Trong lịch sử có khá nhiều Thần đồng, nhỏ tuổi mà trí tuệ đã hơn cả người lớn, nhưng lại đoạn thọ. Nguyên nhân là gì?
Tại sao người xưa nói ‘Người khôn sớm chẳng sống lâu’? (Tranh: NTDVN)
Ngày xưa, có một vị hàn lâm học sĩ tên là Đới Công, phụng mệnh vua đi coi thi ở vùng phía tây đất Tần, khi vào thi, ông cho mở cửa lớn, theo danh sách mà xướng tên thí sinh. Có một cậu bé 7 tuổi tên gọi Chương Tiết, búi tóc quấn lụa hồng, gương mặt sáng trong tựa ngọc, cầm túi bút bước lên đài tiếp nhận đề thi.
Đới Công coi thường cậu nhỏ, nói: “Ồ! Trường thi là nơi thi thố văn chương, đâu phải nơi vui chơi của trẻ nhỏ. Cậu tới đây làm gì?”
Chương Tiết chắp tay thi lễ nói: “Tiểu tử ngu dốt, chỉ muốn xem một chút thế nhân ra sao thôi”.
Đới Công nói: “Cậu biết làm văn không? nếu nộp giấy trắng, sẽ bị phạt đánh đòn”.
Chương Tiết đáp: “Tiểu tử không dám nói đoạt giải, nhưng chưa chắc bị phạt đòn.”
Đới Công cho là cậu bé khoa trương, bèn hỏi lại học quan tiên sinh, tiên sinh đáp: “Cậu bé này ca ngợi là Thần đồng. Cha cậu tên là Cửu Như, lận đận đã lâu mà không đỗ nổi tú tài.”
Đới Công nghi ngờ Cửu Như đi theo, rồi thừa cơ làm bài thay cho con. Để phòng gian lận, ông cho tách Chương Tiết riêng ra một chỗ ở nội đình, cho các vị quan thuộc hạ già trông coi.
Khi điểm danh, quả nhiên có tên Chương Cử Như, tuổi đã ngoài 40, trông cũ kỹ chán chường, chỉ là thí sinh tầm thường vùng thôn dã. Đới Công hỏi: “Chương Tiết là con trai ông phải không?”
Cửu Như đáp: “Đúng vậy”.
Đới Công lại hỏi: “Tuổi nhỏ như vậy, ép con đến đây làm gì? Nếu ông giấu giếm làm bài thay cho con, pháp luật không khoan dung đâu!”
Cửu Như vâng dạ tuân lời.
Sau khi đóng cổng trường thi, Đới Công ngồi trên công đường, quá trưa quay về nội đình xem xét. Vừa ngang qua cửa thì nghe tiếng trẻ con cười vang, còn nghe tiếng chư lão tiên sinh bàn luận, còn cậu bé Chương Tiết bỏ cả mũ, đang nhào lộn trên giường một cách thích thú.
Đới Công bước vào khiển trách, Chương Tiết kính sợ, từ từ đứng dậy, chỉnh lại áo mũ, đứng khoanh tay để nghe giáo huấn. Đới Công cười mà rằng: “Ta biết ngay là cậu không biết làm văn mà. Mặt trời đã quá hàng gạch thứ 8 rồi, mà cậu vẫn không có ý tưởng, vẫn còn làm náo loạn. Lẽ nào nơi đây là lớp học Tam gia thôn phải không?” (Tam gia thôn-thôn có ba nhà: chỉ nơi nông thôn ít người, do người ít nên người có học vấn cũng ít.)
Chương Tiết nói: “Tiểu tử không nhận được đề thi, viết cái gì đây ạ?”
Đới Công sực tỉnh, bất giác cũng ôm bụng mà cười. Hỏi lại các giám thị: “Bản lĩnh cậu nhỏ này thế nào?”
Mọi người đáp: “Rất thông mẫn, nhưng ngang ngạnh không nghe lời. Sách đọc làu làu, trả lời trăm câu đúng cả”.
Thế là Đới Công cho cậu đề thi, bàn nhỏ, cho cậu ngồi xuống làm bài, còn cho mang tới quả ngon bánh ngọt để cậu ăn. Chương Tiết hơi nhíu mày xem qua đề thi, rồi vung bút viết không ngừng, như là đã được suy xét kỹ rồi, tràn trề khoáng đạt, hàng lối ngay ngắn. Viết xong quỳ xuống giao bài, nói: “Tiểu tử tên Chương Tiết, xấu hổ không viết được việc lớn, nên tạm viết vội trang văn. Hoàng hôn cũng đang xuống, cố nộp quyển tránh để giấy trắng mà thôi”.
Đới Công nhận quyển, vừa đọc vừa nhiều lần vỗ tay khen hay.
Vừa vặn có bức “Lan Đình tập tự” của Vương Hy Chi treo trên tường, Đới Công nhặt ra câu: “Thử địa hữu sùng sơn tuấn lĩnh, mậu lâm tu trúc”. (đất này có núi cao chót vót, rừng sâu trồng trúc).
Nói rồi, bảo Chương Tiết đối thử xem.
Chương Tiết lập tức dùng một câu trong “Tây sương ký” mà đối lại: “Phạ nhĩ bất điêu trùng triện khắc, đoạn giản tàn biên”. (ngại ông không biết thể viết Trùng, Triện, nên phải giản lược đi - Trùng, Triện là thể loại chữ viết trong tám lối viết thời nhà Tần).
Chư lão tiên sinh nghe xong, ai cũng khen hay. Đới Công giả vờ giận nói: “Trẻ con cũng đọc Tây Sương ký ư?”
Thế là ông liền lấy làm đề ra vế đối: “Đồng tử độc Tây Sương”, (trẻ con đọc Tây sương ký).
Chương Tiết cũng thuận miệng đối luôn: “Đại nhân ứng Đông Tỉnh, (Đại nhân ứng với sao Đông Tỉnh - chú thích: Đông Tỉnh là tên của một trong hai tám vì tinh tú).
Đới Công nghe xong tươi cười, lại chỉ vào cây lớn trong sân đình nói: “Lão thụ thiên niên”, (cây già nghìn tuổi).
Chương Tiết đối lại: “Hương đàm nhất hiện”, (hương đàm thoảng qua).
Đới Công nghe xong, lo lắng câu này mang điềm chẳng lành, nhưng cũng rất tán thưởng sự mẫn tiệp của cậu bé. Lúc này, nến được thắp lên, Chương Tiết sắp ra về, Đới Công vỗ lưng cậu nói: “Hãy tự lo nhé, việc lĩnh chiếc áo xanh tú tài đối với cậu là việc quá dễ dàng”.
Chương Tiết đột nhiên buồn thương thê thảm, quỳ sụp xuống nước mắt như mưa, dập đầu liên tục, ra sức từ chối danh vị tú tài mà Đới Công chấm đỗ. Đới Công quá đỗi kinh ngạc, hỏi: “Cậu có chí hướng cao xa, không coi danh tú tài là mục đích, vậy sao phải khổ hạnh tới đây làm gì?”
Chương Tiết khóc ròng: “Con có nỗi khổ không dám nói, nói ra thì sẽ bị trách tội”.
Đới Công nói: “Cậu cứ nói, đừng sợ gì cả”.
Chương Tiết kể: “Cha con mãi không qua được kỳ thi đồng tử (kỳ thi để có tư cách dự kỳ thì chính thức), nên lần này con tính làm bài thay cha con. Ai ngờ bị cách ly, lại còn đậu ngay tú tài. Mà cha con lần này cũng chẳng hy vọng gì, lần sau nữa không biết sẽ ra sao? Thỉnh cầu đại nhân tìm cha con, xóa tên con, chuyển cho cha, ân đức này suốt đời không quên”.
Đới Công bèn lục tìm bài của cha cậu là Cửu Như ra xem, thấy bài dở tệ, so với bài của Chương Tiết thì cách biệt trời vực. Ông đưa cho Chương Tiết xem, nói: “Văn chương cha cậu dở thế này, tôi làm thế nào đây?”
Chương Tiết cứ rập đầu không nghỉ.
Đới Công khen ngợi ý chí, cảm động lòng hiếu thuận, cùng tán thưởng tài hoa của cậu mà đáp ứng thỉnh cầu, ông nói: “Ta giám biệt văn chương hay dở hết sức rõ ràng cao minh, lần này vì cậu mà tạm mang ủy khuất. Nhưng khoa thi sau cậu nhất định đỗ cao, ngày rạng danh không còn xa nữa.”
Chương Tiết mừng vui nhảy nhót tung tăng chạy về.
Sáng sớm hôm sau yết thị bảng kết quả, đứng đầu bảng vẫn là Chương Tiết, Cửu Như miễn cưỡng đứng cuối bảng. Đới Công hoàn thành công việc, chuẩn bị hồi cung, các tú tài đều tới tiễn chân, Cửu Như cũng dắt con bái tạ. Đới Công nói với Cửu Như: “Ông đỗ là do con ông tặng. Thật là ‘Ô nha sào lý xuất phượng hoàng’ (Tổ quạ đen lại sinh Phượng hoàng), trách nào người ta nói: Thiên tính là Trời ban!”
Đới Công lại hỏi Chương Tiết: “Lần thi này, người đầu bảng mang tên Chương Tiết là cùng họ tên với con phải không?”
Chương Tiết đáp: “Là cùng họ.”
Đới Công bảo: “Ta đi đây, sao lại không ra một vế đối chứ! ‘Chương Tiết, Chương Tiết hoàn’ (Chương Tiết, vẫn hoàn Chương Tiết).”
Cậu bé đối ngay: “Lã Mông, Lã Mông chính”, (Lã Mông, lại chính là Lã Mông).
Đới Công nhìn các vị tiên sinh đứng quanh nói: “Có thể không coi cậu bé này là bảo vật vô giá hay sao?”
Ông cởi đai ngọc đưa tặng Chương Tiết rồi nói: “Chỉ cần con trân trọng bản thân, danh tú tài sang năm, thì bây giờ trao trước cho con, đai ngọc này con giữ để làm bằng chứng”.
Chương Tiết cảm động rơi lệ, buồn rầu trông theo bóng xe Đới Công khuất dần, rồi theo cha về nhà.
Nửa năm trôi qua, Đới Công bỗng nhiên mơ thấy Chương Tiết tay cầm hoa Ưu Đàm, phiêu du bay đến cảm tạ, miệng ngâm nga đoạn thơ tuyệt tác:
Ngã thân bản thị Đàm Bà La (1)
Thác căn chủng thực tại Dao Đảo
Lai đáo thế nhân thường túc trái
Quy lai đàm hoa y cựu hảo
Tạm dịch:
Thân này vốn là hoa Ưu Đàm
Cội rễ mọc trên cõi Dao Đảo
Tới cõi trần gian trả nợ cũ
Trở về Ưu Đàm đẹp như xưa
Đến khi Đới Công quay lại Tây Tần, vội vàng tìm Chương Tiết, nhưng không thấy đâu. Lo lắng hỏi học quan tiên sinh, tiên sinh cho gọi Chương Cửu Như đến hỏi. Cửu Như hai dòng lệ ướt, nghẹn ngào đáp: “Chương Tiết sau khi nhận chỉ giáo của ngài, về nhà không lâu thì bị bệnh đậu mùa mà chết yểu, lúc lâm chung cầm chặt đai ngọc ngài cho, tôi đã mai táng đai ngọc cùng Chương Tiết”.
Đới Công kinh ngạc tiếc thương vô cùng. Cửu Như nói thêm: “Khi cháu sinh ra, mẹ cháu mộng thấy lão hòa thượng đưa tặng hoa Ưu Đàm, tỉnh dậy thì sinh con, cũng là mệnh đã định là không thọ”.
Đới Công sực tỉnh, nhớ ra vế đối xưa “hương đàm nhất hiện” (hương đàm thoảng qua) chính là điềm báo, giấc mộng sau này là khi cậu rời trần thế về với cõi Tiên.
Chú thích (1): Đàm Bà La, cũng gọi Ưu Bát La, Ưu Đàm Bát, phiên âm cũng gọi Ô Đàm Bà La, Ưu Đàm Bà La, hoặc Ưu Đàm, Ô Đàm. Có chỗ là Thanh Liên Hoa, là thánh hoa cõi Phật, là kỳ hoa nơi Tiên giới.
(Nguồn tư liệu: “Dạ vũ thu đăng lục”)
Xem thêm:
>> Ưu Đàm Bà La - Thiên hoa khai nở ẩn chứa huyền cơ gì?
Thái Bình
Nguồn Thái Nguyên - Epochtimes
Đăng theo NTDVN