Nữ vương thảo nguyên: Người con gái xuất chúng của Thành Cát Tư Hãn

Nữ vương thảo nguyên: Người con gái xuất chúng của Thành Cát Tư Hãn

Nữ vương thảo nguyên: Người con gái xuất chúng của Thành Cát Tư Hãn

Nữ vương thảo nguyên: Người con gái xuất chúng của Thành Cát Tư Hãn

Nữ vương thảo nguyên: Người con gái xuất chúng của Thành Cát Tư Hãn
Nữ vương thảo nguyên: Người con gái xuất chúng của Thành Cát Tư Hãn
Thứ sáu, 27-12-2024 07:27, (GMT+07:00)
Nữ vương thảo nguyên: Người con gái xuất chúng của Thành Cát Tư Hãn
04-10-2021 11:41

Công chúa A Lạt Hải Biệt Cát, chỉ một thoáng lưu trong lịch sử mơ hồ, nhưng dựa vào những câu chuyện về Công chúa, đã hé lộ ánh quang huy hoàng của một Nữ Vương trên thảo nguyên mênh mông.

Là con gái của Thành Cát Tư Hãn, công chúa của gia tộc hoàng kim, cuộc đời của A Lạt Hải chắc không thể tầm thường. Khi cô đội mũ lưới cao, khoác áo hôn lễ năm màu, bước vào địa phận Uông Cổ, là lúc bắt đầu truyền kỳ về cuộc đời của A Lạt Hải.

Viên ngọc minh châu trên lưng ngựa

Tên đầy đủ của cô là Bột Nhi Chi Cân A Lạt Hải Biệt Cát. Bột Nhi Chi Cân là họ của gia tộc, Biệt Cát là phong hiệu, tương đương như Công chúa. Cô là con gái thứ ba của Thành Cát Tư Hãn và Hoàng hậu Bột Nhi Thiếp, mang huyết thống gia tộc hoàng kim tôn quý, tự nhiên là viên ngọc quý, được nhiều may mắn và sủng ái.

A Lạt Hải là một phụ nữ quý tộc đã trưởng thành trên lưng ngựa. Hình ảnh quân lính Mông Cổ . (Shutterstock)

Những năm tháng ấu thơ của cô, phần lớn là trong thời kỳ chiến loạn, khi đó cha cô là Phụ Hãn Thiết Mộc Chân chưa có tôn hiệu, vì để thống nhất các bộ lạc Mông Cổ mà chinh chiến liên miên. Mông Cổ là một dân tộc sống trên lưng ngựa, công chúa Mông Cổ là một viên minh châu lấp lánh, A Lạt Hải thực là một nữ vương quý tộc trưởng thành trên lưng ngựa.

Công chúa thứ ba cũng như mọi người dân Mông Cổ, từ nhỏ được dạy cưỡi ngựa bắn cung, rèn luyện trong nắng gắt và gió tuyết. Mang thân phận công chúa nên A Lạt Hải nắm giữ quân chính, quản lý thuộc hạ. Thấm thoắt vài năm, A Lạt Hải đã trở thành một thiếu nữ, hội tụ ý chí sắt đá siêu việt của cha - Thiết Mộc Chân, đức độ thông huệ hiền minh của mẹ - Bột Nhi Thiếp, đằng sau dung nhan mỹ lệ rạng ngời đó là một linh hồn kiên nghị quả cảm không khác gì các bậc đại trượng phu.

Truyền kỳ về công chúa, bắt đầu từ lúc giao mùa Xuân, Hạ năm 1204. Đại nghiệp  thống nhất Mông Cổ của Phụ Hãn Thiết Mộc Chân đã đến bước cuối cùng, đó là trận chiến với Thái Dương Hãn bộ tộc Nãi Man. Lúc đó, trên thảo nguyên có ba bộ lạc hình thành thế chân vạc, phía Đông là Thiết Mộc Chân cùng các bộ lạc Mông Cổ, phía Tây là Thái Dương Hãn bộ tộc Nãi Man, phía Nam là A Lạt Ngột Tư thống trị bộ tộc Uông Cổ.

Bộ tộc Uông Cổ là hậu duệ của người Đột Quyết, nhiều năm thần phục Kim triều. Họ sinh sống nhiều đời ở nơi giáp ranh giữa Trung Nguyên và Bắc thảo nguyên, chiếm cứ ải Âm Sơn hiểm yếu, bảo vệ giới tuyến cho nước Kim khỏi sự xâm chiếm của Mông Cổ, Nãi Man cùng các bộ tộc phương Bắc. Tùy theo sự biến động về thế lực của Mông Cổ và nước Kim, bộ tộc Uông Cổ dần dần trở nên một thế lực độc lập, thành mục tiêu lôi kéo của các bên.

Đầu tiên là Thái Dương Hãn phái sứ giả đến du thuyết A Lạt Ngột Tư: “Quân Mông Cổ phía Đông rất khoa trương, mời ngài phối hợp với chúng tôi xuất binh tấn công, ngài dẫn quân cánh phải, chúng tôi cánh trái, kẹp lại vây Mông Cổ, cướp hết cung tên của họ.”

A Lạt Ngột Tư cũng không phải tầm thường, cự tuyệt ngay lời mời của Nãi Man, đuổi sứ giả về, đồng thời phái người phi ngựa cấp báo cho Thiết Mộc Chân, dặn dò: “Tuyệt không để cho địch nhân cướp cung tên”.

Khi đó Thiết Mộc Chân đang cùng đi săn với thuộc hạ, nghe tin xong, lập tức triệu tập thân tín cùng bộ tướng. Mọi người ngồi ngay trên đất bàn đối sách.

“Mọi người nói xem, làm thế nào đây?” - Thiết Mộc Chân hỏi. Đại bộ phận lấy lý do ngựa gầy yếu, không nguyện ý xuất binh. Em trai của Thiết Mộc Chân chủ chiến, trước tiên làm xong công sự phòng ngự, sau phát động đột kích, nhất định giành chiến thắng. Ông còn cổ vũ : “Tay cầm cung tiễn, đầu gối giỏ tên, sinh tử gác bên, chính nam nhi đó!”

Thiết Mộc Chân rất tán thưởng, lập tức chỉnh đốn binh mã, điều binh khiển tướng. Trước khi xuất chinh, Thiết Mộc Chân đích thân tới bộ lạc Uông Cổ, cùng thủ lĩnh A Lạt Ngột Tư kết giao “An đạt - Hốt đạt”, hai bộ tộc lớn thuận lợi liên minh, đây cũng là một đòn chí mạng đối với bộ tộc Nãi Man.

“An đạt” tiếng Mông Cổ có nghĩa là huynh đệ; “Hốt đạt” có nghĩa là thân gia. A Lạt Ngột Tư có huệ nhãn của riêng mình, ngay từ đầu đã quyết tâm theo Thiết Mộc Chân tác chiến; Thiết Mộc Chân cũng hết sức quý trọng vị bằng hữu kết minh này, cùng địa thế chiến lược, nên ông chuẩn bị cùng tộc Uông Cổ kết thông gia, tăng sự bền chặt trong quan hệ của hai gia tộc.

Trong năm người con gái của Thiết Mộc Chân, ông chọn ra một người xinh đẹp giỏi giang nhất - Công chúa A Lạt Hải.

Khảo nghiệm sinh tử của công chúa tân hôn

Nhìn ánh mắt hiền từ yêu mến của cha, A Lạt Hải không xấu hổ, cũng không do dự, giống như lúc hai cha con bàn chuyện sự vụ của bộ lạc, cô bình tĩnh gật đầu, chấp thuận hôn sự. A Lạt Hải hiểu rõ, hôn nhân này có quan hệ chặt chẽ đến tồn vong, an nguy của bộ tộc Mông Cổ. Chỉ khi có được sự trung thành ủng hộ của bộ tộc Uông Cổ, thì đại nghiệp thống nhất Mông Cổ mới có thể thành; nếu Uông Cổ quay sang phía Nãi Man, sẽ là tai nạn lớn cho bộ tộc Mông Cổ.

A Lạt hảiđội chiếc vương miện cao và bộ váy cưới sặc sỡ, bước chân vào vùng đất của gia đình Uông Cổ. Bức ảnh chụp một người phụ nữ mặc trang phục của người Mông Cổ. (Shutterstock)

A Lạt Hải không phải là một thiếu nữ thông thường. Sinh ra đã là công chúa của gia tộc hoàng kim, con gái của Thành Cát tư Hãn, cuộc đời cô đã định sẵn là phi phàm. Từ nhỏ   được vạn dân kính ngưỡng, A Lạt Hải đối với chúng dân có trách nhiệm vỗ về, bảo hộ.

Phò mã được chọn lựa, là con trưởng của A Lạt Ngột Tư, là thủ lĩnh kế thừa, tên là Bất Nhan Tích Ban, phẩm mạo anh tuấn kiệt xuất, thật xứng đôi với A Lạt Hải, nếu bỏ qua quan hệ kết minh, thì đây cũng là lựa chọn tốt nhất của Thiết Mộc Chân cho con gái của mình.

Công chúa của gia tộc hoàng kim, cho dù thành hôn với ai thì cùng đều là “Hạ mình”.  Do rất yêu thương A Lạt Hải, cùng những cống hiến của cô cho dân tộc Mông Cổ, Thiết Mộc Chân cho cử hành hôn lễ rất long trọng.

Cô đội mũ cao khảm san hô, đá quý xanh biếc, vòng ngọc trân châu buông; màu sắc đan xen, thêu lên hạnh hoa, thạch lựu, hoa văn cát tường, thị nữ hầu cận xung quanh, cô cất bước ra khỏi cung trướng, nơi cô sống từ nhỏ đến giờ.

Bộ tộc Mông Cổ vui mừng nhảy múa trong hôn lễ, A Lạt Hải càng cảm thấy trọng trách của mình, cô nhìn về trước, kiên định từng bước, quyết không quay đầu, mẹ cô Bột Nhi Thiếp phu nhân, dùng muỗng gỗ múc sữa ngựa thanh khiết, rắc rải thiên không, đây là nghi thức cầu phúc cho con gái về nhà chồng của các bà mẹ Mông Cổ, hy vọng con mình giữ được tâm linh thuần khiết, xa rời hắc ám và tội ác.

Công chúa A Lạt Hải mỹ lệ anh vũ, bước chân vào lãnh địa Uông Cổ. Vợ chồng trẻ tuổi, A Lạt Hải cùng trượng phu Bất Nhan Tích Ban ở lại giữ trại, thủ lĩnh A Lạt Ngột Tư xuất quân cùng Thiết Mộc Chân chinh thảo Nãi Man. Chiến sự diễn ra thuận lợi, A Lạt Hải nhanh chóng nhận tin báo thắng trận của hai bộ tộc.

Hiểm nguy và tai nạn, thường đến vào thời điểm đang hoan hỷ vui mừng. Người Uông Cổ đối với sự việc quy phục Mông Cổ là có sự chia rẽ đã lâu, những quý tộc phản đối kết minh Mông Cổ, nhân lúc này phát động chính biến, họ đầu tiên ám sát Bất Nhan Tích Ban, sau tập kích A Lạt Ngột Tư, người đang nóng lòng quay về, không chút phòng bị. Họ còn muốn đuổi tận sát tuyệt, truy sát toàn gia tộc A Lạt Ngột Tư.

Đây tất nhiên bao gồm cả cô dâu Mông Cổ A Lạt Hải, có lẽ họ cho là chính công chúa Mông Cổ là nguyên nhân tạo thành kết minh của hai bộ tộc lớn. Chỉ trong một đêm, cuộc sống của A Lạt Hải bị rơi vào đáy vực, cô liên tiếp mất đi hai người thân, nguy cơ trùng trùng, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp họa sát thân.

Cô chẳng còn thời gian mà khóc, trong trướng của A Lạt Ngột Tư vẫn còn quả phụ đang run sợ kinh hoàng A Lý Hắc, cùng con trai Bột Yếu Hợp, cháu trai Trấn Quốc. Họ cũng là những người thân còn sót lại của bộ tộc Uông Cổ, tuy A Lạt Hải là cô gái mới lớn, nhưng ở thời khắc này trở nên dũng cảm phi thường, trở thành người che chở cho mấy người, tìm sinh lộ giữa muôn trùng hiểm nguy.

Một người con gái tuổi chưa đầy 20, mang được mấy vị già yếu cùng trẻ con, trốn thoát truy sát. Trong truyền thuyết của người Mông Cổ, A Lạt Hải mang theo ba vị phu gia thân thuộc, đầu tiên gặp một vị quan giữ thành tốt bụng, ông mạo hiểm sinh mệnh, dùng dây thừng đưa họ ra ngoài thành, sau đó cô dẫn họ qua một mật đạo trong núi, thuận lợi thoát ra.

Tuy nhiên, chúng ta không cách nào biết được chi tiết trong cuộc đào thoát này, nhưng điều có thể khẳng định là: A Lạt Hải đã đối diện với một khảo nghiệm sinh tử khốc liệt, dựa vào trí mưu cùng gan dạ, mà bảo hộ được thân nhân, bình an qua được cái đêm kinh hoàng đó. Rời khỏi Uông Cổ bộ tộc, A Lạt Hải không đi về với cha Thiết Mộc Chân ở sa mạc phía Bắc thảo nguyên, mà bước vào cát bụi phong trần, một đường hướng về phía Nam đến được Vân Nội Châu.

Nữ vương thảo nguyên - Chỉnh lý quốc gia

Thiết Mộc Chân nhận tin dữ, liền phái binh bình định nội loạn Uông Cổ, sau đó đưa con gái yêu quý của ông về với bộ tộc Uông Cổ. Lúc này, nội bộ Uông Cổ đã ổn định, A Lạt Hải đã trải qua gian khổ, càng thêm kiên cường, quả quyết, cô đã có một thân phận khác: Là người nắm thực quyền ở Uông Cổ.

Người cha vĩ đại và vị tướng quân đang chiến đấu trên tiền tuyến, và công chúa khôn ngoan ở lại đại bản doanh, canh giữ bộ tộc như một nữ hoàng, và cai quản đế chế. Hình ảnh chụp đồng cỏ Mông Cổ. (Shutterstock)

Do đặc thù về vị trí địa lý, Uông Cổ trở thành cầu nối giữa Trung Nguyên và Sa mạc Bắc Mông Cổ, các nhu yếu phẩm của dân tộc phía Bắc như lương thực, trà, tơ lụa đều thông qua Uông Cổ mà nhập về từ Trung Nguyên, bộ tộc Mông Cổ dần dần phồn thịnh, Uông Cổ cũng theo đó mà giàu có. Đằng sau đó, là công lao trấn giữ và trị lý của A Lạt Hải.

Công lao của A Lạt Hải đối với bộ tộc Mông Cổ, thậm chí toàn thảo nguyên, là rất lớn. Không chỉ có vậy, trong “Nguyên sử”, chữ quý như vàng, có ghi chép về công chúa: “Minh tuệ hữu trí lược. Xa giá chinh phạt tứ xuất, thường sử lưu thủ. Quân quốc đại chính, tư bẩm nhi hậu hành, sư xuất vô nội cố chi ưu, công chúa chi lực cư đa.”

Tam dịch: Thông minh trí lược, vua cha đi chinh phạt bốn phương, thường lưu ở lại trấn thủ hậu phương. Việc quân việc nước, đều bàn bạc cẩn thận mới thi hành, khiến xuất quân đánh trận không lo lắng hậu phương nội bộ, thực lực của công chúa rất lớn.

Vào lúc A Lạt Hải được đưa trở lại Uông Cổ, Thiết mộc Chân được các bộ tộc Mông Cổ suy tôn là Đại Hãn “Thành Cát Tư Hãn”, Uông Cổ trở thành thuộc địa đầu tiên của Mông Cổ. Để báo đáp lòng trung thành của A Lạt Ngột Tư, Thành cát Tư Hãn truy phong ông là Cao Đường Vương, vợ là Cao Đường Vương Phi, cháu trai Trấn Quốc làm” Bắc Bình Vương”, cùng tài vật trọng thưởng. Còn con trai là Bột Yếu Hợp do tuổi nhỏ, chưa có chiến công gì, nên khi xuất chinh, Thành Cát Tư Hãn luôn kèm sát cạnh, để cho lập chiến công, sau thuận lợi xưng Vương.

Thành Cát Tư Hãn còn cử hành hôn lễ long trọng lần thứ hai cho A Lạt Hải, cải giá lấy tân vương Trấn Quốc. Sau khi thu xếp các việc của Mông Cổ và Uông Cổ, Thành Cát Tư Hãn hoạch định mở rộng bờ cõi, thực hiện bá nghiệp. Thế là, một trong Mông Cổ tứ kiệt Mộc Hoa Lê được cử làm Đại Nguyên Soái đánh xuống phía Nam, chinh thảo Kim triều; Thành Cát Tư Hãn tiến quân phía Tây, đánh Hoa Lạt Tử Mô. Giao đại quyền cho Mộc Hoa Lê tương đương với chính quyền Hoàng Đế, nhưng trong đế quốc Mông Cổ rộng lớn, “Quốc vương” Mộc Hoa Lê vẫn phải tuân theo lệnh của một vị quyền cao uy lớn, đó chính là tam công chúa A Lạt Hải Biệt Cát.

Trước khi Tây chinh, Thành Cát Tư Hãn đặc phong A Lạt Hải làm “Giám quốc công chúa”, ban cho đại ấn bằng đồng. Chiếc đại ấn này được khảo cổ tìm thấy năm 1958, kích thước 108x107x63 mm, nặng 1.4 kg, ấn văn khắc chữ nổi “Giám quốc công chúa hành tuyên sai Hà Bắc đô tổng quản chi ấn”.

Chỉ có 14 Hán tự, đã thể hiện một cách ngắn gọn và đầy đủ toàn bộ vinh quang một đời của công chúa A Lạt Hải.

Chức vị “Giám quốc”, thường chỉ khi quân vương chinh chiến bên ngoài, cử Thái tử trấn thủ quốc đô, nắm đại quyền triều chính. Chữ “Hành” trên ấn, chỉ chức vụ kiêm nhiệm, “Hà Bắc” chỉ phía Bắc Hoàng Hà, nay là Sơn Tây. Hà Bắc trong Hoa Bắc địa khu, vào thời A Lạt Hải, Hà Bắc là nơi giao tranh giữa Mông Cổ và Kim triều. Nội dung của văn ấn, thấy rõ công chúa A Lạt Hải không chỉ nắm đại quyền giám quốc, mà còn thống lĩnh toàn bộ quân Mông Cổ ở Hoa Bắc địa khu.

Thử ngẫm, phụ thân vĩ đại cùng các tướng lĩnh đánh trận nơi sa trường, công chúa ở lại trấn thủ bản bộ, như nữ vương bảo vệ dân tộc, trị lý đế quốc, cần phải có ý chí kiên cường đến thế nào, nhạy bén quyết đoán cùng năng lực chấp chính phi phàm ra sao, thì mới có thể trị lý được một mô hình Đế quốc phát triển chỉnh tề, mạnh mẽ.

Đáng tiếc là những tài liệu ghi chép của sử thư về giai đoạn giám quốc tri lý huy hoàng của Công chúa A Lạt Hải còn sơ sài, làm chúng ta chỉ thấy được một góc nhỏ phong thái của Giám quốc công chúa. Trong “Sơn Tây thông ký” của “Lý Toàn truyện” có ghi: Năm 1219 công nguyên, A Lạt Hải là “Giám quốc công chúa”, phái khiển Hành Tỉnh Bất Hoa đánh lấy Hà Đông, Lý Toàn nhậm mệnh làm giám quân Phần Châu, “Phồn Trĩ vương thị thế đức bia” có ghi: Vương Triệu, Lưu Hội hai vị quy thuộc thống binh chủ soái, thụ phong quân chức xong, cuối cùng cần phải được A Lạt Hải chính thức phong hàm.

“Nguyên sử” ghi lại: Mộc Hoa Lê đóng quân ở Thanh Trủng, A Lạt Hải phái sứ giả đến khao thưởng tướng sĩ, Vương Tiếp Tăng phụng mệnh Giám quốc công chúa, nhậm chức Tỉnh trung đô.

Công chúa A Lạt Hải không chỉ điều hành chính sự Uông Cổ, mà còn ban chỉ lệnh đến các quan viên địa phương, chu toàn hậu phương cấp dưỡng cho đại quân chinh Kim, thấy được quyền lực của Công chúa ở Mông Cổ là cực lớn, có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển của đế quốc Mông Cổ cùng bộ tộc Uông Cổ.

Vương Trùng Dương và Bắc Thất Chân. Người ngồi giữa là Vương Trùng Dương. Khưu Xứ Cơ đầu tiên bên trái Vương Trùng Dương. (Miền công cộng Wikipedia)

Lấy Đức định thiên hạ - Thần Tiên khen ngợi

Vị chân nhân đầu tiên trong “Toàn chân thất tử” (7 vị chân nhân của Toàn Chân phái)- Khưu Xứ Cơ, đã từng trải qua muôn vàn gian khó để đến Mông Cổ, yết kiến Thành Cát Tư Hãn, đem văn hóa tu hành đạo trường sinh truyền đến vùng Tây Bắc thảo nguyên xa xôi. Do vậy mà Khưu Xứ Cơ được Thành Cát Tư Hãn rất kính trọng, tôn xưng là “Thần Tiên”. Ông có viết một phong tấu thư cho Thành Cát Tư Hãn, trong đó có đề cập đến sự phi thường của Công chúa A Lạt Hải.

Một lần, Khưu Xứ Cơ tham dự một yến tiệc mừng công, thấy tướng sĩ dùng đầu lâu làm cốc uống rượu, lấy đánh giết tù binh làm vui, để răn bảo chúng nhân, ông lấy ra một cái ấm Hán, rồi hỏi mọi người: “Chắc các vị tướng lĩnh đều biết đây là một cái ấm của người Hán, bộ phận quan trọng nhất của nó là gì?” người nói là thân ấm, vì tốn nhiều nguyên liệu nhất, có người nói là vòi ấm, vì nó dẫn nước chảy ra, người cho là quai ấm, vì nhờ nó mà nghiêng ấm đổ nước được, đều có lý riêng thuận tai.

Trong hội tiệc, công chúa A Lạt Hải bỗng lên tiếng: “Nắp ấm mới là quan trọng nhất. Nó lúc nào cũng cẩn thận, ấm rỗng thì cần mở ra, ấm đầy thì đậy lại. Ấm trà muốn dung nạp Đất Trời, thì trước tiên phải mở nắp ấm.”

Công chúa nhân đó mà nói về sách lược trị quốc của Mông Cổ: “Mông Cổ chúng ta tuy có hoài bão lớn như thân ấm, có linh của vòi ấm, có lực của quai ấm, nhưng để chinh phục Trung Nguyên, kiến lập đế quốc, thì cần phải học đức độ của nắp ấm, đây mới là nhiệm vụ cấp bách lúc này.”

Khưu Xứ Cơ nghe xong, tán thán “Thật kinh động lòng người”, “Lấy đó làm phương châm để tu thân trị quốc bình thiên hạ”. Ông muốn Thành Cát Tư Hãn có một vị nữ nhi sâu sắc sáng suốt đại nghĩa ở bên cạnh phụng sự, nên đã hết sức tán thưởng, còn đặc tấu phong A Lạt Hải Biệt Cát là “Hồ Cái Công Chúa” (Hồ cái có nghĩa là nắp ấm), để hiển dương chủ trương dùng đức độ thu phục thiên hạ của Công chúa.

Trong cuộc sống thường ngày, Công chúa A Lạt Hải cũng tự ước chế bản thân như vậy. Sau khi người chồng thứ hai của Công chúa qua đời, vì tiền đồ của Uông Cổ, lên lấy Bột Yếu Hợp kém mình nhiều tuổi. Họ không có con nối dõi, Công chúa lại chọn cơ thiếp trẻ tuổi cho chồng, yêu thương con của họ như con đẻ của mình.

Vô luận trị quốc hay tề gia, Công chúa A Lạt Hải đều ôm tâm niệm: Không vì vinh nhục được mất cá nhân, dùng khoan dung vô lượng đối đãi tất cả, vì nhà chồng cũng như toàn Mông Cổ mà một đời cống hiến.

Công chúa A Lạt Hải Biệt Cát, chỉ một thoáng lưu trong lịch sử mơ hồ, nhưng dựa vào những câu chuyện về Công chúa, đã hé lộ ánh quang huy hoàng của một Nữ Vương trên thảo nguyên mênh mông.

Thái Bình

Đăng theo NTDVN

Theo tác giả: Lan Âm

Tài liệu tham khảo: “Mông Cổ bí sử”, “Nguyên sử”, “Tân nguyên sử”, “Mông Thát lược lục”, “Thượng Hãn thư”

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP