Miền Nam Trung Quốc hiện mưa to vẫn kéo dài, 304 con sông bị ngập trên mức báo động, 26 tỉnh bị lũ lụt vây khốn, mực nước của Tam Hiệp vượt quá giới hạn cảnh báo, trên dưới sông Dương Tử có hàng ngàn hồ chứa nước đang sốt ruột muốn xả lũ, không ít nơi bị ngập chìm. Những điều này đã khiến đập Tam Hiệp hiện nguyên hình và có nguy cơ bị sập. Ngoài ra, Trung Quốc còn có ít nhất 80.000 hồ chứa giống như những "quả bom hẹn giờ"!
Từ tháng 6, ở Quý Châu, Trùng Khánh và các khu vực trung hạ lưu của sông Dương Tử liên tiếp hứng chịu các trận mưa lớn. Theo thống kê, cơn mưa liên tục dọc theo toàn bộ sông Dương Tử đã gây ra những thảm họa nghiêm trọng, 26 tỉnh và thành phố đã bị lũ lụt bao vây. Dự kiến mưa lớn sẽ tiếp tục ở khu vực Giang Nam trong tháng 7.
Mưa lớn ở phía tây nam Trung Quốc dội thẳng vào lưu vực sông Dương Tử, gây ra lũ lụt ở nhiều nơi. Ngoài ra, mực nước của đập Tam Hiệp vượt quá giới hạn cảnh báo, khoảng 1.000 hồ chứa ở thượng, trung và hạ lưu của sông Dương Tử xả lũ gấp khiến không ít nơi bị ngập lụt. Tuy nhiên, thông tin khí tượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ gọi là "mưa rơi nặng hạt" để mô tả đợt thiên tai lũ lụt này.
Gần đây, ở thượng nguồn sông Dương Tử có những trận mưa lớn tại Ô Giang, Mân Giang và Tiểu Giang. Do vậy, lưu lượng chảy vào hồ chứa Tam Hiệp bắt đầu tăng vào ngày 27/6. Vào chiều ngày 28/6, lưu lượng chảy vào hồ chứa đạt 40.000 m3/s. Để đối phó với lũ lụt, Cục kiểm soát lũ sông Dương Tử yêu cầu xả nước hồ chứa Tam Hiệp để điều chỉnh về mức trung bình 35.000 m3/s. Vào ngày 29/6, đập Tam Hiệp đã mở hai cửa để xả lũ.
Chính quyền ĐCSTQ tuyên bố rằng đập Tam Hiệp thường có thể đối phó với dạng lũ có tần suất thiên niên kỷ, có lưu lượng 98.800 m3/s. Tuy nhiên, lưu lượng chảy 40.000 m3/s ở thượng nguồn sông Dương Tử - thấp hơn tiêu chuẩn lũ tần suất 10 năm, mà "trận hồng thủy số 1 năm 2020" đã hình thành ở thượng nguồn sông Dương Tử. Trong tháng 7, còn có một đợt lũ mới, càng làm gia tăng nguy cơ cho đập Tam Hiệp.
Hiện tại, thượng nguồn và hạ lưu đập Tam Hiệp đang đối mặt với các mối đe dọa lũ lụt nghiêm trọng. Thượng du Tứ Xuyên đã trở thành nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận mưa lớn này. Đến cuối tháng 6, các đơn vị thủy văn ở châu tự trị Ngawa của Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Cam Tư đều đã lần lượt đưa ra cảnh báo lũ màu cam. Hơn 210.000 người đã bị ảnh hưởng ở Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, kiểm soát lũ khẩn cấp màu vàng đã được đưa ra.
Đối mặt với tình hình lũ lụt liên tục của thượng nguồn sông Dương Tử, đập Tam Hiệp đã được mở cửa xả lũ, dẫn đến hạ lưu từ Hồ Bắc xuôi dòng xuống Hồ Nam, Giang Tây và Giang Tô liên tiếp gặp nạn.
Lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố Nghi Xương và Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở hạ lưu đập Tam Hiệp. Nghi Xương chỉ cách đập Tam Hiệp hơn 40 km và là trạm đầu tiên ở hạ lưu đập Tam Hiệp. Ngày 27/6, mưa lớn đã xảy ra tại thành phố Nghi Xương, lượng nước trong khu vực đô thị rất nghiêm trọng và các phương tiện xe cộ gần như bị nhấn chìm.
Sáng ngày 5/7, Vũ Hán, Hoàng Cương, Kinh Châu, Ân Thi, Tiềm Giang và những nơi khác của tỉnh Hồ Bắc đã đưa ra cảnh báo mưa bão màu đỏ.
Vào ngày 4/7, đài quan sát khí tượng trung ương đã dự báo rằng các khu vực có lượng mưa lớn trước đó trong 10 ngày tới sẽ lại bị mưa tiếp, chủ yếu ở khu vực phía tây nam, Giang Hán, Giang Hoài và phía bắc Giang Nam. Hiệu ứng mưa chồng chất sẽ gây ra các thảm họa thứ cấp như lũ ống, thảm họa địa chất, làm tăng đáng kể nguy cơ nước dâng cao ở các nhánh sông nhỏ và vừa, gây lũ lụt ở thành thị và nông thôn, cần phải phòng ngừa đặc biệt.
Trung Quốc vẫn còn 80.000 "quả bom hẹn giờ"
Ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia thủy lợi người Trung Quốc sống ở Đức, nói rằng lũ lụt trên toàn Trung Quốc hiện rất nghiêm trọng. Nhưng địa điểm cụ thể, mức độ nghiêm trọng và tình hình về thương vong, sẽ không được ĐCSTQ đưa tin thông báo. Vì vậy, người dân địa phương đều không cách nào biết được thông tin thiên tai chân thực của nơi họ ở.
Ông Vương tiết lộ rằng đập Tam Hiệp không có khả năng kiểm soát lũ như ĐCSTQ khoe khoang. Đập Tam Hiệp hiện đang phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa lớn ở thượng nguồn và trung lưu, cả ở hạ lưu khí hậu cũng cực đoan đang mưa xối xả. Trận lụt ở sông Dương Tử năm 1954 chính vì thế mà đã xảy ra, chỉ cần thượng và hạ lưu đồng thời mưa bão, sẽ khiến khả năng phòng lũ được của đập Tam Hiệp "hiện nguyên hình".
Ông Vương cho rằng rò rỉ xung quanh âu tàu của đập Tam Hiệp là không lạc quan. Nếu vỡ đập, khu vực hạ lưu sẽ bị ngập hoàn toàn từ Nghi Xương đến Thượng Hải.
Ngoài đập Tam Hiệp, Trung Quốc còn có 80.000 "quả bom hẹn giờ". Ông Vương đã viết rằng có hơn 98.000 hồ chứa ở Trung Quốc, hơn 66.000 hồ chứa đã từng có nguy hiểm và hơn 16.000 hiện đang gặp nguy hiểm.
Vào ngày 11/6/2019, tại cuộc họp giao ban chính sách thường xuyên do ĐCSTQ tổ chức, Điền Dĩ Đường (Tian Yitang), Cục trưởng Cục phòng chống lụt bão và hạn hán của Bộ Thủy lợi, cho biết Trung Quốc có hơn 98.000 đập hồ chứa, trong đó hơn 66.000 đập hồ chứa từng có nguy cơ, và hơn 16.000 đập hồ chứa khác đang có nguy hiểm, cần khẩn trương gia cố.
Ông Vương phân tích, theo dữ liệu này, có hơn 82.000 đập hồ chứa đã và đang có nguy hiểm, chiếm 84% tổng số đập hồ chứa ở Trung Quốc. Ông Điền Dĩ Đường quy cho một trong những lý do chính khiến các đập hồ chứa này bị nguy hiểm là do hầu hết các đập hồ chứa đều được xây dựng vào những năm 1950 và 1970.
Nói cách khác, những đập hồ chứa này đã được sử dụng trong hơn 40 - 60 năm. Nếu tính theo tuổi thọ bình thường của các đập hồ chứa trong 50 năm, các đập hồ chứa này đã kết thúc thời gian sử dụng bình thường hoặc đã quá hạn.
Cuộc điều tra và thống kê về đập hồ chứa nguy hiểm được bắt đầu vào năm 1975 khi xảy ra sự kiện vỡ đập Bản Kiều. Vào thời điểm đó, có hơn 60 đập hồ chứa, hai trong số đó là các hồ chứa cỡ trung bình - Bản Kiều và Thạch Mạn Than. Đập Bản Kiều vỡ đã khiến 240.000 người tử vong.
Ông Vương nói rằng Trung Quốc đã xây dựng hàng chục hồ chứa trên một con sông, nếu một cái bị vỡ đập, thì hồ chứa bên dưới cũng vỡ đập theo. Những hồ chứa này giống như một quả bom hẹn giờ, vì vậy những người dân Trung Quốc sống phía dưới hồ chứa rất không an toàn.
Ông Vương từng cảm khái nói một câu và được lưu truyền trong giới kỹ thuật Trung Quốc rằng: "Cầu vàng, đường bạc, đập kim cương", ý rằng lợi nhuận của việc xây dựng một con đập là cao nhất. Xây dựng đập thủy điện cũng đã trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế, nhưng tất cả con đập chắc chắn đều không tránh khỏi việc đã chôn sẵn ở dưới những quả "bom hẹn giờ".
Minh Thanh - Theo NTDVN