Thời kỳ “nguy hiểm lớn nhất” đối với Đài Loan sẽ bắt đầu trong chưa đầy một năm tới, kể từ bây giờ. Mối đe dọa về một cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Đài Loan sẽ cao hơn bình thường. Đây là lý do tại sao.
Hôm thứ Ba (ngày 2/3), Tướng HR McMaster điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện, tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình “có một cơ hội chớp nhoáng… làm cho Trung Quốc thống nhất trở lại”.
Cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Trump trong năm 2017 và 2018 tin rằng Trung Quốc có thể hành động “từ năm 2022 trở đi” dựa trên Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh - sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 2; và Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - theo truyền thống sẽ được tổ chức vào mùa thu năm sau, có lẽ là vào khoảng tháng 10.
Tướng McMaster - hiện đang làm việc tại Viện Hoover - có lẽ đã nói đúng. Do đó, một năm nữa, mối đe dọa về một cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Đài Loan sẽ cao hơn bình thường.
Không nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh không muốn chiến tranh nổ ra trước ngày 4 tháng 2 - ngày khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Đã có những lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội - được gọi là “Trò chơi diệt chủng” - ám chỉ hành động tàn bạo của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và các dân tộc thiểu số khác trong Khu tự trị Tân Cương, hay đối với những người tu luyện Pháp Luân Công - vốn đang bị bức hại, mổ cướp nội tạng sống…
Có một giả định hợp lý ở Washington rằng ông Tập sẽ không thực hiện một hành động gây hấn “trần trụi” trước Thế vận hội, vì điều đó sẽ đảm bảo việc cộng đồng quốc tế tránh xa sự kiện này. ĐCSTQ rõ ràng tin rằng một kỳ Olympic thành công là rất quan trọng đối với tính hợp pháp của họ.
Tại sao Đại hội lần thứ 20 của chính quyền này có liên quan đến một mối đe dọa xâm lược? Ông Tập đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng bí thư của ĐCSTQ.
Một số nhà quan sát cho rằng ông Tập đang phải đối mặt với sự phản đối mới do những sai lầm chính sách gần đây. Việc tiếp quản Đài Loan, mà ĐCSTQ khẳng định là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một nhiệm kỳ mới kéo dài 5 năm dành cho ông Tập.
Tất nhiên, bất cứ lúc nào Trung Quốc cũng có thể xâm lược Đài Loan, nhưng Tướng McMaster đã xác định chính xác thời kỳ dễ bị tổn thương nhất đối với Đài Loan. Vậy các đề xuất chính sách của ông ấy cũng đúng trong trường hợp này?
Không nhất định là vậy.
Mỹ hiện duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược”, không nói rõ cho bên nào biết Hoa Kỳ sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra xung đột. Khi được Thượng nghị sĩ Tom Cotton hỏi rằng liệu Washington có nên áp dụng chính sách “rõ ràng chiến lược” - tuyên bố với Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trước sự xâm lược của Trung Quốc hay không, Tướng McMaster nói rằng không cần thay đổi chính sách nào cả.
Ông McMaster tuyên bố: “Sự mơ hồ về chiến lược là đủ, đặc biệt là sau khi chúng tôi công khai “Sáu điều đảm bảo” cho Đài Loan. Sáu điều đảm bảo này là những lời hứa từ thời cựu Tổng thống Reagan, trong số những mục đích khác, nhằm tránh việc định ra thời hạn chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan; không gây áp lực để Đài Loan đàm phán với Bắc Kinh; không thay đổi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với quốc đảo này, và không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Sự mơ hồ chiến lược đã giữ được hòa bình trong nhiều thập kỷ, nhưng đó là trong những thời điểm hòa bình. Tuy nhiên, hiện nay, các hành động của Trung Quốc đặc biệt thù địch, và đã có những lời kêu gọi từ những nhà quan sát ôn hòa như Richard Haass của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, rằng Washington nên chuyển sang “một cách trình bày rõ ràng hơn” về ý định.
Gerrit van der Wees, một cựu nhà ngoại giao Hà Lan giảng dạy lịch sử Đài Loan tại Đại học George Mason, nói với The National Interest: “Sự mơ hồ chiến lược đã không còn hữu dụng vì nó không đủ sức chống lại sự hung hăng của Trung Quốc. Bắc Kinh đã gia tăng sức ép bằng các cuộc tập trận quân sự, xâm nhập và các chuyến bay vòng quanh, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Đã đến lúc phải chống lại hành động khiêu khích như vậy của Trung Quốc với 'sự rõ ràng về chiến lược' ”.
“Chúng ta cần thoát khỏi những cấu trúc phức tạp của quá khứ và hướng tới các chính sách rõ ràng có cơ sở - dựa trên các nguyên tắc tự do, dân chủ và quyền tự quyết”, ông van der Wees nói thêm
“Sự rõ ràng mang lại sự răn đe” - đây là điều mà tướng McMaster đã vô tình làm nổi bật. Ông nói với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hoa Kỳ rằng thông điệp gửi tới Trung Quốc phải là: “Này, bạn có thể cho rằng Hoa Kỳ sẽ không đáp lại, nhưng đó cũng là giả định được đưa ra vào tháng 6/1950, khi Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc”.
Ngoại trưởng Dean Acheson vào tháng 1 năm 1950 đã công khai vạch ra một tuyến phòng thủ “không bao gồm Hàn Quốc”. Sự thiếu sót này đã dẫn đến việc Mao Trạch Đông và Josef Stalin chấp thuận cho Kim Nhật Thành xâm lược Hàn Quốc. Việc thiết lập chính sách của Mỹ - vốn trước đó không quan tâm đến việc “Hàn Quốc thất thủ”, đã biến thành hành động chính quyền Mỹ vội vã tiếp sức cho phòng thủ của Seoul khi Kim xâm lược khu vực này vào tháng 6 năm 1950.
Vì vậy, Chiến tranh Triều Tiên đã có thể tránh được. Ông Kim khó có thể nhận được sự chấp thuận của Matxcơva và Bắc Kinh, nếu cựu Ngoại trưởng Dean Acheson tuyên bố rằng Triều Tiên nằm trong “vành đai phòng thủ của Mỹ”. Nhưng hơn 36.000 người Mỹ đã chết vì một trong những sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ngày nay, rủi ro đã cao hơn nhiều so với năm 1950. Có một điều, Trung Quốc được trang bị vũ khí hạt nhân, và nhờ có Bắc Kinh, chính quyền Kim Jong Un của Triều Tiên cũng vậy.
Chuyên gia Richard Fisher của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế nói với The National Interest rằng một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan có thể sớm liên quan đến bán đảo Triều Tiên.
Tại sao? Ông Tập Cận Bình có thể cố gắng kéo các lực lượng Mỹ ra khỏi khu vực phòng thủ Đài Loan, bằng cách để chính quyền Kim Jong Un đe dọa Hàn Quốc, và thậm chí đe dọa cả Mỹ.
Vì vậy, hơn bao giờ hết, Hoa Kỳ cần phải có thông điệp rõ ràng để ngăn chặn Trung Quốc và các lực lượng ủy nhiệm của họ.
"Liệu Trung Quốc có thể xuống tay tàn nhẫn giết hại nền dân chủ ở Đài Loan vào năm 2022? Bạn không dám đặt cược đâu", chuyên gia Fisher nói.
Tác giả: Gordon G. Chang là tác giả của cuốn sách “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, ông là thành viên cao cấp của Viện Gatestone, và là thành viên của Ban cố vấn.
Lê Minh
Theo NTDVN