Dục vọng chính là thứ thuốc độc mạnh nhất, có thể dễ dàng hủy hoại một con người. (Ảnh: Shin-light)
Ý niệm lệch lạc có thể làm cho con người phạm phải sai lầm, nếu bạn không xem đó là một lời cảnh báo, bạn dễ dàng rơi vào vực thẳm không đáy của dục vọng. Thậm chí, một số người đi đến con đường hại người, cuối cùng hại chính bản thân mình.
“Giới dâm tu phúc bảo mạng” là quyển sách ghi lại không ít ví dụ về việc đam mê dục vọng, làm điều sai trái mà phải chịu quả báo.
Cưới vợ không hiền đức, có ngày gặp cảnh dâm loạn
Tiền Ngoại Lang là một phú hộ giàu có, sống ở Võ Đoạn Lý, huyện Thường Thục, tỉnh Giang Tô. Trong cùng thôn, có người phụ nữ tên Đồ Phụ, dung mạo diễm lệ, tuy nhiên gia cảnh lại nghèo khó. Cô thường than ngắn thở dài, nào là không được mặc quần áo đẹp, nào là không mua nổi ngọc bội, trâm cài, vòng tay…
Tiền Ngoại Lang thường mượn cớ tới lui nhà người đẹp. Đến khi quen biết lâu ngày, còn đầu tư vốn cho chồng của cô làm ăn và bảo anh chồng đến huyện Lâm Khánh (nay là tỉnh Sơn Đông) để kinh doanh bán vải. Nhờ vậy, Tiền Ngoại Lang mới có cơ hội cùng phu nhân tư thông tâm tình.
Người chồng rất cảm kích sự giúp đỡ của Tiền Ngoại Lang, hy vọng nhanh chóng cải thiện cuộc sống, kiếm được chút tiền trang điểm cho vợ, để cô bớt oán than cuộc đời. Nhưng đâu biết rằng, Tiền Ngoại Lang giả làm người lương thiện, luôn mang trong lòng mối nguy hiểm cho người khác.
Một ngày anh chồng đi xa, tuy nhiên do thủy triều xuống thấp, không thể lái được thuyền đi, nên đành quay trở về. Khi bước vào cửa nhà, bắt gặp Tiền Ngoại Lang đang ôm vợ mình, ăn uống vui vẻ, lập tức nổi cơn giận dữ. Tuy nhiên anh ta đã kiềm chế, thấy xấu hổ vì mình đã nhận tiền của người ta, nên đã quay trở về thuyền.
Tiền Ngoại Lang cùng người vợ ngoại tình thấy sự việc bị bại lộ, liền thuê người đuổi giết; còn sắp đặt, ngụy tạo hiện trường như một vụ cướp của, giết người, vì thế, người chồng vô tội đã bị chết oan.
Suy nghĩ lệch lạc, sa vào cạm bẫy khó quay trở về
Đạo đức, hai chữ nghe qua có vẻ quá nặng nề, cũ kỹ, lỗi thời, nhưng nó chính là tấm lá chắn giúp con người không sa đọa. (Ảnh: Secretchina)
Vào thời nhà Thanh, tại Trì Châu (nay là huyện Quý Trì, tỉnh An Huy) có xảy ra lũ lụt, rất nhiều người mắc kẹt trong trận lũ.
Trong nhóm thuyền đi cứu nạn, có một lái thuyền đến cứu một cô gái, thấy cô gái xinh đẹp, mới nổi tà tâm, suy nghĩ lợi dụng cơ hội người ta đang gặp nguy khốn, tha hồ làm bậy theo ý của mình, nên đã sàm sỡ cô ấy.
Cô gái đã vùng vẫy hết sức và bị rơi xuống nước, cô sợ bị hắn làm nhục, vì thế không cho tên ác nhân cứu lên, cô gái đã dũng cảm trèo lên thân cây nổi trên mặt nước và sống sót. Lần này suýt nữa mất mạng, cảnh tượng diễn ra thật khủng khiếp, khi thoát khỏi miệng cọp, cô luôn ám ảnh trong lòng, trước sau khó phai nhòa.
Năm sau, cô gái này được gả đến thôn kế bên, ngày thứ hai của đám cưới, khi gặp gỡ họ hàng thân thuộc nhà trai, cô bất ngờ nhìn thấy người cậu của chú rể, chính là người đã cứu mình trong trận lũ lụt lần trước và có ý định làm nhục mình, chính là tên ác nhân này!
Trong một khoảnh khắc, sự xấu hổ, nỗi kinh hoàng khiến cô đau đớn. Nghĩ thầm người cậu này là anh em với mẹ chồng mình, cuộc sống sau này sẽ như thế nào đây?
Vì vậy, cô vừa khóc vừa kể lại cảnh ngộ cùng nỗi sợ hãi nói cho người nhà đi đưa dâu. Không lâu sau, người con gái đáng thương đã treo cổ tự vẫn mà chết.
Chuyện này đã được mẹ của cô gái tố cáo lên quan phủ, nhờ vậy mà sự việc được lan truyền ra ngoài. Thôn kế bên, họ hàng thân thuộc bàn tán xôn xao, chế nhạo nhà trai.
Khi biết rõ câu chuyện, người ta đều không muốn đem con gái của mình gả cho nhà này. Trải qua nhiều năm, đến mấy đời sau, cháu ngoại trai cũng không có cách nào cưới được vợ.
Người cậu của chú rể năm đó vì một phút suy nghĩ lệch lạc mà khiến cho người thân xấu hổ, số phận lỡ làng, từ đó ôm nuối tiếc cả đời.
Đạo đức, hai chữ nghe qua có vẻ quá nặng nề, cũ kỹ, lỗi thời, nhưng nó chính là tấm lá chắn giúp con người không sa đọa. Bao nhiêu người chỉ vì muốn được vui thích nhất thời mà ngoại tình, họ cảm thấy rằng “tình yêu” và cảm xúc cá nhân là quan trọng nhất, nên đã bỏ lại sau lưng những quy tắc truyền thống.
Tục ngữ có nói: “Có quy củ mới có vuông tròn; có chừng mực mới có giới hạn; có lập trường mới có tôn nghiêm!”. Giữ vững lập trường cũng là giữ vững sự tôn nghiêm cho chính mình.
Nhật Hạ biên dịch - Theo tinhhoa.net