Khi bị đưa lên bàn mổ để các bác sĩ mổ lấy nội tạng, họ có sức khỏe rất tốt. Nhiều người trong số họ vẫn còn thở. Khi hoàn thành công việc, các thi thể được ném vào lò hỏa táng và đốt cháy, không để lại dấu vết…
Cảnh tượng ớn lạnh này đang là một thực tế sống động đối với các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc trong hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng theo lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), được hai nhà điều tra kể lại tại hội thảo trực tuyến trên web hôm 17/2 do Viện Hudson có trụ sở tại Washington tổ chức.
Ông David Kilgour, cựu ngoại trưởng Canada về khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, người cùng với luật sư nhân quyền người Canada David Matas, đã dành nhiều năm điều tra về vấn đề này cho biết, “Tại đó không có kết tội, không có điều trần, không có kháng cáo”.
Ông nói, “Một cảnh sát chỉ đơn giản là nói: ‘Anh/chị sẽ tới trại lao động ở đằng này’. … Bạn đã đợi trong khi làm việc 16 giờ mỗi ngày. Rồi một ngày ai đó sẽ đến, bắt bạn, cho bạn một ít kali, rồi nội tạng của bạn sẽ bị lấy ra ngoài và thân thể bạn sẽ bị thiêu rụi”.
“Đó là cách thức hoạt động pháp quyền ở Trung Quốc trong việc lấy nội tạng”.
Người dẫn chương trình Nina Shea, một luật sư nhân quyền và là cựu ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, hiện là thành viên cao cấp của Viện Hudson, nói thêm rằng đó là “một tội ác hoàn hảo, bởi vì thực tế là không có bất kỳ ai sống sót” khỏi hoạt động đó.
Ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng trị giá hàng tỷ USD, bùng nổ cùng lúc với việc ĐCSTQ tiến hành leo thang chiến dịch xóa sổ tàn bạo nhắm vào nhóm học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công vào đầu những năm 2000, đã bị che đậy trong nhiều thập niên ở Trung Quốc.
Ngay cả ở phương Tây, các quan chức và cơ quan y tế đã miễn cưỡng đối mặt với vấn đề này cho đến năm 2019, khi một tòa án nhân dân độc lập ở London đã kết luận “vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý” rằng việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công đã diễn ra trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể”.
Bà Annie (bí danh), một nhân viên cũ tại một bệnh viện ở đông bắc Trung Quốc, là người đầu tiên đưa hành vi lạm dụng kinh hoàng này ra ánh sáng vào năm 2006. Trong những lời kể của với tờ The Epoch Times mà sau đó đã được những người khác xác thực, bà đã tiết lộ cách người chồng cũ của mình, một bác sĩ phẫu thuật quân y làm việc tại cùng bệnh viện, đã cưỡng ép cắt bỏ giác mạc của các học viên Pháp Luân Công.
Những thông tin của bà là điều đã đưa hai ông David lại cùng nhau để điều tra về vấn đề này. Sau đó, họ phát hành một báo cáo có tiêu đề “Thu Hoạch Đẫm Máu” (“Bloody Harvest”), trong đó họ cho biết đã kiểm tra hàng trăm bệnh viện ở Trung Quốc, lấy bằng chứng từ các bản tin của giới truyền thông, của các tạp chí y tế, và các kho lưu trữ tài liệu. Họ phát hiện ra rằng ĐCSTQ đã sử dụng các học viên Pháp Luân Công như một ngân hàng nội tạng sống trong khi thống kê số ca cấy ghép được thực hiện mỗi năm thấp hơn rất nhiều.
Chồng của bà Annie đã thực hiện hơn 2000 ca phẫu thuật cắt bỏ giác mạc trong khoảng thời gian hai năm bắt đầu từ năm 2001, bà nói với hai ông David trong một cuộc phỏng vấn sau đó. Ông ấy đã bị lương tâm dày vò đến mức bắt đầu gặp ác mộng, làm dấy lên sự nghi ngờ của bà Annie.
Hai người chia tay sau khi bà Annie quyết định rằng bà không thể chấp nhận đồng lõa với ông trong hoạt động này. Cả hai người đã trốn ra hải ngoại sau khi nhận được những lời đe dọa về tính mạng của mình.
Bà nói trong một tuyên bố với The Epoch Times hồi tháng 4/2006 rằng: “Đây là một tội ác mang tính toàn quốc”.
Chồng cũ của bà Annie cảm thấy hối hận sâu sắc khi ông ấy mở quần áo của một bệnh nhân và thấy một chiếc hộp nhỏ rơi ra, theo bà Annie, người đã đọc được lời kể trong nhật ký của người chồng cũ. Chiếc hộp nhỏ chứa một huy hiệu Pháp Luân Công cài áo hình tròn với một mẩu ghi chú được viết trên giấy.
Trên đó viết: “Mẹ ơi, con chúc mẹ một sinh nhật vui vẻ”.
Bất chấp việc đào tẩu của bà Annie và một số người khác, bộ máy thu hoạch nội tạng vẫn tiếp tục hoạt động, thu hút khách du lịch cấy ghép từ khắp nơi trên thế giới, những người được các bệnh viện Trung Quốc hứa hẹn tìm được nội tạng tương thích và cấy ghép nhanh chóng.
Ông Matas cho biết: “Ở mọi nơi khác, tình trạng thiếu nội tạng và các cơ quan nội tạng được phân bổ tùy theo mức độ ưu tiên, nhưng ở Trung Quốc, toàn bộ hệ thống được vận hành như thể có nguồn cung cấp nội tạng vô tận. Tất cả những gì họ phải làm là xuất hiện và trả tiền”.
“Toàn bộ hệ thống được phân chia thành từng bộ phận riêng rẽ, và mọi người sẽ cố tình vờ như không biết các bộ phận khác của hệ thống”, ông nói.
Ông Kilgour nhớ lại đã nói chuyện với một bệnh nhân đến từ Châu Á, người được giới thiệu bốn quả thận phù hợp liên tiếp nhau trong vòng vài tháng. Ba quả thận đầu tiên đã bị cơ thể ông từ chối, và quả thứ tư đã thành công. Bác sĩ, người mặc quân phục, đã giới thiệu quả thận phù hợp đầu tiên ngay sau cuộc gặp đầu tiên của họ.
Ông Kilgour nói: “Họ lấy tất cả các cơ quan, họ không chỉ lấy một quả thận. Vậy là bốn người đã chết để người đàn ông này có được một quả thận tốt. Thật không thể tin được phải không?”
Hai mươi quận ở Virginia gần đây đã thông qua các nghị quyết lên án hoạt động thu hoạch nội tạng của Trung Quốc và kêu gọi cư dân của họ không tham gia vào hoạt động du lịch ghép tạng ở nước này, Thượng viện tiểu bang Texas cũng đã làm như vậy.
Một số quan chức Hoa Kỳ đang tìm kiếm hành động tại Quốc hội để buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.
Hai nhà điều tra này đồng ý rằng các cơ quan quốc tế cần phải làm nhiều hơn nữa về vấn đề này. Riêng ông Kilgour cho biết ông cảm thấy “xấu hổ” khi Canada chưa thông qua bất kỳ đạo luật nào về thu hoạch nội tạng.
“Có một số quy định nhưng chưa đủ”, ông Matas cho biết, kêu gọi các nước cắt đứt hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào với hệ thống cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.
Xem thêm:
VIDEO: Trung Quốc : Lợi nhuận khổng lồ từ thi thể người chết (xuất khẩu xác người số một thế giới)
Theo Epoch Times
Đăng theo ĐKN