Sếp cũ của tôi dùng bằng giả. Nói cho chính xác thì thẻ nhà báo của anh là giả. Câu chuyện này thực tế dù mọi người có im lặng cách mấy thì cũng lộ ra, vì khi làm việc thì năng lực, kỹ năng… liên quan đến chuyên môn chẳng thể nào giấu được. Nhưng anh vẫn xin được giấy phép lập trang báo online, khi một hội đứng ra nhận làm cơ quan chủ quản. Chủ tịch của hội ấy đứng tên ở vị trí Tổng biên tập, còn anh, một người giàu lên từ mua bán bất động sản, trở thành Phó tổng biên tập phụ trách online.
Tôi cũng chẳng thể nói một mình người sếp ấy đã lựa chọn sai. Ngược lại nhiều năm trước, ngày ra trường, cả lớp chúng tôi mua bằng giả, những loại bằng “lặt vặt” kiểu Chứng chỉ tiếng Anh trình độ A, B, C, Chứng chỉ tin học, Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm… Mua lẻ thì đắt hoặc mất thời gian, chúng tôi gom lại nhờ lớp trưởng mua, mang cả xấp về phát.
Một người đàn ông cụt tay vô gia cư trên đường phố Sài Gòn, tháng 7/2019. (Ảnh minh họa: Evgenii mitroshin/Shutterstock)
Mua để làm gì? Chẳng đứa nào thấy đó là hành vi đáng xấu hổ. Chúng tôi thấy đó là điều hiển nhiên, là cần phải làm khi muốn làm cho “dầy” hồ sơ xin việc, làm cách nào cho người ta chú ý tới cái hồ sơ vô danh giữa cả chồng màu vàng sậm xếp ngược xuôi góc bàn hành chính. Xin việc vẫn thất bại, vì ngay cả bằng cử nhân loại giỏi, thạc sĩ đạt tốt cũng bị ngầm phân cấp so với suất con em trong ngành. Nhiều năm sau khi dọn nhà, tôi mang theo cảm giác xấu hổ mà vứt những chứng chỉ giả ấy đi.
Kể những câu chuyện đã cũ và tôi tin rằng vẫn còn đang diễn ra, để thấy việc hàng trăm bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh giả do Trường ĐH Đông Đô cấp từ năm 2015-2017 vừa thành án hình sự, chỉ là một mảnh nhỏ trong hệ thống “bằng giả”, “chức vị giả” và “đạo đức giả” trong xã hội mà ta đang sống.
Bầu không khí giả dối ấy nó đã “đặc” tới mức nào? Ở con số 55 người dùng bằng giả ấy để học tiến sĩ hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, có người mua bằng giả ấy để thi nâng ngạch thanh tra viên, chưa kể số người dùng bằng giả để thi công chức, khai vào hồ sơ cán bộ? Một bài báo đưa tin về sự việc từ năm 2019 nhấn mạnh vào dòng tít: ‘Mua bằng’ của Trường đại học Đông Đô đều là ‘người có uy tín’.
“Các trường hợp sử dụng văn bằng đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ – theo xác định của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an” (trích).
Chữ “uy tín” ở đây được dùng với nội hàm gì? Nếu xét theo học vị, thì chữ “uy tín” đồng nghĩa với tính chuyên môn. Nếu xét theo chức vị, thì chữ “uy tín” được định danh ở mức tín nhiệm trên cơ sở tính trách nhiệm và sự chân thành. Nếu xét theo tiêu chuẩn đạo đức, thì “uy tín” đồng nghĩa với việc một người có chuẩn tắc đạo đức cao, đặt yêu cầu cao về phẩm giá đối với bản thân và đem sự vị tha mà đối đãi với người khác.
Đem việc mua bằng đặt trong vế tương ứng với “đều là người có uy tín”, thì xét từ góc độ học vị, chức vị hay đạo đức, chữ “uy tín” ấy kỳ thực đều thật khiến người ta cảm thấy bức bối khi ít nhiều trong số đó có người đang giữ vai trò có thể gây ảnh hưởng rộng rãi tới cộng đồng.
Có ý kiến cho rằng việc làm bằng giả, mua bằng tràn lan là hệ quả của chủ nghĩa bằng cấp, của những quy định để được tuyển dụng, bổ nhiệm, tăng lương… thì cần phải có các chứng chỉ này nọ. Lắm khi đổ lỗi cho xã hội thì dễ dàng hơn là tìm lỗi ở bản thân. Yêu cầu chứng minh về năng lực thông qua một chứng chỉ không phải là điều bất thường. Sự bất thường sản sinh khi người ta bị “hư danh” hóa trước vị thế hay danh hiệu. Năng lực, kỹ năng không còn là mục tiêu mà trở thành phương tiện để đạt được công việc, chức vị, chức danh. Khi đã bị coi là phương tiện, tất yếu người ta sẽ tìm cách để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian để đạt được mục tiêu một cách nhanh nhất. Để kháng cự lại tình trạng chất lượng chuyên môn bị tha hóa, người ta càng đặt ra nhiều yêu cầu về năng lực thông qua các chứng chỉ. Việc các giáo viên bỏ tiền để “học, thi” lấy Chứng chỉ tiếng Anh khung châu Âu để đạt chỉ tiêu theo đề án Chính phủ đã không còn là chuyện lạ. Chúng như vũng lầy mà một khi bước vào người ta càng lúng túng càng lún sâu. Đó không đơn giản chỉ là cuộc chạy đua về bằng cấp mà là việc các giá trị thực sự đã bị con người làm cho biến dị và hỗn loạn tới mức khó quay đầu.
Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn chẳng thể trả lời vì sao lúc ấy lại dễ dàng mua và nộp chứng chỉ giả như thế? Điều gì đã phong bế tầm mắt và tư duy của chính tôi vậy? Không lấy cắp đồ, không dối trá… đó chẳng phải những điều cơ bản tôi được dạy từ thuở nhỏ hay sao? Vì sao khi lớn lên rồi, học đại học rồi, tôi lại dễ dàng coi gian dối là điều đương nhiên như vậy? Và những người trưởng thành hơn, như sếp cũ của tôi, như những công chức, nghiên cứu sinh… mua bằng, có lúc nào tự nghĩ vì sao điều gian dối lại được mình làm một cách trơn tru và hiển nhiên đến thế?
“Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” là câu nói của bà Diệp Thị Hồng Liên, nguyên Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT Hòa Bình) khi trở thành bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018. Đó là câu nói trực quan nhất và cũng gây đau đớn nhất, có thể dùng để phác họa cho đủ thứ vấn nạn đang xảy ra trong xã hội của người Việt Nam hôm nay. Lâm tặc phá 1 cán bộ có chức quyền phá gấp 9 lần qua dự án qua dấu đỏ, thì sao lại không phá? Ai cũng bấm nút thông qua, nên Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dù lắm trớ trêu vẫn được gần 92% phiếu tán thành. Lương của Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ khoảng 18 triệu đồng/tháng, còn các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khoảng 15 triệu đồng/tháng (2014), nhưng nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền có biệt thự trên 16.000 m2 đất thì nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cũng có lô 1.800 m2 chưa kể 2 căn nhà 5 tầng ở Hà Nội. Thế nên, những câu chuyện sửa điểm, mua bằng giả… chỉ như vài tấc của tảng băng trôi.
Trong truyện ngắn “Mưa mặt nạ” của nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Phan Nhật Chiêu, có những chiếc mặt nạ da người mà khi đeo lên, mặt nạ sẽ thay luôn mặt người. Điều trớ trêu là lại tồn tại một hệ sinh thái cho phép gian dối nảy nở, sinh sôi. Chúng sử dụng nhiều kiểu dối trá, mỗi kiểu có một mục đích. Còn trên diện rộng hơn thì hàng trăm, hàng vạn lời dối trá ấy có tác dụng thao túng, nhào nặn nên các quan niệm và tư tưởng khác nhau. Chúng hủy hoại tư duy và bào mòn nhân cách. Tác dụng của dối trá là gì? Là che đậy sự thật. Nhưng chẳng phải việc che đậy sự thật đồng nghĩa với nhận được lợi ích cao hơn hay ít nhất được tồn tại, không bị cô lập dù là trong hệ sinh thái đầm lầy hay sao? Nên lắm khi giữa những lời dối trá lừa gạt để tẩy não và nhu nhược, thoả hiệp cầu toàn, người ta lựa chọn trả giá bằng phẩm giá hơn là tìm cách cứu mình, giúp người.
Lê Trai
Đăng theo Tri Thức VN