Nhóm các nhà địa vật lý tại Trung Quốc mới phát hiện một núi lửa ở khu vực đông bắc nước này có thể đang “nạp năng lượng” cho một vụ phun trào mới, với lượng lớn magma (dung nham) đang tích tụ ngày càng nhiều bên dưới, theo SCMP đưa tin.
Núi lửa Wei (Ảnh: Handout/SCMP)
Theo SCMP, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hai khoang chứa đầy magma bên dưới núi lửa Wei, nằm ở quần thể núi lửa Ngũ Đại Liên Trì (Wudalianchi) ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc.
Đây là khám phá bất ngờ với các nhà khoa học, vì núi lửa Wei đã ngủ yên kể từ lần phun trào cuối cùng cách đây 500.000 năm và nó đã được coi là ngừng hoạt động vĩnh viễn.
Lâu nay, thay vì nghiên cứu núi lửa Wei, các nhà địa chất đã tập trung nhiều hơn vào núi lửa Trường Bạch (Changbai), hay núi Paektu nằm ở phía nam. Vụ phun trào vào năm 946 sau công nguyên của núi lửa Trường Bạch là một trong những sự kiện phun trào mạnh nhất từng được ghi nhận với phạm vi tro bụi kéo dài từ Nhật Bản đến đảo Greenland.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Địa Chất (Geology) vào tháng này, núi lửa Wei “có thể có liên kết” với núi lửa Trường Bạch ở một mức độ nào đó.
Nhà địa vật lý Zhang Haijiang và các cộng sự thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, đã trực tiếp đi đến khoảng 100 khu vực xung quanh núi lửa Wei để nghiên cứu.
Họ sử dụng cảm biến để phát hiện các trường điện từ bất thường nằm sâu dưới lòng đất. Kết quả, hai khoang magma được phát hiện ở độ sâu lần lượt là 15km và 8km bên dưới ngọn núi lửa.
Mô hình máy tính của các nhà nghiên cứu cho thấy hai khoang magma khổng lồ này có thể có độ sâu tổng cộng khoảng 9km. Ngoài ra, những khoang này có thể chỉ là một phần của một hệ thống lớn liên kết với núi lửa Trường Bạch nằm ở khu vực giáp biên giới Triều Tiên và Trung Quốc.
Theo ước tính, 15% khoang phía trên hiện chứa đầy đá nóng chảy. Một số nghiên cứu cho rằng núi lửa có thể phun trào nếu lượng magma được lấp đầy khoảng 40% bên trong khoang chứa.
Núi Wei là một phần của cánh đồng núi lửa Ngũ Đại Liên Trì, hiện có 14 miệng núi lửa nằm rải rác trên một cao nguyên rộng 500km2 được hình thành từ dung nham. Các nghiên cứu trước đây cũng đã phát hiện cánh đồng núi lửa Ngũ Đại Liên Trì và núi lửa Trường Bạch có mối liên kết với nhau.
Zhang và nhóm nghiên cứu lưu ý rằng hoạt động địa chấn đã tăng lên tại Trường Bạch từ năm 2002 đến năm 2005, cho thấy “hoạt động của magma bên dưới núi lửa đã tăng lên.” Lần phun trào gần đây nhất của nó là vào năm 1903.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng “hoạt động núi lửa ở phía đông bắc Trung Quốc có thể đang trong giai đoạn tái khởi động, và cần thiết phải giám sát những núi lửa này để hiểu thêm về các hệ thống magma trong khu vực.”
Xu Jiandong, giám đốc bộ phận nghiên cứu núi lửa tại Cơ quan Động đất Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết đợt phun trào cuối cùng của quần thể núi lửa ở Ngũ Đại Liên Trì là vào đầu thế kỷ 18, tạo thành hai ngọn núi lửa là Laohei và Huoshao.
Ông cho biết các trạm địa chấn đã theo dõi hai ngọn núi lửa này trong nhiều thập kỷ.
“Chúng tôi đã không phát hiện dấu hiệu hoạt động nào của các khoang magma dưới núi lửa Laohei và Huoshao, điều này rất kỳ lạ khi đây được xem là những núi lửa ‘trẻ’,” ông Xu nói. Ông Xu không tham gia vào nhóm nghiên cứu trên.
Vì vậy, những phát hiện của nhóm nghiên cứu đối với núi lửa Wei – một núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây 500.000 năm, đã khiến câu chuyện thêm phần bí ẩn.
“Nếu thực sự có những khoang magma khổng lồ trong khu vực, chúng ta đã phải phát hiện ra một số hoạt động địa chấn liên quan,” ông Xu cho hay, “tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều thập kỷ theo dõi, chúng tôi hầu như không thấy có gì. Toàn bộ khu vực rất, rất yên tĩnh.”
Do vậy, ông Xu cho rằng hãy còn quá sớm để nói chắc rằng các khoang magma đó có tồn tại.
Ông nói các tín hiệu bất thường được phát hiện bởi nhóm của Zhang cũng có thể được gây ra bởi các chất khác như nước hoặc đá có độ dẫn cao.
Theo ông Xu, cần phải thiết lập thêm các trạm đo đạc ở núi lửa Wei để thu thập dữ liệu địa chấn một cách chi tiết và chính xác hơn.
Nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy nguy cơ của một vụ phun trào trong khu vực ở mức thấp. Vì lý do đó, chính phủ Trung Quốc chưa phê duyệt việc thiết lập các trạm giám sát trong khu vực.
Lê Vy (theo SCMP)