Nhân dịp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo “bất ngờ” tới thăm Việt Nam – chặng cuối cùng trong chuyến công du châu Á nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở để đối kháng với Trung Quốc – nhà bình luận thời sự Tang Jingyuan của Epoch Times đã cho rằng đây là một tin tức rất quan trọng, nhưng do sức nóng của cuộc bầu cử Mỹ và bê bối nhà Biden mà tin tức này khá “chìm” trong biển thông tin.
Sáng 30/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đón, hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Richard Pompeo (Ảnh: VGP/Hai Minh)
Theo lịch trình do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, ban đầu ông Pompeo dự định thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia từ ngày 26 đến ngày 30/10 và không bao gồm Việt Nam. Mãi đến chiều hôm 28/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới bất ngờ thông báo sẽ mời ông Pompeo thăm Việt Nam từ ngày 29 – 30/10 để kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ngay lập tức, nhiều phương tiện truyền thông chính thức nhà nước Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin để hướng dẫn dư luận, nói rằng sự gần gũi của Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ chỉ gây hại mà không có lợi.
Theo ông Tang, tin ông Pompeo tới Việt Nam vào “phút chót” quan trọng bởi ảnh hưởng của nó tới ĐCSTQ. Ông cho biết thông thường chỉ có hai tình huống xảy ra đối với những chuyến thăm đột xuất ngoài kế hoạch: hoặc có một sự kiện khẩn cấp lớn có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên và phải thương lượng trực tiếp; hoặc hai bên đã thương lượng trước nhưng vì do vấn đề nhạy cảm nên không thông báo trước để tránh can thiệp, vì vậy chỉ đưa ra thông báo lúc sắp diễn ra.
“Trong cả hai trường hợp, điều đó cho thấy chuyến thăm này có tầm quan trọng lớn và khác xa với một cuộc gặp kiểu tiệc tùng kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao,” ông Tang nhận định.
Trong tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận chuyến thăm Việt Nam chiều 28/10 cho thấy ông Pompeo mong muốn thể hiện sự “ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập.” Ngoài ra, chuyến thăm cũng nhằm “tái khẳng định mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và thúc đẩy mục tiêu chung của hai nước là duy trì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.”
Các từ khóa đáng lưu ý ở đây là “độc lập”, “hợp tác toàn diện” và “hòa bình khu vực”. Có thể thấy rõ ràng rằng Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Hợp tác toàn diện bao gồm hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự, và ý nghĩa cụ thể của “khu vực” chắc chắn là Biển Đông, không chỉ bao gồm quần đảo Trường Sa mà còn cả quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó, ông Pompeo đã đến thăm Ấn Độ và lần đầu tiên ông tới Sri Lanka. Tại Sri Lanka, ông Pompeo đã thẳng thừng tố cáo ĐCSTQ là “kẻ săn mồi” trong cuộc họp báo, nói rằng Trung Quốc mang đến Sri Lanka những giao dịch tồi tệ và sự vô pháp luật, và rằng thỏa thuận “Vành đai và Con đường” do ĐCSTQ và Sri Lanka ký là “xâm phạm chủ quyền địa phương”.
Tại Ấn Độ, ông Pompeo đã ký “Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản” Mỹ – Ấn, một thỏa thuận quan trọng về hợp tác quân sự. Theo đó, quân đội Ấn Độ có thể chia sẻ dữ liệu địa lý và không gian với quân đội Mỹ, và theo chiều ngược lại, quân đội Mỹ có thể cung cấp cho quân đội Ấn Độ các hệ thống vũ khí tinh vi và cải thiện độ chính xác của tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và vũ khí UAV của Ấn Độ.
Đáng chú ý, đây là thỏa thuận hợp tác quân sự thứ tư được ký kết giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ kể từ năm 2002. Trên thực tế, hai bên đã coi nhau như các đồng minh quân sự, và liên minh quân sự này chắc chắn sẽ trở thành khuôn khổ chính của Tiểu NATO phiên bản Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, ông Tang cho rằng mục tiêu của chuyến thăm Việt Nam của ông Pompeo rõ ràng là nhằm vào ĐCSTQ. Ông cũng đưa ra một số dự đoán như:
- Hoa Kỳ sẽ ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa bằng hành động. Điều này không chỉ gây khó khăn cho Tập Cận Bình trong việc mở rộng yêu sách lãnh thổ phi pháp ở biển Đông, mà ngay cả việc giữ quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã xâm lược trước kia cũng có thể sẽ gặp một số đối kháng.
- Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong quá trình chuyển giao chuỗi cung ứng và Hoa Kỳ cần xác nhận sự an toàn của mình tại đây. Mỹ cũng có thể mang tới thêm nhiều thoả thuận kinh tế và thương mại hơn cho Việt Nam.
- Một khi NATO Châu Á – Thái Bình Dương gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia được thành lập, Việt Nam, Sri Lanka và các nước ASEAN khác rất có thể trở thành nhóm mục tiêu gia nhập đầu tiên.
- Nếu hợp tác quân sự Việt – Mỹ theo gương hợp tác Mỹ – Ấn, thì việc Mỹ thuê Vịnh Cam Ranh chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Vịnh Cam Ranh được mệnh danh là quân cảng số 1 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, có giá trị chiến lược vô cùng quan trọng. Nếu quân đội Mỹ đóng quân thuận lợi thì chẳng khác nào dùng dao nhọn đâm thẳng vào huyết mạch vận chuyển vật chất chiến lược của ĐCSTQ. Hơn nữa, một khi Hoa Kỳ quyết định phá dỡ các công trình bất hợp pháp trên quần đảo Trường Sa của ĐCSTQ, điều đó sẽ tiết kiệm thời gian, công sức và thuận tiện hơn.
Theo ông Tang, hiện chưa rõ chuyến thăm chóng vánh lần này của ông Pompeo tới Việt Nam sẽ dẫn đến điều gì, nhưng ông cho rằng ĐCSTQ chắc chắn nhận rõ được những nguy cơ cho mưu đồ bành trướng của mình trên biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Hà Nội hôm 30/10 (Ảnh: VGP/Hai Minh)
Thời báo Hoàn Cầu phản ứng
Thời báo Hoàn Cầu hôm 29/10 đã đăng bài viết khẳng định nỗ lực của ông Pompeo nhằm “lôi kéo” Việt Nam vào cái gọi là Tiểu NATO sẽ thất bại.
Tờ báo viết: “Nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đưa Việt Nam vào trong NATO phiên bản châu Á sẽ chẳng đi đến đâu, vì tình bạn lâu đời của Trung Quốc với các nước châu Á sẽ không bị ảnh hưởng bởi một chuyến thăm của các quan chức Mỹ, cũng như Việt Nam sẽ không sẵn sàng làm bia đỡ đạn cho Mỹ.”
Tờ báo dẫn lời Qian Feng, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết “chuyến đi bất ngờ đã vạch trần chủ nghĩa cơ hội của Washington trong chiến lược chống Trung Quốc”.
Ông Qian cho biết Việt Nam hy vọng sẽ sử dụng động lực của Hoa Kỳ như một con bài thương lượng để hỗ trợ mình ở Biển Đông, nhưng ông lưu ý rằng “tiếng nói bất hòa của Việt Nam không thể thay thế cho ASEAN nói chung.” Ông Qian khẳng định Việt Nam sẽ tránh công khai thách thức Trung Quốc hoặc công khai đứng về phía nào.
“Các tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông có thể được đàm phán, nhưng điều này nên được giới hạn trong phạm vi hai nước láng giềng, và sự tham gia của nước thứ ba sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề này… Việt Nam không nên sai lầm khi nhận định rằng Mỹ sẽ gạt bỏ những định kiến và khác biệt về ý thức hệ với nước Cộng sản,” Thời báo Hoàn Cầu viết.
“Việt Nam nên cảnh giác vì sự can dự của Mỹ vào các vấn đề khu vực kể từ Thế chiến thứ hai luôn kết thúc trong hỗn loạn khu vực và đau khổ của con người trong khi Mỹ khoanh tay đứng nhìn,” tờ báo viết thêm.
Lê Xuân - Theo Tri Thức VN