Sài Gòn hoa lệ là thế, nhưng có câu rằng “Sài Gòn hoa lệ: Hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo”. Những ngày này, Sài Gòn đang bị phong tỏa theo chỉ thị 16, càng về khuya, khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ, bên góc đường kia vẫn có người nằm trăn trở vì gió lạnh… Ở ngoài kia có rất nhiều người cơ nhỡ sống nhờ vào những hộp cơm từ thiện... phận người mong manh.
Cảm thương những người lao động nghèo khó đang nặng gánh mưu sinh giữa mùa dịch bệnh, một blogger 9X đã chụp lại những khoảnh khắc người nghèo giữa Sài Gòn, và cho biết: “Tôi cảm thấy những ngày Sài Gòn giãn cách vừa qua và tính đến thời điểm giãn cách hiện tại, cuộc sống của những người vô gia cư, những hoàn cảnh nghèo khó lại càng khổ cực hơn gấp nhiều lần”.
Đối với giới nhà giàu, thì giai đoạn giãn cách chỉ như kỳ nghỉ ngắn, dù không được tự do đi lại, mua sắm, ăn uống, nhưng họ vẫn “có dư” để tích trữ đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm. Còn đối với những người dân nghèo, người lao động phải “chạy ăn từng bữa”, thì đó là những ngày “rất dài” đầy hoang mang, bất lực.
Có ý kiến cho rằng có lẽ chưa chết vì dịch thì nhiều người có nguy cơ chết vì đói. Có rất nhiều người lao động ở trọ, họ hoàn toàn không có thu nhập cũng như điều kiện để tích trữ lương thực. Hóa đơn tiền “điện” đang tăng “nóng” hơn cả thời tiết. Cái giấy xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị 3-5 ngày nhưng tiền phí lại rất cao… Nhìn quanh thấy ai cũng khổ, nhất là dân nghèo, người dân lao động, người vô gia cư...
Một đại dịch ập đến khiến mọi người ngỡ ngàng, kinh hãi; vừa hay lại là bài kiểm tra tình người trong cơn hoạn nạn. Có câu nói rằng: “Ở chuyến bay cuối cùng, không một ai được mang theo hành lý – kể cả xách tay lẫn ký gửi – trừ lòng cao thượng”.
Còn nhớ một trích đoạn trong cuốn sách nổi tiếng “Tâm hồn cao thượng” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis, nói về tình thương yêu giữa người và người: “Hôm nay các con vui mừng đón mùa đông, nhưng bố mong con không quên nghĩ đến hàng nghìn sinh linh khác đang chịu khổ sở, thậm chí phải chết do những khắc nghiệt của mùa đông”.
Trong một trích đoạn khác, lời người mẹ nói với con cũng là lời khuyên về lòng trắc ẩn đối với người khó khăn hơn: “Đừng tạo cho mình thói quen thờ ơ trước những người cùng khổ, nhất là trước một người mẹ đang xin ăn cho con mình. Con hãy nghĩ đến cơn đói của đứa trẻ và nỗi đau của người mẹ và thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Nếu đứa trẻ ấy là con và người mẹ khốn khổ ấy là mẹ thì sao?”
Có thể nói, lòng thương người là điều cơ bản nhất trong cuộc sống này. Nơi nào, người nào có hành động tốt đẹp, chia sẻ, lan tỏa yêu thương, thì tự nhiên nơi chốn ấy, người ấy được người đời yêu mến, tôn vinh.
Từ thiện là một nghĩa cử tốt đẹp biết nhường nào…
Hành động từ thiện đang diễn ra ở khắp nơi, từ chợ 0 đồng, đi chợ giúp trong mùa dịch, bánh mì, xôi 0 đồng trao tận tay người nghèo…
Nhưng chúng ta cũng cần phải học về “văn hóa từ thiện”, gần đây, dân mạng chỉ trích gay gắt một YouTuber phát cơm từ thiện, nhưng có lời lẽ khiếm nhã, phân biệt đối xử với người dân. Nhiều người cho rằng hành vi này đáng lên án vì gây tổn thương đến những người yếu thế.
Trong một video được lan truyền, khi thấy một phụ nữ lớn tuổi đến nhận thực phẩm, liền “bị hỏi”: “Chị ơi, sao chị sơn móng chân mà chị vào đây?”.
Nghe vậy, cô này liền vội vã trả lại thức ăn và nói: “Thôi, tôi không lấy đâu chú. Tôi sơn móng từ thiện ở Võ Thị Sáu của người khuyết tật. Tôi lãnh cho người ta chứ không phải tôi lấy”.
Đáp lại, anh này nói: "Lần sau chị hãy dành cho những người khó khăn hơn. Cảm ơn chị, chị không tốt như vậy đâu".
Trong một video khác, khi thấy một cụ già đến nhận cơm, anh này liền lên tiếng bảo ông kéo quần lên, và đừng “gãi sồn sột”, đồng thời nói rằng: “Cái bàn phát cơm của người ta là chốn linh thiêng mà ông làm không ra sao cả"...
Dù gì đi chăng nữa, những người đi nhận cơm từ thiện cũng là những con người có lòng tự trọng. Phải chẳng khi nghe những lời “nặng nhẹ” như thế họ sẽ không tự ái? Nhưng vì đói khổ, lực bất tòng tâm nên mới đi xin cơm. Vì thế, chúng ta không nên mang danh từ thiện để rồi vô tình dùng những lời thô thiển chà đạp lên người khác.
Thật đắng lòng cho một miếng ăn, bởi “của cho không bằng cách cho” mà, phải không?
Cũng như cố nhà văn Trang Thế Hy đã có những dòng suy tưởng miên man về phận người, thế giới tinh thần của ông thu lại trong những câu:
“Đêm nay mực chảy thành thơ
Giữa tiếng cười man dại
Tôi ngồi một mình trong bóng tối
Thách tất cả gông cùm trên thế giới
Làm sao xiềng đôi cánh của tình thương”.
Sài Gòn ‘đêm trở gió’... Cầu mong cho những phận người bất hạnh được bình yên!
Tâm An
Theo NTDVN