Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Triều Tiên thường được ngoại giới gọi là “anh cả và em trai”; cả hai bên cũng thường tuyên bố rằng có một “tình hữu nghị máu mủ thắm thiết”. Nhưng tình hữu nghị này có thực sự tồn tại không, hay nó chỉ là cách gọi khi hai bên lợi dụng lẫn nhau?
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông (trái) xuất hiện trong bức ảnh không ghi ngày tháng, đang bắt tay chào mừng Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành tại Bắc Kinh trong chuyến thăm chính thức gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc. (STR / AFP via Getty Images)
Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể trả lời câu hỏi này.
Người Trung Quốc đổ máu cho vương triều họ Kim của Triều Tiên
Ngày 25 tháng 6 năm 1950, Triều Tiên phát động cuộc chiến tranh xâm lược Hàn Quốc với mục đích thống nhất bán đảo Triều Tiên. Trước chiến tranh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) đến Matxcơva để nhận được sự đồng ý của Stalin – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô; sau đó ông ta đến Bắc Kinh để xin sự đồng ý của Mao Trạch Đông – Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Do được sự hỗ trợ của cả Liên Xô và Trung Quốc, trong những ngày đầu của cuộc chiến, quân đội Bắc Triều Tiên thế như chẻ tre, chiếm được thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong ba ngày, và chiếm hơn 95 % bán đảo Triều Tiên trong hơn một tháng.
Ngày 7 tháng 7 năm 1950, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết thành lập "Quân đội Liên Hợp Quốc", gồm quân đội từ 16 quốc gia, và đội y tế từ 5 quốc gia, để hỗ trợ Hàn Quốc đẩy lùi quân xâm lược. Ngày 15 tháng 9 cùng năm, quân đội Liên Hợp Quốc đổ bộ vào Incheon, Hàn Quốc, nhanh chóng lật ngược thế trận, quân đội Bắc Triều Tiên đối mặt với sụp đổ.
Khi đó, Kim Nhật Thành đã cầu cứu Mao Trạch Đông. Đảng Cộng sản Liên Xô cũng gây áp lực lên ĐCSTQ. Vì vậy, vào ngày 16 tháng 10 năm 1950, ĐCSTQ đã đưa “quân tình nguyện” đến Bắc Triều Tiên.
Trong trận chiến này, quân đội Trung Quốc bị thương vong nặng nề.
Ông Lưu Gia Câu (Liu Jiaju), nguyên Phó tổng biên tập của tạp chí Văn nghệ Giải phóng quân, đã viết trong bài báo “Chiến tranh Triều Tiên tôi từng trải qua” như sau:
Vương Á Chí, thư ký của Bành Đức Hoài – người chỉ huy “quân tình nguyện” của ĐCSTQ, đã cho ông một con số cụ thể: Trong Chiến tranh Triều Tiên, quân đội Trung Quốc bị thương, tử trận, mắc bệnh qua đời, mất tích, bị bắt làm tù binh tổng cộng là 978.122 người, chiếm gần 51,5% trong tổng số 1,9 triệu người đã đến Triều Tiên chiến đấu.
Trung - Triều không ngừng chia rẽ trong Chiến tranh Triều Tiên
Ông Thẩm Chí Hoa (Shen Zhihua), một nhà sử học Trung Quốc, Giáo sư tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, đã nghiên cứu rất kỹ càng các hồ sơ và tài liệu lịch sử. Ông cho rằng mặc dù người Trung Quốc đã đổ rất nhiều máu cho Triều Tiên, nhưng sự thực là không tồn tại cái “tình hữu nghị máu mủ thắm thiết” kia. Ngược lại, quan hệ hai bên “nóng lạnh thất thường, biến đổi khó lường”, “luôn trong tình trạng bất ổn định”.
Ông cũng đưa ra kết luận: Trên thực tế, từ năm 1950-1957 là thời kỳ tồi tệ nhất trong mối quan hệ Trung - Triều; trong toàn bộ Chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc và Triều Tiên đều bất đồng trong hầu hết các vấn đề chiến lược và các vấn đề trọng đại, lập trường của họ cũng khác nhau.
Giáo sư Thẩm đưa ra một số ví dụ:
Đầu tiên, ai sẽ chỉ huy quân đội Trung Quốc? Kim Nhật Thành cho rằng, khi quân đội nước anh đến chiến đấu ở nước tôi, không phải nên do tôi chỉ huy sao? Tôi là Tổng tư lệnh tối cao, Bành Đức Hoài nên nghe lệnh tôi. Nhưng Bành Đức Hoài – Tư lệnh “quân tình nguyện” ĐCSTQ lại nghĩ, ông đã làm tổn hại hết quân nước mình, làm sao tôi nghe theo ông được?
Không lâu sau, hai bên xảy ra rất nhiều mâu thuẫn. Ví dụ, bộ chỉ huy Trung - Triều thiếu sự trao đổi và kết nối, “quân tình nguyện” của ĐCSTQ đuổi đánh quân Mỹ ở phía trước, nhưng lại bị quân Triều Tiên chặn mất đường lui. Việc này đã xảy ra hai lần.
Kim Nhật Thành từng đề nghị rằng quân đội Trung Quốc và Bắc Triều Tiên nên được chỉ huy riêng biệt, mỗi bên tự quản lý quân của mình và cử một sĩ quan liên lạc để kết nối hai bên. Bành Đức Hoài kiên quyết từ chối, cho rằng quân đội phải nằm dưới sự chỉ huy thống nhất, nếu không sẽ khó đánh trận.
Sau khi cãi vã không có kết quả, cuối cùng Stalin lên tiếng: Quân đội do phía Trung Quốc chỉ huy.
Chuyện này vừa qua đi thì chuyện khác lại tới. Ngay sau khi trận chiến thứ ba bắt đầu, liên quân Trung Quốc và Triều Tiên đã vượt qua "Vĩ tuyến 38", và chiếm đóng Seoul vào ngày 4 tháng 1 năm 1951. Tới ngày 8 tháng 1, Bành Đức Hoài ra lệnh ngừng tấn công để phục hồi toàn quân. Kim Nhật Thành từ chối và yêu cầu quân đội thừa thắng xông lên đánh đuổi lực lượng Liên Hợp Quốc xuống biển, chiến tranh sẽ kết thúc, đất nước sẽ được "thống nhất".
Hai người đã cãi vã trong ba ngày, không ai chịu nhường ai. Sau đó, Bành Đức Hoài nói: "Không phải ông nói, bây giờ thổi một cái là có thể thổi bay người Mỹ xuống biển sao? Ông đi thổi đi, tôi sẽ giúp ông canh giữ hậu phương, để tránh người ta chặn đường lui của ông".
Mãi cho đến ngày 19 tháng 1, Stalin gửi một bức điện cho Kim Nhật Thành, nói rằng phải nghe theo Bành Đức Hoài.
Một vấn đề lớn khác là, ai là người phụ trách tuyến đường sắt Bắc Triều Tiên. Ban đầu, tuyến đường sắt do "quân tình nguyện" quản lý, vì đường sắt của Triều Tiên về cơ bản đã bị phá hủy, ĐCSTQ đã cử 180.000 dân công tới giúp Triều Tiên sửa chữa đường sắt, sau đó cử binh sĩ đường sắt đến, còn hỗ trợ cả đầu máy và toa xe.
Năm 1952, cuộc chiến bước vào giai đoạn “vừa đàm phán vừa đánh”, Kim Nhật Thành cảm thấy nếu đã không thể ngay lập tức kết thúc chiến tranh, vậy thì nên đồng thời khôi phục đất nước, ông ta yêu cầu dùng đường sắt để vận chuyển vật tư kinh tế. Tuy nhiên, Bành Đức Hoài cho rằng chiến tranh vẫn là trọng tâm chính, cho nên quân đội phải kiểm soát đường sắt để vận chuyển quân nhu.
Kim Nhật Thành nói rằng quyền kiểm soát đường sắt là chủ quyền của Triều Tiên, Triều Tiên không thể mất chủ quyền. Nhưng Stalin lại lên tiếng nói rằng tuyến đường sắt phải nằm dưới sự kiểm soát của quân đội. Kim Nhật Thành rất bực bội, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên ngày càng căng thẳng.
Đến mùa hè năm 1952, trong các cuộc đàm phán đình chiến lại nảy sinh vấn đề liên quan đến việc trao trả tù binh.
Hoa Kỳ đã bắt hơn 20.000 tù binh Trung Quốc, trong khi ĐCSTQ chỉ bắt được vài ngàn tù binh Mỹ. ĐCSTQ yêu cầu trao trả toàn bộ, phía Mỹ lại đề xuất trao trả theo tỷ lệ, sau đó đề xuất tự nguyện thả tù bình, hai bên giằng co như vậy trong một khoảng thời gian dài.
Kim Nhật Thành cho rằng nên chấp nhận các điều kiện của Hoa Kỳ và mau chóng ngừng chiến tranh. Trong bức điện gửi Stalin, ông nói, các tù binh có gì mà cứ phải giữ lại? Họ cũng không phải là người đảng cộng sản, họ đều người đầu hàng của Quốc dân đảng.
Kim còn nói trong bức điện: Số tù binh mà người Trung Quốc muốn đòi lại không nhiều, nhưng số người Triều Tiên bị máy bay Mỹ ném bom chết còn nhiều hơn số tù binh rất nhiều, tiếp tục như vậy sẽ làm chết rất nhiều người Triều Tiên.
Nhưng Mao Trạch Đông không nhượng bộ. Cuối cùng, chính Stalin phải ra mặt và nói rằng ông ta ủng hộ Mao.
Trong suốt Chiến tranh Triều Tiên, có rất nhiều sự việc tương tự đã xảy ra. Trong hoàn cảnh như vậy, tuy người Trung Quốc đổ máu rất nhiều nhưng Triều Tiên lại luôn cảm thấy bị ức hiếp, vậy có thể hình thành tình hữu nghị Trung - Triều được không?
Triều Tiên thanh trừng nội bộ, đập phá nghĩa trang ‘quân tình nguyện’ của Trung Quốc
Sau chiến tranh, quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên tiếp tục xấu đi.
Trong Đảng Lao động Triều Tiên có phe Kim Nhật Thành, phe Diên An thân ĐCSTQ và phe Matxcơva thân Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1956, khi Kim Nhật Thành đang thăm Liên Xô và Đông Âu, phe Matxcơva và phe Diên An trong đảng đã liên hợp chuẩn bị phát động đảo chính. Hai phe này định lợi dụng Phiên họp toàn thể Trung ương tổ chức vào tháng 8 để hạ bệ các cán bộ do Kim Nhật Thành đề bạt.
Sau khi Kim Nhật Thành trở về Triều Tiên, ông ta lập tức gây chia rẽ và làm tan rã hai phe này, sau đó liên hợp với phe Matxcơva để tấn công phe Diên An. Tại phiên họp toàn thể trung ương vào tháng 8, một số ủy viên Bộ Chính trị thuộc phe Diên An đã bị khai trừ và bị giáng chức xuống làm việc ở cấp cơ sở. Vào ngày 31 tháng 8 năm 1956, hai đại diện phe Diên An tháo chạy đến Bắc Kinh.
Khi Mao Trạch Đông biết được điều này, ông ta đã rất tức giận. Vào giữa tháng 9, ĐCSTQ tổ chức Đại hội 8, phái đoàn Triều Tiên cũng đến. Mao đã chỉ trích gay gắt đại diện Bắc Triều Tiên và chỉ ra các lỗi sai của Đảng Lao động Triều Tiên. Cuối cùng Mao nói: Ông quay về chuyển lời cho Kim Nhật Thành, chúng tôi sẽ cử người đến trong hai ngày tới.
Vài ngày sau, Bành Đức Hoài đến Bình Nhưỡng tìm Kim Nhật Thành nói chuyện. Bành nói rằng nghị quyết của Phiên họp toàn thể Trung ương Triều Tiên hồi tháng 8 là sai và "phải được thu hồi". Kim Nhật Thành đành phải mở lại hội nghị trung ương và khôi phục chức vị cho mấy người kia.
Tuy nhiên, việc này vẫn chưa kết thúc. Cuối năm 1956, Triều Tiên bắt đầu đổi trả và cấp lại thẻ đảng, thực chất là một cuộc thanh trừng đảng. Vào tháng 3 năm 1958, tại đại hội đầu tiên của Đảng Lao động, Kim Nhật Thành đã công bố tài liệu chi tiết về âm mưu của phe Diên An, hơn một chục quan chức cấp cao của phe Diên An đã bị kết án tử hình.
Năm 1966, Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa và đưa ra khẩu hiệu “phòng chống xét lại”. Chữ “xét lại” này ý chỉ Liên Xô không còn theo chủ nghĩa Marx-Lenin, mà là chủ nghĩa xét lại. “Xét lại” tức là chính quyền Liên Xô tiến hành cải tổ, bãi bỏ sự sùng bái cá nhân đối với Stalin và phi Stalin hóa. Đây cũng là biện pháp phòng ngừa của Mao Trạch Đông nhằm ngăn chặn tư tưởng xét lại truyền bá vào Trung Quốc.
Khi đó, Triều Tiên đứng về phía Liên Xô. Theo bài báo "Nguy cơ Trung - Triều trong Cách mạng Văn hóa" đăng trên số đầu tiên của tạp chí Thành Công của Trung Quốc năm 2008, khi đó Hồng vệ binh đã đe dọa lật đổ Kim Nhật Thành, gọi Kim là một kẻ “theo phái tư bản" và kẻ "nương nhờ vào chủ nghĩa xét lại của Liên Xô". Họ thậm chí còn tấn công Đại sứ quán Triều Tiên.
Hồng vệ binh đã liệt ra 20 tội trạng của Kim Nhật Thành. Sau khi biết chuyện, ông ta vô cùng tức giận và lập tức ra lệnh phá hủy nghĩa trang "quân tình nguyện", đập hết bia mộ, ngay cả bia mộ của Mao Ngạn Anh, con trai của Mao Trạch Đông, cũng bị đập vỡ.
ĐCSTQ ‘nuôi’ nhà họ Kim nhưng luôn đề phòng
Phần lịch sử chân thực này sẽ không được ĐCSTQ tiết lộ trên các kênh truyền thông của họ. Các cơ quan ngôn luận đều tuyên truyền về “tình hữu nghị Trung - Triều”. Tất nhiên, mọi người đều biết rằng ĐCSTQ xác thực là đã gửi tiền, hàng hóa, thậm chí cả lãnh thổ, để nâng đỡ vương triều họ Kim.
Ngay cả khi mối quan hệ hai nước đang căng thẳng, Triều Tiên vẫn cử người đến Trung Quốc để đòi chủ quyền đối với đỉnh núi Bạch Đầu (đỉnh cao nhất) và một phần hồ Thiên Trì trên núi Trường Bạch (Triều Tiên gọi là núi Paektu). Năm 1962, ĐCSTQ đã trao toàn bộ đỉnh Bạch Đầu và một nửa hồ Thiên Trì trên núi Trường Bạch cho Triều Tiên.
Sau đó, Triều Tiên lại gửi một công hàm ngoại giao cho ĐCSTQ, nói rằng "một phần của tỉnh Hắc Long Giang, phần lớn tỉnh Cát Lâm, và một phần tỉnh Liêu Ninh thuộc lãnh thổ của Đế quốc Cao Ly (Koryo) trong lịch sử, sau đó đã bị các triều đại kế tiếp của Trung Quốc xâm chiếm. Ngày nay Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa, lẽ ra nên trả lại những lãnh thổ này". Nhưng yêu cầu này đã bị từ chối.
Ngoài ra, theo bài báo "Viện trợ Triều Tiên – Hình ảnh thu nhỏ về viện trợ nước ngoài của Trung Quốc" có ghi lại, vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, Trung Quốc xảy ra Nạn đói lớn khiến hàng chục triệu người chết đói. Nhưng vào năm 1960, ĐCSTQ lại viện trợ Triều Tiên 230.000 tấn ngũ cốc.
Theo cuốn "Phân tích toàn diện Mao Trạch Đông (quyển hạ)", từ năm 1961 đến năm 1962, Triều Tiên đã yêu cầu ĐCSTQ cung cấp 100.000 cái suốt chỉ, nhưng ĐCSTQ thực sự không có, vì vậy họ đã tháo dỡ tất cả thiết bị của Xưởng dệt bông kéo sợi số 3 và số 5 ở Hàm Đan rồi chuyển đến Bắc Triều Tiên.
Theo số liệu do Viện Peterson của Mỹ cung cấp: Từ năm 1990 đến 2005, viện trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên ít nhất là từ 1,5 tỷ đến 3,75 tỷ USD.
Tại sao ĐCSTQ làm như vậy? Tất nhiên là họ có tính toán riêng: Thứ nhất là họ không muốn nhìn thấy chính quyền họ Kim tan vỡ, và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Triều Tiên sụp đổ. Thứ hai là họ càng không muốn thấy bán đảo Triều Tiên thống nhất và quyền lực của Hoa Kỳ ở Đông Á trở nên lớn mạnh.
Còn ở phía bên kia, ba đời nhà họ Kim ở Triều Tiên, từ Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đến Kim Jong-il cho đến Kim Jong-un, không một ai biết ơn ĐCSTQ từ tận đáy lòng.
Vào ngày 25 tháng 11 năm 2018, tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc đã đăng một bài báo cho biết, trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il đã nói với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung: "Chủ tịch Kim Nhật Thành nói rằng Trung Quốc hai lòng, bảo tôi phải luôn cẩn thận, thận trọng. Nhưng theo tôi thấy, Trung Quốc nào chỉ có hai lòng, Trung Quốc có mười lòng mới đúng”.
Nam Phương
Nguồn The Epoch Times
Đăng theo NTDVN