Theo một báo cáo của những người sống ở Bắc cực, nhóm Inuit, quần thể gấu Bắc cực đang phát triển mạnh, trái ngược với dự đoán phổ biến cho rằng chúng sẽ giảm do băng tan.

Theo báo cáo của Blacklock’s Reporter, giám đốc của Ban động vật hoang dã vùng biển Nunavik đã viết trong giấy tờ pháp định rằng: “Nhóm Inuit không nhận thấy sự suy giảm đáng kể trong sức khỏe của gấu Bắc cực”.

Giấy pháp định viết: “Nunavik Inuit báo cáo rằng thực tế rất hiếm khi thấy một con gấu ốm yếu và hầu hết những con gấu là khỏe mạnh”.

Nhóm Inuit đã đệ trình các tài liệu này sau khi bộ Môi trường Canada kêu gọi cắt giảm săn bắn gấu Bắc cực để bảo tồn loài này.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, hiện trên toàn thế giới có khoảng 22.000 đến 31.000 con gấu Bắc cực và chúng được xem là một loài dễ bị tổn thương.

Trong nhiều năm, các tổ chức như Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) đã trích dẫn dự đoán về sự suy giảm của quần thể gấu Bắc cực là hậu quả tất yếu của sự nóng lên toàn cầu. Người ta ước tính rằng số lượng gấu Bắc cực toàn cầu sẽ giảm 30% vào năm 2050.

Tương tự, một nghiên cứu năm 2016 ước tính về số lượng gấu Bắc cực toàn cầu có thể giảm hơn 30% chỉ trong 35 năm. Các nhà nghiên cứu đã xem xét ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên Bắc Băng Dương và tính toán khả năng giảm số lượng loài này là 71%. Nguyên do là vì gấu Bắc cực phải đứng trên băng khi săn hải cẩu.

Tuy nhiên, trong các bản khai liên bang, các cư dân ở Nunavik, miền Bắc Canada, cho rằng họ đã chứng kiến sự gia tăng đáng chú ý về số lượng gấu Bắc cực kể từ những năm 1980. Mười hai quần thể gấu Bắc cực được tìm thấy trong vùng này.

Báo cáo của Ủy ban Động vật hoang dã vùng biển Nunavik có trích lời từ một thợ săn nói rằng gấu Bắc cực “không bị tuyệt chủng” và không thiếu.

Báo cáo viết: “Nhiều người rất quan tâm đến quan điểm của những người bên ngoài Nunavik cho rằng gấu Bắc cực đang bị đe dọa”.

“Tất cả các cuộc phỏng vấn được thực hiện ở cộng đồng phía Nam vịnh Hudson đều đồng ý quan điểm số lượng gấu Bắc cực đang tăng lên từ thập niên 1960 cho đến thập niên 1980, và số lượng tiếp tục gia tăng kể từ thời điểm đó”.

Tranh cãi về video một chú gấu Bắc cực

Chú gấu tiều tụy đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người khi nó lục lọi thùng rác để tìm kiếm thức ăn.

Theo National Geographic: “Đây chính là những gì mà biến đổi khí hậu gây ra”.

Leo Ikakhik, một người theo dõi gấu Bắc cực, giải thích rằng một video đang lan truyền về một con gấu Bắc cực đang đói có thể không phản ánh đúng hiện trạng thực tế.

Anh nói với CBC: “Tôi không hoàn toàn ngạc nhiên khi chuyện này xảy ra. Mẹ thiên nhiên sẽ giải quyết vấn đề đó. Bạn biết đấy, nó chỉ là một phần chu kỳ sống của con gấu”.

Ikakhik đã theo dõi hoạt động của gấu quanh Arviat, một thị trấn trên bờ phía tây của Vịnh Hudson từ năm 2010, và anh làm việc với các tổ chức như Quỹ Động vật hoang dã Thế giới Canada để ngăn chặn những con gấu đến gần khu dân cư của con người.

Anh nói: “Mọi người có lẽ đã bị sốc khi nhìn thấy một con gấu thực sự gầy gò, nhưng đây không phải là lần đầu tiên tôi thấy một con vật như thế này”.

Anh nói thêm với CBC rằng có lẽ không phải biến đổi khí hậu đã khiến con gấu trở nên như vậy.

Anh nói thêm: “Tôi không thực sự đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Nó chỉ là một phần trong chu kỳ sống của con vật, những gì chúng phải trải qua. Vì tôi đến từ miền Bắc, tôi thực sự không thích video này”.

Con gấu được quay bởi phóng viên của kênh National Geographic, Paul Nicklen, cho tổ chức bảo tồn động vật biển SeaLegacy.

Theo đồng sáng lập của SeaLegacy, Cristina Mittermeier: “Chúng tôi không chắc chắn rằng đó là do biến đổi khí hậu. Không thể biết lý do tại sao nó ở trong trạng thái này. Có thể đó có thể là một chấn thương hoặc một căn bệnh, nhưng vấn đề là nó đang đói và chúng tôi muốn mọi người biết một con gấu Bắc cực đói trông như thế nào, bởi vì khi băng tan ở đây, gấu Bắc Cực sẽ chết đói”.

Video gây tranh cãi về chú gấu:

Theo ntdvn.com