Phỏng vấn người dân tại thực địa cũng cho thấy, chính quyền địa phương chỉ làm việc trực tiếp với từng người bị nạn riêng biệt, nên thông tin chính thức về thiệt hại và hỗ trợ là không có nhiều.
Dưới tác động của lũ sông Dương Tử (còn gọi là sông Trường Giang) và sông Gia Lăng, khu vực đô thị chính của Trùng Khánh đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng. Ngay ở Thốn Than, cách Triều Thiên Môn của Trùng Khánh vài km, mực nước ở đây đạt mức cao nhất kể từ năm 1939. Người dân địa phương ở Trùng Khánh than thở rằng họ chưa bao giờ thấy lũ lụt lớn như vậy. Trạm kiểm trắc Chi cục Thủy lợi Nam Kỷ Môn, nơi chưa từng bị ngập lụt, nay đã bị ngập cả hai tầng.
Theo số liệu từ Mạng lưới Thủy văn sông Dương Tử của Hoa lục, vào lúc 8 giờ 15 sáng ngày 20, mực nước của Trạm Thủy văn Thốn Than đạt đỉnh 191,62 mét (so với mực nước biển), vượt quá mực nước đảm bảo 8,12 mét, cao nhất kể từ khi trạm được thành lập năm 1939. Cũng có những phương tiện truyền thông Hoa lục gọi đây là trận lũ thế kỷ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Epoch Times, ông Hoàng, một người dân địa phương, nói rằng: “Thảm họa lũ lụt nghiêm trọng nhất là ở khu vực đô thị chính của Trùng Khánh, trong đó chủ yếu là khu vực trong bán kính hơn mười dặm xung quanh bán đảo Du Trung. Bán đảo Du Trung là do hai sông Trường Giang và sông Gia Lăng cắt nhau hình thành, và bến Triều Thiên Môn nằm ở giao điểm của hai con sông“.
Cổng Triều Thiên Môn bị che lấp, chỉ còn nhìn thấy tám biển tên (Twitter).
“Mực nước lũ ở khu vực đô thị chính của Trùng Khánh vào ngày 18 cao hơn khoảng 5 hoặc 6 mét so với mực nước lũ hồi tháng 7. Một số chợ đầu mối ở Thái Viên Bá, công viên San hô, công viên Trường Tân, đường Nam Tân, Bắc Tân… về cơ bản, mọi công viên đều bị ngập. Thái Viên Bá nằm cách sông Dương Tử ở Triều Thiên Môn 5 km về phía thượng nguồn“, ông cho biết.
Cổng Triều Thiên Môn ở Trùng Khánh đã bị ngập hoàn toàn vào khoảng 6 giờ tối ngày 18. Đến tối ngày 19, ngay cả sân ga phía trên cổng Triều Thiên Môn cũng bị ngập, chỉ còn tấm biển ló lên mặt nước. Các quan chức Trùng Khánh đã ban hành một thông báo sơ tán khẩn cấp vào đêm hôm đó, cho biết rằng đỉnh lũ di chuyển qua thành phố Trùng Khánh vào sáng sớm ngày 20/8.
Theo ông Hoàng, bến tàu Triều Thiên Môn thời cổ đại là nơi nghênh tiếp thánh giá (hoàng đế) hoặc các quan đại thần triều đình, hàm ý của nó giống như Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Để bị ngập như vậy là vô cùng đen đủi.
Ông Hoàng nhấn mạnh: “Năm nay tôi 39 tuổi, dù sao tôi cũng chưa từng chứng kiến trận lụt lớn như vậy. Chưa có trận lũ nào làm ngập đường Tân Giang“.
Ông cũng cho biết rằng đồn cảnh sát đường thủy Nam Kỷ Môn là một tòa nhà hai tầng, cách thượng nguồn Triều Thiên Môn 3 km dọc theo sông Dương Tử, và bên dưới là đường Trường Tân. Đường Trường Tân đã bị ngập trong trận lụt năm 2012, nhưng đồn cảnh sát không bị ngập. Lần này về cơ bản nó đã bị nhấn chìm.
Cô Dương đến từ Trùng Khánh cũng cho biết: “Nước sông Gia Lăng dâng cao quá, đã nhiều năm chưa có trận lụt nào như vậy. Những ngôi nhà cạnh sông Gia Lăng đều bị ngập, ô tô từ Trùng Khánh đến Từ Khí Khẩu đều không đi qua được”.
Được biết, vào ngày 19, sông Gia Lăng đã tràn ra bên ngoài động Hồng Nhai trên đường Gia Tân, tầng 1 của khu thắng cảnh hang động Hồng Nhai và nhà để xe dưới lòng đất đều bị ngập, mực nước cao hơn tầng 2 của khu thắng cảnh từ 2 đến 3 mét. Trong trận lụt, tất cả các hoạt động vận chuyển trên sông Dương Tử cũng bị đình chỉ, và tất cả các tàu đều bị đình chỉ.
Để ngăn chặn lan truyền thông tin, duy trì ‘ổn định’, chính quyền địa phương làm việc tới từng nạn nhân cụ thể
Ông Hoàng cho biết khi thiên tai mới phát sinh, truyền thông nhà nước của Hoa lục có báo cáo một chút, mọi người cũng liên tục quan tâm. “Bây giờ, chỉ cần không phải là nạn nhân hoặc người thân từng trải qua thiên tai, về cơ bản khó có thể hiểu được tình hình cụ thể của thảm họa”.
Ông nói, “Để ngăn chặn lan truyền tin tức, chính quyền địa phương đã lấy cớ duy trì ổn định, chỉ làm việc với từng nạn nhân cụ thể. Rất khó để biết số tiền bồi thường cụ thể hoặc tình trạng tái định cư, ngoại trừ các nạn nhân hoặc người thân của họ”.
Khi ông đăng tình hình thực tế lên Internet, nhiều nội dung trên WeChat và QQ đều bị chặn. Ông đã mượn câu thoại cổ điển trong bộ phim ‘Du kích đồng bằng’ đã mỉa mai rằng, “Cuộc phong tỏa ngày càng chặt chẽ hơn cho thấy ngày tận thế của ma quỷ đang đến”.
Trùng Khánh hứng chịu lũ lụt lớn trong 40 năm, mực nước đập Tam Hiệp đạt kỷ lục mới
Trận lũ ở thượng nguồn sông Dương Tử khiến Trùng Khánh hứng chịu trận lũ lớn nhất trong vòng 40 năm, đồng thời khiến mực nước đập Tam Hiệp ở hạ lưu Trùng Khánh đạt mức cao kỷ lục mới.
Vào ngày 18/7, khi đỉnh lũ số 2 của sông Dương Tử đi qua đập Tam Hiệp, mực nước tối đa của hồ đã lên khoảng 164,5m, vượt quá mực nước lớn nhất là 163,11m để điều tiết lũ kể từ khi xây dựng hồ Tam Hiệp.
Lúc 5 giờ sáng, mực nước hồ Tam Hiệp vượt kỷ lục 0,06 mét lên 167,52 mét, lưu lượng chảy ra 48.000 mét khối mỗi giây. Lúc 6 giờ sáng 22, mực nước hồ Tam Hiệp tăng thêm 0,04 mét lên 167,56 mét, lưu lượng dòng chảy ra là 48.100 mét khối mỗi giây.
Mặc dù không có thông báo chính thức về lưu lượng của hồ Tam Hiệp, nhưng theo so sánh giữa mực nước và lưu lượng đầu ra, rõ ràng lưu lượng đầu vào vẫn đang tăng lên.
Ông Hoàng lo lắng nói rằng, đập Tam Hiệp nằm tại hạ lưu Trùng Khánh, vô cùng nguy hiểm. “Như chúng ta đã biết, đập Tam Hiệp là một công trình ‘đậu phụ’ đích thực. Người ta nói rằng nó đã không được nghiệm thu sau khi hoàn thành. Buổi lễ hoàn thành không có sự tham dự của các nhà lãnh đạo chính của đất nước vào thời điểm đó và nó diễn ra qua loa lấy lệ“.
Ông cũng tâm sự “Sau trận động đất ở Vấn Xuyên năm 2008, tôi đã đọc nhiều bài báo dự đoán về sự cố vỡ đập Tam Hiệp. Sau đó, nhiều bài báo tương tự đã bị xóa sau năm 2014”.
Những năm gần đây, những cuốn sách đó lại được lưu hành trên thị trường để chuẩn bị cho các sự kiện lớn. Ông cũng cảnh báo người thân và bạn bè chuẩn bị lương khô, kê, lúa mì (không phải gạo và mì), đậu, thịt khô, nho khô, tấm pin mặt trời, đài thu thanh toàn dải sóng, và bộ dụng cụ khẩn cấp…
Vương Duy Lạc, một chuyên gia quy hoạch nổi tiếng và là tác giả của “Kế thứ ba mươi sáu của dự án Tam Hiệp”, nói với Epoch Times cách đây không lâu rằng dự án Tam Hiệp sẽ khiến lũ lụt ở thượng nguồn sông Dương Tử trở nên tồi tệ hơn, tác dụng đối với toàn lưu vực rất nhỏ. Hồ chứa Tam Hiệp chủ yếu sử dụng cho việc phát điện.
Tiến sĩ Hoàng Quan Hồng, con trai của chuyên gia kỹ thuật thủy lợi nổi tiếng ở Hoa lục Hoàng Vạn Lý, trước đó đã nhấn mạnh rằng lý do khiến cha ông và những người đương thời kiên quyết phản đối việc khởi động công trình đập Tam Hiệp, là vì khu vực thượng lưu sông đặt con đập này nằm giữa hai thành phố lớn Trùng Khánh và Vũ Hán. Đây chính là khiếm khuyết lớn nhất của thiết kế công trình đập Tam Hiệp.
Bây giờ thực tế đã chứng minh rằng đập Tam Hiệp được xây dựng bằng rất nhiều tiền bạc nhưng không thể cứu được lũ lụt trên toàn bộ lưu vực sông. “Nếu hồ chứa nước Tam Hiệp không xả nước, Trùng Khánh sẽ bị ngập lụt. Nếu nó xả nước, đoạn sông Trường Giang ở Vũ Hán sẽ biến Vũ Hán thành phố trên sông. Lúc này, nếu tình hình lũ trở nên tồi tệ hơn, mà đập Tam Hiệp xả ra, thì Vũ Hán sẽ càng ngập nặng hơn”.
Theo Luo Ya và Yulan, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch
Theo ĐKN