Nhiều người dân đến chùa Diệu Pháp, quận Bình Thạnh (TP.HCM) thả cá phóng sinh dịp lễ rằm tháng 7. Thế nhưng cá vừa được thả xuống sông thì ngay lập tức bị một số người chích điện, vớt lên thuyền.
Báo Dân Trí đưa tin, từ sáng sớm nay 11/8 (tức 14 tháng 7 Âm lịch), nhiều người dân đến chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TP.HCM) mang theo cá và khấn vái trước khi phóng sinh
“Tôi thường thả cá ra sông vào những ngày rằm với mong muốn tạo phước, mang lại sự sống và bình yên cho vạn vật”, bà Tuyết (sống ở Bình Thạnh), chia sẻ.
Theo nhiều người, việc thả cá phóng sinh còn giúp họ cảm thấy lòng thanh thản, xua tan nhiều muộn phiền trong cuộc sống.
Ven bờ nước, một số người dùng thuyền máy nhỏ có trang bị dụng cụ vợt xung điện ngay lập tức bắt cá vừa được người dân thả phóng sinh.
Bà Lâm Ngọc Hồng (sống ở quận Tân Phú) đến chùa Diệu Pháp thả cá phóng sinh sáng nay. Tuy nhiên, bà không phóng sinh tại bến mà đi ghe ra giữa sông thả để tránh việc cá bị nhóm chích điện bắt trở lại.
Giống như bà Hồng, nhiều người cũng lựa chọn việc đi thuyền ra giữa sông để phóng sinh thay vì thả cá ở ven bờ nước.
Tuy nhiên, một người đàn ông dùng thuyền máy nhỏ tiếp cận gần khu vực thuyền của những người ra giữa dòng để phóng sinh. Một lượng lớn cá vừa xuống nước đã không thoát khỏi cảnh bị chích điện, vớt lên ghe.
Ngoài chích điện, một số người dùng vợt, lưới để bắt cá phóng sinh. Một con cá chép lớn vừa được thả xuống mặt nước đã bị bắt cho vào túi lưới.
Bắt cá phóng sinh có bị xử lý không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc đánh bắt thủy sản (cá, rùa) bằng xung điện là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả người thực hiện hành vi gây ra, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Trường hợp sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền 40-50 triệu đồng. Bên cạnh hình phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện (nếu có) và ngư cụ.
Ngoài ra, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo Điều 242 BLHS.
Cụ thể, nếu người dùng dòng điện đánh bắt thủy sản gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 242 BLHS hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, chị cần chụp, ghi hình hành vi của những người xiệt điện cá, nhờ người gần đó chứng kiến, làm chứng; đồng thời làm đơn trình báo sự việc lên UBND hoặc Công an phường tại đó, kèm ảnh và video, để yêu cầu cơ quan này có biện pháp xử lý.
Theo Dân Trí
Xem thêm: Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài? - Tinh Hoa TV