Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao kỷ lục, chính quyền TQ thúc đẩy việc người cao tuổi cũng có việc làm. Nhiều cư dân mạng đại lục tỏ ra bất mãn với điều này. Một số nhà quan sát tin rằng điều này là do tài chính của chính quyền TQ đang gặp khủng hoảng và họ muốn thoát khỏi trách nhiệm về lương hưu.
Người dân bất mãn khi người già bị chính quyền khuyến khích làm việc
Trang tin Tencent của Trung Quốc đưa tin vào ngày 25 tháng 8 rằng, vào ngày 24, trang web Mạng lưới Nhân tài Người cao tuổi Trung Quốc, do Hiệp hội Người cao tuổi Trung Quốc tổ chức, đã chính thức ra mắt. Theo báo cáo, trang web sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về người cao tuổi và nền tảng dịch vụ thông tin cho người cao tuổi, nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực người cao tuổi.
Theo tờ Newbillion đưa tin, hiện có hơn 1000 việc làm đã được đăng trên Mạng lưới Nhân tài Người cao tuổi Trung Quốc, tất cả vị trí công việc đều ở Bắc Kinh (Beijing), bao gồm giám đốc viện dưỡng lão, nhân viên bán hàng cho người cao tuổi, nhân viên công tác xã hội, y tá, phục vụ khách hàng người cao tuổi,… Mức lương trong khoảng từ 3.000 nhân dân tệ đến 30.000 nhân dân tệ tương đương 436$ đến 4.360$.
Sina đưa tin vào ngày 25/8 cho biết, thông báo tuyển dụng nhân viên phục vụ của McDonald’s cho thấy một cửa hàng McDonald’s ở Bắc Kinh (Beijing) tuyển người về hưu làm bồi bàn, yêu cầu phụ nữ từ 50 tuổi trở lên và nam giới trên 60 tuổi (cần có giấy chứng nhận nghỉ hưu), để làm việc 4 đến 5 ngày một tuần, làm việc từ 4-8h mỗi ngày, mức lương hàng tháng là từ 1800 tệ đến 3500 tệ (261$-509$).
Epoch Times ngày 26/8 cho biết, trên trang chủ của Mạng lưới Nhân tài người cao tuổi Trung Quốc, đăng thông tin tuyển dụng của Công ty Truyền thông Văn hóa Quốc tế Huệ Manh (Huimeng) Bắc Kinh (Beijing), đăng tuyển các vị trí là giám đốc hành chính, nhân sự và kinh doanh, với mức lương hàng tháng từ 5.000 đến 9.000 nhân dân tệ (727$-1300$).
Tờ Tencent ngày 26/8 đưa tin, “Báo cáo phát triển Trung Quốc 2020: Xu hướng và chính sách phát triển của việc già hóa dân số Trung Quốc” đã đề cập rằng kể từ khi bước vào xã hội già hóa vào năm 2000, mức độ già hóa dân số của TQ càng sâu sắc hơn. Đến năm 2050, sự già hóa của Trung Quốc sẽ đạt đến đỉnh điểm. Người trên 65 tuổi sẽ chiếm 27,9% tổng dân số.
Báo cáo dẫn lời Lý Vĩ (Li Wei) – giám đốc Hiệp hội Người cao tuổi Trung Quốc nói rằng “dân số trong độ tuổi lao động đang giảm và nhu cầu nguồn nhân lực không ngừng tăng lên”.
Theo số liệu của Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc, tính đến năm 2021, dân số Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên có hơn 267 triệu người, chiếm 18,9% tổng dân số cả nước. Trong đó, dân số từ 65 tuổi trở lên là 200,56 triệu người, chiếm 14,2%.
Tờ Epoch Times đã tổng hợp một số bình luận của cư dân mạng bày tỏ sự bất mãn trên Weibo đối với cuộc vận động người cao tuổi làm việc trở lại:
“Hơn 35 tuổi còn khó kiếm việc, đừng làm khó người ta nữa”.
“Những người trên 65 tuổi không nên được nghỉ hưu và hưởng thụ sao? Là vì cái gì vậy? Hết tiền phát lương hưu à?”
“Quốc gia không nuôi dưỡng người già, không lạ sao? Ai sẽ giúp đỡ con cái chăm cháu khi sinh con thứ ba đây?”
“Thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp, người cao tuổi trở lại làm việc và tạm thời ngừng công việc của tầng lớp trung lưu trong độ tuổi từ 35 đến 45 ư?”
“Tôi đã bắt gặp một thế hệ những người làm việc chăm chỉ, và họ vẫn còn đi làm sau khi nghỉ hưu. Trong khi đó, những người trẻ đang vật lộn để tìm việc làm và họ lo lắng rằng liệu họ có thể sống đến tuổi nghỉ hưu hay không.”
“Tôi không thể lập tức hiểu tất cả chuyện này, điều này chẳng phải có nghĩa là chấm hết đối với những người trẻ tuổi và những người trung niên sao?”
“Có vẻ như việc trì hoãn nghỉ hưu không thể giải quyết được vấn đề tài chính của quỹ lương hưu ???”
“Vốn dĩ 35 tuổi không phải là một trở ngại, 35 tuổi vẫn còn rất trẻ, nhưng người của đất nước này đã tạo ra một rào cản. Đất nước chúng ta thích tạo ra sự lo lắng về tuổi tác, Trung Quốc trước kia chưa bao giờ như thế này. Thời đại đang tiến về phía trước, chúng ta lại luôn đi thụt lùi, mâu thuẫn xã hội lại ngày càng lớn.”
“Thật đáng sợ. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì sau này người 35 tuổi thất nghiệp tập thể. Trên thì có 4 người già, dưới thì có 3 người trẻ (4 người già là chỉ hai bố mẹ của vợ và chồng, 3 người trẻ ý chỉ 3 người con theo khuyến khích sinh đẻ mới của chính quyền), hai vợ chồng hoàn toàn bất lực. Nếu quốc gia không điều chỉnh chính sách, các vấn đề xã hội sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai.”
Có lẽ vì có quá nhiều chất vấn, phương tiện truyền thông chính thức của TQ, tờ “Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh” đã đưa ra một bài báo vào ngày 26/8 giải thích rằng “nếu ngành nghề công việc chủ yếu của người cao tuổi khác với người trẻ, thì hai lĩnh vực sẽ bổ sung cho nhau”; “Cùng với sự gia tăng thu nhập của người cao tuổi, tiêu dùng gia tăng cũng sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng và công ăn việc làm mới”… Theo bài báo, trong môi trường việc làm đa dạng, không có vấn đề người cao tuổi “cướp bát cơm” của người trẻ.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao kỷ lục, số liệu chính thức vẫn còn thiếu
Tờ Sohu đưa tin, theo số liệu kinh tế do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện công bố vào tháng 7, nhiều chỉ số quan trọng trên cả nước đã giảm, và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên qua khảo sát đã tăng lên 19,9%, đạt mức cao kỷ lục mới.
Hoàng Kim Thu (Huang Jin Qiu), một nhân viên truyền thông cấp cao nói với tờ Epoch Times vào ngày 26 tháng 8 rằng, số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ thất nghiệp của chính phủ TQ là giả mạo.
Ông giải thích rằng thứ nhất là nông dân thất nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhưng lại không được thống kê. Thứ hai là nếu bạn làm việc chưa đến 1 năm, hoặc là đóng bảo hiểm xã hội chưa đến 1 năm, cũng không được thống kê trong số liệu thất nghiệp. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp, nếu vẫn chưa có việc làm, hoặc vẫn chưa được đơn vị nộp bảo hiểm, cũng không nằm trong nằm trong số liệu thống kê. Có một số người trẻ đến các thành phố để làm việc, họ cũng không muốn đợi cho đến khi nộp bảo hiểm đủ 15 năm, vì vậy họ không cần nộp bảo hiểm.
“Điểm thứ ba cũng rất buồn cười. Nếu bạn tự bỏ việc, sẽ không được tính là thất nghiệp. Bản thân tôi đã từng trải qua. Vì vậy, tôi nghĩ nếu cộng thêm số người thất nghiệp trong ba trường hợp trên, (tỷ lệ thất nghiệp) có thể vượt quá 30%, thậm chí có thể là 40%”, Hoàng Kim Thu
Chuyên gia: chính quyền Trung Quốc đang từ bỏ trách nhiệm nuôi dưỡng người già trong cuộc khủng hoảng tài chính
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với tờ Epoch Times vào ngày 26/8 rằng, chính quyền TQ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính trên khắp đất nước, nhiều nơi không thể phát lương hưu, vì vậy chính quyền đã để cho người dân tự lo cho bản thân.
“Thanh niên không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao như thế, mà lại yêu cầu người già đi làm trở lại, họ chỉ là đang vứt bỏ trách nhiệm. Có quá nhiều người già không nơi nương tựa, còn có người cuộc sống khó khăn, họ (chính phủ TQ) vứt bỏ trách nhiệm với người dân, để họ tự kiếm đường mưu sinh, chỉ lo cho bản thân, sự thật chính là như vậy.”
Theo tờ Sina Finance của Trung Quốc công bố vào ngày 10 tháng 8, tài chính công của 31 tỉnh ở Trung Quốc đều thâm hụt trong nửa đầu năm. Nhiều địa phương cho biết, lương của công nhân viên chức bị cắt giảm.
Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một học giả sinh sống tại Hoa Kỳ , nói với tờ Epoch Times hôm 26/8 rằng một trong những lý do chính thức thúc đẩy phong trào tạo việc làm cho người cao tuổi là do chính sách zero covid hiện nay đã phá hủy xã hội đô thị. Một lượng lớn những người lao động nhập cư đến thành phố kiếm làm việc không tiếp tục chờ được nữa, nhiều người đã hồi hương; nhân lực thành phố thiếu hụt, nên vận động người cao tuổi vào làm việc để bổ sung.
Nguyên nhân thứ hai chính là thiếu tiền lương hưu một cách nghiêm trọng, số lượng lớn tiền quỹ bị chiếm dụng, không thể phát lương hưu nên người cao tuổi được khuyến khích tìm việc làm để giảm bớt áp lực cho chính phủ TQ.
Lương hưu trong quỹ an sinh xã hội của Trung Quốc đã bị thâm hụt rất lớn từ vài năm trước. Theo tờ NetEase, năm ngoái, lương hưu cơ bản thiếu hụt đến 700 tỷ nhân dân tệ. Báo cáo năm 2020 của Hiệp hội Bảo hiểm Trung Quốc đã nói rằng trong 10 năm tới, thâm hụt lương hưu quốc gia dự kiến là 8 nghìn tỷ đến 10 nghìn tỷ tệ.
Hoàng Kim Thu (Huang Jin Qiu), một người làm truyền thông cấp cao ở Trung Quốc đại lục cho biết, do chính sách kế hoạch hóa gia đình trước đây của chính phủ TQ, dẫn đến một số lượng lớn các bậc cha mẹ chỉ có một con. Nếu một đứa trẻ không may tử vong, chỉ còn lại hai vợ chồng già, nhưng chính phủ không sẵn sàng chịu hoàn toàn trách nhiệm về người lớn tuổi. Thêm vào đó, lương hưu luôn bị thâm hụt, thậm chí bị chiếm dụng, vì vậy chính phủ muốn người cao tuổi quay trở lại làm việc.
Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai) tin rằng chính quyền không thể giải quyết được vấn đề cơ bản: “chính quyền TQ hiện đang cố gắng bằng mọi cách để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nặng nề, họ cũng yêu cầu người già mua nhà mới, yêu cầu các công chức gây quỹ để ủng hộ thị trường bất động sản của chính quyền TQ. Đây đều là mánh khóe, tìm cọng cỏ cứu mạng khắp mọi nơi.”
Tuy nhiên, Hoàng Kim Thu (Huang Jin Qiu), người đã khởi nghiệp ở Thượng Hải và những nơi khác, nói rằng nhiều bạn trẻ là con một, được nuông chiều và thiếu kỹ năng. Họ dựa vào tiền của cha mẹ để đến trường, ở trường thì chơi game cho đến khi tốt nghiệp. Vốn dĩ không được dạy dỗ tử tế ở gia đình, sau khi đến trường lại bị ĐCSTQ tẩy não thành đội quân 5 hào, tiểu phấn hồng, loại người này chiếm tỉ lệ rất cao.
Tuy nhiên việc tuyển dụng một số người cao tuổi ở độ tuổi 60, có sức khỏe tốt có thể tiết kiệm chi phí, vì những người này có kinh nghiệm, kỹ năng và chịu được khó khăn, thái độ tốt và mức lương họ yêu cầu là không cao. Vì vậy, họ sẽ được chào đón hơn các thanh niên thiếu năng lực và thái độ làm việc không tốt.
Xem thêm: TQ -Tuyết lại phủ mùa hè | DBC News
Theo ĐKN