Hiện nay, các khu vực trên thế giới đều đang phải liên tiếp gánh chịu thiên tai nhân họa, đặc biệt là Trung Quốc Đại Lục. Các loại thiên tai như: lũ lụt, động đất, hạn hán, nạn châu chấu, v.v… càng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Con người khi đối mặt với tai họa đều trở nên vô cùng nhỏ bé.
Có người sẽ nói: đại tai đại nạn ai có thể tránh thoát, cũng chỉ còn cách nghe theo số mệnh mà Trời sắp đặt thôi!
Cổ ngữ có câu rất hay: ông Trời có mắt. Những người hành xử thuận theo ý Trời thì sẽ được Trời cao che chở và có thể thoát khỏi tai nạn. Từ xưa tới nay, rất nhiều kỳ tích gặp nạn không chết đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Dưới đây là một số câu chuyện lịch sử chân thực được ghi lại trong dân gian về đề tài này.
Lũ lớn chảy vòng qua kho lương
Theo ‘Thái bình quảng ký’, năm Thái Hòa thứ 5 dưới thời vua Đường Văn Tông, ở khu vực Tử Châu có một người tên là Nghê Cần, nổi danh với tài mưu lược và võ thuật. Khi đó, Nghê Cần đang giữ trách nhiệm chủ quản kho lương Hưng Giáo tại vùng Phù Châu. Đây là một khu vực trọng yếu lưu trữ lương thực quy mô lớn.
Bên trong kho lương có một phòng lớn nằm đối diện với sông Trường Giang. Từ cửa sổ của căn phòng nhìn ra ngoài xa là chín nhánh sông mênh mang mờ mịt, nước chảy ngàn dặm. Chim bay tung tăng nhẹ nhàng, những cánh buồm ẩn hiện lắc lư trên mặt nước. Quả là khung cảnh khiến lòng người vui vẻ khoáng đạt! Nghê Cần cảm thấy căn phòng này rất tốt, liền đặc biệt sắp xếp xây dựng Phật đường tại nơi đây để cung phụng hương hỏa. Ông hàng ngày đọc kinh bái Phật, vô cùng thành kính. Đối với những chuyện nghênh đón biếu tặng, lục đục tranh chấp chốn quan trường, Nghê Cần hoàn toàn không để ý.
Đến ngày 9 tháng 6 khi ấy, sông Trường Giang xảy ra lũ lụt trên diện rộng, sức nước cuộn trào mãnh liệt. Thế nhưng, nước lũ chảy tới gần khúc sông bên dưới Phật đường thì liền tránh xa ra một khoảng cách, sau đó chuyển hướng uốn cong rồi chảy đi nơi khác. Nghê Cần chứng kiến tình cảnh đó, trong lòng ông vô cùng cung kính cảm tạ Thần Phật. Từ đó, ông càng thêm chăm chỉ học tập kinh sách.
Đợi đến lúc lũ lụt qua đi, Nghê Cần ra ngoài xem xét tình hình liền phát hiện: phòng ốc nhà cửa xung quanh trong phạm vi 10 dặm đều đã bị nước lũ tàn phá. Vô số căn nhà bị hủy. Chỉ có kho lương cùng Phật đường nơi ông ở là vẫn bình yên vô sự và bảo tồn nguyên vẹn không chút hư hại.
Theo ghi chép của văn học gia thời Thanh – Bồ Tùng Linh: Năm Khang Hy thứ 21 (năm 1682), vùng Sơn Đông xảy ra hạn hán lớn. Từ xuân đến hạ, đất đai khô cằn trải dài ngàn dặm. Không một mầm cây ngọn cỏ nào may mắn sống sót. Ngày 13 tháng 6 có một chút mưa nhỏ. Khi ấy mới có người bắt đầu trồng ngô. Đến ngày 18, lượng mưa dồi dào, nước mưa thấm quá mặt bàn chân, mọi người mới bắt tay vào gieo trồng hạt đậu.
Một ngày, có một ông lão là người thôn Thạch Môn thuộc huyện Thạch Môn tỉnh Chiết Giang nhìn thấy trên núi có hai con trâu đang đánh nhau vào lúc chạng vạng. Ông bèn nhanh chóng chạy đi báo với người dân trong cả thôn là: “Hồng thủy sắp tới rồi!” Sau đó, ông lão trở về thu dọn đồ đạc rồi đưa cả gia đình chuyển đến nơi khác. Lúc đó, toàn bộ người trong thôn đều cười nhạo ông.
Thế nhưng không lâu sau, trời bỗng đổ mưa như trút nước, trắng đêm không ngừng. Nước suối dâng lên đột ngột, nhấn chìm vùng đồng bằng trong nước sâu vài thước. Toàn bộ nhà cửa đều bị nước bao phủ. Có người nông dân nọ do trở tay không kịp, bất chấp cả hai đứa con nhỏ mà chân cao chân thấp cùng vợ dìu người mẹ già lớn tuổi trốn chạy tới nơi đất cao để tránh nước. Lát sau quay đầu nhìn lại cảnh vật trong thôn, chỉ còn thấy một vùng nước mênh mông trắng xóa, không còn thấy bóng dáng làng xóm đâu nữa. Người nông dân cũng chẳng có lòng dạ nào để lo lắng cho hai đứa con thân sinh cốt nhục mà mình đã phải từ bỏ vì không đủ khả năng cứu thoát kia nữa.
Sau khi nước rút, ba người dìu nhau lảo đảo trở về nhà. Đến nơi, chỉ thấy trước mắt cảnh sắc điêu tàn. Một vùng nông thôn giờ chỉ còn lại những phế tích đổ nát cùng mồ mả tang thương. Đẩy cửa vào nhà quan sát, ba người thế nhưng lại phát hiện hai đứa con nhỏ của người nông dân vẫn đang bình yên vô sự ngồi ở đầu giường chơi đùa với nhau như trước, cười nói vui vẻ. Những ai biết được chuyện này đều nói đó chính là thiện báo dành cho vợ chồng người nông dân hiếu thuận. Đây là sự việc xảy ra vào ngày 22 tháng 6.
Động đất phá huỷ thành phố, một nhà vẫn bình an vô sự
Ngày 17 tháng 6 năm Khang Hy thứ bảy (năm 1668), Sơn Đông xảy ra một trận động đất lớn. Lịch sử gọi đó là sự kiện “Đại địa chấn Đàm Thành”. Căn cứ theo ghi chép của Bồ Tùng Linh: khi ấy, một giáo viên của một trường tư thục vừa đúng lúc đến huyện Tắc Hạ, tỉnh Sơn Đông để cùng đoàn tụ đối ẩm với người bà con họ Lý của mình. Giáo viên này vì thế đã có cơ hội tự mình trải qua và kể lại sự việc ngày hôm đó như sau:
Lúc ấy chỉ nghe thấy một tiếng vang lớn như tiếng sấm từ phía Đông Nam truyền tới và đi về phía Tây Bắc. Mọi người trong lòng không khỏi kinh sợ, khó hiểu không biết âm thanh đó là do đâu phát ra. Còn chưa kịp suy nghĩ xong nguyên nhân của tiếng động lạ, mọi người đã lập tức phát hiện bàn tủ vật dụng trong phòng đều đang lắc lư di động, xóc nảy lên xuống. Cốc chén lật úp, xà nhà và cột trụ xiêu vẹo lệch khỏi vị trí. Âm thanh đồ vật bị bẻ gãy từng tiếng vang lên khiến cho ai nấy đều sợ đến mặt mũi trắng bệch.
Thật lâu sau, mọi người mới nhận ra rằng đó là âm thanh đến từ một trận động đất rất mạnh! Người nào người nấy lúc này mới la hét vội vàng chạy ra ngoài. Chỉ thấy phòng ốc và nhà lầu sau khi đổ sụp xuống lại bị uốn cong. Tiếng tường sập hỗn loạn xen lẫn với tiếng trẻ con gào khóc và tiếng người lớn kêu thét khiếp đảm. Khung cảnh vô cùng huyên náo, rối loạn. Tất cả mọi người đều choáng váng không cách nào đứng thẳng được, toàn bộ đều ngã lăn ra đất. Thân thể không tự chủ được mà nghiêng ngả theo sự rung chuyển của mặt đất. Nước sông cũng bị động đất ảnh hưởng, tạo thành những đợt sóng cao hơn mười thước. Khắp thành phố một cảnh gà bay chó sủa, gia súc thú nuôi chạy tán loạn …
Hơn 1 tiếng sau, tình hình mới ổn định xuống một chút. Sau này nghe nói lần động đất ấy đã khiến cho một giếng nước uống tại nơi nào đó trong thành phố không còn có thể lấy nước được nữa. Phía bắc và phía nam căn nhà của một gia đình thậm chí còn bị hoán đổi sang một phương hướng khác. Núi Tê Hà bị nứt. Vùng Nghi Thủy đất đai bị sụt xuống thành một cái hố to rộng đến vài mẫu. Tình trạng bi thảm cùng những biến chuyển kỳ lạ của cảnh sắc trong thành phố quả thực không từ ngữ nào có thể diễn tả hết được.
Năm Khang Hy thứ 34 (năm 1695), thành phố Lâm Phần tỉnh Sơn Tây xảy ra một trận động đất cấp 8, tên gọi là “địa chấn Bình Dương”. Căn cứ theo ghi chép của văn học gia thời Thanh – Bồ Tùng Linh: khi ấy dân chúng cứ 10 người thì có 7-8 người chết. Cả tòa thành đều là những phế tích hoang tàn đổ vỡ sau trận động đất. Duy nhất chỉ có một căn nhà của gia đình một người con hiếu thuận nào đó là còn sót lại. Trong kiếp nạn của cả một vùng rộng lớn như thế, vậy mà nhà của người con hiếu thảo kia vẫn có thể bình an vô sự. Ai dám nói ông Trời không phân rõ tốt xấu mà tùy tiện giáng họa cho nhân loại?
Xem thêm: Truyện cổ Phật Gia: Làm việc thiện chớ đợi đến ngày mai | Tinh Hoa TV
Theo Secret China
Trường Lạc biên dịch
Đăng theo ĐKN