Ngay trước khi số liệu tăng trưởng kinh tế quý 2 của Mỹ được công bố, ông Trump đã cảnh báo rằng nước Mỹ đang hướng tới một thảm họa còn tệ hơn cả suy thoái. Cựu Tổng thống Mỹ cũng cho rằng nước Mỹ có nguy cơ rơi vào một đợt lạm phát đình trệ thảm khốc, và mức lạm phát thực tế tại Mỹ hiện nay còn cao hơn con số công bố rất nhiều. Ông Trump còn cho rằng Mỹ đang là kẻ ăn xin năng lượng.
Cựu Tổng thống Donald Trump tham dự một cuộc mít tinh ủng hộ các ứng cử viên Cộng Hòa Arizona, ở Thung lũng Prescott, Arizona, Mỹ, vào ngày 22/07/2022. (Ảnh: Mario Tama / Getty Images)
Kinh tế Mỹ đang hướng đến điều tồi tệ hơn suy thoái
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang hướng đến một thảm họa còn lớn hơn cả suy thoái. Nhận xét của ông được đưa ra ngay trước khi số liệu thống kê của chính phủ cho thấy tăng trưởng GDP Mỹ đã âm trong quý thứ hai liên tiếp. Theo định nghĩa thông dụng, điều này được coi là suy thoái kinh tế.
“Nơi chúng ta đang đi tới hiện nay có thể là một nơi rất tồi tệ", ông Trump nói tại một cuộc mít tinh ở Arizona vào tuần trước. "... Chúng ta phải đưa đất nước này tiến lên, nếu không chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề nghiêm trọng".
Cựu Tổng thống Mỹ chỉ ra sự sụp đổ về tiền lương thực (tiền lương sau khi điều chỉnh theo lạm phát) của người Mỹ, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động yếu kém một cách lịch sử, và việc Đảng Dân chủ thúc đẩy Thỏa thuận Mới Xanh mà ông cho rằng sẽ phá hủy tăng trưởng kinh tế.
“Không phải suy thoái. Suy thoái là một từ dễ chịu. Chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề lớn hơn nhiều so với suy thoái. Chúng ta sẽ có khủng hoảng”, cựu Tổng thống Mỹ nói.
Nhận xét của ông Trump được đưa ra vài ngày trước khi Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) công bố dữ liệu cho thấy GDP thực (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) của Mỹ đã giảm 0,9% trong năm qua vào quý thứ hai, sau khi giảm 1,6% trong quý đầu tiên.
Hai quý liên tiếp tăng trưởng GDP âm là một định nghĩa thông dụng phổ biến của suy thoái. Tuy nhiên tại Mỹ, tuyên bố về suy thoái được đưa ra một cách chính thức bởi ủy ban gồm các nhà kinh tế tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), sử dụng một định nghĩa rộng hơn quy tắc hai quý tăng trưởng kinh tế.
Ông Vance Ginn, Nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức Chính sách Công Texas, nói với NTD (một kênh truyền thông có liên kết với The Epoch Times) trong một cuộc phỏng vấn rằng, mặc dù về mặt chính thức, NBER là tổ chức đưa ra tuyên bố về suy thoái, nhưng quy tắc hai quý “thường là cách để làm việc đó [đưa ra tuyên bố về suy thoái] mang tính thông lệ".
“Tôi nghĩ rằng đây chắc chắn là sự suy thoái mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay do những chính sách tồi tệ này”, ông Ginn nói thêm. Ông Ginn đã đổ lỗi cho một loạt “chính sách cấp tiến” tới từ Tòa Bạch Ốc và Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát.
Mỹ đứng trước bờ vực lạm phát đình trệ
Trong phát biểu của mình, ông Trump cũng công kích cách xử lý của Tổng thống Joe Biden đối với nền kinh tế, cho rằng ông Biden đã khiến lạm phát tăng vọt.
“Ông Biden đã tạo ra mức lạm phát tồi tệ nhất trong 47 năm. Chúng ta đang ở mức 9,1%, nhưng con số thực tế cao hơn rất, rất nhiều”, ông Trump nói.
Trong khi cựu Tổng thống Mỹ không đưa ra ước tính của riêng mình về tỷ lệ lạm phát thực sự, một thước đo lạm phát CPI thay thế được phát triển bởi nhà kinh tế học John Williams, với cùng một phương pháp được chính phủ Mỹ sử dụng vào những năm 1980, đưa ra con số 17,3%, mức cao nhất trong 75 năm.
Ông Trump cũng nói rằng lạm phát cao dai dẳng kết hợp với suy giảm kinh tế đã đặt nước Mỹ lên trên bờ vực của một đợt lạm phát đình trệ thảm khốc, với sự kết hợp của việc giá cả tăng cao và tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Lạm phát “ngày càng cao hơn và cao hơn trong mọi lúc”, ông Trump nói, đồng thời nói thêm rằng nó “khiến các gia đình mất gần 6.000 USD một năm, lớn hơn bất kỳ mức tăng thuế nào từng được đề xuất ngoài mức tăng thuế mà họ muốn đề xuất tại thời điểm hiện nay”.
Trong tháng đầu tiên làm việc của ông Trump vào tháng 02/2017, mức lạm phát theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm tại Mỹ đạt 2,8%. Dù mức lạm phát theo CPI có dao động trong nhiệm kỳ của ông, mức cao nhất mà nó từng đạt được là 2,9% vào tháng 07/2018. Vào tháng cuối cùng khi ông tại vị, tháng 01/2021, lạm phát rơi vào mức 1,4%.
Dưới thời ông Biden, lạm phát đã tăng một cách đều đặn, đạt 9,1% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 06/2022, một con số chưa từng thấy trong hơn 40 năm.
Mỹ đang là kẻ ăn xin năng lượng
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá năng lượng tăng cao là một trong những yếu tố chính góp phần gây ra lạm phát tại Mỹ, đóng góp vào một nửa mức lạm phát.
Khi chỉ trích các chính sách của ông Biden, ông Trump đã chỉ ra điều mà ông gọi là “cuộc chiến của ông Biden đối với năng lượng Mỹ” và đổ lỗi rằng việc đó đã đẩy giá xăng dầu lên cao.
Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã ban hành một số lệnh hành pháp nhắm vào ngành dầu mỏ của Mỹ, bao gồm hủy bỏ giấy phép đường ống Keystone XL, tạm dừng các hợp đồng thuê khoan dầu khí mới trên các vùng đất và vùng biển của liên bang, đồng thời chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch của một số cơ quan.
Giá xăng tại Mỹ đang cao khoảng gấp đôi so với thời điểm ông Biden nhậm chức. Tổng thống Biden đã đổ lỗi cho nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm thiếu năng lực lọc dầu, chiến tranh ở Ukraine và lòng tham của các công ty.
Trong nỗ lực hạ giá tại trạm xăng, ông Biden đã ra lệnh giải phóng lượng dầu dự trữ từ kho dự trữ chiến lược quốc gia, kêu gọi các nhà máy lọc dầu của Mỹ tăng sản lượng, và thúc đẩy OPEC cung cấp thêm dầu thô.
Trong bài phát biểu của mình, ông Trump nói rằng điều này chẳng khác gì "cầu xin" các quốc gia khác bơm thêm dầu thay vì cố gắng tăng cường sản xuất trong nước.
“Chúng ta có nhiều vàng lỏng ở dưới chân chúng ta hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Chúng ta là một quốc gia đang bị tàn phá bởi Thỏa thuận Mới Xanh của phe cánh tả cực đoan, cho dù mọi người đều biết rằng Thỏa thuận Mới Xanh sẽ dẫn đến sự hủy diệt của chúng ta".
“Chỉ hai năm trước, chúng ta độc lập về năng lượng. Chúng ta thậm chí còn chiếm ưu thế về năng lượng. Mỹ hiện là kẻ ăn xin năng lượng”.
Bảo Nguyên
Nguồn Tom Ozimek - The Epoch Times
Đăng theo NTDVN