Tại sao vợ của Mao Trạch Đông là Dương Khai Huệ lại gọi Mao là kẻ "lưu manh trong cuộc sống, lưu manh trong chính trị"? (Được cung cấp bởi "Trăm năm chân tướng")
Dưới sự tuyên truyền cường điệu của ĐCSTQ, không ít người nghĩ rằng Mao Trạch Đông đối với người vợ thứ hai Dương Khai Huệ một mực thâm tình, tưởng nhớ vô hạn. Nhưng, quý vị có biết rằng Dương Khai Huệ đã từng mắng Mao Trạch Đông là kẻ “lưu manh trong cuộc sống, lưu manh trong chính trị” không? Cuộc đời của bà mãi mãi dừng lại ở tuổi 29, điều này liên hệ rất lớn với Mao.
Cha của Dương đã mai mối cho hai người thành hôn
Nhắc đến cuộc hôn nhân giữa Dương và Mao, xuất hiện hình ảnh của một nhân vật chủ chốt. Người này chính là cha của Dương Khai Huệ, Dương Xương Tế.
Dương Xương Tế là một học giả có tiếng ở Hồ Nam, thời trẻ ông đã du học ở Nhật Bản, Đức và Vương quốc Anh, tư tưởng vô cùng cởi mở. Vì vậy, Dương Khai Huệ đã có cơ hội đến trường và tốt nghiệp trường đại học dành cho nữ. Khi đó, Dương Xương Tế đang giảng dạy tại Đại học Sư phạm số 1 tỉnh Hồ Nam ở Trường Sa, và ông thường mời các sinh viên đến nhà mình. Về phần Dương Khai Huệ, cô được phép dùng bữa và trò chuyện cùng các khách mời. Cô ấy xinh đẹp, thanh lịch và có thể phát biểu kiến giải thẳng thắn đến mức khiến các nam sinh khuynh đảo.
Trong số những sinh viên đến nhà, có một người được Dương Xương Tế đánh giá cao, đó chính là Mao Trạch Đông. Năm 1918, Dương Xương Tế được thuê dạy tại Đại học Bắc Kinh, sau đó, ông không chỉ tiến cử Mao vào làm việc trong thư viện của Đại học Bắc Kinh mà còn thúc giục cho hôn sự của Mao và con gái mình.
Tháng 1 năm 1920, Dương Xương Tế qua đời, giới giáo dục ở Bắc Kinh và Trường Sa đều đến truy điệu ông. Mao Trạch Đông liền dùng thân phận nửa sinh viên, nửa con rể đứng bên cạnh linh cữu, giúp lo tang lễ. Mùa đông năm đó, Dương Khai Huệ 19 tuổi đã kết hôn với Mao Trạch Đông 27 tuổi. Sau đó, Dương Khai Huệ gia nhập ĐCSTQ, hỗ trợ Mao sưu tập, chỉnh lý tư liệu, viết văn cảo, và chịu trách nhiệm về công tác liên lạc.
Liên tục ngoại tình và bỏ rơi vợ con
Tuy nhiên, Mao Trạch Đông không quý tiếc cuộc hôn nhân này. Sau khi kết hôn không lâu, ông ta đã có hai người tình, một trong số đó là em họ của Dương Khai Huệ. Đồng thời với việc ngoại tình, Mao chấp hành chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, dùng thân phận cá nhân gia nhập Quốc dân đảng. Đương thời, đây là lần đầu Quốc – Cộng hợp tác, và ĐCSTQ sau đó đã “mượn xác phát triển”, không ngừng đoạt quyền, dẫn đến nội bộ Quốc dân đảng chia rẽ nghiêm trọng.
Thấy mình đứng trước nguy cơ sắp bị lật đổ và tan rã, vào năm 1927, cánh hữu của Quốc dân đảng cuối cùng đã bắt đầu chiến dịch “thanh đảng”, bắt giữ các đảng viên cộng sản. Để phản công, ĐCSTQ đã phát khởi bạo động ở nhiều nơi trên toàn quốc, và Mao Trạch Đông cũng vì thế mà bỏ rơi Dương Khai Huệ, đi Hồ Nam tham gia vào các cuộc bạo động. Vào thời điểm đó, Dương Khai Huệ vừa sinh con trai thứ ba của họ, Mao Ngạn Long.
Chẳng bao lâu, cuộc bạo động thất bại. Mao Trạch Đông chạy trốn đến vùng núi hẻo lánh, thiết lập căn cứ địa tại khu vực núi Tỉnh Cương ở biên giới Hồ Nam và Giang Tây. Theo lý mà nói, sau khi ổn định cuộc sống, ông ta nên đưa vợ con về đoàn tụ. Tuy nhiên, thay vì làm điều này, ông ta lại chung sống với một tiểu cô nương tuổi thanh niên tên là Hạ Tử Trân.
Cái tên Hạ Tử Trân, tôi tin rằng mọi người đều biết rõ. Cô ta sinh ra ở huyện Vĩnh Tân, một huyện khá giàu dưới chân núi Tỉnh Cương, mặc dù được học trong trường của giáo hội, nhưng cô ta ghét việc học giáo lý: “Kinh Thánh niệm chưa xong, câu nguyện cầu bỏ dở”, cô ta không thích sống tuân theo quy củ phép tắc. Sau khi quân Bắc phạt tiến vào Vinh Tân, cô ta say mê bầu không khí náo nhiệt đằng đằng sát khí và gia nhập ĐCSTQ. Ở tuổi 16 tuổi, cô ta trở thành trưởng ban phụ nữ huyện. Cô ta cũng đi đầu trong việc cắt bỏ mái tóc dài của mình, lưu lại một mái đầu “tóc ngắn cách mạng”.
Sau chiến dịch “thanh đảng” của Quốc dân đảng, các đảng viên Cộng sản và các phần tử tích cực của ĐCSTQ bắt đầu chạy trốn. Cha mẹ và chị gái của Hạ Tử Trân cũng bỏ trốn, còn cô ta và anh trai đến núi Tỉnh Cương. Năm 1928, Hạ Tử Trân khi đó 18 tuổi, khuôn mặt quả dưa, đôi mắt hạnh nhân và dáng người mảnh khảnh. Mao Trạch Đông 35 tuổi, đã mê cô gái này trong nháy mắt. Đầu tháng 5 năm đó, cả hai kết hôn chớp nhoáng.
Tháng 9 năm 1927, Mao Trạch Đông rời khỏi nhà Dương Khai Huệ, để lại ba đứa con thơ. Đến khi Mao – Hạ kết hôn, khoảng cách thời gian chưa đầy 8 tháng! Trong suốt thời gian ly khai, Mao Trạch Đông chỉ viết duy nhất một lá thư cho Dương Khai Huệ, nói rằng ông ta bị đau chân.
Sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền, trong đảng sử và một số tư liệu khác, đều cố gắng tô vẽ cho ái tình giữa Mao Trạch Đông và Dương Khai Huệ, Hạ Tử Trân, để che đậy sự thật Mao đã bỏ rơi chính vợ con mình, nói rằng sở dĩ ông ta kết hôn với Hạ Tử Trân là vì núi Tỉnh Cương và Trường Sa tin tức không thông, có tin đồn rằng Dương Khai Huệ đã “hy sinh”.
Tuyên bố này đã bị thách thức bởi ngoại giới. Cứ giả sử như thật sự có tin đồn này, thì với tư cách là một người chồng, người cha, chỉ vài tháng sau khi nghe tin dữ của vợ, trong tình huống còn chưa biết tình huống của ba đứa con, mà đã lập tức thâu hoan cùng vợ mới, hành vi này là của loại người nào?
Và, có một điều nữa không thể không đề cập. Sau khi Mao Trạch Đông đến núi Tỉnh Cương, mặc dù hồng quân tấn tốc bành trướng, nhưng đội này vẫn chịu sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hồ Nam. Mà Dương Khai Huệ có một người anh họ tên là Dương Khai Minh, đương thời là tỉnh ủy viên, trưởng bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Lịch sử ĐCSTQ và các tư liệu khác ghi lại rằng bắt đầu từ tháng 6 và tháng 7 năm 1928, tức là khoảng hai tháng sau đám cưới của Mao Trạch Đông, Dương Khai Minh liên tục đi lại giữa núi Tỉnh Cương và Trường Sa, truyền đạt chỉ thị của Tỉnh ủy Hồ Nam cho Mao Trạch Đông.
Mối quan hệ giữa Dương Khai Huệ và Dương Khai Minh rất thân thiết, trong những thư từ giữa hai người, Dương Khai Huệ thường gọi người anh họ này là “nhất huynh”, trong bức thư còn nói, “Ai mang thư của tôi đến cho anh ấy (ám chỉ Mao), và trao thư của anh ấy cho tôi, người đó là ân nhân của tôi”. Dương Khai Huệ cũng nhờ anh họ mang cho Mao món chao cay yêu thích của Mao.
Khi Dương Khai Minh gặp Mao, chẳng lẽ ông ta không nói gì về tình huống của Dương Khai Huệ và những đứa trẻ? Không thể nào. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông không bao giờ gửi bất kỳ bức thư nào cho Dương Khai Huệ nữa.
Dương Khai Huệ bị phản bội, uất ức từ yêu chuyển hận
“Đãn kiến tân nhân tiếu, nả vấn cựu nhân khốc” – kẻ gặp người mới cười vui, nào nghe người cũ than khóc. Chính vào lúc Mao Trạch Đông đang đắm chìm hưởng lạc hôn nhân mới, Dương Khai Huệ đã phải một mình sống một cuộc sống nghèo khó và đầy sóng gió tại nhà, cách Đông Hương, Trường Sa 60 dặm. Thương nhớ chồng vô hạn, bà đã viết mấy câu thơ:
“Thiên âm khởi sóc phong, nùng hàn nhập cơ cốt
Niệm từ viễn hành nhân, bình ba đột khởi phục.
Túc tật khả phũ thuyên, hàn y thị phủ bị.
Cô miên thùy ái hộ, thị phủ diệc thê khổ.
Thư tín bất khả thông, dục vấn vô nhân ngữ.
Hận vô song phi cách, phi khứ kiến từ nhân.
Từ nhân bất đắc kiến, võng trướng vô dĩ thời.”
Ý tứ là:
Trời âm u nổi gió, buốt giá thấu xương cốt.
Mong sao người viễn hành, phong ba chợt bình lặng.
Khỏi căn bệnh đau chân, quần áo dày đủ ấm.
Ngủ một mình ai thương, cũng là nỗi thống khổ.
Thư tín không thể thông, muốn hỏi không ai đáp.
Hận không có đôi cánh, bay đến gặp người thương.
Người thương không gặp được, nỗi buồn càng vô biên.”
Nhưng dần dần, tình yêu thương quan tâm này của bà đã biến thành oán và hận. Trong bản thảo viết tay cuối cùng, bà cáo buộc Mao Trạch Đông là “kẻ lưu manh trong cuộc sống, lưu manh trong chính trị”, và nói thêm, “Ngay cả khi ông ta chết, huyết lệ của tôi sẽ quấn xác ông ta. Một tháng, sáu tháng, một năm, rồi ba năm… Ông ta đã bỏ rơi tôi, hết màn này đến màn khác, ông ta nhất định là đã bỏ rơi tôi rồi!”
Từng câu từng chữ này mà bà viết ra, đã không được gửi đi. Năm 1982, chính quyền tỉnh Hồ Nam đã chỉ đạo các bộ phận liên quan sửa chữa ngôi nhà tổ truyền lão trạch của Dương Khai Huệ. Năm 1990, khi nhà chức trách đang sửa chữa lại ngôi nhà của họ Dương, họ đã phát hiện một bản thảo bức thư viết tay được bảo mật bằng sáp từ dưới mái hiên bên ngoài phòng ngủ của bà, đó là bức thư cuối cùng bà viết khi trong lòng tràn đầy ai oán.
Cuộc tấn công của Mao vào Trường Sa đã gián tiếp hại chết Dương Khai Huệ
Vào ngày 14/11/1930, Dương Khai Huệ bị thủ lĩnh Quốc dân đảng Hà Kiện hạ lệnh hành quyết. Kỳ thực, Hà Kiện căn bản không muốn giết bà.
Trong ba năm kể từ khi Mao Trạch Đông rời đi, Hà Kiện chưa bao giờ quấy rầy Dương Khai Huệ vì duyên cố với Mao. Ngay cả khi Bành Đức Hoài đánh vào Trường Sa và suýt chút nữa giết chết Hà Kiện, ông cũng không tìm Dương Khai Huệ trút giận. Tất nhiên, điều này cũng liên quan đến việc Dương Khai Huệ trong thời gian đó khá an phận, và không bị phát hiện có tham gia vào các hoạt động ngầm.
Theo lịch sử của ĐCSTQ, sau khi Mao rời đi, Dương Khai Huệ đã “tham gia tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh vũ trang ở Trường Sa, Bình Giang, Tương Âm và những nơi khác, phát triển tổ chức của đảng, kiên trì đấu tranh trong suốt ba năm.” Cách nói này không phải là rất đáng nghi vấn sao? Một bà mẹ độc thân có ba con nhỏ, cuộc sống khốn khó quẫn bách, tinh thần u uất, còn bao nhiêu tinh lực, khí lực mà tham gia vào cuộc đấu tranh vũ trang của ĐCSTQ?
Hãy trở lại câu chuyện, Hà Kiện cuối cùng đã ra tay, chính là vì bị Mao Trạch Đông bức bách.
Năm 1930, Mao đưa người đến đánh Trường Sa. Về lý mà nói, ông ta lẽ ra phải đón cả bốn mẹ con đi trước khi hành động, hoặc phái người đến nhắc Dương Khai Huệ để bà ấy chuẩn bị trước, điều đó rất dễ thu xếp. Nhà của Dương Khai Huệ nằm trên đường Mao đến Trường Sa, và Mao đã ở ngoại thành Trường Sa trong ba tuần. Tuy nhiên, ông ta, ngay cả một nỗ lực nhỏ như vậy, thậm chí cũng không làm.
Cuộc tấn công này khiến Hà Kiện vô cùng tức giận, cuối cùng quyết tâm báo thù. Ngày 24/10/1930, Dương Khai Huệ và con trai cả Mao Ngạn Anh bị bắt. Hà Kiện đã cho Dương Khai Huệ một con đường sống: chỉ cần bà công khai thoát ly quan hệ với Mao, bà sẽ được tha chết. Tuy nhiên, Dương Khai Huệ đã cự tuyệt. Vào ngày 14/11/1930, Dương Khai Huệ bị hành quyết.
Cao Du, một nhân vật truyền thông cấp cao ở Bắc Kinh, cho biết rằng cựu thư ký của Mao Trạch Đông là Lý Duệ đã tiết lộ: “Dương Khai Huệ bị trói trong một chiếc xe gỗ đi hành quyết, đã hét lên suốt đường đi: ‘Tôi không muốn chết! Tôi không muốn chết!” bởi vì bà ấy có ba đứa con. Đương thời, bà ấy mới 29 tuổi.
Sau cái chết của Dương Khai Huệ, Mao Trạch Đông đã từng viết một bức thư cho gia tộc họ Dương nói rằng: “Cái chết của Khai Huệ, trăm thân này cũng không thể chuộc lại được”, ý tứ là dù lấy một trăm thân xác ông ta cũng không cách nào hồi hoàn lại Dương Khai Huệ, tỏ vẻ thương tiếc chia buồn sâu sắc. Tuy nhiên, dù Mao viết những lời lẽ thống thiết thế nào, đều chỉ là một màn đạo đức giả. Tôi tin rằng mỗi người đều có cảm nhận của riêng mình.
Xem thêm: “Trăm Năm Chân Tướng“!
Nguồn Epoch Times
Mộc Lan biên dịch
Đăng theo ĐKN