Các chính trị gia cao cấp từ 8 quốc gia dân chủ vào ngày 5/6 đã thành lập “Liên minh Nghị viện về chính sách Trung Quốc” (Inter-Parliamentary Alliance on China) để đối phó với những thách thức toàn cầu do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tạo ra. Chỉ trong vòng một tuần ra mắt, liên minh đã mở rộng ra 13 quốc gia, với hơn 100 chính trị gia gia nhập.
Tạp chí Phố Wall ngày 12/6 đưa tin rằng, Liên minh đặc biệt của các chính trị gia tới từ các nước phát triển cho thấy, mối lo âu gần đây về Bắc Kinh đã lan rộng ra toàn cầu như thế nào.
Khởi đầu liên minh là 4 thành viên Đảng Cộng hòa và 4 thành viên Đảng Dân chủ của Quốc hội Hoa Kỳ, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Marco Rubio và nghị sĩ Robert Menendez. Sau đó, Liên minh đã thu hút được các nghị sĩ hoặc chính trị gia từ các 8 quốc gia dân chủ gồm Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Úc, Canada, Đức, Na Uy và Thụy Điển, bao gồm tổng cộng 18 vị đồng chủ tịch.
Ngoài các nhân vật lớn trong Quốc hội Hoa Kỳ, còn có cựu Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani, thành viên của Ủy ban đối ngoại của nghị viện Châu Âu Miriam Lexmann, và Iain Duncan Smith, cựu chủ tịch của Đảng Bảo thủ Anh.
Liên minh cho biết họ sẽ chú ý đến 5 lĩnh vực, bao gồm duy trì trật tự dựa trên các nguyên tắc quốc tế, nhân quyền, thúc đẩy công bằng thương mại, tăng cường phát triển chiến lược an ninh đối với Trung Quốc (ĐCSTQ) và bảo đảm sự trung thực của quốc gia để không làm tổn hại đến nền kinh tế của các quốc gia khác.
Gần đây, Bắc Kinh đã thúc đẩy “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” và đã được thông qua tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc hồi cuối tháng 5. Động thái bỏ qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông này đã dẫn đến sự lên án từ các chính phủ phương Tây.
Chính phủ Hoa Kỳ ngay lập tứ tuyên bố sẽ hủy bỏ các chế độ ưu đãi thương mại do Hoa Kỳ cấp cho Hồng Kông, Vương quốc Anh cũng cho biết họ sẽ sửa đổi chính sách nhập cư của mình và xem xét cho phép gần 3 triệu người dân Hồng Kông đủ điều kiện nhận hộ chiếu Anh (BNO).
Theo một phần tuyên bố được công bố bởi “Liên minh Nghị viện về chính sách Trung Quốc” trên trang web của mình, thì mục tiêu của tổ chức là “phối hợp giữa các quốc gia dân chủ để ứng phó với những thách thức đặt ra bởi các hành vi hiện tại và tham vọng trong tương lai của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Danh sách các quốc gia, và địa khu mới gia nhập vào liên minh bao gồm Cộng hòa Séc, Đức, Ý, Litva và Hà Lan.
Người khởi xướng Liên minh, nghị sĩ Marco Rubio hôm 10/6 nói rằng: “Việc làm thế nào để đối phó với Trung Quốc (ĐCSTQ) là một vấn đề lớn mà các đảng phái không thể tự giải quyết, cũng không chỉ giới hạn trong một chính phủ cụ thể nào”.
Bà Susan Shirk, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thế kỷ 21 tại Đại học California, San Diego, nói với Tạp chí phố Wall rằng, việc một tổ chức nhỏ lẻ có thể hợp tác tạo thành một thế lực mới để chống lại Bắc Kinh, thì đây là một thực tế rất đáng chú ý.
Bà nói rằng Liên minh được thành lập để cho các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ thấy rằng, sự bất mãn với hành động bành trướng quá mức của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không còn chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ.
Gia Hưng - Theo Tinh Hoa