Azerbaijan và Armenia xác nhận rằng quân đội hai nước đã có các cuộc "đụng độ" vào ngày 12/9, làm gia tăng nguy cơ thỏa thuận ngừng bắn Nagorno-Karabakh đổ vỡ.
Binh sĩ Armenia vận hành lựu pháo trong cuộc xung đột với Azerbaijan
Loạt vụ nổ do các hệ thống pháo và máy bay không người lái xảy ra tại các thành phố Vardenis, Jermuk, Goris và Tatev thuộc Armenia, giáp biên giới Azerbaijan vào đêm ngày 12/9 và rạng sáng ngày 13/9.
Tiếng súng rền vang dọc trên toàn tuyến biên giới Azerbaijan-Armenia, theo truyền thông địa phương. Chính phủ Armenia đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp.
Bộ Quốc phòng Armenia nói quân đội Azerbaijan đã sử dụng pháo hạng nặng và máy bay không người lái (UAV) trong đợt tấn công mới.
"Binh sĩ Armenia đã có các động thái đáp trả tương xứng", Bộ Quốc phòng Armenia cho biết. Một chiếc UAV Bayraktar bị bắn rơi ở thành phố Vardenis, phía bắc Armenia.
Trong khi đó, chính phủ Azerbaijan cáo buộc Armenia "có hành động leo thang trên diện rộng" nhằm vào quân đội Azerbaijan. "Chúng tôi đã đáp trả bằng hỏa lực mạnh nhằm vào các vị trí của Armenia", tuyên bố cho biết.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng cáo buộc Armenia có "hành động phá hoại" ở biên giới, bắn đạn súng cối vào vị trí của quân đội nước này gần các thị trấn Basarkecher, Istisu, Garakilsa và Gorus, "gây tổn thất về sinh mạng và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng".
Azerbaijan nói phía quân đội Armenia cũng có thương vong và nhiều trang thiết bị quân sự bị phá hủy.
Đây là cuộc đụng độ mới nhất giữa hai quốc gia vùng Caucasus. Hồi tháng 8, Azerbaijan tấn công vùng ly khai Nagorno-Karabakh, sau khi cáo buộc Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn ký kết năm 2020.
Nagorno-Karabakh từng thuộc Azerbaijan nhưng có cộng đồng người Armenia sinh sống đông đúc. Sau cuộc xung đột vũ trang trong giai đoạn năm 1988 - 1994, cộng đồng người Armenia chiếm đa số bỏ phiếu tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan và tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh và được Armenia hậu thuẫn.
Năm 2020, Azerbaijan và Armenia đụng độ dữ dội trong 44 ngày và chỉ tạm ngừng khi Nga làm trung gian dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn và đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới vùng Nagorno-Karabakh.
Một nửa vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng gìn giữ hòa bình Nga bảo vệ, trong khi Azerbaijan đã giành lại phần còn lại.
Theo arttimes