Kể từ khi Hoa Kỳ công bố các lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hong Kong vào ngày 7/8, ngoại giới cũng quan tâm đến việc liệu các quan chức cấp cao khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có bị trừng phạt và đóng băng tài sản hay không?
Theo một nguồn tin khác, Mỹ đang cùng các nước điều tra khối tài sản 10 nghìn tỷ USD ở nước ngoài của các quan chức cấp cao ĐCSTQ, số tiền này có thể được sử dụng để bồi thường cho tổn thất do dịch bệnh gây ra. Và đối tượng đầu tiên bị "sờ gáy" là gia tộc của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, với tổng tài sản ước tính hơn 1.000 tỷ USD.
Hoa Kỳ có ý định phong tỏa tài sản ở nước ngoài của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ
Hoa Kỳ - một trong những quốc gia đang phải hứng chịu đại dịch viêm phổi Vũ Hán nặng nề nhất, ngay từ sớm đã bắt tay với nhiều quốc gia để yêu cầu ĐCSTQ bồi thường một khoản tiền lớn, nhưng đến nay chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra văn bản tuyên bố chính thức. Tuy nhiên, ông Viên Cung Di (Yuan Gongyi), một nhà tư bản Hong Kong, đã tiết lộ trên chương trình “Trân ngôn chân ngữ” (珍言真語) của The Epoch Times hôm 12/8 rằng, chuyến thăm các nước châu Âu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chính là đang nỗ lực vận động các nước ủng hộ việc đóng băng tài sản ở nước ngoài của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ.
Ước tính sơ bộ khối tài sản đó là khoảng 10 nghìn tỷ USD, các khoản có liên quan có thể được sử dụng để bồi thường hậu quả của dịch bệnh. Ông Viên hiện đang vận động hành lang tại Hoa Kỳ để thúc đẩy chính phủ Mỹ tuyên bố rằng ĐCSTQ là một tổ chức tội phạm.
Ông cho biết:
"Mỹ đang thảo luận với các đồng minh khác về cách đóng băng số tiền này, đóng băng 10 nghìn tỷ USD. Ít nhất thì trong tương lai, phần lớn số tiền này có thể được sử dụng để bù đắp cho những thiệt hại do virus gây ra. Nếu bạn muốn đợi ĐCSTQ lấy tiền đưa cho bạn, vậy thì bạn sẽ vĩnh viễn không nhận được nó;
Thứ nhất, họ hết tiền rồi; thứ hai, họ không chịu đưa tiền, vậy thì đóng băng số tiền ở nước ngoài của các quan chức tham nhũng ĐCSTQ, bao gồm cả tiền của ĐCSTQ và xem xét phân phối số tiền đó như thế nào trong tương lai để bù đắp cho những tổn thất của thế giới. Ông Pompeo chạy đi khắp nơi cũng là để bàn bạc với họ (các quốc gia khác), như vậy sẽ nhận được sự ủng hộ của họ. Sau này khi có được số tiền đó thì sẽ chia nhau, bạn hiểu không? Tức là ông Pompeo vừa cứng vừa mềm, vừa có tiền chia cho họ, đồng thời cũng tạo áp lực cho họ, tốn khá nhiều tâm sức".
Vậy làm thế nào mà tính được gia tộc quan chức cấp cao của ĐCSTQ có tài sản 10 nghìn tỷ đô-la Mỹ ở nước ngoài? Ông Viên Cung Di giải thích rằng khi Edward Snowden, một cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), khi đang lẩn trốn ở Hong Kong 7 năm trước từng nói rằng số tiền từ Trung Quốc chuyển ra nước ngoài lên tới 4,8 nghìn tỷ USD. “Thông qua rửa tiền hoặc đến đổi trực tiếp ở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, họ (quan chức) đưa [cho ngân hàng] nhân dân tệ để đổi ra những khoản ngoại hối này;
Chẳng hạn lúc đó Trung Quốc chuẩn bị thực hiện “chiến lược đi toàn cầu” (chiến lược của ĐCSTQ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp của mình đầu tư trực tiếp nước ngoài) thì họ tranh thủ cơ hội này để chuyển tiền ra nước ngoài một cách thuận lợi. Một số quan chức khác thì nói là muốn đầu tư vào dự án “Một vành đai, một con đường” nên cũng nhân cơ hội này mà chuyển tiền đi. Đây là 7 năm trước, sau đó thì ít nhất cũng đã chuyển ra nước ngoài cùng một số tiền như vậy, vì vậy gộp lại thì có thể lên đến 10 nghìn tỷ và mọi thứ đều có cơ sở”.
Ông Viên Cung Di nói rằng trong số tài sản khoảng 10 nghìn tỷ USD, phần lớn nhất thuộc sở hữu của gia tộc cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, chiếm khoảng 1.000 tỷ USD. "Bạn thử nghĩ xem, nhà họ Giang đã thực sự kiểm soát Trung Quốc trong 30 năm. Bắt đầu từ sự kiện Lục Tứ 1989 (Thảm sát Thiên An Môn) thì Trung Quốc đã nằm trong tay họ Giang rồi. Đến khi Đặng Tiểu Bình qua đời năm 1997, mọi quyền lực đều giao cho ông ta. Không ngừng đoạt quyền, thế lực của nhà họ Giang không ngừng mạnh lên, không những ở Thượng Hải, mà là trên toàn bộ Trung Quốc, (bao gồm) ba công ty viễn thông tốt nhất và dễ kiếm tiền nhất, cùng nhiều ngân hàng ở Thượng Hải".
Trong danh sách tỷ phú của Forbes năm 2020, người sáng lập Amazon Jeff Bezos tiếp tục là người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng là 113 tỷ USD. Có 2.095 tỷ phú trong danh sách trên, với tổng tài sản là 8 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Nói cách khác, một khi tài sản của gia tộc họ Giang được công bố, thì nó không chỉ gấp 10 lần tài sản của người giàu nhất thế giới, mà tài sản ở nước ngoài của các quan chức cấp cao ĐCSTQ cũng vượt quá tổng tài sản của các tỷ phú trong danh sách của Forbes.
Hoa Kỳ sẽ quản lý các quỹ của Hoa Kỳ ở Hong Kong
Khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đến thăm Cộng hòa Séc vào ngày 10/8, ông đã công khai tuyên bố rằng "Hoa Kỳ sẽ sát cánh với người dân Hong Kong", dự đoán rằng các lệnh trừng phạt sẽ lần lượt đến.
Ông Viên Cung Di cũng dự đoán rằng trong một loạt hành động của ông Pompeo sẽ bao gồm thu hồi vốn của Mỹ tại Hong Kong và hạn chế đầu tư vốn của Mỹ vào chứng khoán Trung Quốc.
Gần đây, nhiều cổ phiếu Trung Quốc đã quay trở lại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong, thu hút dòng tiền nóng ở lại thị trường Hong Kong, bao gồm cả vốn của Mỹ. Về vấn đề này, ông Viên Cung Di tiết lộ rằng, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không cho phép các quỹ của Hoa Kỳ tuỳ ý đầu tư vào Hong Kong và cũng sẽ không cho các công ty Trung Quốc đại lục vay tiền, các biện pháp liên quan sẽ lần lượt được ban hành.
Ông cũng chỉ ra rằng từ một loạt các tuyên bố gần đây của ông Pompeo, có thể thấy rằng nếu Mỹ muốn thu hồi và chi phối các quỹ của Mỹ tại Hong Kong, bao gồm các quỹ đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu, chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ buộc các quỹ phải quay trở lại Hoa Kỳ.
Alibaba thân thiết với nhà họ Giang, có thông tin sẽ quay trở lại đầu tư Cổ phiếu Trung Quốc loại B
Gần đây, Alibaba và Tencent, những công ty hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực cổ phiếu Trung Quốc, cũng đang ở nơi ‘đầu sóng ngọn gió’ do cuộc chiến công nghệ Trung - Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã công bố chiến dịch "Làm sạch Mạng lưới" (The Clean Network) vào ngày 5/8, trong đó đề cập rõ ràng rằng các công ty như Baidu, Alibaba và Tencent... sẽ bị cấm thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin cá nhân tại Mỹ.
Vào cuối tháng 7, trang web tiếng Anh của Reuters dẫn lời nguồn tin cho biết, các cơ quan quản lý của ĐCSTQ đang nghiên cứu xem có nên khởi động "cuộc điều tra chống lũng đoạn" đối với Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent hay không.
Về vấn đề này, ông Viên Cung Di tiết lộ rằng Alibaba, Tencent, Alipay, WeChat Pay và các công ty khác đều được gia tộc Giang Trạch Dân hậu thuẫn. Nếu không có sự ủng hộ của gia đình họ Giang, họ sẽ không phát triển đến quy mô như ngày nay, họ Giang cho họ quyền lợi thì họ mới có thể làm đến quy mô lớn như vậy. Mã Hóa Đằng (còn có biệt hiệu là Pony Ma) và Mã Vân (hay còn biết đến với cái tên Jack Ma) đã giúp nhà họ Giang, thay mặt họ nắm giữ rất nhiều cổ phiếu. Hai năm trở lại đây, nhà họ Giang bắt đầu thu lại cổ phần trong tay họ, trên cơ bản đều đã thu về hết. Giờ đây, Tập Cận Bình sẽ phụ trách Alibaba và Tencent.
Tuy nhiên, tờ Next Magazine đã đưa tin độc quyền vào ngày 13/8 rằng, Alibaba sẽ chủ động hủy niêm yết cổ phiếu Mỹ và trở lại niêm yết cổ phiếu Trung Quốc loại B. Bài báo nhận định, trong tình hình quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng như hiện nay, việc Alibaba trở lại với cổ phiếu B là thể hiện lòng trung thành với chính quyền trung ương.
Thụy Sĩ có thể đóng băng tài sản USD của quan chức Trung Quốc và Hong Kong
Khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hong Kong, Thụy Sĩ - trung tâm tài chính nước ngoài lớn nhất thế giới ở Trung Âu, cũng đang chuẩn bị các hành động bom tấn.
"Luật An ninh Quốc gia Hong Kong" của ĐCSTQ đã làm dấy lên một làn sóng chống chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Thụy Sĩ, quốc gia luôn tuân thủ nguyên tắc trung lập, cũng đã đưa ra cảnh báo đối với ĐCSTQ. Hôm 2/8, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis tuyên bố rằng ĐCSTQ ngày càng vi phạm nhân quyền và “đang rời xa khỏi con đường mở cửa", "Luật An ninh Quốc gia Hong Kong" cũng đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách "Một quốc gia, hai chế độ". Nếu chính quyền ĐCSTQ kiên quyết làm vậy, các nước phương Tây sẽ tuyên bố sẽ đáp trả một cách dứt khoát.
Hôm 8/8, chính phủ Thụy Sĩ đã chính thức ban hành thông báo rằng họ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 11 để quyết định xem có nên hạn chế các công ty Thụy Sĩ, bao gồm cả các ngân hàng Thụy Sĩ, làm ăn với những kẻ vi phạm nhân quyền ở nước ngoài hay không. Nếu luật liên quan được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu, hoạt động kinh doanh của các công ty Thụy Sĩ tại Trung Quốc và Hong Kong dự kiến sẽ bị ảnh hưởng.
Khi được phỏng vấn trong chương trình “Trân ngôn chân ngữ” (珍言真語) của The Epoch Times, ông Trình Tường (Cheng Xiang), một chuyên gia kỳ cựu về vấn đề Trung Quốc, đã chỉ ra rằng phản ứng của Thụy Sĩ không như bình thường. Ông nói: "Chúng ta đều biết rằng Thụy Sĩ đã theo đuổi chính sách trung lập trong gần 300 năm. Bởi vì Thụy Sĩ đã thực hành và theo đuổi chính sách trung lập, nên mới có thể tránh được Thế chiến I và II. Truyền thống tốt đẹp này cũng đã khiến rất nhiều người giàu có sẵn sàng gửi tiền của họ ở Thụy Sĩ. Vì vậy, việc Ngoại trưởng Thụy Sĩ cũng lên tiếng về vấn đề Hong Kong và lên án ĐCSTQ, tương đương với việc từ bỏ nền trung lập mà họ đã theo đuổi hàng trăm năm qua là điều hiếm thấy”.
Ông Trình suy luận: "Về vấn đề này, điều đáng để mọi người thắc mắc là, nếu ông ấy (Ngoại trưởng Thụy Sĩ) đã nhìn thấy bộ mặt xấu xa của chính quyền ĐCSTQ, liệu tiếp sau đây ông ấy có công bố tài khoản bí mật của các quan chức ĐCSTQ ở Thụy Sĩ hay không. Việc tương tự cũng đã xảy ra vài ngày trước, một báo cáo của Thụy Sĩ cho biết có khoảng 1.000 quan chức cấp cao của ĐCSTQ với tổng khối tài sản lên đến mười mấy nghìn tỷ USD (trong các ngân hàng Thụy Sĩ). Nếu chính phủ Thụy Sĩ thật sự có thể công bố chi tiết các tài khoản bí mật này, nếu như người dân Thụy Điển biết được thì ngay lập tức sẽ tạo nên cơn phẫn nộ mạnh mẽ của công chúng, từ đó dồn ép đến nội bộ ĐCSTQ và đẩy nó sụp đổ nhanh chóng".
VIDEO - GIANG TRẠCH DÂN VÀ CUỘC DIỆT CHỦNG ĐẪM MÁU
Đông Phương - Đăng theo NTDVN