Ảnh: Shutterstock.
Ngày 10/6, chính quyền Trung Quốc ban hành “Luật chống chế tài của nước ngoài”, đồng thời tự quyết định ngày có hiệu lực. Một số học giả phân tích rằng, đây chỉ là tuyên truyền nội bộ của ĐCSTQ, nhằm hiển thị cho người dân trong nước và không có hiệu lực pháp lý thực sự. Tuy nhiên, nó cho thấy ĐCSTQ ngày càng không ngừng đối đầu với các giá trị phổ quát của cộng đồng quốc tế.
Gần đây, các phương tiện truyền thông chính thức nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, trong phiên họp lưỡng hội của ĐCSTQ vào đầu tháng 3 năm nay, đại diện của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và những người khác đã đưa ra đề xuất ban hành luật chống chế tài của nước ngoài. Bắt đầu từ ngày 10/6, dự luật chính thức được thông qua và có hiệu lực sau 2 tháng.
Trả lời phỏng vấn tờ Epoch Times, Lý Hằng Thanh, học giả tại Viện Thông tin và Chiến lược Washington, Hoa Kỳ cho biết, mặc dù ĐCSTQ rất nóng lòng đẩy nhanh dự luật này, nhưng nó sẽ không có tác dụng gì cả, đó là một thủ đoạn giả mạo chỉ để cho người dân Trung Quốc xem.
ĐCSTQ gấp rút ban hành luật chống chế tài
Ông Lý đưa ra một ví dụ so sánh các biện pháp trừng phạt Trung-Mỹ và chỉ ra rằng, ĐCSTQ đã trừng phạt nhiều quan chức Mỹ và cũng như nhà sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ bằng cách từ chối cấp thị thực Trung Quốc và thị thực Hồng Kông. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio, người đã bị ĐCSTQ trừng phạt hai lần bày tỏ rằng, ông cũng không có ý định đến Trung Quốc sớm. Bên cạnh đó, tập đoàn Lockheed Martin cũng không hợp tác với ĐCSTQ mà bán máy bay quân sự cho Đài Loan.
Ngược lại với Trung Quốc, ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức ĐCSTQ là rất lớn. Ông Lý nói rằng, các quan chức ĐCSTQ có rất nhiều tài sản ở nước ngoài. Việc đóng băng tài sản của các quan chức này ở nước ngoài như một đòn giáng mạnh vào tâm can họ.
Trước đây, ĐCSTQ cũng đã từng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm trả đũa đối với các quan chức EU và chính phủ Úc, nhưng họ đã không nhận được kết quả đáng kể, mà thay vào đó lại tự làm tổn thương chính mình.
Ngày 22/3 năm nay, ĐCSTQ đã tuyên bố chống lại các biện pháp trừng phạt đối với mười thành viên của Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU, cũng như bốn tổ chức châu Âu, để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU đối với bốn quan chức ĐCSTQ và một tổ chức Tân Cương vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Tuy nhiên, sau khi ĐCSTQ công bố các biện pháp trừng phạt, EU đã ngay lập tức thông báo rằng họ sẽ đình chỉ việc xem xét Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU. Hai tháng sau, EU quyết định đóng băng quá trình phê duyệt Thỏa thuận Đầu tư Trung Quốc-EU cho đến khi ĐCSTQ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Năm 2020, Úc đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vi rút corona, ngay sau đó ĐCSTQ đã cấm các công ty Trung Quốc nhập khẩu các sản phẩm của Úc như than đá, lúa mạch, rượu vang, thịt bò… Lệnh cấm này không những khiến Úc tìm được thị trường thay thế, giúp cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và xuất khẩu của Úc đều tăng trong quý đầu tiên của năm nay, mà Trung Quốc còn tự mình nhận quả đắng khi tình trạng thiếu điện xuất hiện, chính quyền cắt điện ở nhiều nơi và giá các loại thực phẩm như thịt tăng cao, cuộc sống của người dân quả thực điêu đứng.
Tiến sĩ Luật: Trọng tâm của ĐCSTQ là chống lại các giá trị phổ quát
Trả lời phỏng vấn tờ Epoch Times, một tiến sĩ luật Bắc Kinh giấu tên nói rằng, cái gọi là luật của ĐCSTQ là một ngôn ngữ chính trị chung chung và trống rỗng, nó không phải là một ngôn ngữ pháp lý cung cấp các chuẩn mực hoặc các mô hình hành vi cụ thể, nó thiếu bản chất quy phạm của luật, đó là tính cụ thể, phương thức hành động và khả năng thực thi.
Lấy Điều 12 làm ví dụ, ông nhận định rằng khoản đầu tiên của Điều 12 là một sự tự lừa dối khi viết rằng: “không tổ chức hoặc cá nhân nào có thể thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện các biện pháp hạn chế phân biệt đối xử do nước ngoài thực hiện đối với công dân và tổ chức Trung Quốc”.
Ông nói: “Hệ thống thanh toán và quyết toán quốc tế nằm trong tay Hoa Kỳ. Ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước nào dám từ chối các lệnh trừng phạt của Mỹ? Không lẽ ĐCSTQ sẽ bắt đầu một khóa học mới và thiết lập một hệ thống thanh toán và quyết toán quốc tế mới? Điều này là hoàn toàn không thể! Ngoại trừ các quốc gia nghèo nàn và lạc hậu ở châu Phi không thể tham gia vào việc thiết lập hệ thống thanh toán và quyết toán quốc tế, hay Iran, chế độ độc tài và các quốc gia thất bại ở Nam Mỹ. Ai sẵn sàng hợp tác với ĐCSTQ khi các cường quốc Âu-Mỹ có khả năng kiểm soát thương mại quốc tế, thanh toán và dàn xếp quốc tế? Vì vậy, [việc Bắc Kinh ban hành dự luật chống chế tài] là thiếu khả năng thực thi ở tất cả phương diện. Nó chỉ có thể sử dụng trong nội bộ, thay vì giả vờ một lập trường cứng rắn ở bên ngoài”.
Đánh giá về đoạn thứ hai của Điều 12 quy định: “Trường hợp tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của khoản trên và xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức Trung Quốc thì công dân và tổ chức Trung Quốc có thể khởi kiện lên tòa án nhân dân theo quy định pháp luật, yêu cầu họ chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại ”, tiến sĩ luật cho rằng, về cơ bản việc này chỉ có tác dụng tuyên bố, phô trương, bởi vì trong hành động chính trị vĩ mô như trừng phạt quốc tế, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm cụ thể và hành vi xâm phạm trong luật dân sự rất khó chứng minh, khả năng thực thi và khởi kiện rất thấp.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh rằng, đây là một đạo luật khập khiễng mạnh ở bên ngoài để giải trí bên trong. Mặc dù tác dụng của nó chỉ mang tính phô trương, nhưng nó đã thể hiện đầy đủ quyết tâm của ĐCSTQ trong việc chống lại các giá trị phổ quát và kích động đường lối cứng rắn của các quy tắc quốc tế.
ĐCSTQ sẽ có nhiều biện pháp trừng phạt hơn trong tương lai
Ngày 6/6 trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 tổ chức tại Anh, Tổng thống Biden đã đăng một bài bình luận trên tờ Washington Post, đề cập đến Trung Quốc (ĐCSTQ) ba lần, kêu gọi Liên minh vì Dân chủ hành động kiên quyết hơn và tìm cách tăng cường hợp tác trong các vấn đề Trung Quốc, đồng thời nói rằng, các nền dân chủ lớn trên thế giới sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng vật lý, kỹ thuật số và y tế, cung cấp một giải pháp thay thế tiêu chuẩn cao cho Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn ngày 10/6, học giả độc lập Bắc Kinh Ngô Cường cho biết, chính quyền Trung Quốc đã thông qua Luật chống trừng phạt nước ngoài vào thời điểm này để chuẩn bị cho sức ép leo thang từ cộng đồng quốc tế.
Ông nói: “Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng đáp trả các lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Bắc Kinh…”.
Trước đó, cả chính quyền ông Trump và chính quyền ông Biden đều đã trừng phạt nhiều quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc và các công ty Trung Quốc. Có thông tin cho rằng, Thượng viện Hoa Kỳ đang thúc đẩy Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược, trong đó bao gồm việc cung cấp quyền tị nạn cho những người Hồng Kông bị ĐCSTQ bức hại.
Theo phân tích, dự luật nói rằng nó “phản đối sự can thiệp của bất kỳ quốc gia nào vào công việc nội bộ của Trung Quốc dưới bất kỳ lý do và hình thức nào”, điều này cho thấy Trung Quốc đã quy kết bất kỳ lệnh trừng phạt nào của các nước phương Tây đối với các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm phá hoại nền tự trị của Hồng Kông, sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ để gán ghép rằng đã can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Tờ L’Agence France-Presse của Pháp chỉ ra rằng, Trung Quốc sử dụng “Luật chống chế tài nước ngoài” để giải tỏa áp lực, đe dọa các quốc gia nước ngoài không áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Trung Quốc.