Một bức tranh của họa sĩ người Việt cho thấy một góc nhìn khác về sự kiện Lục Tứ (cuộc biểu tình sinh viên đòi dân chủ ngày 4/6/1989).
Như đã được biết đến, Lục Tứ là một sự kiện có sức ảnh hưởng tầm vóc nhất cuối thế kỷ 20, là đóa phù dung sớm nở tối tàn vì một tinh thần tự do dân chủ của thế hệ sinh viên Trung Quốc không chịu áp bức, đã sinh ra những biểu tượng bất tử. Nhưng truyền kỳ hơn hết là hình ảnh chàng thanh niên vô danh đứng chặn đoàn xe tăng man rợ, vẫn luôn hồi sinh mỗi khi khao khát tự do trong con người ta trỗi dậy.
Tôi từng khá vô tình biết đến một họa sĩ trẻ tài năng qua những tác phẩm của anh trôi nổi trên mạng, đơn giản là vì những bức tranh ấy đã tạo cho tôi ấn tượng sâu sắc. Cảm thụ rõ nét về một sức mạnh nội tâm ẩn chứa bên trong sự tĩnh lặng luôn ẩn chứa trong những bức tranh của anh. Đặc biệt là uẩn hàm tính nhân văn cũng như hơi thở truyền thống đã thu hút tôi đến nỗi, tôi phải lấy một trong số đó làm hình đại diện cho mình trên Internet.
Vào dịp kỷ niệm Lục Tứ (ngày 4/6) này, anh lại cho tôi thấy một tác phẩm nữa của mình khiến tôi phải suy ngẫm.
Vẫn cái ‘chất’ đó, tôi cảm thụ bức tranh đã biến một sự kiện thời sự trở nên… thần thoại. Thời sự là vì vào một ngày đặc biệt như hôm nay, người ta vẫn tưởng nhớ đến quảng trường Thiên An Môn năm đó, người ta vẫn còn khao khát sự tự do và dân chủ. Thời sự là vì, dưới bàn tay sắt của Trung Cộng, Trung Quốc và cả thế giới đang dần trở nên hỗn loạn. Những cuộc biểu tình ở Hồng Kông cho thấy con người thế giới đã nhìn rõ bộ mặt thật tà ác của ĐCSTQ.
Bức tranh được chia thành hai cực sáng tối rõ nét. Đoàn xe tăng sắt lạnh lẽo từ chỗ u ám tiến tới rồi dừng chân trước một ‘cái đốm’ nhỏ bé chính là người anh hùng Tank Man ngày nào. Ánh sáng từ thiên thượng đổ xuống phủ lấy con người ấy. Tôi nghĩ đây là lập trường chính nghĩa của tác giả, và tôi hoàn toàn tán đồng với nó.
Tôi thấy những vị thần. Thấp là những vị Hộ Pháp, cao cho đến các vị Bồ Tát, Như Lai; nhỏ từ những thiên binh thiên tướng, lớn đến những Thiên Thần xa xôi… nghiêm nghị nhìn xuống quảng trường máu ấy. Một khung cảnh tráng lệ như thần thoại thế làm tôi liên tưởng đến Phong Thần đài trong Phong Thần diễn nghĩa mà người ta vẫn hằng tụng truyền từ xưa nay, làm tôi muốn bật thốt lên: Thiện ác phân minh, trời xanh có mắt!
Tôi đã liên hệ với họa sĩ này ngay lập tức khi có ý tưởng viết một bài về chủ đề bức tranh của anh. Điều tôi muốn biết là vì cái gì mà anh đã tạo nên nó?
Tác giả, tức họa sĩ Dương Minh Lộc chia sẻ: “Có thể nói Lộc lấy cảm hứng từ sự kiện ngày 4 tháng 6, và các hoạt động biểu tình quá khích diễn ra ở Mỹ và các nơi trên thế giới. Nguyên nhân sâu xa vì người ta không còn tin vào Thần nữa. Nên càng biểu tình thì sẽ càng thấy bế tắc. Người nào tìm thấy niềm tin vào Thần, và những giá trị truyền thống, sẽ tìm thấy con đường vượt qua những hỗn loạn đang diễn ra khắp thế giới. Đó là lý do Lộc vẽ tranh”.
Mở rộng vấn đề đến cuộc biểu tình ở Mỹ hiện nay, anh Lộc cũng có cái nhìn riêng của mình. Theo anh, sự khác biệt giữa hai phong trào biểu tình ở Hồng Kông và Mỹ là nằm ở mục tiêu của họ. Trong khi tại Hồng Kông, người ta đứng lên đòi tiếng nói không phải chỉ cho mình, mà là vì phần còn lại của thế giới bị đe dọa và áp bức bởi chế độ độc tài, đồng thời vì tương lai của thế hệ mai sau. Còn ở Mỹ, người ta mượn danh nghĩa đấu tranh cho bình đẳng chủng tộc, nhưng kỳ thực là muốn tạo ra hỗn loạn nhằm đoạt lấy tư bản chính trị, đoạt lấy tư bản vật chất không đáng thuộc về mình do đạo đức xuống dốc. Anh nhấn mạnh:
“Nếu mục đích là vì quyền lợi của người khác, vì các giá trị đạo đức tốt đẹp có ích cho cộng đồng, vì gìn giữ lời giáo huấn của Thần, thì người ta không dễ bị mua chuộc hoặc kích động. Vì người ta không phải đấu tranh cho sự ích kỷ”.
Họa sĩ Dương Minh Lộc cho hay, những gì mà anh vẽ ra không xuất phát nhiều từ khả năng sáng tạo của anh, mà nhờ sự ủng hộ của Thần Phật. Những giá trị Chân Thiện Nhẫn trong tín ngưỡng của anh đã dẫn dắt anh bắt đầu, và sau đó là trí huệ được ban cấp.
Điều này gợi mở cho tôi về lý do vì sao những bậc thầy hội họa cổ đại, những ‘người khổng lồ’ như Michelangelo, Leonardo da Vinci hay Raphael đều có tín ngưỡng sâu sắc. Phải chăng, chính những giá trị trong niềm tin của họ đã dẫn dắt họ tạo ra những tác phẩm bất hủ? Và liệu có phải những điều tươi đẹp trong thế giới này đều bởi Thần Phật truyền đạt cho con người hay không?
Vậy thì, chúng ta đang đánh mất gì khi phóng túng bản thân trong lối sống hiện đại? Những giá trị truyền thống có lẽ thật sự sẽ mang đến hạnh phúc bền vững hơn cho con người, bao gồm cả dân chủ và tự do. Nền văn minh Hoa Hạ cổ xưa là một nền văn minh rực rỡ, là áng hùng ca của lịch sử nhân loại, hồi sinh nó ắt sẽ truyền cảm hứng để phục hưng khí phách của dân tộc Hán vĩ đại, xua tan đi hết thảy mây mù bởi sự nô dịch tinh thần của Mác – Lê, mở ra một chương mới huy hoàng cho Trung Hoa và thế giới.
Từ Thức - Theo Tinh Hoa