“Tôi ước mình bị giam trong trại tập trung Auschwitz, chứ không phải nhà tù của Trung Quốc. Bởi vì trong phòng hơi ngạt của Đức Quốc xã, người ta có thể chết nhanh chóng, nhưng trong nhà tù nữ Bắc Kinh, quả thực là sống không bằng chết. Bạn phải liên tục trải qua các phiên tra tấn dài ngày…”, một tù nhân lương tâm đã phơi bày sự tàn bạo của chính quyền Trung Quốc.
Gần đây, cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Pakistan tại Dải Gaza đã làm dấy lên rất nhiều sự chú ý và bàn luận.
Các báo cáo trên các phương tiện truyền thông phương Tây nghiêng về cánh tả, trung lập hoặc cánh hữu, tùy thuộc vào quan điểm của tác giả. Tôi đã bị ấn tượng bởi một nhận xét trong đó. Tác giả cho rằng những gì đã xảy ra với những người Do Thái trong các trại tập trung trong Thế chiến thứ hai là cơ sở đạo đức và pháp lý cho sự phục hồi sau này của Israel.
Hơn sáu triệu người Do Thái đã chết trong cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Những người vô tội đã bị giết và tra tấn một cách có hệ thống vì đức tin và di sản của họ. Chỉ sau cuộc chiến, sự thật khủng khiếp mới dần được hé lộ, gây chấn động thế giới. Và nhiều người đã thề rằng sẽ "không bao giờ" để những sự việc như thế này lặp lại nữa.
Nhưng mấu chốt của bài viết này không phải là xung đột giữa Israel và Palestine. Những gì tôi muốn thảo luận là những thảm họa nhân đạo khủng khiếp thực sự đang xảy ra ngày nay, bất chấp tuyên bố của nhân loại khi biết về tội ác Holocaust (một cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái).
Thà ở trong nhà tù của Đức Quốc Xã còn hơn trong trại giam của ĐCSTQ
Họa sĩ Trung Quốc Xu Na hiện đang bị nhốt trong nhà tù của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ vì đức tin của cô vào Pháp Luân Công. Chỉ vì niềm tin tâm linh của mình, cô đã bị tống giam hết lần này đến lần khác trong suốt hơn 20 năm. Người bạn đời của cô cũng đã chết trong khi bị nhốt và bị tra tấn trong nhà tù của ĐCSTQ.
Tuần trước, một bài báo cô viết đã được xuất bản. Nó khiến tôi vô cùng xúc động. Cô ấy viết:
“Tôi ước mình bị giam trong trại tập trung Auschwitz, chứ không phải nhà tù của Trung Quốc. Bởi vì trong phòng hơi ngạt của Đức Quốc xã, người ta có thể chết nhanh chóng, nhưng trong nhà tù nữ Bắc Kinh, quả thực là sống không bằng chết. Bạn phải liên tục trải qua các phiên tra tấn dài ngày, trong đó họ bắt các tù nhân có kiến thức y tế đến kiểm tra tình trạng thể chất của bạn mọi lúc. Tôi không được phép ngủ trong nhiều ngày và bị phát hiện có nhịp tim không đều. Vì vậy, cảnh sát đã ra lệnh, 'Hãy để cô ta ngủ trong một giờ và nghỉ ngơi một chút'.
Nhiều hình thức tra tấn tinh vi khác nhau đã được phát minh ra, chẳng hạn như ‘chẻ đôi’, tức là họ kéo hai chân nạn nhân ra 180 độ, ra lệnh cho ba tù nhân khác ngồi lên chân và lưng nạn nhân và ấn xuống liên tục. Cảnh sát tự hào về phát minh này: 'Phương pháp này rất tốt vì nó gây ra sự đau đớn không thể chịu đựng được, nhưng lại không làm tổn thương đến xương’.
Mục đích của cuộc đàn áp của Đức Quốc xã là hủy hoại thân thể của người Do Thái, nhưng mục đích của cuộc bức hại của ĐCSTQ là hủy hoại tinh thần và lương tâm của con người. Khi tôi không chịu khuất phục trong quá trình tra tấn và tẩy não, một cảnh sát nói với tôi một cách nghiêm túc: ‘Cô nên được phẫu thuật cắt sọ để người ta lấy não của cô ra’.”
Tôi xin nhấn mạnh điểm gây sốc này: Xu thà ở trại Auschwitz, nơi mà chúng ta đã thề rằng sẽ "không bao giờ lặp lại nữa", còn hơn là ở trong nhà tù chính trị Trung Quốc.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của đời người được cho là cái chết. Nhưng cái chết không phải là điều kinh hoàng nhất. Điều đáng sợ hơn cái chết là “sống không bằng chết”.
Đây là thực tế mà Xu Na đang phải đối mặt lúc này.
Sống không bằng chết
Trong 70 năm, các nhà tù của ĐCSTQ đã thực hiện chính sách dày vò khiến nạn nhân “sống không bằng chết”. Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc không phải là cuộc bức hại đầu tiên đối với các tù nhân có đức tin, và đây cũng sẽ không phải là cuộc bức hại cuối cùng.
Nhiều lời khai trực tiếp từ các học viên Pháp Luân Công cho thấy những hình thức tra tấn khủng khiếp được thực hiện đối với các tù nhân chính trị trong các nhà tù của ĐCSTQ.
Các trại tập trung của Đức Quốc xã nhằm mục đích tiêu diệt người Do Thái. Mục tiêu của các trại tập trung của ĐCSTQ là tiêu diệt tinh thần con người. Kết thúc cuộc đời của một người dễ dàng hơn nhiều so với việc thay đổi niềm tin của họ. Sự tra tấn của ĐCSTQ nhằm mục đích gây ra thật nhiều đau khổ và đau đớn cho người ta, đến nỗi họ buộc phải từ bỏ niềm tin vào thần thánh và những điều tốt đẹp.
Cuộc sống của Xu Na trong các nhà tù của ĐCSTQ
Xu Na là một sinh viên đại học trẻ trong vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Cô học tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, một trong những trường đại học công lập hàng đầu ở Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, cô rời bỏ các tổ chức truyền thông của ĐCSTQ và thay vào đó trở thành một họa sĩ.
Năm 1995, cô và chồng là Yu Zhou bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
Trong suốt thời gian sau đó, họ liên tục bị chia cắt do các bản án trong các nhà tù riêng biệt. Năm 1999, Xu Na bị bắt lần đầu tiên. Bất chấp những khó khăn, họ vẫn luôn giúp đỡ và che chở các học viên khác ở Trung Quốc. Năm 2001, Xu bị kết án 5 năm tù vì che chở cho các học viên.
Vào tháng 11/2002, Xu bị chuyển đến một khu nhà tù đặc biệt để cưỡng bức tẩy não. Để tẩy não cô, nhà tù đã sử dụng nhiều biện pháp tra tấn bao gồm: cấm ngủ hoàn toàn, trói và bắt ngồi xếp bằng trong nhiều giờ, trừng phạt thân thể, bắt cô điểm chỉ vào những bản “tự buộc tội” do người khác viết, buộc phải ở ngoài trời trong thời tiết lạnh, mặc ít quần áo, không được phép tắm trong hơn một tháng, và hơn thế nữa.
Trong bài viết của mình, cô tiết lộ một sự việc “kỳ quái”: Một người bạn học cũ ở trường đại học của cô, người dẫn chương trình truyền hình Xu Tao, đã đến nhà tù nữ Bắc Kinh để phỏng vấn các sĩ quan. Bốn tù nhân canh giữ cô trong một căn phòng phía sau, trong khi cô có thể nghe rõ ràng cuộc phỏng vấn đang diễn ra qua các bức tường. Những người cảnh sát đã tra tấn cô lại đang rao giảng về việc “thực thi pháp luật văn minh” trong cuộc phỏng vấn, trong khi miệng cô bị nhét chặt khăn để ngăn cô la hét.
Khi ở trong tù, một học viên Pháp Luân Công khác, Dong Cuifang, bị giam bên cạnh cô. Dong Cui là một bác sĩ 29 tuổi đến từ Bệnh viện chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em ở quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh. Cô được chuyển đến Phân khu 3 của Nhà tù Nữ Bắc Kinh vào sáng ngày 11/3/2003.
Xu thường chứng kiến cảnh Dong bị đánh trong phòng giam bên cạnh. Cô ấy đã bị tra tấn đến chết chỉ sau tám ngày.
Vào ngày 18/3, Xu đã nhìn thấy các sĩ quan tra tấn Dong, và họ mang xác Dong đi chỉ vài giờ sau đó.
Chồng của Xu chết trong tù
Chồng của Xu Na, Yu Zhou, là một nhạc sĩ dân gian nổi tiếng trong một ban nhạc. Anh tốt nghiệp bằng tiếng Pháp tại Đại học Bắc Kinh, một học viện ưu tú ở Trung Quốc.
ĐCSTQ đã sử dụng Thế vận hội Bắc Kinh 2008 như một cái cớ để tăng cường đàn áp những người bất đồng chính kiến và các tín đồ tôn giáo. Vào lúc 10 giờ tối ngày 26/1/2008, trong khi Yu và Xu đang lái xe về nhà từ phòng thu âm của Yu, cảnh sát đã dừng xe của họ để thực hiện kiểm tra "an toàn Olympic". Cảnh sát đã tìm thấy các bài giảng Pháp Luân Công trong xe của họ và đưa họ đến Trung tâm giam giữ quận Thông Châu.
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 27/1/2008, các nhân viên từ Sở cảnh sát Bắc Uyển, Sở cảnh sát Thông Châu, Sở cảnh sát Tương Sơn và Sở cảnh sát Hải Điến đã khám xét nhà của cha mẹ Xu Na. Họ không tìm thấy gì và tiếp tục tìm kiếm tại nhà của em gái Xu Na.
Vào ngày 6/2/2008, ngày cuối cùng của năm theo âm lịch Trung Quốc, khi tất cả các gia đình đoàn tụ và ăn tối cùng nhau, Yu đã qua đời tại Trung tâm Cấp cứu Thanh Hà ở tuổi 42.
Gia đình vội chạy đến bệnh viện, nhưng khi đến nơi, Yu đã tắt thở. Cơ thể được phủ một tấm khăn trắng, khuôn mặt vẫn đeo máy thở, hai chân lạnh ngắt.
Anh đã không có cơ hội gặp lại Xu trước khi chết. Trại tạm giam thậm chí còn không cho phép Xu đến dự đám tang của chồng.
Ca sĩ Tiểu Quyên trong ban nhạc mà Yu tham dự đã đăng một bài hát trên blog cá nhân, được cho là đã được sáng tác từ nhiều năm trước, có tựa đề là “Linh hồn đẹp đẽ”. Đây là lời bài hát:
"Khi thời gian trôi qua
Chúng ta sẽ trở thành những linh hồn đẹp đẽ
Lơ lửng trên bầu trời xa xôi
Có thể bạn là người đầu tiên
Hoặc cũng có thể là tôi
Gấp một bông hồng thánh thiên đường
Yên lặng chờ đợi trên thiên đường”.
Gia đình của Yu được cho biết rằng anh chết vì bệnh tiểu đường hoặc tuyệt thực. Gia đình Yu sau đó đã tiết lộ rằng anh chưa bao giờ bị bệnh tiểu đường.
Hơn nữa, rất khó có khả năng một người chỉ bị giam giữ trong thời gian ngắn 10 ngày có thể chết vì tuyệt thực.
Để che đậy tội ác, trại giam của ĐCSTQ đã buộc các thành viên trong gia đình Yu phải hỏa táng ngay thi thể - trái với mong muốn của gia đình anh. Điều này đã xảy ra cách đây 13 năm vào năm 2008, ngay trước khi Thế vận hội Bắc Kinh bắt đầu.
Khi chúng ta đến gần năm 2022, Bắc Kinh sẽ lại tổ chức Thế vận hội. ĐCSTQ cũng đã bắt giữ Xu cùng với một số học viên Pháp Luân Công khác ở Bắc Kinh. Họ bị buộc tội vì đã công bố các bức ảnh về Bắc Kinh trong đại dịch lên internet.
Hiện nay, Xu vẫn đang bị giam tại Trung tâm giam giữ Đông Thành, Bắc Kinh.
Trong bức thư gần đây, cô viết: "Mọi sự bất công trên thế giới này, ngay cả khi nó cách xa bạn, đều liên quan mật thiết đến bạn, bởi vì nó đang tự vấn lương tâm của bạn".
Trong lá thư của mình, cô ấy gọi ĐCSTQ là một cỗ máy, và nói rằng, “tất cả những ai siết chặt và củng cố các đinh vít của hoạt động tà ác của cỗ máy này đều có tội”.
Tác giả: Alexander Liao là một nhà báo chuyên viết về các vấn đề quốc tế, tập trung vào Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Tác phẩm của ông đã được đăng trên các tờ báo và tạp chí tài chính ở Hoa Kỳ và Hong Kong.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Xem thêm:
VIDEO - CHẤN ĐỘNG BỨC THƯ BÍ MẬT GỬI TỪ "ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN" MÃ TAM GIA
Thanh Hương
Theo Epoch Times tiếng Anh
Đăng theo NTDVN