Đời người như con đường, có bằng phẳng cũng có chông gai. Khi thành công thì đắc ý tự tin, lúc thất bại thì tự ti chán nản. Nhưng kẻ trí khi hưởng vinh hoa vẫn thận trọng nhún mình, lúc gặp tai họa vẫn ung dung bình thản. Người xưa dạy: Sa cơ lỡ vận đừng bi lụy, trời sinh ta ắt có chỗ dùng.
Ví như Tây Lư đi du thuyết các vua nước chư hầu, qua sông chẳng may bị đắm thuyền. Người thuyền chài vớt ông lên, ôm bụng cười bảo: Ông suýt chết đuối, cứu mình còn chẳng xong, tài gì mà đòi đi nói các vua chư hầu.
Tây Lư đáp: “Hòn ngọc bích đem dệt cửi không tiện bằng hòn ngói. Hạt châu đem làm đạn bắn chim thì không tiện bằng viên đất. Ngựa kỳ ngựa ký, ngày chạy nghìn dặm, nhưng cho bắt chuột thì không nhanh bằng con mèo. Thanh gươm quý, đem mà khâu giày thì không tiện bằng cái dùi. Chú có tài lội nước, qua sông, vượt gió, nhưng nếu nay cho tiếp một ông vua chư hầu thì chắc mờ mịt, khác nào như quạ vào chuồng lợn.”
Quả thế. Mỗi người một tài, tuy nhất thời lâm vào hoạn nạn vì sở đoản, nhưng lại sẽ có ngày vinh quang bởi sở trường. Hà cớ phải thất vọng, bi quan.
Mãi đắm chìm trong thất bại, nhược điểm của bản thân, cũng như chăm chăm vào vết xước trên viên ngọc, mà quên mất rằng ta vốn là ngọc quý.
Con ốc sên ghen tị với con ếch, vì ếch có bốn chân nhảy nhót tự do, còn sên cõng trên thân chiếc vỏ nặng trịch. Bỗng một con chim ưng từ trên cao lao xuống, ốc sên vội vàng cuộn vào trong vỏ, mà con ếch đã bị chim ưng kia ăn mất. Ốc sên lúc đó mới hiểu ra: Trời sinh ta ắt có chỗ dùng.
Ông Lý Bạch xưa chỉ có bầu rượu và ánh trăng, nhưng chưa bao giờ cảm thấy mình nghèo khốn:
“Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai.”
Tạm dịch:
“Trời sinh thân ta, hẳn có dùng,
Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến.”
Trời có khi nắng khi mưa, trăng có khi tròn khi khuyết. “Sông có khúc, người có lúc”, ấy là lẽ tự nhiên. Giữ tâm bình lặng trong sóng gió cuộc đời, một người nhìn thấu nguyên nhân của được – mất. Và hiểu ra, chỉ có một trái tim thuần tịnh, vị tha, dũng cảm mới là bảo vật quý giá nhất của đời người.
Theo ĐKN