Các quan chức bang Florida tăng cường nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nghiên cứu tại các đại học địa phương trước những kẻ thù nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo Epoch Times, Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott (bang Florida), trong một thông cáo báo chí hôm 14/1/2020, kêu gọi hiệu trưởng của các đại học ở Florida trả lời bức thư mà ông mới gửi, trong đó ông yêu cầu họ cung cấp thông tin về các biện pháp mà các trường đã thực hiện để bảo vệ công việc nghiên cứu của trường, khỏi nạn đánh cắp của nước ngoài.

Đề ngày 3/12, bức thư yêu cầu hiệu trưởng các trường đại học ở bang Florida tiết lộ liệu có nhà nghiên cứu nào được cho là đã tham gia chương trình tuyển dụng nhân tài do Trung Quốc tài trợ hay không, hoặc liệu có bất kỳ giảng viên nào chia sẻ thông tin trái phép với một thực thể nước ngoài hay không?

Ngoài ra, bức thư cũng hỏi về các loại hình phạt mà các đại học áp dụng cho nhân viên và giảng viên bị nghi ngờ là gián điệp.

Trong một thông cáo báo chí, ông Scott tuyên bố: “Tôi đánh giá cao những phản hồi mà tôi nhận được từ một số trường đại học ở Florida, trong đó nêu chi tiết các biện pháp họ đang thực hiện, để bảo vệ thông tin của mình trước chính quyền Trung Quốc. Nhưng tôi vẫn đang chờ nghe tin từ nhiều trường đại học ở Florida”.

Thượng nghị sĩ Scott giải thích về mối đe dọa do Bắc Kinh gây ra: “Họ đang tích cực tìm cách sử dụng các mối quan hệ chiến lược để thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị và kinh tế, đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta”.

“Mọi người cần phải hiểu rủi ro này và tôi mong muốn được nghe phản hồi từ mọi tổ chức bởi vì chúng tôi làm việc để bảo vệ các trường đại học và sinh viên của chúng ta”, ông Scott kết luận.

Trung tâm Ung thư Moffitt

Yêu cầu của Thượng nghị sĩ Scott đối với các hiệu trưởng trường đại học địa phương, được đưa ra ngay sau sự cải tổ quan trọng của bộ máy điều hành tại Trung tâm Ung thư Moffitt, có trụ sở ở thành phố Tampa, bang Florida, một viện nghiên cứu trực thuộc Viện Y tế Quốc gia (NIH).

Ngày 18/12/2019, trung tâm Moffitt thông báo về việc từ chức của Giám đốc điều hành và giám đốc trung tâm, do đã “vi phạm qui định về xung đột lợi ích thông qua công việc của họ tại Trung Quốc”.

Tổ chức phi lợi nhuận này tuyên bố họ đã tiến hành đánh giá nội bộ sau cảnh báo từ NIH, cơ quan điều hành cao nhất của chính phủ Mỹ, về nghiên cứu y tế công cộng.

Theo thông cáo báo chí của trung tâm Moffitt, đánh giá về tuân thủ đã phát hiện ra một số vi phạm, qua đó thực hiện ngay lập tức “việc ngăn cách thêm 4 nhà nghiên cứu nữa”.

Ngược dòng thời gian vào tháng 9/2018, Giám đốc NIH, Tiến sĩ Francis Collins, đã gửi thư cho các viện nghiên cứu trên khắp nước Mỹ, cảnh báo về khả năng nước ngoài gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, bức thư này đã không xác định bất kỳ đối thủ cụ thể nào.

Sau đó, NIH nêu rõ rằng mối quan ngại của họ liên quan đến gián điệp Trung Quốc. Trong một báo cáo tháng 12/2018, NIH gọi ‘Chương trình ngàn nhân tài’ của Trung Quốc là một kế hoạch để “tập hợp trí tuệ toàn cầu, và tạo ra sự khai thác to lớn cho Trung Quốc”.

Chương trình Ngàn Nhân tài được Bắc Kinh triển khai vào năm 2008, để ‘quyến rũ’ các kỹ sư và nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, chủ yếu là người gốc Trung Quốc, đến Trung Quốc làm việc, nhằm hỗ trợ chính quyền Trung Quốc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.

Trung tâm Moffitt đã không giải thích chi tiết về các vi phạm. Tuy nhiên, trung tâm nói thêm rằng việc đánh giá nội bộ “tập trung vào sự tham gia của các thành viên của họ, vào Chương trình Ngàn nhân tài của Trung Quốc”.

Sau thông báo của trung tâm Moffitt, Thượng nghị sĩ Scott đã đưa ra tuyên bố, hoan nghênh hành động “nhanh chóng và kiên quyết” của trung tâm, đối với các cá nhân vi phạm.

Hưởng ứng sự bãi nhiệm của trung tâm Moffitt, Chủ tịch nghị viện Tiểu bang Florida, ông Jose R. Oliva, đã thông báo hôm 31/12/2019 về việc thành lập “một ủy ban chọn lọc, để điều tra bất kỳ hoạt động không thích hợp hoặc bất hợp pháp nào, của các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu y tế và các cá nhân ở Florida, đã liên kết với các tổ chức như vậy”.

Ủy ban này sẽ được chủ trì bởi Dân biểu Chris Sprowls của Florida, người kế nhiệm ông Oliva.

Theo một bài báo ngày 9/1 của Tạp chí Khoa học, ông Sprowls tuyên bố rằng ủy ban này sẽ tổ chức phiên điều trần đầu tiên của mình vào ngày 21/1/2020.

Hoạt động gián điệp thông qua ‘Chương trình Ngàn nhân tài’

Các mối đe dọa từ các chương trình tuyển dụng của Trung Quốc, đặc biệt là Chương trình Ngàn Nhân tài (TTP), được nêu rõ trong báo cáo của nhân viên Thượng viện Mỹ vào tháng 11/2019 gửi cho Tiểu ban Thường trực về Điều tra.

Theo báo cáo này, Trung Quốc có tổng cộng hơn 200 chương trình tuyển dụng nhân tài. Chương trình TTP nói riêng đã tuyển dụng hơn 7.000 “chuyên gia cao cấp” đến Trung Quốc làm việc, trong số đó có một số người được giải thưởng Nobel.

Cũng theo báo cáo, chương trình TTP “khuyến khích các cá nhân tham gia nghiên cứu và phát triển ở Mỹ, truyền đạt kiến thức và nghiên cứu mà họ có được ở đây, đến Trung Quốc, để đổi lấy tiền lương, tiền tài trợ nghiên cứu, không gian làm việc trong phòng thí nghiệm, và các ưu đãi khác”.

Trong số những người được chương trình TTP tuyển dụng, một số người “đã cố tình không tiết lộ tư cách thành viên TTP của họ” cho các tổ chức Mỹ, theo báo cáo.

“Trong một số trường hợp, các thành viên TTP nhận được cả tài trợ của Mỹ và của Trung Quốc, cho nghiên cứu tương tự.. [Họ] thành lập ‘phòng thí nghiệm bí mật’ ở Trung Quốc, để tiến hành nghiên cứu song song, và đánh cắp sở hữu trí tuệ”, báo cáo chỉ rõ.

Trong một số trường hợp, các thành viên TTP đã sử dụng quyền tiếp cận thông tin nghiên cứu, để cung cấp cho chủ lao động Trung Quốc các thông tin quan trọng về kết quả nghiên cứu giai đoạn đầu.

 
 

Xem xét kỹ các hợp đồng lao động mà các thành viên TTP đã ký để đảm nhận công việc tại Trung Quốc, báo cáo nêu rõ: “Các hợp đồng bao gồm các điều khoản, vi phạm các tiêu chuẩn của Mỹ về địa điểm và tính toàn vẹn của nghiên cứu. Các thành viên TTP làm suy yếu các chuẩn mực khoa học cơ bản của Mỹ về tính minh bạch, tính tương hỗ và tính toàn vẹn”.

Ví dụ, một số hợp đồng có các điều khoản, cho phép các tổ chức Trung Quốc, có một số quyền đối với bất kỳ tài sản trí tuệ nào, được tạo bởi các thành viên TTP ở Mỹ.

Trong một trường hợp đã xem xét, một giáo sư đại học Mỹ, không được nêu tên, người đã nhận được nhiều khoản tài trợ nghiên cứu của chính phủ Mỹ, cũng là thành viên của một số chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc. Ông ta đã chỉ đạo một phòng thí nghiệm có trụ sở tại Trung Quốc, thực hiện nghiên cứu quân sự, đồng thời tài trợ cho sinh viên Trung Quốc học tập dưới sự hướng dẫn của ông ấy, tại Mỹ.

Cũng theo báo cáo, nhiều người trong số những sinh viên Trung Quốc này, là có mối “liên kết trực tiếp với các tổ chức nghiên cứu và phát triển, liên quan đến các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc”.

Theo ĐKN