Sông băng khổng lồ được mệnh danh là “sông băng ngày tận thế” tại Nam cực sắp đổ sập và có thể khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm vài mét.
Hiệp hội Địa vật lý Mỹ ngày 13.12 phân tích hình ảnh vệ tinh mới cho biết sông bắng Thwaites, còn gọi là sông băng ngày tận thế, đang xuất hiện các vết nứt lớn dần trên bề mặt.
"Thềm băng phía đông có khả năng bị chẻ ra thành hàng trăm tảng băng. Cả khối băng có thể sụp đổ đột ngột”, nhà khoa học nghiên cứu về băng Erin Pettit tại Đại học bang Oregon (Mỹ) cảnh báo.
Các nhà khoa học đã theo dõi trong nhiều năm qua và việc tan chảy của sông băng với diện tích khoảng 170.000 km2 (tương đương gần một nửa diện tích Việt Nam) sẽ đóng góp khoảng 4% cho lượng nước biển gia tăng hằng năm.
Phần phía đông của sông băng nối với một núi ngầm và từng được cho là ổn định hơn. Tuy nhiên, ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy các vết nứt đang ngày càng lớn dần và việc nước biển ấm lên càng khiến cho tốc độ nứt ngày càng tăng.
Bà Pettit cảnh báo phần phía đông có thể đổ sập trong 3-5 năm tới và sẽ gây tác động dây chuyền đến các phần khác. Việc này có thể khơi mào cho diễn biến thảm họa, khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao, đe dọa đến người dân vùng ven biển.
Sông băng Thwaites đã tan chảy do khí hậu ấm lên và khiến nó trở nên bớt ổn định. Từ thập niên 1980 đến năm 2017, sông băng đã mất 600 tỉ tấn băng. Khi nước biển càng ấm lên, sông băng trở nên bớt kết dính với phần đất và gia tăng nguy cơ đổ sập.
Nga báo động các loại virus cổ xưa sẽ tỉnh giấc và thoát ra khi băng tan chảy
Nga đã cảnh báo việc lớp băng vĩnh cửu tan chảy do nóng lên toàn cầu có thể khiến các loại vi rút và vi khuẩn cổ xưa tỉnh giấc.
Đài RT ngày 14.12 đưa tin nhà ngoại giao cấp cao của Nga Nikolay Korchunov đã cảnh báo về mối nguy từ việc băng vĩnh cửu tan chảy do nóng lên toàn cầu.
“Băng tan chảy có nguy cơ khiến vi rút và vi khuẩn cổ xưa thức giấc”, ông Korchunov, Chủ tịch Ủy ban Quan chức cấp cao tại Hội đồng Bắc Cực, phát biểu trên kênh truyền hình Zvezda.
“Vì vậy, Nga đã khởi xướng một dự án về an toàn sinh học tại Hội đồng Bắc Cực”, ông Korchunov nói thêm và lưu ý rằng dự án này sẽ có nhiệm vụ tìm ra toàn bộ “rủi ro và nguy hiểm” liên quan đến “băng vĩnh cửu tan chảy” và “khả năng lây nhiễm bệnh tật trong tương lai".
Hội đồng Bắc Cực là một diễn đàn liên chính phủ bao gồm 8 quốc gia có chủ quyền đối với đất liền trong Vòng Bắc Cực. Các quốc gia này gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.
Ông Korchunov không phải là người đầu tiên cảnh báo mối nguy từ tình trạng biến đổi khí hậu. Đầu năm nay, nhà khoa học Nga Sergei Davydov cảnh báo việc lớp băng vĩnh cửu tan chảy có thể khiến các phần của hệ sinh thái cổ đại trồi lên bề mặt trở lại, bao gồm cả vi rút. Ông Davydov cho biết phần lớn lãnh thổ Nga là lớp băng vĩnh cửu không tan trong hàng triệu năm qua và các loại virus cổ xưa, một số loại có thể cực kỳ nguy hiểm, vẫn còn ở bên trong.
Những năm gần đây, Tổng thống Putin thường xuyên lên tiếng về vấn đề biến đổi khí hậu và đã nhiều lần cảnh báo về những nguy cơ của tình trạng nóng lên toàn cầu đối với hệ sinh thái và môi trường của đất nước ông.
Xem thêm:
VIDEO: La Palma thổi bùng lời tiên tri đáng sợ về việc xóa sổ Tây Ban Nha? | Tinh Hoa TV
Tổng hợp theo TNO