Lý Băng, người nhà Tần, sống thời Chiến Quốc, được người đời sau gọi là chuyên gia trị thủy. Công trình thủy lợi Đô Giang Yển (đập ngăn nước Đô Giang) của ông đã giúp Tứ Xuyên được mưa thuận gió hòa suốt mấy nghìn năm, không phải hứng chịu lũ lụt. Hoá ra bí mật nằm ở “linh thú” được hạ thuỷ xuống lòng sông.

Người ta nói rằng một linh thú bằng đá có hình giống như tê giác hay hà mã được phát hiện vào năm 1973 tại quảng trường Thiên Phủ (Tứ Xuyên). Trong cuốn sách “Nghiên cứu di tích cổ Thành Đô” có ghi lại rằng: “Khi xây dựng tòa nhà viễn thông, người ta đã đào được một tượng thú bằng đá, nó nặng đến mức không thể di chuyển được, vẫn chôn tại chỗ, trở thành một phần móng của tòa nhà”. Tuy khi đó người ta không đào con thú đá này lên nhưng 40 năm sau vào năm 2013, tượng thú đá đã được các chuyên gia khai quật, từ đó đến nay, Tứ Xuyên xảy ra lũ lụt liên miên.

Truyền thuyết kể rằng, Lý Băng đã cho chế tạo tổng cộng 5 con thú đá để trấn áp thủy tai. Theo “Thục Vương bản ký” ghi chép lại: “Nước sông gây hại, Thục Vương nghe theo Lý Băng, cho người làm 5 con thú đá: 2 con đặt trong phủ, 1 con đặt dưới cầu thành, 2 con đặt dưới nước, để trấn áp thủy quái”.

Vì sao Lý Băng lại dùng thú đá? Có thật là thú đá có thể trấn thủy?

“Thành Đô ký” của Lữ Cầu thời Đường có ghi chép: Thời Chiến Quốc, khi Tần Chiêu Vương còn tại vị, Lý Băng giữ chức thái thú quận Thục. Tương truyền dưới sông ở quận Thục có một con giao long, năm nào cũng dấy lên sóng to gió lớn, khiến người dân thường xuyên phải hứng chịu lũ lụt gây hại.

Là người bảo vệ quận, Lý Băng cảm thấy rất đau lòng trước cảnh người dân dưới sự cai quản của mình phải chịu tai họa này. Vì vậy, ông tích cực nghĩ cách xây dựng các công trình thủy lợi, ngăn chặn và phân luồng lũ lụt, cứu trợ dân chúng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ông còn cho mở kho, phát lương thực cho những người bị đói. Sau khi nước rút, ông đã gây quỹ giúp dân dựng lại nhà cửa, phát lương thực, hạt giống cho nạn dân để họ khôi phục sản xuất, đồng thời giúp đỡ những người dân đói khổ tha hương, cho họ trở về quê hương lập nghiệp.

Mặc dù Lý Băng đã hết sức lãnh đạo nhân dân chống lũ lụt, khôi phục sản xuất, xây dựng lại nhà cửa nhưng giao long hàng năm đều dâng nước lớn gây hại. Những công trình thủy lợi vừa mới tu sửa xong năm thứ nhất, đến năm thứ hai đã bị nước lũ phá hủy. Nhà cửa của dân chúng cứ xây rồi lại sập. Phần lớn người dân vẫn phải hứng chịu nỗi khổ lũ lụt. Vì vậy Lý Băng hạ quyết tâm phải ngăn lũ từ gốc rễ, ông quyết xuống nước chém giao long, triệt để loại trừ mối tai họa cho dân. Lý Băng khẽ lắc người biến thành một con tê giác to lớn, nhảy xuống sông, người ta chỉ thấy con giao long to như cự long bơi qua bơi lại đánh nhau với tê giác. Hai bên giao tranh một hồi, nhận thấy khó có thể đánh bại giao long, Lý Băng nhanh chóng lên bờ.

Con thú đá trông giống tê giác được đào lên ở Thành Đô, Tứ Xuyên (ảnh: Dẫn qua Secretchina).

Sau khi trở về phủ, Lý Băng đích thân chọn lựa mấy trăm dũng sĩ cao lớn khỏe mạnh, phát cho mỗi người cung và mũi tên khổng lồ rồi căn dặn: “Lần trước ta hóa thành một con tê giác xuống nước, bây giờ giao long chắc chắn cũng sẽ biến thành tê giác. Nên ta sẽ buộc một dải lụa trắng trên đầu, khi các ngươi trông thấy hai con tê giác giao chiến, thì hãy bắn tên vào con không buộc dải lụa trắng”.

Nói xong, Lý Băng lại nhảy xuống sông. Lát sau, gió gào chớp giật, trời đất tối đen, chỉ thấy hai con tê giác đang quần nhau trên mặt nước. Dải lụa trắng trên đầu Lý Băng vừa dài vừa trắng, các dũng sĩ trên bờ đồng loạt giương cung lắp tên bắn về phía con trâu không buộc lụa trắng. Giao long trúng tên, chết ngay tại chỗ. Từ đó, dân chúng ở quận Thục không còn phải chịu nạn lụt nữa.

Trong truyền thuyết, Lý Băng đã biến thành một con tê giác, mà 5 con thú đá kia có lẽ chính là bản thể của ông. Trên thực tế, nếu nói rằng tê giác đang trị thủy cũng không khác gì nói rằng mấy nghìn năm nay Lý Băng vẫn luôn ở bên cạnh bách tính, bảo vệ vùng đất Tứ Xuyên. Và thú đá bị khai quật lên có lẽ cũng là ý trời. Khi đạo đức con người ngày càng suy đồi thì Thần linh cũng không thể chấp nhận mãi bảo hộ con người nữa.

Theo Secret China
Quỳnh Chi biên dịch

Đăng theo DKN