Mặc dù hiện chính sách một con đã bị bãi bỏ một cách hiệu quả, nhưng cuộc thử nghiệm tàn bạo của ĐCSTQ trong việc kiểm soát dân số vẫn còn ám ảnh vô số gia đình.
Bức ảnh được chụp vào ngày 06/09/2012 này cho thấy ba người phụ nữ Trung Quốc với đứa con của họ khi họ ngồi trên một chiếc ghế dài dọc một con phố ở Bắc Kinh. Năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ 'chính sách một con' gây tranh cãi của mình như một biện pháp tái cân bằng dân số già của Trung Quốc nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. (Ảnh: WANG ZHAO / AFP qua GettyImages)
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng chính sách một con khét tiếng của mình. Chính sách mà chế độ Bắc Kinh từng khoe khoang là đã gây ra 400 triệu ca phá thai và các trường hợp ngăn ngừa sinh con khác. Kể từ năm 2016, Bắc Kinh đã cho phép và khuyến khích các gia đình có hai con trở lên.
Khi chính phủ điều chỉnh chính sách của mình dưới thời nhà lãnh Tập Cận Bình, nhiều phụ nữ Trung Quốc đang tìm cách giải quyết từ chính quyền vì những tổn thương mà họ phải chịu do hậu quả của hơn ba thập kỷ kiểm soát dân số.
Các tuyên bố bao gồm các vấn đề sức khỏe lâu dài do các thủ tục sinh sản bị thiếu sót hoặc chưa được kiểm tra nhằm duy trì tỷ lệ sinh của đất nước trong mức mục tiêu, đến chấn thương tâm lý do phụ nữ buộc phải phá thai muộn hoặc thậm chí cắt tử cung. Kể từ khi bắt đầu chính sách một con vào cuối những năm 1970, hàng triệu người đã phải triệt sản và hàng triệu phụ nữ đã bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của họ bởi những thủ tục này.
“Chúng tôi đã làm theo lời chính phủ nói và đến trạm kế hoạch hóa gia đình để tiêm thuốc”, cô Peng Dongxiang, một phụ nữ đến từ miền Trung Trung Quốc, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA).
“Nhưng họ đang thử nghiệm trên chúng tôi và sử dụng cơ thể của chúng tôi”, cô Peng, người có hai con trái với chính sách, nói. Sau khi bị phát hiện, cô đã phải chịu nhiều đợt quấy rối và tống tiền từ chính quyền địa phương ở tỉnh Hồ Bắc, quê hương của cô.
Những mũi tiêm mà cô được thực hiện sẽ khiến cô nhiễm trùng không thể phục hồi và khiến cô bị bệnh kéo dài cho đến ngày nay.
Lo sợ dân số quá đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra lệnh tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ thị về kế hoạch hóa gia đình đến mức nhiều phụ nữ buộc phải phá thai hoặc bỏ con nếu họ bị phát hiện mang thai “bất hợp pháp”.
Trong một số trường hợp phụ nữ nạo phá thai muộn, "Các bác sĩ sẽ tiêm chất độc trực tiếp vào hộp sọ của đứa trẻ để giết chết nó", nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng người Trung Quốc Chen Guancheng cho biết, dựa trên các đoạn ghi âm mà ông thực hiện về các cuộc phỏng vấn với hàng trăm phụ nữ bị ảnh hưởng bởi luật quy hoạch gia đình ở Lâm Nghi, một thành phố ở tỉnh Sơn Đông, miền nam Trung Quốc.
“Các bác sĩ khác sẽ [tiêm thuốc] ép sinh non. Nhưng một số đứa trẻ vẫn còn sống khi chúng được sinh ra và bắt đầu cất tiếng khóc chào đời. Các bác sĩ đã bóp cổ hoặc dìm chết những đứa trẻ đó”, ông Chen, hiện sống lưu vong ở Hoa Kỳ nói với hãng tin NPR.
Một số gia đình phải chứng kiến con cái của họ bị chính quyền bắt đi, hoặc bị yêu cầu nộp phạt rất nặng - lên đến bốn đến sáu lần thu nhập hàng năm của gia đình - vì vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, tiền phạt sẽ cao hơn đối với đứa con thứ hai hoặc tiếp theo được sinh ra ngoài giá thú.
Tiêm thuốc không rõ nguồn gốc
“Họ tiêm thẳng vào ống dẫn trứng cho chúng tôi… Tôi ngất đi và lạnh cóng ngay lập tức”, cô Peng, một phụ nữ đến từ Hồ Bắc, nhớ lại.
“Sau đó, họ nói với tôi rằng tôi phải tiêm một mũi nữa vì tôi chưa thắt ống dẫn trứng, nhưng lần tiêm thứ hai đó đã hủy hoại sức khỏe của tôi”.
Kể từ đó, cô Peng nói với RFA, cô đã bị đau thắt lưng, sưng bụng và phải nằm liệt giường trong vài năm sau khi thực hiện các cuộc triệt sản. Hai con trai của cô được gửi đến sống với ông bà ngoại vì cô không thể làm việc hoặc chăm sóc chúng. Cho đến hiện tại, cô vẫn thường xuyên bị đau kể từ khi làm thủ thuật.
Cô Peng cho biết: “Nếu [gia đình chồng tôi] không đối xử tốt với tôi, tôi đã không có mặt ở đây ngày hôm nay”.
Cô Peng cho biết cô cũng biết hàng trăm phụ nữ khác từ quê hương Tiềm Giang của cô cũng có trải nghiệm tương tự.
“Một số người trong số họ thực sự đã chết… chính phủ không quan tâm và chỉ tiêm cho bất kỳ ai vào thời điểm đó, kể cả phụ nữ mang thai”, cô Peng nói.
Thay đổi chóng mặt
Vào tháng 10/2015, trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra khẩu hiệu “tất cả các gia đình nên có hai con”. Chính sách hai con được ban hành vào năm 2016 và vào tháng 5/2021, được mở rộng hơn nữa để cho phép mỗi cặp vợ chồng có ba con.
Theo Điều tra Dân số Quốc gia lần thứ 7 của Trung Quốc, được Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố muộn nhất vào giữa tháng 5 năm ngoái, dữ liệu cho thấy nếu xu hướng sinh đang giảm dần hiện nay, dân số Trung Quốc, hiện nay là 1,4 tỷ người, dự kiến sẽ đạt mức cao nhất khoảng 1,45 tỷ người vào năm 2030 và bắt đầu giảm mạnh.
Việc kiểm soát dân số cũng dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi các bậc cha mẹ tương lai buộc phải lựa chọn sinh con trai hay con gái. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi con trai được coi là không thể thiếu trong lao động chân tay và gánh vác việc nối dõi tông đường, dẫn đến nhiều cặp vợ chồng quyết định bỏ rơi đứa con gái mới sinh hoặc phá thai nếu là bé gái.
Ngày nay, ở Trung Quốc, đàn ông nhiều hơn phụ nữ khoảng 40 triệu người.
Quốc tế kêu cứu: 'Chính phủ Trung Quốc kiểm soát tử cung của phụ nữ Trung Quốc'
Zhang Jing, người sáng lập Quyền phụ nữ ở Trung Quốc - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York - cho biết chính phủ Trung Quốc từ lâu đã kiểm soát quyền tự do sinh sản của phụ nữ và kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy các nhà lập pháp nâng cao nhận thức về việc lạm dụng và thiếu các quyền phụ nữ ở Trung Quốc đã chịu đựng và tiếp tục chịu đựng.
“Nếu đảng bảo bạn sinh con thì bạn sẽ sinh con. Nếu nó bảo bạn không nên làm vậy, thì bạn sẽ không làm vậy”, bà Zhang nói với RFA. "Đây là một chính sách khủng khiếp và bi thảm".
Kể từ năm 2012, bà Zhang đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc thiết lập một hệ thống bồi thường trên toàn quốc cho những phụ nữ bị tổn hại bởi các chính sách kiểm soát dân số trong vài thập kỷ qua.
Bà nói: “ĐCSTQ và chính phủ Trung Quốc kiểm soát tử cung của phụ nữ Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng phụ nữ sống ở các vùng nông thôn dễ bị tổn thương nhất bởi các hình thức lạm dụng và ngược đãi như cô Peng và nhiều người khác.
Minh Đăng
Nguồn Vision Times
Đăng theo NTDVN