Lễ khai mạc Olympics Mùa đông tại Bắc Kinh hồi tháng Hai vừa qua đã khiến khán giả khắp thế giới không khỏi phẫn nộ, đặc biệt là khán giả Hàn Quốc.
Trong màn trình diễn khai mạc Olympics, một người phụ nữ Trung Quốc bước ra trong bộ trang phục truyền thống hanbok (Hàn phục), một trang phục truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Hàn Quốc. Khi được yêu cầu bình luận, Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul nhấn mạnh rằng người biểu diễn này chỉ đơn thuần là đang đại diện cho những nhóm [dân tộc] thiểu số của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phê bình không chấp nhận lời giải thích này của đại sứ quán. Thay vào đó, họ đã lập luận rằng người biểu diễn nói riêng (và cả màn biểu diễn này nói chung) đại diện cho một điều không gì khác hơn là sự “chiếm đoạt văn hóa”.
Các nhà phê bình đã đúng. “Sự việc hanbok” này không phải là chưa từng có tiền lệ; trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đã chiếm đoạt một phần bản sắc và văn hóa Hàn Quốc, tất cả với hy vọng gây thù địch với một quốc gia mà họ xem là một mối đe dọa đối với chương trình nghị sự châu Á của mình.
Bây giờ, trước khi đi sâu vào vấn đề, điều quan trọng là cung cấp một số bối cảnh. Không phải tất cả các hình thức chiếm đoạt văn hóa đều được coi là đồng đẳng. Một vài người lập luận khá thuyết phục rằng, mọi thứ đều là văn hóa, và tất cả mọi thứ, ở một mực độ nào đó, đều sẽ bị chiếm đoạt. Tất cả các hình thức nghệ thuật, từ âm nhạc đến trò chơi điện tử, đều là các sản phẩm của sự chiếm đoạt.
Tuy nhiên, khi nói đến việc tấn công vào văn hoá của Hàn Quốc, thì những hành động chiếm đoạt của Bắc Kinh giống với việc ăn cướp giữa ban ngày hơn. Việc trộm cướp này không phải diễn ra một cách vô ý thức; đây rõ ràng là có chủ ý và được lên kế hoạch nhằm mục đích khiêu khích người dân Hàn Quốc.
Nỗ lực ngầm phá hoại văn hoá Hàn Quốc của Bắc Kinh là những gì được biết đến như là chiến thuật ‘cắt lát salami’, một chiến thuật chia để trị được sử dụng để làm suy yếu đối phương. Chiến lược này liên quan đến việc tước bỏ quyền tự trị của một quốc gia, từng chút từng chút một.
Tác giả bài viết đã liên hệ với ông Gilbert F. Rozman, một nhà xã hội học người Mỹ chuyên nghiên cứu về châu Á, để bình luận về vấn đề này. Ông Rozman, một người đã dành phần lớn sự nghiệp chuyên môn của mình để đào sâu nghiên cứu mối quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc đã được hỏi rằng, tại sao Trung Quốc lại quan tâm tới việc chiếm đoạt văn hóa Hàn Quốc và tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) lại cố gắng tước đoạt bản sắc chung của Hàn Quốc.
“Hàn Quốc” ông nói, “là thử thách hàng đầu về văn hoá lịch sử của Chủ nghĩa Dĩ Hoa vi Trung, Vương quốc Trung tâm (Trung Quốc), và hệ thống triều cống của Trung Quốc”.
Hệ thống triều cống Trung Quốc đòi hỏi các quốc gia láng giềng, trong đó có Triều Tiên, cử đoàn sứ giả mang cống phẩm đặc biệt cung tiến Hoàng Đế Thiên triều. Sau đó Hoàng Đế sẽ đánh giá các cống phẩm này và quyết định liệu có cho phép quốc gia nói trên được tiến hành hoạt động thương mại ở Trung Quốc hay không. Hệ thống này đòi hỏi tất cả các chính thể nước ngoại thừa nhận, dù là ngầm hiểu hay công khai, rằng Trung Quốc là lực lượng chiếm ưu thế ở Đông Á.
Theo ông Rozman, ngày nay Hàn Quốc “được xem là đang buông lỏng di sản của mình cho phương Tây”. Đối với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các đồng sự của ông, sự thân thiết của Hàn Quốc đối với các nước phương Tây — đặc biệt là Hoa Kỳ — đang nằm trên ranh giới mong manh của sự phản bội.
Các cuộc tấn công của Trung Quốc vào văn hoá Hàn Quốc không có gì là mới. Như ông Rozman lưu ý, “Vào năm 2004, lịch sử triều đại Cao Câu Ly (Koguryo) từng là tâm điểm” trong những cuộc tấn công này của Bắc Kinh. Từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên đến thế kỷ thứ bảy sau công nguyên, người Cao Câu Ly (Koguryo, hay Goguryeo) đã cai trị vùng phía bắc Triều Tiên (tên gọi Korea được sử dụng ngày nay xuất phát từ tên của nhà nước Cao Ly vì âm đọc gần giống với Goguryeo). Năm 2004, ĐCSTQ tuyên bố rằng vương quốc này là một phần không thể tách rời trong di sản của Trung Hoa, chứ không phải của Hàn Quốc.
Vào năm 2017, vì bất bình trước hiệp định với Washington của Seoul nhằm xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, ĐCSTQ đã quyết định cấm một số sản phẩm của Hàn Quốc, bao gồm gà rán và các bộ phim truyền hình Hàn Quốc (K-drama).
Năm 2020, ĐCSTQ cố gắng thuyết phục thế giới rằng kimchi, món ăn thân quen nhất trong đời sống của người dân Hàn Quốc, thật ra là món rau củ muối của Trung Quốc.
Năm ngoái, BTS, một trong những ban nhạc pop nổi tiếng nhất thế giới, đã bị Bắc Kinh nhắm đến.
Cùng thời điểm với việc ĐCSTQ nhắm vào các nghệ sĩ K-pop, Baidu, công cụ tìm kiếm được xem như ‘Google của Trung Quốc’, đã gây ra sự phẫn nộ thực sự trong cộng đồng người Hàn Quốc khi giới thiệu một nhà thơ nổi tiếng của Hàn Quốc là “người Trung Quốc”.
Đây là một trường hợp kinh điển về cái mà các nhà tâm lý học gọi là “ánh sáng mặt trời”, trong đó hung thủ cố gắng thuyết phục người khác rằng màu đen thực sự là màu trắng.
Như ông Rozman đã nói ở trên, cuộc tấn công nhằm vào văn hoá Hàn Quốc bắt nguồn từ niềm tin rằng Seoul đang hành động và tiếp tục hành động theo cách “không phục tùng”. Với việc ĐCSTQ đang cố gắng tạo ra một câu chuyện ‘Vương quốc trung tâm’ gắn kết ở Đông Á và hơn thế nữa, sự bất hợp tác không thể và sẽ không được dung thứ.
Tuy nhiên, chỉ vì ĐCSTQ không chịu điều đó, người ta không nên mong đợi “sự bất hợp tác” sẽ dừng lại. Vào ngày 10 tháng 5, ông Yoon Suk-yeol, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi với hình ảnh là ứng cử viên cứng rắn với Trung Quốc, đã trở thành tổng thống mới của Hàn Quốc. Ứng cử viên bảo thủ này sẽ không khuất phục trước Trung Quốc.
Trong nỗ lực bảo tồn các lý tưởng và giá trị của Hàn Quốc, ông Yoon đã hứa sẽ kéo dài khoảng cách hơn giữa Seoul và Bắc Kinh. Ông cũng hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ sở chính trị ở cả Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đương nhiên, những tuyên bố như vậy đã khiến ĐCSTQ tức giận.
Nếu ông Yoon giữ lời, có thể căng thẳng sẽ gia tăng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Và khi căng thẳng gia tăng, các hành vi chiếm đoạt và châm ngòi nổ vẫn sẽ là chủ đề thường xuyên trong tương lai.
Theo John Mac Ghlionn/The Epoch Times
Đăng theo ĐKN