Sáng 25/7, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi tại họp báo cho hay, dù TP.HCM dự kiến áp dụng Chỉ thị 16 đến ngày 1/8, nhưng có thể sẽ có độ trễ và TP.HCM phải áp dụng 2 tuần nữa.
Ông Mãi cho biết, từ 31/5 đến nay, thành phố đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau của Chỉ thị 15, Chỉ thị 10 và Chỉ thị 16. Hiện, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp cao hơn.
“Việc này cần nghiêm túc nhìn nhận, phân tích, không phải để xác định trách nhiệm. Nếu không dừng lại, không làm tốt thì dịch sẽ lây lan mạnh và tình hình sẽ xấu, tồi tệ hơn”, Phó bí thư cảnh báo, theo Zing.
Phó bí thư nhắc lại 3 tình huống mà TP.HCM đặt ra sau 15 ngày đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16. Đó là kiểm soát được dịch; dịch chưa được kiểm soát; và mất kiểm soát. Ông đánh giá thực tế TP.HCM đang ở tình huống thứ 2 và đã “lỡ cơ hội” để có được tình huống thứ nhất.
Ông nhận định đây là tình huống không mong muốn nhưng phải đối diện và đề nghị người dân, chính quyền nhìn nhận đúng sự phức tạp, nghiêm trọng của tình hình để cùng nhau hành động.
Có thể phải áp dụng Chỉ thị 16 thêm 2 tuần, chuyển từ phòng chống sang điều trị
Phó bí thư Thành ủy nhận định dù TP.HCM đặt mục tiêu kết thúc thời gian áp dụng Chỉ thị 16 vào ngày 1/8, nhưng cũng có thể có độ trễ. TP.HCM có thể thực hiện trong 2 tuần để đảm bảo các biện pháp phát huy tác dụng.
“Thước đo là ngăn chặn được sự lây lan và phát tán của dịch bệnh. Lúc đó chúng ta mới có những tuyên bố kết thúc hay điều chỉnh cấp độ. Ở đây phải tính tới tình huống nếu tình hình diễn biến xấu hơn thì chúng ta sẽ chuẩn bị và khởi động cho tình huống ba”, ông Mãi thẳng thắn.
Phó bí thư cho rằng đây là điều TP không mong muốn nhưng phải ý thức để có tâm thế chuẩn bị.
Ông cho biết, chiến lược phòng, chống dịch của TP.HCM đang chuyển dần sang điều trị, coi đây là nhiệm vụ chính, tập trung tất cả nguồn lực để tổ chức hiệu quả nhằm giảm tử vong.
Ông Mãi thừa nhận thời gian qua xảy ra tình trạng một số nhu cầu trợ giúp y tế của người dân không được đáp ứng kịp thời. Ông lý giải một mặt do quá tải ở các cơ sở y tế. Một mặt do cơ chế điều phối điều trị của thành phố.
Thành phố giải quyết bằng 3 cách. Thứ nhất là rà soát, củng cố mở rộng tối đa năng lực điều trị ở bệnh viện quận, huyện, TP. Thứ hai là một số bệnh viện dã chiến thu dung bệnh nhân Covid-19 sẽ được tăng cường chức năng, nâng cấp trang thiết bị, bổ sung nhân lực để thành bệnh viện điều trị. Thứ ba là huy động nhiều hơn bệnh viện tư nhân.
‘Dự báo 5-7 ngày tới, số ca nhiễm của TP.HCM vẫn ở mức cao’
Cũng tại buổi họp báo này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trả lời câu hỏi về chiến lược chống dịch thời gian tới, ông Đức cho biết, sẽ cơ cấu lại để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn trong tình hình dự báo còn phức tạp thời gian tới. Dự báo trong 5-7 ngày sắp tới, số ca nhiễm của TP.HCM vẫn còn ở mức cao.
Đến nay, cả nước ghi nhận 91.114 ca nhiễm, trong đó TP.HCM có số ca nhiễm lớn nhất cả nước với 58.198 ca. Riêng Thừa Thiên Huế ghi nhận từ 2/5 đến nay 15 ca nhiễm, trong đó có 4 ca đi xe máy từ TP.HCM, Bình Dương về.
Xem thêm:
VIDEO - BÙA HỘ MỆNH NÀO CỨU BẠN TRONG ĐẠI NẠN
Bài gốc ĐKN