Lũ lụt do mưa lớn ở các tỉnh Thiểm Tây và Tứ Xuyên đã khiến mực nước sông Trường Giang (cũng gọi là sông Dương Tử) dâng tràn bờ trong những ngày gần đây, gây ngập lụt các thành phố ở khu vực phía Tây của Trung Quốc.
Theo đài truyền hình nhà nước CCTV dẫn lời giới chức, mực nước sông ở thành phố Trùng Khánh có thể vượt quá mức an toàn vào ngày 19/8, có nghĩa là bờ đê ở khu vực này có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Trong cuộc họp báo ngày 13/8, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết, lượng mưa ở các khu vực dọc sông Trường Giang và sông Hoài đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1961.
Trong khi đó, Thứ trưởng quản lý tình trạng khẩn cấp Zhou Xuewen đã vô tình tiết lộ rằng hơn 4 triệu người dân đã phải sơ tán khỏi nhà mình vì đợt lũ lụt năm nay.
Mưa lớn đã bắt đầu di chuyển về phía bắc đến các khu vực có sông Hoàng Hà, sông Hải, sông Tùng Hoa và sông Liêu. Sông Hoàng Hà đã trải qua lũ lụt kể từ ngày 11/8, nhưng các nhà chức trách vẫn giữ im lặng về tác động của nó.
Hai trận lũ lụt liên tiếp
Ủy ban sông Trường Giang thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc ngày 16/8 đã thông báo rằng đỉnh lũ mới hình thành ở sông Gia Lăng - một nhánh sông chính của Trường Giang - đang đổ vào sông Trường Giang gần khu vực Trùng Khánh, một thành phố rộng lớn với hơn 30 triệu cư dân.
Đỉnh lũ sông Gia Lăng dự kiến sẽ kích hoạt một đỉnh lũ khác ở sông Trường Giang vào ngày 19/8, theo Ủy ban này.
Chính quyền thành phố Trùng Khánh vào ngày 16/8 cho biết, khu vực thượng nguồn của sông Trường Giang cũng đang bị đe dọa bởi mưa lớn. Lũ lụt từ sông Gia Lăng và thượng nguồn của sông Trường Giang có thể khiến mực nước của Trường Giang vượt quá giới hạn an toàn vào ngày 19/8. .
Trong khi đó, các khu vực trũng thấp ở các thành phố Mi Sơn, Quảng Nguyên và Đức Dương ở tỉnh Tứ Xuyên cùng thành phố Trùng Khánh đã bị ngập trong lũ lụt kể từ ngày 13/8, theo video mà người dân chia sẻ với The Epoch Times.
Lũ lụt cũng đã được báo cáo ở Lược Dương, một quận ở tỉnh Thiểm Tây. Vào lúc 4:10 chiều ngày 16/8, chính quyền quận đã ra lệnh cho tất cả người dân, bất kể nông thôn hay thành thị, phải di chuyển lên ít nhất là tầng 3 của các tòa nhà cao hơn 6 tầng.
Chính quyền cũng liệt kê tên 9 khu nhà ở mà họ cho rằng đã quá cũ để chống lại lũ lụt có thể xảy ra.
Nhiều thành phố khác ở tỉnh Tứ Xuyên như Thành Đô, trấn A Bá (Ngawa) và Miên Dương cũng báo cáo tình trạng ngập lụt nghiêm trọng vào ngày 16/8.
Trong khi đó, mưa lớn cũng gây ra lũ lụt dọc theo các khu vực của sông Hoàng Hà, cụ thể là ở thành phố Lâm Nghi thuộc tỉnh Sơn Đông và thành phố Long Nam thuộc tỉnh Cam Túc. Mưa bão đã nhấn chìm các ngôi làng và gây ra lở đất.
Không rõ có bao nhiêu người bị ảnh hưởng; không có thông tin chính thức nào về các trường hợp chết hoặc mất tích.
Tác động của lũ lụt
Trong khi mưa lớn đã gây ra lũ lụt lịch sử kể từ tháng Sáu, giới chức Trung Quốc từ chối tiết lộ tổng lượng thiệt hại do thảm họa. Người dân nói với The Epoch Times rằng chính quyền đã cấm mọi người đăng thông tin trực tuyến và chặn người dân tiến vào các ngôi làng bị sạt lở đất.
Trong cuộc họp báo, ông Zhou đã thừa nhận rằng trên toàn quốc, hơn 63 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong năm nay, với hơn 4 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình.
Ông Zhou cho biết, 17.500 người trong số những người bị mất nhà cửa đã được lính cứu hỏa cứu hộ hoặc sơ tán; hơn 3,98 triệu người còn lại đã phải tự mình thoát khỏi lũ lụt.
Thứ trưởng Zhou cũng cho biết 2/3 diện tích đất ở tỉnh Giang Tây đã bị lũ nhấn chìm trước vụ thu hoạch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, toàn bộ đất nước có 42,13 triệu ha đất nông nghiệp chất lượng tương đối tốt. Phần lớn nó nằm trong các vùng lưu vực của sông Trường Giang, sông Hoài và sông Hoàng Hà. Đây lại là những khu vực xảy ra lũ lụt nghiêm trọng nhất trong năm nay.
Du Miên
Theo The Epoch Times
Đăng theo NTDVN