Cổ nhân dạy: Làm điều thiện sẽ có điều thiện đáp lại, làm điều ác sẽ gặp phải điều ác. Đây chỉ là một lẽ sống, ước vọng, hay thật sự là đạo lý vĩnh hằng?

“Minh Tâm Bảo Giám” là cuốn sách cổ ghi chép những lời răn dạy của Thánh hiền, trong đó có đoạn:

Tích thiện sẽ gặp điều thiện, tích ác sẽ gặp điều ác.
Suy nghĩ điều tử tế thì trời đất sẽ không phụ người.
Làm điều thiện sẽ có điều thiện đáp lại, làm điều ác sẽ có điều ác đáp lại.
Nếu chưa thấy đáp lại, chẳng qua là thời điểm chưa tới mà thôi.

Nguyên văn:

Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác.
Tử tế tư lương, thiên địa bất thác.
Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.
Nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo.

Người xưa luôn tâm niệm: “Thiện ác hữu báo”, tin rằng đó là quy luật của tạo hoá, là Thiên lý vĩnh hằng. Nhưng người ngày nay không mấy ai tin vào điều ấy, có chăng chỉ cho đó là một lẽ sống, hay một ước vọng cao đẹp của cổ nhân. Cũng có người coi đó không gì hơn là lời an ủi động viên cho những người tốt nhưng không gặp may mắn trong cuộc sống.

Ảnh: Wemp.

Có câu chuyện kể rằng, xưa có cô gái trẻ đoản mệnh qua đời, sau khi tới âm gian lại kết duyên với một vị quan sai dưới địa phủ. Một ngày nọ nguyên thần của cậu em trai trên dương thế của cô ly thể và có cơ hội gặp lại chị gái cũng như người anh rể dưới âm gian.

Cậu em trai rất hiếu kỳ muốn tìm hiểu thế giới dưới địa phủ, vậy nên đã nhất mực đòi theo chân khi anh rể chuẩn bị đi làm. Ban đầu người anh rể cương quyết từ chối mà nói: “Nơi đó làm sao có thể để người ngoài tùy ý muốn tới là tới được”. Nhưng vì nể lời vợ, anh ta mới trầm ngâm suy nghĩ rồi nói: “Cho em đi theo cũng được, nhưng ta phải bịt miệng em lại đã”. Nói đoạn liền dùng vải bịt miệng cậu em vợ và đưa cậu cùng đi làm.

Nơi họ đến có rất nhiều kẻ phạm tội đang xếp thành hàng, mỗi người đều bị tra xét, hỏi tội, và bị phán quyết hình phạt. Trong những tội nhân bị phạt nhục hình có một người phải chịu Lạc hình, bị một dụng cụ giống như bàn là đốt cháy da thịt, đốt tới khi phía sau lưng bốc mùi khét lẹt, khiến tội nhân đau đớn tới mức tê tâm liệt phế, gào thét ngất đi. Cậu em vợ chứng kiến cảnh này, khuôn mặt vừa hãi hùng vừa có đôi chút ngỡ ngàng, cậu ra sức kéo thật mạnh gấu áo anh rể như muốn nói điều gì đó. Tuy nhiên, anh rể cậu ra hiệu không được cử động và ấn vai cậu ngồi xuống.

Về đến nhà, người anh rể tháo tấm vải bịt miệng cậu em vợ ra và hỏi: “Này, tại sao lúc ta đang thực hiện hình phạt với tội nhân, em lại kéo áo ta?”. Người em vợ ngần ngừ hồi lâu rồi trả lời với giọng buồn rầu: “Bởi em nhận ra đó là bác trai. Bác ấy thường ngày vẫn mạnh khoẻ, giờ lại bị hành hạ tới đau đớn tột cùng như vậy, sao em có thể đứng nhìn thản nhiên kia chứ?”.

Người anh rể nói với cậu: “Người bác trai mà em thấy sáng nay chính là “âm mệnh” của người bác trai trên dương thế. Khi âm mệnh của bác ấy bị nhục hình ở lưng, thì đối ứng trên dương thế, lưng của bác ấy sẽ có biểu hiện phát bệnh như lở loét, đau đớn. Nguyên nhân là bởi bác ấy đã dùng vai và lưng để ăn trộm đồ của người khác, vậy nên nghiệp lực tích tồn trên đó. Nếu muốn khỏi bệnh, trước tiên cần ăn năn hối cải và thật sự nhận ra lỗi lầm của mình, sau đó dùng tàn hương và dầu vừng bôi lên chỗ lở loét thì vài ngày sau bệnh sẽ lành”.

Ảnh minh họa: Flickr.

Sau khi về dương gian, cậu em trai lập tức tới thăm bác mình và quả nhiên thấy lưng của ông đang bị lở loét nghiêm trọng, đau đớn khủng khiếp tới mức không thể nằm thẳng trên giường. Vết loét vừa sưng vừa chảy nước vừa bốc ra mùi khó chịu, khiến ông đau đớn tới phát sốt toàn thân.

Cậu bèn hỏi: “Bác trai à, có phải bác đã dùng vai và lưng để lấy trộm thứ đồ gì của người ta không?”. Ông kinh ngạc nhưng vẫn cố nén cơn đau và cứng giọng quát cháu: “Thằng tiểu tử này, làm sao cháu biết được chuyện đó?”. Cậu bèn kể lại những điều mắt thấy tai nghe tại âm gian cho ông nghe.

Sau khi nghe xong, người bác suy nghĩ hồi lâu và cảm thấy thực sự hối hận về những điều bản thân đã làm. Thì ra nhân quả báo ứng không phải lời nói suông mà hoàn toàn là có thật, một việc sai sót dù không ai hay biết nhưng cuối cùng đều phải nhận quả báo. Sau đó cậu làm theo lời anh rể, dùng tàn nhang và dầu vừng bôi lên chỗ lở loét cho bác, vài ngày sau bệnh tình hoàn toàn bình phục.

Các thầy thuốc Trung y thời cổ đại, với kinh nghiệm khả năng trị bệnh siêu thường, có thể từ một bộ phận mắc bệnh trên thân thể của bệnh nhân mà biết được họ đã tổn đức hay thất đức ở đâu. Ví dụ: Dâm loạn và có tâm oán hận sẽ tổn thương tới thận tạng và bộ phận sinh dục, bất nghĩa hoặc phiền muộn sẽ tổn thương phế tạng, bất nhân hoặc tức giận sẽ tổn thương can tạng, tâm bất chính hoặc nổi nóng bực bội sẽ tổn thương tới tim, thất tín hoặc luôn trách móc người khác sẽ tổn thương tới tỳ tạng. Nếu một người luôn có phẩm đức cao thượng, thiện lương, khoan dung và nhường nhịn, cơ thể sẽ khỏe mạnh và trường thọ, đó chính là đạo lý.

Theo Đại Kỷ Nguyên