Bà Bách Căn Đệ (Bai Gendi) qua đời vào ngày 15/06/2017, ở tuổi 65, bốn năm chín tháng sau khi tài liệu rò rỉ tiết lộ nội dung của một tin nhắn văn bản mà bà đã gửi.
Trong lúc lâm chung, bà Bách đã nhiều lần nói với gia đình rằng bà đã bị tra tấn và đầu độc khi ở trong tù vì bà không chịu từ bỏ đức tin của mình hoặc nhận bất kỳ tội nào. “Họ [cai ngục] muốn tôi chết” là câu nói cuối cùng mà những người thân yêu của bà Bách nghe rõ được từ bà trước khi bà qua đời. Bà nói rằng nhà cầm quyền không muốn bà nói cho mọi người biết sự thật về Pháp Luân Đại Pháp.
Pháp Luân Đại Pháp, còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tinh thần với các bài giảng đạo đức và năm bài công pháp. Các học viên của môn pháp này tu luyện chiểu theo các nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn. Năm 1999, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc đàn áp kéo dài cho đến nay.
Một tin nhắn văn bản được ghi lại
Một kho dữ liệu về một tỷ cư dân Trung Quốc, được cho là bị xâm nhập và đánh cắp từ cơ sở dữ liệu của cảnh sát Thượng Hải, đã được rao bán trên dark web hồi cuối tháng Sáu. Người bán, dưới biệt danh “ChinaDan,” đã đăng một mẫu chứa 750.000 bản ghi để thu hút người mua.
Mặc dù tính xác thực của gần 24 terabyte (24 TB) dữ liệu chưa được xác nhận, và không có chính phủ nào bình luận về nó, nhưng hơn một chục người có danh tính được liệt kê trong mẫu này đã xác nhận về độ chính xác.
The Epoch Times đã xem xét mẫu này và thấy rằng một bản ghi trong “Chỉ mục Dữ liệu Vụ án” khớp với một vụ việc mà The Epoch Times đã đưa tin vào năm 2016 (Quý vị có thể xem bản Anh ngữ của bài báo này tại đây).
“Vào hồi 18 giờ 00 ngày 10/09/2012, công dân Tạ Chính Khải (Xie Zhengkai) đã đến đồn cảnh sát và trình báo rằng anh đã nhận được một tin nhắn văn bản về Pháp Luân Công được gửi qua số điện thoại 15921522491″, mẫu dữ liệu cho biết.
Hồ sơ chỉ ra rằng cảnh sát xác định số điện thoại là của bà Bách Căn Đệ. Vài giờ sau, họ bắt bà Bách tại đường hầm Trần Gia Trạch trên đường Long Ngô ở quận Từ Hối, Thượng Hải.
Cựu thẩm phán Trung Quốc Vương Sùng Minh (Wang Chongming), người từng làm việc tại tòa án thành phố Bắc Kinh nói với The Epoch Times trong ấn bản Hoa ngữ hôm 15/07: “Không có luật nào [ở Trung Quốc] quy định rằng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là phạm pháp. Ngược lại, luật pháp bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, cùng quyền giám sát chính phủ và các cơ quan nhà nước của người dân“. “Việc người dân Trung Quốc luyện tập Pháp Luân Đại Pháp là hợp pháp. Theo luật, công dân Trung Quốc có quyền truyền bá tín ngưỡng của mình, và việc tiết lộ cuộc bức hại mà họ phải chịu đựng vì đức tin là hợp pháp.”
Một vụ bắt giữ gây tử vong
Trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên đưa tin về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp của ĐCSTQ, Minghui.org cho biết: “Bà Bách bị bắt vào ngày 10/09/2012 và bị kết án tù vào ngày 03/05/2013”. “Gia đình của bà Bách Căn Đệ nghi ngờ rằng cái chết của bà là kết quả trực tiếp của việc bà bị ép tiêm thuốc và bị tra tấn trong tù.”
Trước khi cơ sở dữ liệu bị rò rỉ kể trên tiết lộ tin nhắn văn bản của bà, bà Bách và những người xung quanh không biết tại sao cảnh sát lại bắt bà ở ngoài đường. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng bà đã bị bắt và bị Tòa án quận Từ Hối kết án với một tội danh được bịa đặt vì bà không chịu từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Đại Pháp.
Minghui.org dẫn lời bạn tù của bà Bách: “Bà Bách bị giam trong một chiếc lồng sắt nhỏ sau khi bà bị chuyển đến Nhà tù [Nữ Thượng Hải] vào giữa năm 2013, nơi bà không thể đứng hoặc nằm”. “Vào mùa đông, cai ngục chỉ cho phép bà mặc quần áo cộc tay còn chúng tôi thì được mặc áo khoác vì bà không chịu từ bỏ đức tin của mình.”
Mùa xuân năm 2013, bà Bách được chuyển đến một phòng giam bình thường. Nhưng cường độ tra tấn của cai ngục thì không giảm bớt.
Ngày 24/08/2016, trại giam thông báo cho gia đình bà Bách rằng bà Bách bị ngã từ trên ghế xuống và bất tỉnh. Khi gia đình đến Bệnh viện Nhân Dân Tùng Giang, họ thấy hộp sọ của bà Bách bị thương và có vết cắt đang rỉ máu. Trông bà xanh xao ốm yếu và mê man bất tỉnh.
Gia đình nhận thấy vết cắt trên đầu của bà Bách giống vết rạch phẫu thuật hơn là vết thương do tai nạn. Các lính canh không thể giải thích về vết rạch này và từ chối cho xem video giám sát. Ngay sau đó, một bác sĩ thông báo rằng có một khối u trong phổi của bà Bách.
Sau khi được tạm thời trả tự do vì lý do y tế vào đầu tháng 09/2016, bà Bách đã kể cho gia đình nghe mọi chuyện. Một ngày trước khi bà được đưa đến bệnh viện, lính canh đã chuyển tất cả tù nhân cùng phòng giam của bà đến một địa điểm khác. Bà ăn sáng một mình vào sáng hôm sau. Ngay sau đó, bà cảm thấy chóng mặt và bất tỉnh. Lúc tỉnh lại vào tối hôm đó, thì bà đã ở trong viện rồi.
Bà Bách nói rằng nhà tù đã thêm một loại thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn của bà hồi đầu năm 2016. Bà đã nôn trong khi ăn. Nhận ra rằng thức ăn có thể chứa một loại chất độc nào đó, bà từ chối ăn bất cứ thứ gì được chuẩn bị riêng cho mình và chỉ ăn cùng loại thức ăn với những tù nhân cùng phòng.
Bà Bách cũng cho biết cai ngục đã thường xuyên dùng gậy gỗ đập vào đầu bà.
Gia đình bà Bách cho rằng bà dường như đang hồi phục sức khỏe; nhưng đến ngày 30/09/2016, bà bị đau đầu dữ dội. Bà liên tục bị những cơn đau đầu hành hạ và cảm thấy khó khăn khi giao tiếp.
Bà Bách đã qua đời vào ngày 15/06/2017. Gia đình bà nói rằng các nhân viên cảnh sát nhà nước ở Thượng Hải đã đi lảng vảng xung quanh nhà bà và bệnh viện khi bà được tạm thời trả tự do.
Quản lý bị bức hại
Bà Bách từng là quản lý tại một văn phòng của Công ty Dầu khí Đông Hải & Caltex thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Ông Vương Hữu Quần (Wang Youqun), một ký giả chuyên mục và bình luận viên các vấn đề về Trung Quốc, viết trong bài bình luận của mình về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Thượng Hải hôm 26/04: “Bà ấy lạc quan, nhiệt tình, tốt bụng, chân thành, thấu hiểu, ân cần, và chu đáo. Bà ấy đối tốt với tất cả mọi người.”
Bà Bách từng có một cuộc sống hạnh phúc sau khi bà tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Thế nhưng, vào ngày 20/07/1999, nhà cầm quyền đột nhiên không cho phép người dân tiếp tục theo tín ngưỡng của mình.
Để buộc bà Bách từ bỏ đức tin của mình, nhà cầm quyền đã bỏ tù bà tại Trại lao động Nữ Thanh Tùng Thượng Hải và Nhà tù Nữ Tùng Giang Thượng Hải trong gần 14 năm.
Theo The Epoch Times
Đăng theo Tinh Hoa