Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó biết bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật – Đạo -Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này vô vàn kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, ngõ hầu cùng nhau ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
“Không thầy đố mày làm nên”, người Việt vốn có truyền thống tôn sư trọng Đạo. Nếu như không có một người thầy giỏi chắc chắn cũng không thể có những danh nhân kiệt xuất…
Hậu thế sẽ đo lường sự thành công của một thầy giáo bằng những thành tựu và địa vị mà người học trò của ông đạt được. Với cách đo lường như thế, có lẽ trong lịch sử Việt Nam không ai qua được một ông giáo ít tiếng tăm nhưng lại có những môn đệ nổi tiếng, lưu danh sử sách.
Đó chính là nhà giáo Trương Văn Hiến, thầy dạy của 3 anh em Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ.
Từ kẻ đào tẩu…
Sử chép Trương Văn Hiến là người Hoan Châu (Nghệ An – Hà Tĩnh ngày nay). Ông là anh em thúc bá với Trương Văn Hạnh, đại thần thờ Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Sau khi Nguyễn Phúc Khoát qua đời, quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền, Trương Văn Hạnh tỏ ý phản đối nên bị Trương Phúc Loan bắt giết. Trương Văn Hiến phải bỏ vào Nam.
Theo sách “Võ nhân Bình Định”, Trương Văn Hiến tuổi trẻ tài cao, tinh thông thao lược văn võ. Một hôm, trên đường vào Nam, ghé vào nghỉ chân tại ngôi chùa hẻo lánh, ông quen biết vị trụ trì có hiệu là Trí Viễn thiền sư, vốn là quan trả ấn về nương cửa Phật. Theo lời khuyên nhủ của thiền sư, Trương Văn Hiến vào Quy Nhơn (Bình Định) lập nghiệp.
Những dữ kiện lịch sử ấy cho thấy Trương Văn Hiến là một người có xuất thân không hề tầm thường, lại có quan hệ với quan đại thần hàng đầu đương thời. Thời cuộc khiến ông phải bôn ba, trốn chạy cái chết. Nếu như chỉ là một kẻ tầm thường, vì sao sao nhà cầm quyền phải lo lắng, truy sát ông đến thế? Chắc chắn đối với họ, Trương Văn Hiến là một mối họa vì quan hệ cũng như khả năng của ông.
… Đến một kỳ nhân tinh thông thuật số, văn võ toàn tài
Sách xưa ghi: sau khi ghé chân miền đất võ, Trương Văn Hiến thường xuyên giao du khắp nơi. Bấy giờ, ngoại thành Quy Nhơn có một bậc phú gia tên Phan Nghĩa, tính tình đôn hậu, giao thiệp rộng rãi, bạn bè khắp nơi. Trong nhà, thực khách luôn có đến hàng chục người. Ông có nuôi một toán võ sĩ đi theo áp tải đội thuyền buôn. Đứng đầu là võ sư Đặng Quan, sức mạnh và võ công hơn người.
Một hôm, Đặng Quan cùng bộ hạ áp tải một số hàng quan trọng và bị cướp. Cầm đầu là tên cướp tên là Song Tiên, võ nghệ cao cường, hành tung bí hiểm. Trong trận chiến ngang sức ngang tài này, Đặng Quan trúng tên bắn lén, rơi xuống sông. Vùng vẫy trong dòng nước, Đặng Quan cố sức bơi vào bờ. Thấy võ sư lâm nạn, biết không đánh lại bọn cướp, những người đi theo bèn nhảy xuống sông tẩu thoát.
Đang lúc nguy nan ấy, một trang hán tử xuất hiện, xông vào đánh dạt bọn cướp, lại dùng sào chống ghe cứu những người bị nước sông cuốn đi. Người đó không ai khác chính là Trương Văn Hiến. Vì võ sư Đặng Quan bị thương, Trương Văn Hiến nhận lời tháp tùng bảo vệ chuyến hàng.
Sau khi ghé lại nhiều lần quan sát địa lý, phong thủy, Trương Văn Hiến quyết định chọn vùng đất An Thái làm nơi lập nghiệp. Ông mở trường dạy học cả văn lẫn võ, gần như biệt lập với xóm làng. Nhân dân trong vùng đem con đến nhập học rất đông. Thầy giáo Hiến khi nhận học trò điều kén lựa môn sinh theo hai tiêu chuẩn: Tư chất và đức tính. Tư chất phải thông minh, hiếu học, đức tính phải kiên trì và nhân ái. Học trò các huyện, tỉnh khác đều có người đến xin học. Văn thì chuyên binh thư đồ trận, võ học đủ thập bát ban.
Rõ ràng Trương Văn Hiến không phải là một ông giáo làng tầm thường từ cái cách ông chọn nơi lập nghiệp rất kỹ lưỡng đến võ công mà ông thể hiện ra khi một mình đánh dạt hết cả đám cướp đầy đủ vũ khí, cung tên. Đây rõ ràng là phẩm chất của một vị tướng quân tài năng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, cũng như am hiểu võ công binh pháp. Ông mở trường chẳng qua để đặt nền móng cho một căn cứ địa bồi dưỡng nhân tài để dùng vào việc lớn ngày sau.
Với nhãn quan xuất sắc về chính trị cũng như phân tích nhạy bén về tình thế thiên hạ, Trương Văn Hiến đã dặn dò những người học trò giỏi nhất của mình là 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ rằng:
“Các con là người của đất Tây Sơn. Tây Sơn khởi nghĩa sẽ lập nên sự nghiệp lớn ở miền Bắc, phục hồi nền nhất thống. Các con nên đổi thành họ Nguyễn để có danh nghĩa lập công”. Từ đó, anh em Tây Sơn từ họ Hồ đổi ra họ Nguyễn.
Chính câu nói này đã khai tâm cho những người môn đệ kiệt xuất và có chí lớn như 3 anh em Tây Sơn nung nấu ý chí quật khởi. Có thể nói không ngoa rằng không có sự giáo dưỡng, chỉ bảo của vị danh sư Trương Văn Hiến thì chắc không có sự ra đời của nhà Tây Sơn. Có một vị thầy trình độ như vậy nên không khó hiểu vì sao anh em Tây Sơn chỉ sau khi xuất đạo 5 năm đã có thể chọc trời khuấy nước, đánh bại tất cả anh hùng trong thiên hạ, dựng nên sự nghiệp võ công huy hoàng.
Đệ tử đều là hào kiệt trong thiên hạ
Thành tựu của học trò chính là niềm hãnh diện của người thầy. Giáo Hiến đã đào tạo được một nhóm đệ tử thật sự có thể dẹp yên thiên hạ theo chí nguyện của thầy. Đệ tử của ông gồm có 2 vị hoàng đế và 1 vương gia, chính là 2 Hoàng đế Quang Trung và Thái Đức.
“Đại Nam chính biên liệt truyện” có chép: “Huệ tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện, là người thông minh, hoạt bát, giỏi chiến đấu, người người đều kinh sợ“. Nguyễn Huệ với tài năng thiên bẩm, lại nhờ sự giáo dục cẩn thận của Trương Văn Hiến đã lập nên một sự nghiệp ngoài sức tưởng tượng và những chiến công hiển hách, quét sạch quần hùng, thống nhất đất nước, lại đập tan 2 cuộc xâm lược quy mô lớn của ngoại bang (quân Xiêm và quân Thanh). Ông chính là vị Hoàng đế hiếm hoi bách chiến bách thắng từ lúc xuất đạo đến lúc mất.
Anh trai Nguyễn Huệ là Nguyễn Nhạc cũng là một nhân vật không tầm thường. Ông là người đầu tiên xưng đế của nhà Tây Sơn, là chiến lược gia và tổng chỉ huy xuất sắc của nghĩa quân Tây Sơn từ buổi đầu. Không có chiến công chiếm thành Quy Nhơn và sách lược ứng phó mềm dẻo với các thế lực cát cứ họ Trịnh, họ Nguyễn bấy giờ, chắc chắn sẽ không có đất diễn sau này cho Nguyễn Huệ.
Đông Định Vương Nguyễn Lữ ít nổi danh như 2 người anh em vì bản tính ông ít nói và ít biểu lộ cảm xúc ra ngoài. Nhưng ông chính là đại tông sư võ học nổi tiếng, sáng tạo ra môn “Hùng Kê Quyền”, chuyên dùng để huấn luyện cho các tân binh, đảm bảo trong một thời gian ngắn có thể tung hoành trên chiến trường. Cho đến nay, võ phái này vẫn còn lưu truyền và phát triển.
Ngoài 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ thì giáo Hiến cũng đào tạo nên nhiều đại thần phò tá đắc lực cho nhà Tây Sơn, có thể kể ra những cái tên nổi bật như: Đô đốc Võ Văn Dũng một trong tứ trụ triều đình Tây Sơn, cũng là võ tướng xuất sắc nhất dưới trướng Hoàng đế Quang Trung. Đô Đốc Đặng Văn Long và Phan Văn Lân từng góp mặt trong chiến thắng oanh liệt trước quân Thanh của Quang Trung. Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Danh ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, làm quan triều Tây Sơn, tác giả bộ sử “Tây Sơn thư hùng ký”. Huỳnh Văn Thuận ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, Tướng Tây Sơn đã tham chiếu hai bộ ‘Binh Ngô tôn pháp’ và ‘Hưng Đạo binh pháp’, soạn ra bộ Binh pháp Tây Sơn. Trương Văn Đa, sinh tại An Thái, Nhơn Phúc, Bình Định, (là con trai và cũng là học trò Trương Văn Hiến, con rể Nguyễn Nhạc) là tướng Tây Sơn, có công đánh quân Xiêm, làm trấn thủ Gia Định rất được lòng dân, sau là thầy dạy thái tử Bảo.
***
Có câu: “Danh sư xuất cao đồ”. Sinh ra trong thời loạn lạc, khi mà nhân nghĩa đạo lý bị coi rẻ, giáo dục điêu linh, bản thân thì phải lưu vong nhưng Trương Văn Hiến vẫn cố gắng lập nên trường lớp để truyền dạy cho đồ đệ mà không bi quan, xuôi tay với thời cuộc.
Những cố gắng của Trương Văn Hiến trong thời loạn lạc chính là nỗ lực gửi gắm hoài bão kinh bang tế thế dang dở của mình vào tay lớp người hậu sinh. Những thế hệ mô đồ mà ông dạy dỗ đã tạo ra những kỳ tích và chiến công hiển hách chấn động toàn Việt Nam mang tên Tây Sơn. Bỏ qua những lời khen chê, chỉ tính trong cương vị nhà Nho và nhà giáo, khó có thể nói ai làm tốt hơn ông trong sử sách xưa nay.
Minh Trí
Đăng theo ĐKN