Chỉ thị 16 được thực hiện ở TP.HCM với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc hàng trăm chợ truyền thống và các chợ đầu mối phải ngưng hoạt động đã dẫn tới nhiều ý kiến khác nhau về biện pháp phòng dịch này.
Trên trang facebook cá nhân hôm 22/7, nhà báo Hoàng Hải Vân (ở Sài Gòn) đã chia sẻ góc nhìn của ông về vấn đề này, đình kèm theo hình chụp từ tờ Tuổi Trẻ.
Theo nội dung bài viết:
Ba chợ đầu mối và hệ thống chợ truyền thống ở Sài Gòn vẫn không được mở lại theo đề nghị của hai Bộ, thì làm sao?.
Hoàng đế Lê Thánh Tông từng ra chỉ dụ: “Trong dân gian hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hóa, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không được trùng hay trước ngày họp chợ cũ để tránh tình trạng tranh giành khách hàng của nhau”.
Lời của vua Lê thể hiện 2 đạo lý: Thứ nhất, có dân mà không có chợ thì dân chết. Thứ hai, việc lập thêm chợ không được tranh giành khách hàng, nghĩa là người này không được giàu lên từ sự nghèo đi của người khác. Hơn 500 năm rồi mà lời này vẫn còn mang tính thời sự.
Tại TP.HCM hiện nay, sau khi Bộ Công thương đề nghị mở lại tất cả chợ truyền thống, hôm qua đến lượt Bộ Nông nghiệp &PTNT cũng đề nghị mở lại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn cùng các chợ truyền thống.
Hai Bộ đều cho rằng, chợ truyền thống là nơi cung cấp 70% thực phẩm cho dân chúng Sài Gòn, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi chỉ đủ sức cung ứng 30%, không mở lại chợ truyền thống thì không thể giải quyết được vấn đề lưu thông hàng hoá. Cấm chợ ở Sài Gòn không chỉ làm khốn khổ dân chúng Sài Gòn mà còn làm khốn khổ bà con nông dân ở các tỉnh khác.
Thế nhưng, 3 chợ đầu mối ở Sài Gòn và phần lớn chợ truyền thống ở Sài Gòn vẫn chưa được mở, chợ truyền thống chỉ được mở lại lẻ tẻ ở một số nơi. Hàng chục vạn người lâu nay sống dựa vào những cái chợ nay lâm vào cảnh điêu đứng, kéo theo sự điêu đứng của hàng chục triệu người dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Thực phẩm nơi này thiếu còn nơi kia thì không bán được. Giá cả nơi thì tăng vọt, nơi thì tuột thê thảm. Giá tăng có thể gây chết người mà giá tuột cũng có thể gây chết người, những cái chết không nhìn thấy không đo đếm được.
Việc cho phép các siêu thị mở các điểm bán hàng trên đường phố hoặc bán hàng lưu động chẳng khác gì mở các chợ tự phát và bán hàng rong để “giết chết” tiểu thương, điều mà 500 năm trước vua Lê Thánh Tôn đã cấm. Siêu thị mở các điểm bán hàng phải thực hiện các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 thì tiểu thương cũng có thể làm được, sao cho siêu thị làm mà không cho tiểu thương làm?
Người làm chính quyền nên theo chân những người làm thiện nguyện đang mang từng miếng ăn đến cho bà con mình thiếu đói để hiểu rằng, nếu không có sự đùm bọc chia sẻ từng miếng ăn trong suốt nhiều tuần qua thì nhiều người Sài Gòn chắc chắn đã chết đói. Có những đứa trẻ mấy tháng chỉ ăn mì tôm mà cha mẹ chúng xin được, không còn thức ăn gì khác. Nhiều gia đình đã nấu nắm gạo cuối cùng, nếu không có người cứu giúp thì lấy gì sống đây.
Nước Mỹ ngay cả vào thời điểm cao nhất một ngày có hàng trăm ngàn người chết cũng không cấm chợ. Nhiều tỉnh ở nước ta chống dịch theo Chỉ thị 16 nhưng không cấm chợ, Hà Nội cũng chống dịch nhưng không cấm chợ. Chỉ thị 16 và mới nhất là 78/NQ-CP ngày 20-7-2021 của Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 không hề ra lệnh cấm chợ. Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp không phải là những người ngoài cuộc, họ đang nằm trong hệ thống chống dịch theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Họ chống dịch mà nghĩ đến dân, họ nghĩ đến dân mà chống dịch. Còn chính quyền TP.HCM thì sao ?
Theo nhà báo Hoàng Hải Vân: “Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch nhưng không yêu cầu ngăn sông cấm chợ. Nhưng không thấy Thủ tướng yêu cầu chính quyền TP.HCM mở lại các chợ truyền thống để cứu dân, chỉ có 2 Bộ đề nghị, đề nghị với những lý lẽ đầy thuyết phục. Chính quyền TP.HCM vẫn không nghe đề nghị của 2 Bộ thì phải làm sao?”.
Theo Việt Nam Net, tính đến 21/7, trên địa bàn thành phố TP.HCM có 32 trên 237 chợ truyền thống đang hoạt động, 205 chợ hiện tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm (trong đó có 202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối).
Nhiều chợ đóng cửa khiến nguồn cung thực phẩm cho người dân TP.HCM hiện phụ thuộc hầu hết vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng, dẫn đến việc quá tải, gây khó khăn cho việc tiếp cận thực phẩm của người dân.
Tình hình dịch ở TP.HCM chưa có dấu hiệu suy giảm, hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày được ghi nhận, kéo theo sự quá tải của hệ thống y tế. Ngoài ra, việc giãn cách theo chỉ thị của chính quyền, doanh nghiệp ngừng hoạt động, cũng khiến một lượng lớn người dân lao động ở các khu nhà trọ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khi tiền cạn, thực phẩm hết, không biết bấu víu vào đâu đành lên mạng xã hội cầu cứu.
Trước đó, trên facebook cá nhân, bác sĩ Phan Xuân Trung, từ TP.HCM, công tác tại Trung tâm Y khoa Medic đề nghị chính quyền các quận huyện phát miễn phí bánh mì cho người đang thiếu, đói.
Theo bác sĩ Trung thì nạn thiếu đói đang bắt đầu rộ lên. Bác sĩ Trung viết: “Các yêu cầu trợ giúp trong nhóm Giúp Nhau Mùa Dịch ngày càng nhiều, nhất là các gia đình lao động có con nhỏ.
Đề nghị chính quyền các quận huyện huy động các lò bánh mì hoạt động hết công suất và phát chẩn bánh mì miễn phí cho người thiếu, đói.”
Bác sĩ Trung cũng cho biết trong khi chờ đợi chính quyền phê duyệt, các nhà hảo tâm hãy liên hệ mua bánh mì để phát chẩn cho dân nghèo.
Bài gốc ĐKN
Xem thêm:
VIDEO: BỆNH NHÂN COVID-19 PHỤC HỒI KỲ DIỆU NHỜ PHƯƠNG PHÁP DÂN GIAN