Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các trường học và nhà trẻ ở Trung Quốc đang thực hiện nhiều hoạt động “cảm ơn Đảng”, trong đó có một chủ đề là “biết ơn Đảng đã cho tôi một môi trường tốt để phát triển”. Tuy nhiên, rất nhiều vụ việc ngược đãi và gây thương tích cho trẻ em ở các trường mẫu giáo đã được phơi bày rộng rãi trên khắp Trung Quốc.
Chấn thương thể chất
Một bé gái ba tuổi đến từ một trường mẫu giáo ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đã bị một giáo viên tra tấn bằng cách đâm 29 mũi kim lên cơ thể em.
Một cậu bé bốn tuổi ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đã bị ba giáo viên chích kim liên tục vào người.
Một giáo viên mẫu giáo ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, bị phát hiện có hành vi ngược đãi trẻ em, và những đứa trẻ mới biết đi dưới sự chăm sóc của người này bị phát hiện có nhiều vết sẹo trên cơ thể.
Một giáo viên mẫu giáo ở Phổ Ninh, tỉnh Quảng Đông, đã đánh đập một đứa trẻ mới biết đi, khiến bé bị chảy máu miệng và gãy răng.
Một cậu bé ba tuổi ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị thương ở đầu và cổ vì bị một giáo viên nữ đè ghế đẩu lên đầu.
Ở Thường Châu, tỉnh Giang Tô, một giáo viên mẫu giáo không chỉ tát trẻ một cách thô bạo mà còn bắt trẻ tự tát vào mặt mình.
Tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, một số giáo viên mẫu giáo đã đánh những học sinh nhỏ của họ.
Theo mô tả của những đứa trẻ và video ghi lại, các em đã bị đá, đánh vào đầu, tát vào mặt và kéo lê một cách thô bạo.
Hủy hoại lòng tự trọng
Tại tỉnh Vân Nam, một người mẹ cho biết con gái ba tuổi của cô đã bị giáo viên ép ăn phân từ bồn cầu tại một trường mẫu giáo ở Côn Minh, vì cô bé “không chăm chỉ học tập trong lớp và cư xử không tốt trong giờ ăn”. Cô cho biết, những đứa trẻ khác nói với cô rằng chúng đã nhìn thấy con gái cô bị giáo viên ép ăn phân hai lần.
Tại tỉnh Giang Tây, một nam giáo viên tại một chi nhánh của RYB Education (một công ty giáo dục mầm non được niêm yết công khai) đã đăng một bức ảnh trên tài khoản mạng xã hội Weibo của mình, mô tả một đứa trẻ đang cầm và ngửi bàn chân của một người lớn. Bài đăng bắt đầu với dòng chữ, "Trau dồi 'm' từ khi còn bé". Chữ “m” trong câu này được hiểu là ám chỉ đến việc bạo dâm, theo bình luận của các cư dân mạng khác.
Ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hồ Nam, một giáo viên lớp 2 đã yêu cầu khoảng hơn chục học sinh chưa quyên góp tiền xếp thành hàng để người này quay video và gửi vào nhóm phụ huynh. Phụ huynh đã được huy động để gây quỹ và mỗi học sinh được yêu cầu quyên góp 6 nhân dân tệ.
Người giáo viên thông báo: "Việc này phải được hoàn thành trong ngày hôm nay". Theo báo cáo, người giáo viên này đã làm theo sự hướng dẫn của nhà trường, do Quỹ Giáo dục huyện Vĩnh Thuận khởi xướng.
Việc quay video để “bêu xấu” những em học sinh không quyên góp tiền không phải là chuyện mới mẻ gì. Vào năm 2018, tại một trường tiểu học ở Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, 10 em học sinh đã bị giáo viên bắt đứng trên bục giảng với hai tay đặt sau lưng để giáo viên quay video lại, chỉ vì những em này chưa quyên góp tiền. Sau đó, đoạn video đã được gửi vào nhóm phụ huynh với mục đích chỉ trích.
Trong đoạn video, người giáo viên đọc tên từng học sinh và nói "10 em học sinh này đã không quyên góp".
Những học sinh không quyên góp tiền sẽ bị phạt xếp hàng “đứng xó”. Khuôn mặt của từng em sẽ đều được ghi hình lại, trong khi người giáo viên thì “hỏi cung” gay gắt. Cảnh tượng này rất quen thuộc, giống như những "lời thú tội" thường được phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước.
Trên thực tế, kể từ khi CCTV bắt đầu phát sóng lời thú tội công khai vào năm 2013, từ năm 2013 đến năm 2016, mỗi tháng có khoảng một lần thú tội vào khung giờ chính. CCTV đã đi đầu để chứng minh cho các địa phương thấy làm sao để “lôi” người ta ra xét xử công khai.
Lần này, việc Hồ Nam “xét xử công khai” những em học sinh không quyên góp tiền đã diễn ra tại huyện Vĩnh Thuận, một khu vực xa xôi và nghèo khó ở phía tây tỉnh Hồ Nam. Những đứa trẻ sống ở địa phương này phần lớn có hoàn cảnh khá khó khăn. Thật bất hạnh, nhân phẩm của con người còn không bằng 6 nhân dân tệ.
Nhiều thương vong bất thường
Ngày 13/4, một cậu bé bốn tuổi đã đột tử tại một trường mẫu giáo ở Đài Nhi Trang, tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc. Khi gia đình cháu bé chạy đến nhà trẻ yêu cầu kiểm tra camera an ninh thì nhà trường khẳng định rằng camera đã bị hỏng. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cái chết của cháu bé.
Vào ngày 28/4, tại một trường mẫu giáo ở thị trấn Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, một người đàn ông cầm dao bất ngờ tấn công giáo viên và các em học sinh. Các quan chức địa phương báo cáo đã có hai người chết (đều là trẻ em) và 16 người bị thương (trong đó có hai giáo viên). Tuy nhiên, theo lời những nhân chứng trên Internet, hơn hai đứa trẻ đã chết vào thời điểm đó, và con số thiệt mạng thực tế là hơn chín đứa trẻ.
Các báo cáo công khai từ năm 2010 đến năm 2020 cho thấy trong 11 năm qua, có nhiều vụ giết người ở các trường học trên cả nước Trung Quốc mỗi năm, đặc biệt là ở các trường tiểu học và mẫu giáo.
Hãy lấy một vài ví dụ.
Năm 2020, có hai người chết và bốn người bị thương trong một vụ án mạng ở một trường mẫu giáo ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông; một nhân viên bảo vệ bị sa thải tại một trường tiểu học ở thị trấn Vương Phủ, Quảng Tây, đã làm bị thương 39 học sinh và giáo viên.
Vào năm 2019, một nhân viên bảo vệ bị sa thải của một trường tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh đã tấn công và làm bị thương hơn 20 trẻ em bằng một cái búa.
Năm 2018, một nghi phạm đã tấn công và làm bị thương 14 trẻ em tại một trường mẫu giáo ở Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên.
Các số liệu trước đó cũng không khá hơn là bao. Theo thống kê năm 2010, trên khắp Trung Quốc đã xảy ra 5 vụ án mạng tại trường học, gồm 4 trường tiểu học và 1 trường mẫu giáo chỉ trong vòng 35 ngày. Các quan chức Trung Quốc báo cáo có tổng cộng ít nhất 13 người chết và gần 40 người bị thương. Sau đó, một bức ảnh được lan truyền trên Internet cho thấy các trường mẫu giáo trên khắp đất nước đã treo biểu ngữ biểu thị rằng chính quyền phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công.
Vào thời điểm đó, các nhà phân tích tin rằng các vụ tấn công trường học thường xuyên ở Trung Quốc không phải là tội ác đơn giản, mà là các vấn đề sức khỏe tâm thần biểu hiện từ các vấn đề xã hội.
Với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và dưới sự cai trị của chính quyền, sự chênh lệch giàu nghèo gia tăng, kéo theo đó là các vấn đề về trầm cảm và mất đạo đức. Thêm vào đó là một hệ thống luật pháp thiếu sót, dẫn đến thiếu công bằng và công lý. Những nhân tố này khiến các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần trở nên tồi tệ và lan rộng hơn.
Một thực tế quan trọng nhất nhưng bị bỏ quên là một vật - nhằm phân biệt học sinh Trung Quốc với phần còn lại của thế giới - chiếc khăn quàng đỏ. Học sinh được yêu cầu đeo khăn quàng đỏ, biểu tượng của việc trở thành thành viên của Đội Thiếu niên Tiền phong, một chi bộ của ĐCSTQ. Nhiều cái chết của trẻ em gắn liền với chiếc khăn quàng đỏ, thứ đã trở thành một thứ vũ khí sát thương.
Vào năm 2020, một cậu bé lớp 5 ở Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị chiếc khăn quàng đỏ làm ngạt thở tử vong trong khi em đang chơi đùa. Một vài học sinh được cho là đã chết vì treo cổ tự tử bằng khăn quàng đỏ.
Nói tóm lại, những vụ việc ngược đãi và gây thương tích cho trẻ em kinh hoàng ở Trung Quốc đã và đang tái diễn, và chúng là một cái tát vào mặt đối với tuyên truyền của ĐCSTQ rằng, “biết ơn Đảng đã cho tôi một môi trường tốt để phát triển”.
Tác giả: Chen Simin là một nhà văn tự do, người thường phân tích các vấn đề thời sự của Trung Quốc. Cô đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2011.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Xem thêm:
VIDEO - Nỗi thống khổ của trẻ em TQ, khi bị đàn áp vì tín ngưỡng tôn giáo
Thanh Hương
Theo Epoch Times tiếng Anh
Bản tiếng Việt đăng theo NTDVN