Theo NTD (27/5), từ ngày ĐCSTQ đưa ra “Dự luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, người dân Hồng Kông lại một lần nữa xuống đường và tiếp nối cuộc đấu tranh đẫm máu của chiến dịch phản đối “Luật dẫn độ”. Nhân sĩ nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho hay, hàng nghìn cảnh sát từ Cục An ninh Quốc gia và Cục An ninh Công cộng ĐCSTQ đã bí mật vào Hồng Kông để tiếp viện. Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Quảng Đông đã tới Hồng Kông để chỉ đạo cuộc đàn áp.

ĐCSTQ đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” ngay trong phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã bóp chết chính sách “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông, dẫn đến một làn sóng kháng nghị mới ở Hồng Kông. Thủ đoạn trấn áp của ĐCSTQ và chính phủ Hồng Kông không ngừng leo thang, nhiều người dân Hồng Kông xuống đường kháng nghị đã bị bắt bớ đánh đập. Chỉ riêng ngày 24/5, có ít nhất 180 người đã bị cảnh sát bắt giữ.

Vào tối ngày 25/5, tại Trung tâm tài chính quốc tế Trung Hoàn, Hồng Kông (IFC), người dân Hồng Kông đã phát động buổi mít-tinh phản đối “Luật An ninh Quốc gia” để hâm nóng hoạt động bao quanh trụ sở chính phủ vào ngày 27/5. Đêm đó, người dân thành phố lần đầu tiên đưa ra kêu gọi để yêu cầu quân đội Hoa Kỳ đổ bộ vào Hồng Kông để bảo vệ người dân Hồng Kông.

Đồng thời, các khẩu hiệu như “đả đảo ĐCSTQ”, “Trời diệt Trung Cộng”, “Một quốc gia, một Hồng Kông” không ngừng vang lên.

“Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” chưa lắng dịu, ngày 26/5, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông lại tiếp tục đưa ra “Dự luật Quốc ca” và lên kế hoạch thực hiện “Luật Quốc ca” của ĐCSTQ tại Hồng Kông. ĐCSTQ và chính phủ Hồng Kông phối hợp thực hiện kế hoạch trên đã gây ra sự phẫn nộ lớn hơn trong người dân Hồng Kông, dấy đến một loạt các cuộc biểu tình.

Sáng sớm ngày 27/5, 3.000 cảnh sát chống bạo động đã dựng rào chắn, lưới sắt và xe phun nước trong khu vực Hội đồng Lập pháp, một số cảnh sát chống bạo động đứng bên trong chờ lệnh. Hơn 3 giờ chiều, ít nhất 260 người biểu tình đã bị bắt giữ.

Một nhân sĩ nội bộ ĐCSTQ ngày 27/5 tiết lộ với Thời báo Epoch Times rằng Lý Xuân Sinh (Li Chunsheng), Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Quảng Đông, hôm 25/5 đã đến Hồng Kông, và ông ta đích thân ngồi trong thị trấn với tư cách là Tổng chỉ huy tiền tuyến. Hơn nữa, các hệ thống an ninh quốc gia và an ninh công cộng của ĐCSTQ đã cử hàng ngàn người âm thầm lẻn vào Hồng Kông để bố trí phòng thủ.

Có phân tích cho rằng ĐCSTQ đã cưỡng chế đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” và gửi các quan chức an ninh quốc gia cấp cao từ Trung Quốc sang, sử dụng hàng ngàn lực lượng an ninh quốc gia và an ninh công cộng để vào Hồng Kông, mục đích chính là nhân lúc cả thế giới đang bận rộn với công tác phòng chống dịch bệnh ra tay đánh chiếm Hồng Kông.

Một cựu quan chức ĐCSTQ sống ở Hồng Kông nói với tờ Epoch Times rằng, Bắc Kinh ban đầu dự định thực hiện “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” vào tháng 2, cũng chính là bắt đầu tiến hành sau khi thỏa thuận giai đoạn đầu tiên được ký kết với Hoa Kỳ vào tháng 1, nhưng đã bị gián đoạn bởi sự xuất hiện bất ngờ của dịch bệnh.

Ông tiết lộ rằng Bắc Kinh nhận định tình hình quốc tế hiện tại đang xấu đi, rất khó để khôi phục quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian ngắn, ngoài ra cũng đang cố gắng duy trì mối quan hệ với các nước phương Tây khác. Ngoài ra, Hồng Kông ngày càng có khả năng trở thành bàn đạp để phương Tây can thiệp vào Trung Quốc Đại lục, như vậy sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho chính quyền ĐCSTQ. Do đó, Bắc Kinh tin rằng cần phải siết chặt kiểm soát Hồng Kông.

Nguồn tin nói rằng, công việc này được điều phối trực tiếp bởi Ban chỉ đạo công tác Hồng Kông – Ma Cao thuộc Trung ương ĐCSTQ, ngoài ra có sự phối hợp của Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, Cục Công tác Mặt trận Thống nhất, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Kinh tế và Thương mại cùng với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng có sự chuẩn bị của riêng mình, nếu cần thiết, họ có thể huy động Lực lượng Cảnh sát An ninh Vũ trang Quảng Đông để hỗ trợ. Các trang thiết bị hậu cần khác nhau của Cảnh sát Vũ trang đã được chuyển đến doanh trại quân đội Hồng Kông.

Ông cũng nói rằng ĐCSTQ đã chính thức phát động chiến dịch tuyên truyền của mình, dẫn đầu là CCTV, tiếp theo là truyền thông cánh tả ở Hồng Kông, các doanh nghiệp do Trung Quốc đầu tư đã chi trả rất nhiều tiền quảng cáo và huy động các thương hội, Hiệp hội chuyên nghiệp và Hội đồng hương để bày tỏ quan điểm của họ.

Ông ước tính rằng ĐCSTQ và Chính phủ Hồng Kông đã lên sẵn kế hoạch, tập trung đả kích “một số ít phần tử ngoan cố” đã tạo ra “bầu không khí khủng bố” ở Hồng Kông. Đồng thời, cũng nhân cơ hội này giúp đỡ phái Kiến chế – đảng phái thân cận với Bắc Kinh, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp vào tháng 9.

Nhà bình luận Lương Kinh trong một bài viết được đăng tải cho biết: “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” là Tập Cận Bình lặp lại mánh khóe cũ, mục đích là thông qua thủ đoạn này chuyển dời sự chú ý, giải thoát bản thân khỏi tình cảnh khốn đốn trước một loạt các yêu cầu đòi bồi thường từ phía cộng đồng quốc tế.

Lương Kinh phân tích rằng kể từ năm ngoái, Tập Cận Bình đã thua mất quá nhiều vốn liếng chính trị cho các vấn đề thương mại Mỹ-Trung và các vấn đề Đài Loan và biển Đông. Trong đó, vốn liếng chính trị mà ông phải trả cho vấn đề Hồng Kông có lẽ là lớn nhất, e rằng đây là điều khiến ông cảm thấy bất ngờ và đau đầu nhất. Nói cách khác, phong trào phản đối “Luật dẫn độ” là nguồn gốc của tất cả các loại xui xẻo mang đến Tập Cận Bình trong suốt một năm qua.

Thuận theo tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào, Tập Cận Bình phải đối mặt với một vòng thách thức chính trị mới. Có thể hình dung rằng một khi công tác kiểm soát dịch bệnh của Hồng Kông được dỡ bỏ, điều trước tiên khiến ông Tập đau đầu chính là hoạt động kháng nghị của người dân Hồng Kông sẽ mau chóng khởi động trở lại, bao gồm đêm thắp nến tưởng niệm sự kiện Lục Tứ và đại diễu hành chống ĐCSTQ ngày 1 tháng 7 sắp tới.

Chỉ cần nghĩ đến những hoạt động kháng nghị này của người dân Hồng Kông, cộng thêm truy cứu trách nhiệm và yêu cầu bồi thường của cộng đồng quốc tế về việc ĐCSTQ che giấu bệnh dịch, ông Tập sao có thể không đau đầu cho được. Ngoài ra, nếu cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp diễn ra vào mùa thu này lại thảm bại nữa, thế thì sẽ tổn hại rất lớn đến quyền uy của ông Tập. Hẳn vì không thể chấp nhận một tương lai “ảm đạm” như vậy nên Tập Cận Bình đã không tiếc đưa ra quyết định chính trị hủy hoại quyền tự trị của Hồng Kông tại thời điểm này.

 

Theo Li Quan, NTDTV.com
Vũ Dương dịch và biên tập

Đăng theo dkn.tv