Giáo sư Gerald Pollack thuộc Đại học Washington đã phát hiện ra trạng thái thứ tư của nước. Đặc biệt hơn, nước trong tế bào của cơ thể chúng ta ở trạng thái này có thể chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng để sử dụng.
“Tôi nhớ khi đi vào nghiên cứu, thầy giáo của tôi nói: “Anh có thể làm mọi điều anh muốn trong đời, nhưng đừng có nghiên cứu về nước“, thật lạ khi ông ấy đã nói với tôi như vậy”, Giáo sư Pollack kể với Epoch Times. Đến hôm nay thì ông đã hiểu những gì thầy giáo của mình từng cảnh báo.
Ông không phát hiện ra các lý thuyết lớn nào nhưng ông nói đến những phát hiện về nước đến giờ vẫn chưa được công bố ra công chúng. Ông kể, trong suốt sự nghiệp khoa học của mình, ông đã gặp nhiều nhà khoa học đã đạt được những kết luận tương tự, nhưng họ không dám công bố. “Nhiều nhà nghiên cứu với những ý tưởng thú vị nhưng họ giữ im lặng. Chỉ khi họ nghỉ hưu thì các nhà khoa học mới bắt đầu nói về những gì họ đã nghiên cứu. Vì vậy, nhiều khám phá trong nhiều lĩnh vực khoa học đơn giản là bị dìm đi”.
Ngắm nhìn 3 trạng thái của nước tại một sông băng và giáo sư Gerald Pollack. (Nguồn ảnh: Dhilung Kirat / Flickr)
Giáo sư Pollack đã phát hiện trạng thái kết tụ thứ tư của nước, ngoài thể rắn, thể lỏng và thể hơi (khí). Từ nhiều năm nay, ông đã biết khi nước ở gần bề mặt cứng của một chất khác, thì chúng sẽ trở nên khác với nước mà chúng ta biết – chúng sẽ nhớt hơn. Giáo sư Pollack giải thích, trong trạng thái kết tụ thứ tư của nước, các phân tử nước được sắp xếp theo một trật tự mới mà chúng ta chưa biết.
Trong trạng thái kết tụ thứ tư, các phân tử nước được sắp xếp theo một trật tự mới mà chúng ta chưa biết (Nguồn ảnh: Javier Morales / Flickr)
Nước ở trạng thái kết tụ này có những tác động quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta, ông khẳng định, bởi ít nhất hai phần ba cơ thể chúng ta là nước. Theo ông, ở trạng thái này, nước có thể thu ánh sáng từ môi trường và chuyển đổi nó thành một dạng năng lượng khác, cần cho hoạt động của các tế bào.
Nước – một chủ đề ‘nguy hiểm’
Tuy nhiên, giáo sư Pollack cho rằng những nghiên cứu của mình thực sự chưa khám phá ra điều gì mới mẻ. “Những phát hiện của chúng tôi về nước tương ứng với những điều đã được biết từ cách đây nhiều năm, nhưng đã bị mọi người lãng quên.“
Chúng bị lãng quên như thế nào? Theo Pollack, nghiên cứu về nước là một chủ đề nhạy cảm phức tạp. “Dòng chính (chủ đạo) của khoa học rất hoài nghi về nước. Nhiều nhà khoa học chỉ đơn giản không thể tin nước có những đặc tính bí ẩn“. Chúng khiến các nhà khoa học nghiên cứu về đề tài này thường bị đơn độc, tách xa.
Giáo sư Boris Derjaguin thuộc Viện Vật lý Chime ở Moscow, là một trong những nhà hóa học Nga nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Năm 1966, ông đã giới thiệu tại một hội nghị khoa học lớn ở Anh một trong những khám phá thú vị nhất về một trạng thái đơn lẻ của nước: trong những hoàn cảnh nhất định, nước có xu hướng trở nên nhớt hơn nước bình thường, và đặc biệt, nó khó bay hơi hoặc khó đóng băng. Nhiệt độ sôi và đóng băng của nó rất khác với nước mà chúng ta biết.
Báo chí sau đó đã đưa những tít lớn về loại nước kỳ lạ này. Do những đặc tính của nó, giống như các polyme, nước nhớt này được gọi là nước polyme hóa (trùng hóa).
Nhưng đầu những năm 1970, tất cả mọi thứ đều sụp đổ. Các nhà nghiên cứu phương Tây đã chứng minh sự thất bại của những thực nghiệm của người Nga. Phát hiện về nước polyme hóa của người Nga là vô nghĩa, Giáo sư Derjaguin danh tiếng đáng kính, nhanh chóng trở thành một “trò đùa khoa học”, giáo sư Pollack kể lại.
Nhà miễn dịch học người Pháp Jacques Benveniste đã công bố vào năm 1988 trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature rằng nước có một trí nhớ/ký ức như khẳng định của các thầy thuốc về vi lượng đồng căn.
Nhà miễn dịch học Jacques Benveniste nổi tiếng thế giới do những phát hiện trước đó về dị ứng. Trong bài viết này, ông cho biết khi lắc và pha loãng một dung dịch liên tục cho đến khi tất cả những gì còn lại chỉ là nước, thì nước này luôn gợi nhớ đến các chất đã hòa tan trong nó và nó cư xử như thể nó chứa một ít các chất này.
Sơ đồ và giải thích về thực nghiệm của Jacques Benveniste công bố trên tạp chí Nature. (Biorespire)
Bài viết đã thu hút nhiều sự quan tâm. Nhưng sau khi vài nhóm nghiên cứu thất bại trong việc tái hiện những phát hiện của Benveniste, công trình nghiên cứu này cũng đã trở thành một “trò đùa khoa học” và nhà nghiên cứu đã biến mất trên diễn đàn khoa học.
Nước có xu hướng liên tục kết tinh hóa
Sau phát hiện của mình và của các nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực này, Giáo sư Pollack thấy rằng nước có thể kết tinh thành một cấu trúc tương tự như một viên pha lê trong những điều kiện nhất định. Ý tưởng về trạng thái thứ tư của nước đã đến với ông sau cuộc gặp gỡ tình cờ vào những năm 1990, với giáo sư người Nhật Bản Toshihiro Hirai, người cũng đang nghiên cứu về nước. Trong cuộc nói chuyện, giáo sư Pollack cũng được Giáo sư Hirai cho biết rằng khi ở gần một số bề mặt, nước sẽ tạo ra một lớp gel – có khả năng tự làm sạch các tạp chất đã có trong nước. Một đoạn video có sẵn trên trang web của phòng thí nghiệm của giáo sư Pollack (và trong TEDx của ông) minh họa rõ ràng quá trình này. Ở đầu video, nước rất bẩn, đầy các phân tử hòa tan trong đó; sau đó, gel được hình thành trên bề mặt của nước để nước tự làm sạch. Nhiều hạt hòa tan trong nước bị đẩy ra bên ngoài, khiến các tạp chất bị loại sạch khỏi nước gần bề mặt.
Quan sát dưới kính hiển vi, trong một thí nghiệm của Giáo sư Pollack; Ta nhìn thấy các phân tử hòa tan trong nước bị đẩy khỏi khu vực loại trừ. (Ảnh chụp màn hình)
Giáo sư Pollack gọi lớp nước bí ẩn được làm sạch này là “Khu vực loại trừ/Exclusion Zone” hoặc “nước EZ”. Sau đó, ông và các cộng sự đã tìm hiểu điều gì đang thực sự xảy ra trong nước được lớp gel này làm sạch.
Trong khu vực nước EZ, nhiều phân tử nước kết tinh trong một mạng phức tạp các hình lục giác liền kề với nhau, tạo thành những lớp xếp chồng lên nhau. Một mạng dày đặc không có chỗ cho các vật thể khác, không cả cho các phân tử hòa tan trước đó trong nước. Khi nước kết tinh, các phân tử hòa tan bị đẩy ra ngoài. Theo giải thích của Giáo sư Pollack, nước trong trạng thái này có đặc tính đáng kinh ngạc.
Thứ nhất, thành phần hóa học là khác hẳn. Nó không phải là 2 hai nguyên tử hydro cho một nguyên tử nước (H20), mà có một tỷ lệ và một cấu trúc khác hẳn. Trong sắp xếp liên kết mới hình lục giác, có 2 nguyên tử oxy kết hợp với 3 nguyên tử hydro, và chúng ta có một công thức hóa học mới H3O2.
Sơ đồ liên kết của lớp nước EZ. Trong đó 2 nguyên tử oxy kết hợp với 3 nguyên tử hydro, và chúng ta có một công thức hóa học mới H3O2.
Một tính năng đáng ngạc nhiên của nước EZ là khả năng hoạt động như một pin. Trong phòng thí nghiệm của Pollack, ông phát hiện các tinh thể nước polyme hóa có tích các điện tích âm, không giống như nước bình thường xung quanh chứa đầy điện tích dương.
Một lớp điện tích âm thu được theo chiều dài của một lớp điện tích dương. Phòng thí nghiệm của giáo sư Pollack kết nối hai lớp này bằng việc sử dụng hai điện cực và một dây điện kết nối chúng với nhau, người ta phát hiện nước này hoạt động như một pin thực sự với những điện tích âm đi đến khu vực tích điện tích dương, từ đó tạo ra dòng điện.
Cơ chế có thể chuyển đổi ánh sáng thành điện sử dụng trong một tế bào
Một đặc tính hấp dẫn khác của loại pin này là nguồn năng lượng để sạc. Trong phòng thí nghiệm của Pollack đã phát hiện nguồn năng lượng này là ánh sáng. Như kết quả của việc tiếp xúc với ánh sáng, lớp nước EZ sẽ phát triển, cùng với sự gia tăng tích điện tích âm.
“Tất cả những phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng năng lượng chủ yếu đến từ ánh sáng trong môi trường. Và không chỉ là ánh sáng nhìn thấy được, mà còn từ ánh sáng hồng ngoại và tia cực tím“. Ông cho rằng những tinh thể nước EZ có khả năng chuyển đổi thành điện, và chúng thực sự là những chiếc pin có thể sạc lại.
Khi đi vào tế bào của cơ thể, loại pin này có thể có một ảnh hưởng quyết định đối với sức khỏe của chúng ta. Toàn bộ các tinh thể nước sẽ hình thành xung quanh các protein. Pollack cho rằng tế bào của chúng ta chứa đầy loại pin như vậy. Với những pin này “chúng ta thu được lợi ích của trường điện từ luôn ở xung quanh chúng ta“. Ông giải thích ánh sáng phát triển thành điện trong những tinh thể lỏng tích điện âm, loại điện được tế bào sử dụng sau đó.
Phòng thí nghiệm của giáo sư Pollack kết nối hai lớp này bằng cách sử dụng hai điện cực và một dây điện kết nối chúng, người ta phát hiện nước này hoạt động như một pin thực sự với điện tích âm di chuyển đến vùng có điện tích dương, từ đó tạo ra một dòng điện.
“Làm thế nào để chúng ta có thể tích nhiều hơn năng lượng này trong các tế bào của chúng ta?“, một nhà báo hỏi. Giáo sư Pollack đưa ra các giải pháp khác nhau. Đầu tiên là từ ánh sáng mặt trời. “Ở Seattle, thường nhiều mây, khi mặt trời đột ngột hiện ra, mọi người đều cảm thấy thoải mái sảng khoái. Tất nhiên, chúng ta có xu hướng gán cho hiện tượng này là do tác động tâm lý. Khi ánh sáng mặt trời đi vào cơ thể chúng ta, nó được tích tụ trong nước EZ, tách các lớp điện tích và chuyển đổi chúng thành điện, làm cho chúng ta cảm thấy tốt hơn“.
Ánh sáng mặt trời có thể thẩm thấu vào các tế bào bên trong cơ thể chúng ta? Giáo sư Pollack nói đúng vậy, nhất là một số bước sóng của ánh sáng hồng ngoại. Người ta thấy rằng những bước sóng hồng ngoại có hiệu quả nhất cho việc phát triển lớp nước EZ.
“Một số bước sóng dài có thể thẩm thấu rất sâu“, ông nói. Một nguồn năng lượng khác, giáo sư cho biết, là phòng tắm hơi. Bởi vì do sức nóng trong phòng tắm hơi, các đồ vật trong phòng phát ra bức xạ hồng ngoại mạnh. “Các phòng tắm hơi cung cấp năng lượng hồng ngoại được tích lũy trong trạng thái thứ 4 này của nước, và tôi nghĩ đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy sảng khoái sau khi tắm hơi“.
Pollack cũng đưa ra 2 lời khuyên. Đầu tiên là uống nước trái cây và nước rau ép vì chúng chứa một lượng lớn nước EZ. Thứ hai là uống đủ nước để tế bào có thể dễ dàng tạo ra những chiếc pin và chuyển đổi thành năng lượng.
Xem thêm: Thông điệp kỳ diệu của tinh thể nước
Theo Epochtimes France
Đăng theo ĐKN