“Cứ thế chị em tôi lớn lên trong giai đoạn chiến tranh với tiếng còi báo động cùng cái mùi nồng mốc của hầm trú ẩn vào giữa đêm khuya như trò chơi trốn tìm, tôi cứ hồn nhiên vô tư lự chẳng hề hay mẹ đã phải vất vả giật gấu vá vai cho tâm hồn chúng tôi được lành lặn…”
Người Việt Nam một thời hẳn đều khó quên vẻ đẹp đằm thắm của Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi, ba người con gái tài năng của nghệ sĩ kịch nói Trần Tiến và Lê Mai. Trong đó, Lê Vi là diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ múa, từng đạt giải thưởng Bông Sen Vàng năm 1996 cho vai diễn trong bộ phim Cây bạch đàn vô danh của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Nhiều năm định cư ở nước ngoài, Lê Vi vẫn giữ cho mình vẻ đẹp dịu dàng rất Hà Nội ấy. Chị nhiều lần chia sẻ về ký ức tuổi thơ bên gia đình, những ký ức hồn nhiên quá đỗi mà dường như mang chở một thông điệp sâu xa. Mới đây, những dòng tâm sự của Lê Vi về mẹ đã xúc động trái tim của nhiều người.
***
Tôi vẫn thấy hình ảnh tôi, một bé gái, bé lắm, sáng nào cũng được mẹ cho ngồi trước cửa phòng bếp, khu dưới trong ngõ xóm 20 Phan Đình Phùng, trên tay là miếng giấy học sinh được khum lại, bên trong đựng một ít sữa bột Trung Quốc trộn đường. Mẹ đặt vào tay thế nào tôi giữ nguyên như thế, cứ hì hụi liếm từ đầu đến hết nhẵn.
Trước mặt nhìn ra phía cây bàng cổ thụ, trên cây có một giò phong lan mà chính mẹ mang ở rừng về khi đi vào chiến trường diễn phục vụ bộ đội, nó ôm chặt lấy cây bàng không rời và thường xuyên ra hoa tươi tốt cũng như tôi luôn dính mẹ không buông và lớn lên trông thấy mỗi ngày.
Mẹ hay may quần soóc và áo cộc bằng vải vụn xin được hoặc quần áo cũ của các chị sửa lại cho tôi mặc rất mốt, tôi luôn hãnh diện vì chỉ có tôi mới được mặc cái mốt độc đáo ấy vì mẹ may rất khéo và mẹ cũng tự nhận là mốt của mẹ luôn đi trước thời đại.
Tôi luôn được mọi người trong xóm yêu bởi ai tôi cũng theo, cho gì cũng ăn nên chẳng mấy nỗi tôi béo tròn, mọi người thường gọi tôi là “thằng Vi béo”. Thấy tôi dễ nuôi, dễ tính nên sáng nào cũng được giao nhiệm vụ sờ quang gánh cho bà Hồng làm nghề đồng nát mong bà được đắt hàng.
Cứ thế chị em tôi lớn lên trong giai đoạn chiến tranh với tiếng còi báo động cùng cái mùi nồng mốc của hầm trú ẩn vào giữa đêm khuya như trò chơi trốn tìm, tôi cứ hồn nhiên vô tư lự chẳng hề hay mẹ đã phải vất vả giật gấu vá vai cho tâm hồn chúng tôi được lành lặn.
Những khi bế tắc, mẹ tìm đến thầy bói xem tử vi cho ba chị em, kỳ vọng nhìn thấy tương lai xán lạn của các con làm điều an ủi cho cuộc đời cơ nhỡ của mình.
Một lần mẹ hồ hởi kể:
Ông thầy tướng phán “Trong ba tuổi này, tuổi Đinh Mùi là cao ngôi nhất”, ý nói là tôi cao ngôi nhất trong ba chị em.
Mẹ nghi ngờ nói với ông:
“Con này nó hiền lành lắm, không khôn ngoan như các chị nó đâu!”
Ông bảo:
“Thế nhân đãi kẻ khù khờ, ngu si hưởng thái bình, người xưa vẫn nói vậy mà”.
* * *
Tôi biết mẹ chẳng mong cái ngày tôi có thể làm quan, phát đại tài bởi tôi không có tố chất ấy, tôi lúc nào chỉ là một cô bé “khù khờ” bởi từng có người mang lợi đến tôi chẳng tiếp, mang danh đến tôi chẳng màng, tôi chỉ muốn được thỏa mãn đam mê với nghệ thuật mà thôi, bởi tôi không lấy vinh hoa phú quý làm thước đo giá trị cao thấp của mỗi người.
Thời gian trôi, cây bàng cổ thụ đã bị người ta hạ gục để chiếm không gian, số phận cây phong lan của mẹ ra sao chẳng ai đoái hoài, còn tôi, tôi cũng rời mẹ đi theo số phận của mình, tôi biết tôi đi để tìm đường trở về, về lại nơi mà mấy ai biết được ngôi nhà thực sự của mình ở đâu? Nơi đã từng có những người thân yêu của tôi ở đó, giờ là lúc tôi phải đưa họ trở về để chẳng bao giờ phải chia xa.
Mẹ,
Danh, lợi con không có để tặng mẹ như “Ngôi” cao nhất, con chỉ có Chân-Thiện-Nhẫn để bù lại những năm tháng nuôi con thành người thôi, mẹ nhận nhé!
Yêu mẹ❤️
***
Ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn mà Lê Vi nhắc đến ấy chính là nguyên lý chủ đạo của Pháp Luân Công, pháp môn tu luyện Phật gia mà chị đã bén duyên từ mùa Hè năm 2017. “Chân là chân thật, Thiện là đối đãi với mọi người bằng tâm thiện lành, và Nhẫn là khi đối mặt với những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống biết đối đãi ra làm sao để tâm được an lành”. Chị cười rạng rỡ chia sẻ trong niềm hạnh phúc rằng, đó là những điều chị đã chiêm nghiệm được sau khi đọc rất nhiều lần cuốn Chuyển Pháp Luân.
Lê Vi từng nói: “Cuộc sống xa quê hương, xa gia đình nên không phải lúc nào tâm mình cũng bình an. Bố mẹ Vi đã 80 tuổi rồi, không phải lúc nào cũng khỏe mạnh nên trước kia trong lòng Vi lúc nào cũng đau đáu, lo lắng. Nên khi tìm thấy Đại Pháp, Vi nghĩ giống như cánh cửa mở ra khai phá cho mình nhiều điều khiến tâm mình bình an và tĩnh tại”.
Dưới bài viết của Lê Vi, chị gái của chị, nghệ sĩ Trần Lê Vân đã để lại bình luận: “Mẹ và chị cả đang đọc những dòng suy nghĩ của em gái. Em đã trưởng thành vượt bậc. Chúc em ngày càng tinh tấn và tìm được niềm hạnh phúc đích thực của mình”.
Đăng theo ĐKN
Ghi chú: Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) là một môn khí công tu luyện cổ truyền theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Thông qua việc tu sửa tâm tính và rèn luyện thân thể trong Pháp Luân Đại Pháp, những người chân chính tu luyện có thể đạt đến trạng thái khỏe mạnh, hết bệnh và thăng hoa về cảnh giới tinh thần. Để biết thêm thông tin, mời các bạn truy cập vi.falundafa.org. Tất cả sách, nhạc luyện công và tài liệu hướng dẫn đều được cung cấp miễn phí.