Kể từ khi dịch bệnh viêm phổi bùng phát ở Vũ Hán, nhiều tỉnh và thành phố tại Trung Quốc như Hồ Bắc, Chiết Giang và Hà Nam đã bị phong tỏa. Tuy nhiên, điều khiến ngoại giới cảm thấy hết sức đáng quan ngại là không thể nắm bắt được tình hình thực sự của dịch bệnh. Mới đây, một phụ nữ 33 tuổi ở Vũ Hán đã kể lại tình trạng bi thảm khi mà các cơ sở y tế đều thiếu thốn về cả nhân lực và trang thiết bị, người dân cầu cứu mà không có ai giúp.
Hình ảnh một bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Ảnh: Getty Images)
Theo BBC, cô Vương Văn Tuấn, một người phụ nữ chăm lo việc nội trợ gia đình vẫn ở lại thành phố kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa từ ngày 23/1. Cô Vương Văn Tuấn tiết lộ rằng, người chú của cô đã chết vì nhiễm bệnh viêm phổi, cha cô hiện đang trong tình trạng nguy kịch; còn mẹ và dì của cô cũng đã xuất hiện một số triệu chứng của dịch bệnh. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, phổi của mẹ và dì của cô bị nhiễm trùng; anh trai cô thì bắt đầu bị ho và khó thở.
Cô Vương còn nói, trước đó một ngày khi cô nhận lời phỏng vấn của BBC, cha cô đã bị sốt cao trên 39,3 độ; ông cũng bị ho và khó thở. Gia đình đã gấp rút mua một máy oxy trợ thở cho ông sử dụng cả ngày. Hiện tại, cha của cô Vương Văn Tuấn đang dùng cả thuốc Tây y và Trung y nhưng vẫn chưa được nhập viện. Do bệnh viện thiếu thiết bị xét nghiệm axit nucleic nên nhân viên y tế vẫn chưa thể xác nhận xem ông có bị nhiễm virus corona hay không.
Mẹ và dì của cô Vương Văn Tuấn ngày nào cũng đến bệnh viện với hy vọng có thể tìm được giường trống cho cha cô nhập viện, nhưng đến nay vẫn không có bệnh viện nào sẵn sàng nhận họ.
Cô Vương Văn Tuấn nói, ở Vũ Hán, có nhiều điểm cách ly có thể tiếp nhận những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc đang trong thời gian ủ bệnh, nhưng đối với những bệnh nhân nặng như cha cô, họ không còn giường. Trên thực tế, chú của cô đã chết tại điểm cách ly thiếu thiết bị y tế này. Vương Văn Tuấn rất mong muốn cha cô có thể được điều trị kịp thời, nhưng hiện tại không ai liên lạc với cô hoặc đề nghị trợ giúp gia đình cô.
Vương Văn Tuấn cũng đã liên lạc với nhân viên cộng đồng nhiều lần để được giúp đỡ, nhưng họ đều trả lời: “Chúng tôi không tìm được bất kỳ giường trống nào.”
Cô còn cho biết, ban đầu gia đình cô nghĩ rằng chú và cha cô sẽ được cách ly ở bệnh viện, nhưng hóa ra điểm cách ly đó chỉ là một khách sạn không có bác sĩ chuyên nghiệp, cũng không có máy sưởi. Có một hôm vào buổi chiều, họ đến gặp các nhân viên tại điểm cách ly xin được trợ giúp, cộng tác viên tại đó đã đưa cho họ một phần ăn nguội lạnh cho bữa tối. “Lúc đó chú tôi bệnh nặng, có triệu chứng hô hấp nghiêm trọng, có lúc mất cả ý thức; nhưng không có một bác sĩ nào đến thăm bệnh cho ông cả. Chú và cha tôi chỉ có thể chờ đợi ở trong phòng. Đến khoảng 6:30 chiều khi cha tôi đến xem chú tôi thế nào, thì phát hiện chú tôi đã qua đời rồi.”
Vương Văn Tuấn chỉ ra, Bệnh viện Hỏa Thần Sơn mới xây dựng cũng chỉ đủ để tiếp nhận bệnh nhân từ các bệnh viện khác chuyển sang, cho nên những trường hợp như gia đình cô thì cho dù có giường trống cũng không thể vào, căn bản là không thể nào nhập viện Hỏa Thần Sơn để điều trị.
Cô nhấn mạnh, theo như chỉ thị của chính phủ, nơi duy nhất họ có thể đến là điểm cách ly. Nhưng nếu họ thực sự đến điểm cách ly, “Vậy thì chuyện xảy ra với chú tôi sẽ lại xảy đến với cha tôi”, “Do đó, chúng tôi thà chết ở nhà còn hơn.”
Trên thực tế, bi kịch trong gia đình của Vương Văn Tuấn không phải là một trường hợp duy nhất. Cô cho biết cha của bạn mình thậm chí đã bị nhân viên từ chối tại điểm cách ly vì “ông ấy bị sốt cao”. Cơ sở vật chất và trang thiết bị ở địa phương hiện vô cùng thiếu thốn, trong khi virus lại lây lan quá nhanh. “Chúng tôi rất sợ hãi, thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
Khi được hỏi về việc có muốn nhắn gửi thông điệp gì với mọi người hay không, cô Vương Văn Tuấn đã nói đầy bất lực: “Nếu tôi biết họ (chính phủ) đóng cửa thành phố vào ngày 23/1, tôi chắc chắn sẽ đưa gia đình tôi đi khỏi Vũ Hán từ sớm, bởi vì ở đây không có ai trợ giúp chúng tôi cả.” Nếu như ở bên ngoài thành phố, có thể vẫn còn có hy vọng. Cô Vương cũng không biết việc gia đình cô nghe theo chỉ thị của chính phủ, ở lại Vũ Hán có phải là lựa chọn đúng đắn hay không, “Nhưng tôi cho rằng, cái chết của chú tôi đã trả lời được câu hỏi này.”
Minh Ngọc - Đăng theo trithucvn