Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp nhau và hội đàm hôm 17/6 tại Hawaii, hai bên đã đưa ra những tuyên bố khác nhau về nội dung cuộc họp.

Chỉ vài giờ sau cuộc họp, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc – cơ quan lập pháp nước này – đã xúc tiến việc soạn thảo luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đối với Hồng Kông đã được thông qua hồi cuối tháng 5, bất chấp sự lên án từ Mỹ và các quốc gia khác, bao gồm các nước G-7, khi họ nêu lên mối quan ngại một bộ luật như vậy sẽ làm suy yếu quyền tự trị và tự do của đặc khu này, theo The Epoch Times.

Cuộc họp hai bên

Hai ông Pompeo và Dương đã có cuộc thảo luận kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ tại Honolulu hôm 17/6, theo Reuters.

Dương là Ủy viên Bộ Chính trị, một cơ quan gồm 25 thành viên chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương. Ông Dương còn là Ủy viên Quốc vụ đặc trách đối ngoại và vấn đề Đài Loan, và là quan chức cấp cao thứ hai về các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao – hai lãnh thổ từng là thuộc địa cũ của châu Âu nhưng đã được trao trả lại cho Trung Quốc lần lượt vào năm 1997 và 1999.

Theo sau cuộc họp, hôm 18/6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành một tuyên bố ngắn gọn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao bà Morgan Ortagus. Trích tuyên bố:

“Ngoại trưởng Pompeo đã nhấn mạnh các lợi ích quan trọng của Mỹ và sự cần thiết phải có các thỏa thuận song phương đầy đủ giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, an ninh và quan hệ ngoại giao. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự chia sẻ thông tin và minh bạch đầy đủ để chống lại đại dịch COVID-19 đang diễn ra và ngăn chặn những vụ bùng phát trong tương lai”.

Cùng lúc, chính quyền Trung Quốc, thông qua một tuyên bố phát trên Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận chính phủ – tuyên bố rằng ông Pompeo và ông Dương đã chia sẻ quan điểm ​​về mối quan hệ Mỹ-Trung. 

“Cả hai bên đều coi cuộc gặp gỡ này là một cuộc đối thoại mang tính xây dựng”, tuyên bố có đoạn. “Hai bên đồng ý triển khai những điểm đồng thuận của người đứng đầu hai nước. Cả hai bên đồng ý trao đổi và duy trì liên lạc”.

Tối hôm 4/6/2019, hàng ngàn người tham gia buổi thắp nến tại Hồng Kông để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989 (ảnh: etan liam/Flickr).

Tân Hoa Xã sau đó đã công bố một thông báo ngắn từ Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc. 

Ông Triệu chỉ đề cập đến những tuyên bố một chiều của ông Dương trong trao đổi với ông Pompeo về các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương, nhưng không đề cập đến những phát ngôn từ phía Hoa Kỳ.

Tuyên bố này nhấn mạnh lập trường cứng rắn của ĐCSTQ về Đài Loan và Hồng Kông. Cụ thể là việc Trung Quốc duy trì tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực này. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù đây là một hòn đảo dân chủ và tự trị.

Theo ông Triệu, ông Dương đã nói với ông Pompeo rằng “quyết tâm của Trung Quốc trong việc xúc tiến luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông là không đổi. … Trung Quốc kiên quyết phản đối những ngôn luận và hành động từ phía Mỹ, vốn là sự can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông”.

Mỹ trước đó đã đưa ra các tuyên bố lên án Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông. Đáp trả dự thảo luật an ninh của Bắc Kinh, Tổng thống Trump cho biết sẽ thu hồi “quy chế ưu đãi thương mại đặc biệt”  của Hồng Kông và áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc làm xói mòn quyền tự trị của đặc khu này.

Ông Triệu cũng cho biết phía Trung Quốc cũng phản đối tuyên bố gần đây của G7 về vấn đề luật an ninh Hồng Kông.

Hôm 17/6, các bộ trưởng ngoại giao của Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Đại diện cấp cao của EU đã ra một thông cáo chung kêu gọi Trung Quốc xem xét lại dự luật an ninh mới, tuyên bố rằng dự luật này “không phù hợp với Luật Cơ bản Hồng Kông [bản hiến pháp nhỏ của lãnh thổ này] và các cam kết quốc tế của [Bắc Kinh] theo các nguyên tắc trong Tuyên bố chung Trung-Anh đã được đăng ký với Liên Hợp Quốc”. Tuyên bố chung Trung-Anh là một hiệp ước về sự chuyển giao chủ quyền Hồng Kông và lời hứa của Bắc Kinh sẽ tôn trọng quyền tự trị của lãnh thổ sau khi bàn giao.

7 quốc gia này nói thêm rằng luật an ninh mới có thể “gây nguy hiểm cho hệ thống đã cho phép Hồng Kông phát triển thịnh vượng và thành công trong nhiều năm qua”.

Người dân Hồng Kông rải hoa để bày tỏ lòng thương tiếc đối với cái chết của một người biểu tình địa phương, gần trung tâm thương mại Pacific Place ở Admiralty, Hồng Kông, ngày 15/6/2020 (ảnh: Song Bilung/The Epoch Times).

Vấn đề Hồng Kông

Chỉ vài giờ sau cuộc họp của ông Pompeo và ông Dương, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố cơ quan lập pháp nước này đang cân nhắc việc soạn thảo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.

Theo thông báo, luật này sẽ trừng phạt bốn hành vi: “ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước, khủng bố và thông đồng với các thế lực hải ngoại hoặc bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Chính quyền Trung Quốc, cũng như các quan chức thân Bắc Kinh ở Hồng Kông, trước đây đã từng dán nhãn các nhà hoạt động dân chủ địa phương và người biểu tình như những cá nhân “thông đồng với các lực lượng hải ngoại hoặc bên ngoài”.

Nhiều người Hồng Kông đang lo lắng luật an ninh mới sẽ cho phép Bắc Kinh đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Một điểm khá lỳ lạ là, khi Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông Teresa Cheng Yeuk-wah được các phóng viên hỏi về động thái của Bắc Kinh vào ngày 18/6, bà cho biết bà không biết gì về bản dự thảo luật. Nếu điều bà nói là thật, thì trong quá trình soạn thảo luật Bắc Kinh đã hoàn toàn phớt lờ và không hề trao đổi nghiệp vụ với cơ quan lập pháp Hồng Kông, vốn có quyền lực cao nhất trong lĩnh vực lập pháp ở Hồng Kông theo Luật Cơ bản. Sau đó, bà từ chối bình luận về tội “thông đồng với các thế lực hải ngoại hoặc bên ngoài”.

Theo dkn.tv