt, bị tẩy chay, bị bao vây tứ bề, “thập diện mai phục”, tai họa trùng trùng, nào dịch viêm phổi Vũ Hán, nào động đất lũ lụt, mất mùa, nào kinh tế bết bát, nào môi sinh ngắc ngoải, nào thù trong giặc ngoài... em sẽ tiếp tục đứng bên kẻ thủ ác này chứ?
Hay em quyết định hòa mình vào làn sóng thoái Đảng đang ngày càng mạnh mẽ không gì cản nổi với gần 400 triệu người lúc này.
“Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn”, hãy tỉnh ngộ nhanh thì còn kịp.
Chúc em sẽ thực sự xứng đáng với mỹ danh “thần tiên tỉ tỉ” trong lòng khán giả năm châu.
Chị - Hoa Mộc Lan"
Nguyên Phong - Theo NTDVN