Cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu từ tháng 7 năm 1999 và đã kéo dài hơn 21 năm. Chỉ trong năm nay, ít nhất 83 học viên đã mất mạng vì cuộc đàn áp và 21 người trong số họ đã qua đời trong khi bị giam giữ.
Bức ảnh chụp con cái của một số học viên Pháp Luân Công bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp ở Trung Quốc đại lục (Ảnh: Sound of Hope)
Thảm kịch thực tế vượt ngoài những con số. Khi Trung Quốc và thế giới đang tận hưởng những ngày lễ và chào đón năm mới sắp tới, các gia đình của những học viên đã qua đời này vẫn đang phải sống trong nỗi đau buồn, thương tiếc trước sự mất mát của người thân.
Đến từ mọi tầng lớp xã hội, những học viên đã khuất này đều là những công dân vô tội và hiền lành. Cái “tội” duy nhất của họ là cố gắng trở thành người tốt hơn bằng cách tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công.
Ví dụ như trường hợp ông Vương Phượng Thần và vợ ông bà Lãnh Tú Hà đều là giáo viên tại Trường trung học số 1 huyện Lâm Điền, trường trung học tốt nhất ở huyện Lâm Điền thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Ông Vương dạy địa lý và các học sinh rất yêu thích cách ông có thể biến những tài liệu khô khan trên lớp thành những câu chuyện sống động. Bà Lãnh cũng rất có năng lực và nhiều phòng ban muốn bà làm việc. Cuối cùng, các nhà chức trách của trường đã bổ nhiệm bà làm thủ quỹ vì họ tin tưởng bà nhất.
Hai vợ chồng cho biết rằng Pháp Luân Công đã giúp họ có tâm hơn trong công việc và cải thiện tâm tính của họ. Tuy nhiên cả hai đều đã phải chịu đựng đau khổ tột cùng vì đức tin của mình sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Khi họ bị giam giữ vào tháng 10 năm 2000, cô con gái 7 tuổi của họ đã bị bỏ mặc không ai chăm sóc.
Trong dịp năm mới 2017, cảnh sát thành phố Đại Khánh đã tìm thấy một số biểu ngữ ghi “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Dưới áp lực của công an tỉnh Hắc Long Giang, công an huyện Lâm Điền đã bắt giữ ông Vương và bà Lãnh cùng với ba học viên khác vào ngày 18 tháng 1 năm 2017. Cảnh sát cũng lục soát nhà của các học viên và tịch thu các vật dụng có giá trị của họ, bao gồm cả ô tô của ông Vương. Trong khi thẩm vấn, cảnh sát đã tra tấn họ để lấy “bằng chứng” buộc tội họ.
Trong phiên tòa xét xử vào tháng 10 năm 2017, cả ông Vương và bà Lãnh đều bị kết án 4 năm tù giam và bị phạt 30.000 nhân dân tệ. Ông Vương bị đưa đến Nhà tù Hô Lan và bà Lãnh bị đưa đến Nhà tù nữ Hắc Long Giang. Vào ngày 31 tháng 5 năm 2020, gia đình họ nhận thông báo rằng ông Vương bị ho suốt hai tháng do viêm phổi. Họ yêu cầu ông được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế, nhưng đã bị nhà tù từ chối. Tình trạng của ông Vương xấu đi vào tháng 7 và ông đã qua đời vào ngày 9 tháng 8, trong khi vợ ông là bà Lãnh vẫn đang ở trong tù.
Các trường hợp khác
Chuyện xảy ra với ông Vương và bà Lãnh chỉ là một trong vô số các câu chuyện bi thảm. 83 học viên thiệt mạng năm nay xảy ra ở 20 tỉnh hoặc thành phố cấp tỉnh ở Trung Quốc.
Bà Lan Lập Hoa, một học viên ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt khi đang tặng những cuốn lịch có thông điệp về Pháp Luân Công cho người dân. Bà bị kết án 3 năm 10 tháng tù giam. Trong thời gian thụ án tại Nhà tù nữ Liêu Ninh, bà bị nhiễm bệnh viêm gan B và đã qua đời ở tuổi 49 vào ngày 21 tháng 4 năm 2020.
Bà Tiêu Vĩnh Phân và chồng ở thành phố Đức Huệ, tỉnh Cát Lâm, đều bị bắt vào tháng 9 năm 2017. Vì sức khỏe yếu, bà Tiêu đã được cho về nhà để chịu quản thúc tại gia. Bà lại bị bắt vào tháng 7 năm 2018 và bị kết án bảy năm trong Nhà tù nữ Cát Lâm. Bà đã qua đời trong nhà tù vào ngày 31 tháng 1 năm 2020, các nhà chức trách tuyên bố rằng bà chết sau khi bị ngã trong phòng tắm. Gia đình cho biết mặt bà bị sưng tấy và đỏ, không giống như do bị ngã. Các nhà chức trách nhà tù đã hỏa táng thi thể bà ngay vào ngày hôm sau.
Ông Biên Quần Liên, ở thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, bị bắt vào năm 2005 và bị kết án 8 năm tù. Sau khi lại bị bắt vào năm 2016, ông bị kết án 6 năm tù và bị đưa vào Nhà tù Kí Đông. Ông đã bị tra tấn tới mức nguy hiểm đến tính mạng. Nhà tù đã thả ông vào ngày 9 tháng 8 năm 2020, và ông đã qua đời bốn ngày sau đó, vào ngày 12 tháng 8.
Bà Lý Linh là một học viên ở thành phố Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông. Khi bà trở về nhà với một số tài liệu Pháp Luân Công vào ngày 28 tháng 6 năm 2020, Bí thư chi bộ thôn Đại Trương Gia Hưởng Đắc Mậu đã dẫn năm người dân phòng đến bắt bà. Họ đưa bà đến một ngôi nhà bỏ hoang để tra khảo. Bà Lý từ chối tiết lộ bà đã nhận các tập tài liệu từ ai. Vũ Đắc Thắng và Vũ Đắc Thủy, hai trong số những dân phòng, đã cố gắng đánh đập để buộc bà phải khuất phục. Một số răng của bà bị gãy và miệng bà bị rách do bị đánh đập dã man. Có một vết thương ở ngực bên trái của bà và bà cũng bị bầm tím khắp người. Theo một người cao niên trong làng được yêu cầu trông chừng bà, một trong những dân phòng còn dùng gậy chọc mạnh vào ngực bà Lý.
Bà Lý vẫn từ chối từ bỏ tu luyện hay trả lời câu hỏi. Một trong những kẻ thủ ác đã đưa bà ra ngoài để “chỉnh bà”. Hắn ta đá rất mạnh khiến bà mất thăng bằng và ngã đập hông vào một tảng đá ngoài cửa. Sau đó trời bắt đầu đổ mưa, và anh ta bắt bà đứng dưới mưa trong một thời gian dài. Bà đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi. Bà Lý được đưa đến một phòng khám tư nhân vào ngày 13 tháng 7 để “hồi sức” và được thông báo là đã qua đời.
Tranh phấn màu trên giấy “Tra tấn phụ nữ” của Vương Chí Bình, (39in X 27.5in), 2004 (nguồn chanhkien.net)
Chấm dứt cuộc bức hại
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công do cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân phát động vào tháng 7 năm 1999. Theo dữ liệu từ trang Minh Huệ, tính đến ngày 10 tháng 7 năm 2019, có đến 86.050 học viên đã bị bắt, 28.143 bị đưa đến các trại lao động, và 17.963 bị giam ở các địa điểm khác nhau. Ngoài ra, 18.838 học viên đã từng bị giam giữ tại các trung tâm tẩy não và 809 người đã bị giữ tại các bệnh viện tâm thần. Tổng cộng, Minh Huệ đã báo cáo 518.940 trường hợp các học viên Pháp Luân Công bị bức hại vì đức tin của họ, với 4.595 trường hợp mất mạng được xác nhận.
Thông qua những nỗ lực không ngừng từ các học viên, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu nhận ra tình trạng lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc và bắt đầu hành động.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố vào ngày 7 tháng 12 năm 2020 về việc trừng phạt 14 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc vì lý do vi phạm nhân quyền. Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc phong tỏa tài sản của họ ở Hoa Kỳ, cấm người Mỹ giao dịch với các quan chức này và cấm họ cùng các thành viên gia đình trực tiếp của họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Danh sách các quan chức bị trừng phạt này bao gồm 14 Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPCSC): Vương Thần, Tào Kiến Minh, Trương Xuân Hiền, Thẩm Dược Dược, Cát Bỉnh Hiên, Ngải Lực Canh Y Minh Ba Hải (Arken Imirbaki), Vạn Ngạc Tương, Trần Trúc, Vương Đông Minh, Bạch Mã Xích Lâm, Đinh Trọng Lễ, Hác Minh Kim, Thái Đạt Phong và Vũ Duy Hoa.
Nhiều ngày trước Ngày Nhân quyền 10 tháng 12, các học viên Pháp Luân Công ở 29 quốc gia đã đệ trình danh sách các thủ phạm nhân quyền lên chính phủ các nước sở tại, kiến nghị các quốc gia này trừng phạt những đối tượng có tên trong danh sách và các thành viên gia đình của họ bằng các hạn chế về thị thực, và đóng băng tài sản của họ, vì tội tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
29 quốc gia bao gồm Tổ chức Liên minh Ngũ Nhãn (Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ), 18 quốc gia trong Liên minh Châu Âu (Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Séc, Romania, Bồ Đào Nha, Hungary, Slovakia, Slovenia), và 6 quốc gia khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Mexico).
Trong danh sách này có tên của một số các quan chức trong Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như Hàn Chính (Ủy viên thường trực Bộ Chính trị), Quách Thanh Côn (Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương), Chu Cường (Chủ tịch Tòa án Tối cao), Lưu Kim Quốc (Phó Bí thư Ủy ban Thanh tra và Kỷ luật Trung ương) và Phó Chánh Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Xã hội và Pháp luật của Hội nghị Hiệp thương Chính trị)
Đối với chính phủ các nước Châu Âu cũng đã đạt được nhiều tiến triển. Vào ngày 7 tháng 12, các quan chức của Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua một kế hoạch được đặt tên theo “Đạo luật Magnitsky” để “nhắm mục tiêu đến các cá nhân, thực thể và cơ quan… chịu trách nhiệm, liên quan hoặc liên quan đến các vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới”.
“Quyết định của ngày hôm nay nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền vẫn là nền tảng và ưu tiên trong hoạt động ngoại giao của EU, đồng thời phản ánh quyết tâm của EU trong việc giải quyết các vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng”, một nội dung được Hội đồng EU đưa ra trong tuyên bố.
Vào Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 17 quan chức chính phủ nước ngoài vì vi phạm nhân quyền. Một trong những người bị trừng phạt là cảnh sát trưởng Hoàng Nguyên Hùng thuộc Đồn Công an Ngô Thôn, Công an thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, vì “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền” đối với các học viên Pháp Luân Công.
“Thúc đẩy và tăng cường tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ”, ông Pompeo nói trong thông cáo, “Vào Ngày Nhân quyền này, Hoa Kỳ tự hào tái khẳng định cam kết sử dụng mọi công cụ và quyền hạn thích hợp sẵn sàng thu hút sự chú ý đối với các vi phạm và lạm dụng nhân quyền bất kể chúng xảy ra ở đâu hoặc khi nào, đồng thời đề cao việc xúc tiến truy cứu trách nhiệm của những kẻ vi phạm nhân quyền đó.“
Ông Pompeo sau đó đã tweet: “Cùng nhau, chúng tôi sẽ đảm bảo các kẻ tham nhũng và vi phạm nhân quyền sẽ không có nơi ẩn náu trong khu vực phạm vi quyền hạn của chúng tôi.”
VIDEO - TIẾT LỘ SỐ PHẬN BI THẢM CỦA 70 TRIỆU NGƯỜI KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT
Đăng theo Minh Huệ Net