Kể từ ngày 15/4/2020, hành vi tự ý gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo mà chưa được sự đồng ý của người nhận sẽ bị xử phạt tối đa tới 10.000.000 đồng.
Theo ThuKyLuat, nghị định này bổ sung hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận là hành vi vi phạm quy định liên quan tới thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ .
Cụ thể, điểm a Khoản 2 Điều 94 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận;
Trên báo VnExpress, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, với quy định mới lần đầu tiên hành vi gửi thư, tin nhắn “rác” có chế tài xử phạt. Cùng với đó, lần đầu tiên hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo treo, dán trên cột điện, cây xanh, nơi công cộng sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, theo điều 94.
Theo luật sư, người dùng khi nhận được các tin rác, quảng cáo không như ý muốn có quyền tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định về khiếu nại, tố cáo. Tổ chức, cá nhân gửi thư rác gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường theo thoả thuận. Trường hợp không tự thương lượng được, mức bồi thường được thực hiện theo quyết định của tòa án.
Báo Bảo Vệ Pháp Luật cho biết, cũng có hiệu lực từ 15/4, Nghị định số 15/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Theo đó, cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Đồng thời, mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.